Thứ Bảy, 28 tháng 7, 2012

Lương cơ bản không đủ sống, giá cả leo thang do lạm phát, sự ngược đãi của giới chủ và Công Đoàn nhà nước

Revolution fist.jpg

 "Lương cơ bản không đủ sống, giá cả leo thang do lạm phát, sự ngược đãi của giới chủ và Công Đoàn nhà nước, đó là những nguyên nhân chính dẫn tới việc bùng nổ các vụ đình công trong thời gian qua. Tình hình đó cho thấy giới công nhân đã dần tự mình thoát ra khỏi sự kìm kẹp của Công Đoàn nhà nước tay sai. Họ đã thấy được những quyền lợi chính đáng của mình đang bị vi phạm nghiêm trọng, đang bị giới chủ cấu kết với tổ chức Công đoàn nhà nước để bóc lột sức lao động. Vấn đề hiện nay của giới Công Nhân là họ cần phải được tổ chức chặt chẽ để đoàn kết hơn, do đó mà tránh được sự đàn áp thô bạo từ phía nhà cầm quyền. Thực tế đó đòi hỏi phải có sự xuất hiện của Công Đoàn Độc lập – một tổ chức thực sự đại diện và bảo vệ cho quyền lợi người lao động, do chính người Công Nhân lập nên. "

QUẢNG NAM - Với hơn 20 ngàn công nhân làm việc, khu công nghiệp Ðiện Nam-Ðiện Ngọc ở Ðiện Bàn, Quảng Nam được xem là khu công nghiệp lớn nhất miền Trung. Và cũng như hàng triệu người dân Việt Nam khác, họ đang từng ngày, từng giờ đối mặt với cơn bảo giá cả trên thị trường vì lạm phát.


                    

                                              Bữa cơm của công nhân khu công nghiệp.

 Khổ vì giá xăng tăng

Vì mức lương không thay đổi, vì tăng ca và mệt mỏi, vì mọi thứ thực phẩm đều tăng cao mỗi khi giá xăng tăng (lần này, giá xăng tăng 2,100 đồng mỗi lít), đời sống của người công nhân trở nên buồn tẻ hơn.
Sáu giờ chiều, chúng tôi ghé vào khu nhà trọ của những công nhân, không có gì cả, không có khói bếp ấm áp, không có ti vi, không có tủ lạnh, không có toilet ở phòng riêng, không có bàn ghế,...
Hương, cô công nhân 23 tuổi đang làm việc tại hãng giày Rieker, cho biết: “Tụi em nhà ở quanh Ðiện Bàn đây thôi, nhưng quyết định ở lại nhà trọ mà làm việc vì nếu cứ đi đi về về như vậy thì mỗi tháng tốn ít nhất cũng bốn trăm ngàn đồng tiền xăng.”
“Trong khi ở lại phòng trọ, chỉ tốn có hai trăm rưởi ngàn đồng, mà mình ở chung hai đứa, nên chỉ tốn có 125 ngàn đồng, cộng thêm tiền điện, nước nữa, cũng chưa tới 150 ngàn đồng. Như vậy tốt hơn nhiều chuyện đi xe, vừa nguy hiểm, vừa hao xăng, vừa mau hư xe...”
“Lương của em mỗi tháng từ hai đến hai triệu rưỡi đồng, khi nào tăng ca thì trên hai triệu đồng, chứ mà không tăng ca thì chỉ có hai triệu đồng, không biết tính thì chỉ có đói!”



                                 


                                 Khu công nghiệp Ðiện Nam-Ðiện Ngọc, Quảng Nam.


Mai, công nhân có thâm niên trên bốn năm của hãng giày Rieker, đã có đứa con nhỏ, cho biết: “Em thì mức lương khá hơn nhỏ Hoa, vì em làm lâu hơn, nên mỗi tháng kiếm được từ hai triệu rưỡi đến ba triệu đồng, vì mình có con nhỏ, nên không thể ở lại tập thể mà phải về nhà để còn lo cho con cái.”
“Hằng ngày, cứ 6h sáng là em ẵm con sang nhà bà ngoại để gửi, rồi 6h chiều lại về tắm rửa, lo cho con ăn... Cứ như vậy, nội việc đi làm và chăm sóc con cái không thôi cũng đủ mệt đứt hơi, không có thời gian mà đọc báo, coi ti vi, nhiều khi cũng thấy buồn!”

Và, thú vui duy nhất của công nhân là tối đến rủ nhau đi uống cà phê chừng mười lăm, hai mươi phút rồi về ngủ.

Nói đến chuyện đọc báo, coi ti vi, chúng tôi hơi sốc khi nghĩ đến việc đi cả buổi chiều để thăm dò sở thích và thú vui của công nhân khu công nghiệp, có thể nói không ngoa chút nào là 95% công nhân đã bỏ mất thói quen coi ti vi.

Ðọc báo đối với họ cũng là chuyện quá xa xỉ, vì việc mua một tờ báo vừa tốn tiền, vừa tốn thời gian đọc, lại vừa làm mất ngủ, quĩ thời gian cho việc ngủ nghỉ của họ rất ít, họ phải tranh thủ ngủ để bù sức.

Có lẽ chính vì vậy mà cả một khu chế xuất rộng lớn, chứa hơn hai mươi ngàn công nhân, chung quanh khu chế xuất có đến hơn bốn ngàn phòng trọ, nhưng không có một sạp bán báo nào hoạt động, chỉ có quán cà phê và quán cà phê. Ngoài ra còn có chợ, quán chè, quán thịt chó và quán nhậu, xe hủ tiếu.

Nhu cầu tinh thần của người công nhân ở đây thật sự nghèo nàn và tồi tệ.

Cơ chế tồi, công nhân chết thì chủ cũng nhăn răng...

Một người yêu cầu giấu tên, là chủ doanh nghiệp sản xuất bể chứa nước inox trong khu chế xuất, cho biết: “Thật ra, không có bất kỳ một người làm kinh tế nào muốn những người làm việc cho mình phải khó khăn cả. Sinh mệnh và đời sống của anh em công nhân cũng chính là sinh mệnh và đời sống của giới chủ.”

“Tôi biết, có nhiều doanh nghiệp trong khu chế xuất này cũng đau đầu vì chuyện thời giá và đời sống của công nhân. Ví dụ như bữa ăn trưa chẳng hạn, thường thì với mức qui định từ 8 đến 11 ngàn đồng, tùy vào thu nhập của mỗi doanh nghiệp mà đãi ngộ sang cao hay thấp. Nhưng chung qui cũng phải nằm trên mức qui ước chung trong ngành nghề với nhau một chút...”
“Trước đây, một bữa cơm 11 ngàn đồng, có nhiều thức ăn, dễ nấu, bây giờ, 11 ngàn đồng biết mua thứ gì đây, tiền gạo không thôi cũng đã mất gần 50% số tiền này, rồi giá gas tăng, giá điện tăng, mọi thứ đều tăng. Trong khi đó, anh em giới chủ doanh nghiệp vẫn phải đóng thuế như mọi khi, giá hàng thì không tăng, xuất khẩu đôi khi gặp khó khăn.”

Lối thoát duy nhất để được “an cư”

Tuyết Nhung, 30 tuổi, công nhân may cho hãng giày trong khu chế xuất, tâm sự: “Thật ra, làm việc xa nhà, không có chỗ ở ổn định, cơm bữa sớm bữa muộn, suốt ngày ngồi trong mát, thiếu ánh sáng mặt trời, da dẻ cứ trắng bạch ra cũng là một nỗi buồn của người phụ nữ. Nhưng biết làm sao bây giờ, nếu không đi làm, ở nhà làm vườn, làm rẫy thì biết bao giờ mới mở mang đầu óc...”
“Nhưng nói thì nói vậy, chứ xuống đây, suốt ngày làm quần quật như cái máy, tối về mệt lăn ra ngủ, thì cũng chẳng hơn chi đâu! Nhưng dù sao thì con người cũng cần một công việc ổn định, lúc đầu xuống đây làm việc, nhớ núi, thèm sự yên tĩnh đến phát khóc, bây giờ thì quen dần rồi, buồn quá thì đi cà phê, cứ trông đến cuối tuần lại chạy về thăm nhà, hít thở núi đồi đầy ngực rồi xuống làm việc lại.”

“Em cũng sắp nghỉ việc, phải kiếm một công việc khác mới hy vọng cho tương lai sáng hơn đôi chút!”

Tuấn, 23 tuổi, quê Bình Tú, Thăng Bình, vừa nghỉ việc ở công ty Việt Vương, ra bán trái cây dạo ở thị trấn Vĩnh Ðiện, tâm sự: “Với tuổi thanh niên, ai cũng cần sự ổn định và cầu tiến, nhất là con nhà nông như tụi em. Nhưng nếu làm trong công ty với thời gian khép kín, đi làm xong về ăn tối, mệt lả, lăn ra ngủ, sáng mai lại đi làm, Chủ Nhật về thăm nhà một chút rồi lại đi...”

“Cái vòng lặp đi lặp lại vậy hoài đâm ra chán chường, nếu mức lương cao thì còn níu kéo mình, đằng này lương từ 2 triệu đến 2.5 triệu đồng, mà hàng hóa gì cũng tăng vùn vụt, thấy tương lai mơ hồ quá, vì một con người, muốn có tương lai, nói gì thì nói cũng nghĩ đến một kế hoạch nào đó để có miếng đất, làm cái nhà...”

“Nghiệt nỗi làm công nhân như tụi em thì còn lâu mới có được chuyện này, thậm chí đó chỉ là giấc mơ hão huyền... Thôi thì đi bán trái cây, vừa có lãi, vừa tự do về thời gian, vừa suy ngẫm được chuyện đời, mà thu nhập có khá lên mới hy vọng có vợ, có con được...”

Thúy Hà, công nhân công ty Okuda, vừa nghỉ việc cách đây mấy tháng, kể: “Thật ra, với một công ty có hàng ngàn công nhân như giày Okuda, mức lương như tụi em có được là thiên đường rồi. Nhưng đó là thiên đường của khu công nghiệp, thiên đường khép kín của công việc, nhà trọ và tiền lương...”

                              

              Một khu nhà trọ tồi tàn trong hàng ngàn khu nhà trọ tồi tàn ở quanh khu công nghiệp.


“Nó không cho con người cơ hội mơ cao hơn vì thời gian cứ quấn lấy mình bằng cơm áo gạo tiền và giờ làm việc. Bây giờ em mở quán nhậu, thấy thoải mái hơn tí chút, thu nhập cũng khá hơn, Nhưng thật tâm mà nói, để có được quán nhậu này, cũng nhờ vào tiền vốn tích cóp được từ Okuda mấy năm nay. Trong chỗ em làm, có nhiều học sinh tốt nghiệp 12 xin vào làm lắm. Họ làm để tích lũy vốn mà thi vào đại học. Có thể đây cũng là cái đà tốt cho con nhà nghèo vượt khó.”

Câu chuyện của người công nhân thời bão giá còn rất dài. Chung qui, nỗi trăn trở lớn nhất của họ hiện nay vẫn là đồng tiền mất giá, đời sống ngột ngạt, không có cơ hội mua nhà để an cư lạc nghiệp, giới chủ thì mất tự tin, mất luôn cả lương tri, nhà nước không có chính sách nào bảo vệ quyền lợi của họ. Và tương lai của họ mịt mù tựa như khói nhà máy thời công nghiệp.

 Liêu Thái

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét