Thứ Ba, 17 tháng 7, 2012

Đời sống công nhân nhìn từ các khu công nghiệp, khu chế xuất



"Giới Công nhân Việt Nam cần phải được bảo vệ. Họ phải được bảo vệ khỏi sự đàn áp, bóc lột của liên minh ma quỷ. Họ phải được thực thi các quyền chính đáng của mình là thành lập hội đoàn và tổ chức đình công, bãi công. Tình hình thực tại của giới Công Nhân Việt Nam đã trở nên khẩn thiết. Mọi giới, mọi tầng lớp hãy bày tỏ sự đoàn kết để bảo vệ giới công nhân đang bị áp bức trong một chế độ nhà nước độc tài." - Huỳnh Công Đoàn

Theo thống kê, cả nước hiện có 170 KCN, KCX đang hoạt động, với tổng số 1,6 triệu lao động. Tuy nhiên, chỉ có khoảng 20% công nhân có chỗ ở ổn định, còn lại phải thuê nhà trọ bên ngoài, phần lớn đều chật chội và thiếu tiện nghi. Tình trạng này đã ảnh hưởng rất lớn đến đời sống vật chất cũng như tinh thần của công nhân.
Làm công nhân không dễ

Qua gần chục khúc cua ngoắt ngoéo, cuối cùng cô công nhân Lê Thị Thư (21 tuổi, quê Tiền Giang) cũng dẫn chúng tôi về đến phòng trọ. Khó tin nổi căn phòng chỉ rộng chừng 8m2 nằm cuối dãy nhà trọ này là nơi tá túc của 4 người.

Bữa cơm chiều nhiều đồ ăn hơn mọi ngày nên việc nấu nướng bằng bếp gas mini thêm khó khăn. Cậu thanh niên chung phòng trọ tên là Trần Trọng Hiếu (25 tuổi, quê Bến Tre), than thở: "Bình gas mini vừa đắt vừa không an toàn, nhưng vẫn phải dùng. Giá thuê phòng cứ 5-6 tháng lại tăng một lần, hiện là 1.050.000 đồng, điện 2.500 đồng/kWh, nhưng ớn nhất là nước giếng khoan mà cũng tới 20.000 đồng/m3. Mỗi tháng phải chi khoảng 400.000 đồng thuê trọ, 500.000 đồng tiền ăn bữa tối, chỉ để ra được khoảng 1-1,5 triệu đồng".
  

                    
                                      
                                      Bữa cơm đạm bạc của công nhân.

Thư là công nhân của một doanh nghiệp may găng tay Đài Loan trong KCX Tân Thuận, xinh xắn, da trắng, mắt đen láy. Cô gái quê miền Tây này rủ rỉ: "Mỗi lần về quê em đều mang gạo, đồ ăn lên, chứ mua trên này mắc lắm. Ngày làm việc 10 giờ, nếu tăng ca thì làm thêm khoảng 3-4 giờ nữa, về nhà chỉ muốn lăn ra ngủ...". Nhắc đến chuyện ngủ, cứ nghĩ cảnh mỗi người trải một nệm nằm dưới sàn mà tôi ái ngại cho ba cô gái với một chàng trai đang "tuổi ăn tuổi lớn" phải "cộng sinh" trong căn phòng trọ nhỏ bức bối. Trong khu nhà trọ 28 phòng, ngụ tại con hẻm sâu trên đường Huỳnh Tấn Phát (phường Tân Phú, quận 7, TP HCM) còn nhiều cảnh đời như thế…

Tại khu nhà trọ trên đường Nguyễn Thị Thập (phường Tân Phú, quận 7), Hoàng Thị Sen (quê huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai) công nhân một doanh nghiệp may của Đài Loan, kể: "Khu này thường bị ngập do triều cường, mỗi lần như thế mọi người phải sơ tán đến nhà người quen, nếu không sẽ phải ngủ… trên yên xe máy"(!). Sen ngậm ngùi: "Thu nhập hằng tháng của em chừng 3-4 triệu đồng. 6 đứa thuê một phòng rộng 16m2. Do chỗ làm khác nhau nên không tổ chức nấu ăn chung. Tết vừa rồi em không có tiền về quê, Tết tới cũng chưa chắc đã về được nếu thu nhập vẫn như hiện nay".

Chị Bé Ba, bán cá tại khu chợ tạm kế bên KCX Tân Thuận chia sẻ: "Từng là công nhân nên chị hiểu tụi nó khó khăn lắm. Thường thì giá nhà tăng 6 tháng/lần. Từ sau Tết, giá cá cũng tăng khoảng 5.000 đồng/kg. Một số loại thực phẩm khác cũng vậy. Có cặp vợ chồng công nhân, vợ sắp sinh con nhưng thường chỉ thấy ghé vô chợ mua bó rau, chút đậu phụ. Nói chung, công nhân ngày trước dù sao cũng sống khỏe hơn bây giờ".

Làm việc quá sức vẫn không đủ sống

                                  
                                       

                                       Công nhân phải ở trong những khu nhà trọ không đạt chuẩn.

Rời quê ra Hà Nội làm công nhân đúng độ tuổi "bẻ gãy sừng trâu", nhưng mới được ba năm, trông Dương Văn Hòa (quê ở Bắc Giang) công nhân Công ty Shumitomo Heavy (KCN Thăng Long) đã khác đi nhiều. Không chỉ già trước tuổi, mà Hòa còn gày còm, ốm yếu như người ở tuổi trung niên. Đó là "kết quả" của những tháng ngày đằng đẵng vất vả bởi công việc ca kíp, thường xuyên thiếu ngủ và không có thời gian thư giãn, luyện tập thể thao. Hòa cho biết, với đồng lương quá ít ỏi 2,5 triệu đồng/tháng, em thường xuyên phải "xin" đăng ký làm thêm mỗi khi công ty có đơn hàng mới hoặc những thời điểm nhiều việc. Thường thì làm thêm từ 3 giờ/ngày, em được nhận thêm từ 4 đến 5 trăm nghìn đồng/tháng. Khi nào công ty giãn việc, tranh thủ tự kiếm việc làm thuê ở ngoài, ai thuê việc gì có tiền thì làm, lúc thì tìm đến dịch vụ chuyển nhà xin làm cửu vạn, khi thì phụ công trình xây dựng, nếu hôm nào làm ca ngày, chiều tối về lại đi làm vài cuốc xe ôm. Với cường độ làm việc như thế, nhưng tổng thu nhập mỗi tháng cũng chỉ được khoảng trên dưới 3 triệu đồng, trừ tiền sinh hoạt ăn uống dè sẻn, Hòa cố gắng tích cóp gửi về cho bố mẹ ở quê vài trăm nghìn đồng.

Cùng cảnh với Hòa, nhưng là phận gái xa quê, nên Nguyễn Thị Mến (ở Đô Lương, Nghệ An), công nhân Công ty Panasonic (KCN Thăng Long) đành ngậm ngùi chấp nhận đời sống hết sức đạm bạc của một người công nhân với đồng lương eo hẹp, điều kiện sinh hoạt thiếu thốn. Bởi lẽ, con gái không dễ "lao" ra ngoài xã hội kiếm sống, vì có nhiều cạm bẫy khiến em lo sợ. Mến tâm sự, đi làm một tháng 28 ngày, Mến cũng chỉ nhận được mức lương trên dưới 2,5 triệu đồng/tháng. Giá cả thực phẩm ngày một đắt đỏ, khiến em phải "bóp mồm, bóp miệng", hằng ngày cơm rau với đậu phụ cho qua bữa. Nhiều lúc công ty ít việc, mức thu nhập trên bị giảm theo, sợ không còn tiền gửi về giúp cha mẹ nuôi em ăn học, nên Mến đi làm giúp việc ngày hai ba giờ, kiếm thêm đôi ba chục nghìn trang trải cuộc sống.

Thu nhập quá thấp và vòng xoáy làm thêm


Tại các hội nghị bàn về những vấn đề liên quan đời sống của công nhân lao động, cán bộ công đoàn đều bày tỏ một bức xúc. Đó là, trên thực tế, xuất phát từ quy định mức lương tối thiểu quá thấp hiện nay, các DN "vin" vào đó có cái cớ để chi trả lương thấp cho công nhân lao động. Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Đặng Ngọc Tùng đã phát biểu tại các cuộc họp với MTTQ, các cấp công đoàn rằng, trong nhiều lần đi thực tế tìm hiểu điều kiện sống của công nhân lao động trên khắp cả nước, ông thấy bức xúc trước thực trạng hầu hết chủ DN không chỉ chi trả lương cho người lao động bằng mức lương tối thiểu, mà họ còn thản nhiên nói đó là đã cố gắng để thực hiện theo quy định, mà họ không tính đến đời sống công nhân thiếu thốn như thế nào khi chỉ nhận vỏn vẹn mức lương đó. Không ít DN chỉ thực hiện việc xây dựng thỏa ước lao động tập thể theo kiểu hình thức, áp đặt, không bảo đảm dân chủ, có ý kiến thỏa thuận với người lao động và không có điều khoản trên luật hướng tới quyền lợi của người lao động...

Để tận dụng sức lao động của người lao động, giới chủ - các DN thường xây dựng định mức lao động ở mức cao rồi thực hiện chế độ khoán lương cho từng người lao động. Hầu hết DN đều dùng chiêu thức tách trợ cấp, phụ cấp ra khỏi tiền lương để dễ dàng điều chỉnh. Chẳng hạn thực hiện hỗ trợ tiền ăn trưa (ăn ca) cho người lao động bằng tiền ở mức rất thấp từ 8.000-12.000 đồng/bữa. Thế nhưng theo khảo sát, bữa ăn cho người lao động dù được bao cấp tiền điện, nước, chi phí bếp ăn, nhà ăn, miễn phí nước uống trung bình cũng đã là 12.770 đồng/suất. Như vậy có thể thấy, khoản tiền ăn trưa (ăn ca) mà DN hỗ trợ cho người lao động không đáp ứng được nhu cầu dinh dưỡng tối thiểu.

Vậy là tiền lương vốn đã không đủ trang trải cuộc sống, dinh dưỡng cho sức khỏe không bảo đảm, nên dù làm cật lực trong 8 giờ, họ cũng vẫn khó hoàn thành định mức công việc, buộc phải quay quắt làm thêm giờ để có thêm thu nhập.

Theo khảo sát, hiện nay có tới 35,5% số NLĐ phải rơi vào vòng xoáy làm thêm ở mức 1,5 giờ/ngày. Điều đáng nói là số người lao động này lại chủ yếu làm việc tại những DN cần nhiều sức lực, tiêu tốn nhiều năng lượng như dệt may, giày da... Ghi nhận tại một số DN, có người phải làm thêm tới hơn 600 giờ/năm - vượt mức cho phép tới 3 lần. Số người lao động không làm thêm giờ hiện chỉ là con số ít ỏi 5,2%, tức là có tới 94,8% số người lao động phải làm thêm giờ. Con số này đủ cho thấy "vòng xoáy làm thêm" đã hút sức lực của người lao động nhiều đến mức nào.
Nhóm Phóng Viên

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét