Chủ Nhật, 12 tháng 2, 2012

Văn hóa từ chức và văn hóa dưới đáy


( Dưới sự cầm quyền độc đảng như hiện nay thì "văn hóa từ chức" trở thành một thứ "xa xỉ ". 
Tất cả các chức vụ cầm quyền hiện nay đều phải Mua bằng tiền, nầy nhé!: Thứ trưởng, 2 triệu..., Trưởng phòng, 5 trăm ngàn..., Giám đốc, tùy theo kích cở, 1 triệu...Đến cả Thầy chùa! Tùy theo, chùa lớn, chùa nhỏ cũng vài trăm ngàn thì...nói đến văn hóa từ chức chẳng khác nào chúng ta đang ngồi dưới đất mà nói chuyện trên trời.)


 Viết Lê Quân

 Ở Việt Nam, theo một “truyền thống” khó di dời về bản chất, khó có thể trông mong gì ở hành vi từ chức một cách tự nguyện như một cử chỉ văn hóa, khi mà văn hóa từ chức đã chưa hề tồn tại trong tiềm thức của những bậc thang phản giá trị.
Từ chức chỉ nên được xem là một cử chỉ có văn hóa khi người ta tự nguyện.

Nhưng với những quan chức nhà nước không “phát huy tinh thần tự nguyện” thì lại cần được xem xét văn hóa từ chức tại vị trí cận đáy của nó.

Đơn giản là ở Việt Nam, theo một “truyền thống” khó di dời về bản chất, hầu hết các trường hợp bị cho thôi chức, miễn nhiệm đều trong tình trạng đang ở “đỉnh”. Cái đỉnh đó, theo quan niệm thường thấy của người đời, được cấu thành từ quyền lợi, bổng lộc cá nhân.

Có lẽ cũng vì nguồn cơn thâm sâu ấy mà vào thời gian này, Bộ Nội vụ đang dự thảo một văn bản, có thể ở cấp nghị định, về văn hóa từ chức để trình Chính phủ.

Con Rồng quả là một năm cất cánh cho những người hạ cánh. Sau Tết Nhâm Thìn, khí sắc của năm nay đã có phần “vượng” lên đôi chút khi Thủ tướng quyết định cho thôi chức hai trường hợp - một là ông Đào Văn Hưng, chủ tịch EVN; và hai là ông Dương Chí Dũng, chủ tịch Vinalines.

Không nằm trong số cán bộ, công chức xin nghỉ việc nhà nước vì những lý do dễ cảm thông như lương thấp, môi trường công tác không bảo đảm điều kiện làm việc và thăng tiến…, những người lãnh đạo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam và Tổng công ty Hàng hải Việt Nam lại phải chịu “thiệt thòi” khi hai doanh nghiệp này đều có chung một đặc điểm lộ liễu: đầu tư và đầu cơ bạt mạng vào những ngành nghề trái tay như chứng khoán, bất động sản, bảo hiểm; và đều bị thiệt hại nặng nề từ chính các thị trường đầu cơ.

Nhưng công tâm mà nói, dù sao trường hợp bị cho thôi chức của ông chủ tịch Vinalines cũng còn có văn hóa hơn, bởi hoạt động đầu cơ của doanh nghiệp này chỉ mang tính cục bộ, gây ảnh hưởng cục bộ đến bản thân doanh nghiệp.

Khác rất nhiều với Vinalines, điều được gọi là “văn hóa đầu cơ” của EVN nằm ở một đẳng cấp cao hơn hẳn. Từ tháng 9/2011, người ta đã được chứng kiến một sự đồng pha nhuần nhuyễn: hàng loạt kết quả thua lỗ từ đầu tư trái ngành của EVN dần được công bố, lộ ra ánh sáng; nhưng cũng từ thời điểm đó đã khởi đầu cho một “âm mưu” của tập đoàn này nhằm chuyển lỗ từ thất bại trong kinh doanh trái ngành lên đầu người dây đóng thuế.

Cách thức duy nhất cho phương thức chuyển lỗ đó là tăng giá điện - một hình ảnh “uyển chuyển và linh hoạt” của đầu cơ quốc dân.

Văn hóa cũng vì thế đã trở về cận đáy của nó. Biến đầu cơ này thành một thứ đầu cơ khác, âm thầm di chuyển các khoản nợ nần từ đầu cơ thị trường lên tầm đầu cơ quốc gia, đổ thêm một chảo dầu vào đống lửa vốn đang sôi sục của giới làm công ăn lương đang bị điêu đứng vì nạn lạm phát treo cao trong năm 2011.

Ở một trường hợp khác, việc những lãnh đạo cao nhất của UBND huyện Tiên Lãng, Hải Phòng bị đình chỉ chức vụ mới đây, xem ra còn là một thứ văn hóa dưới đáy.

Những người vẫn thường xuyên tụng ca bài học “công bộc của dân” tại các buổi chào cờ đầu tuần, lại đã ngang nhiên đánh cướp nhân phẩm của người dân, trước khi quy kết cho người dân là “mất nhân tính”.

Nhưng trước khi người đời kịp nhận ra thực chất ai là kẻ mất nhân tính, hậu quả của quá trình thay đổi nhân tính này lại nặng nề không thua kém gì 31.000 tỷ đồng thua lỗ của EVN. Ở một chiều kích khác, hậu quả đó còn ghê gớm hơn, thuộc về những kẻ leo thang tước vị để sẵn lòng đạp lên lên cái thang giá trị của đức hạnh con người.

Điều duy nhất có thể bào chữa cho hành động đạp thang như thế là kẻ điên không thể biết là mình bị điên. Và vì thế, cũng không thể trông mong gì ở hành vi từ chức một cách tự nguyện như một cử chỉ văn hóa, khi mà văn hóa từ chức đã chưa hề tồn tại trong tiềm thức của những bậc thang phản giá trị.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét