Thứ Năm, 12 tháng 7, 2012

Tôi có phải là đứa phản động?




"Mày ăn nói như thằng phản động!“ một gã bạn học giờ đang là quan chức tay vẫn mân mê tờ Hà Nội mới, phán xanh rờn vào mặt tôi trong buổi sáng đầu hè, khi mấy đứa bạn học cũ đang cùng ngồi uống cà phê trên vỉa hè phố Triệu Việt Vương.

  
          
                                                               Ảnh minh hoạ internet

Thằng bạn cũ với niềm tin sắt đá vào hành trình tiến lên Chủ nghĩa Xã hội đã khẳng định trịch thượng như vậy khi nghe tôi chỉ trích một vài biện pháp của chính phủ Việt Nam đương thời. Không muốn làm không khí của lần bạn bè tập trung hiếm hoi bị căng thẳng vô ích, tôi im lặng.

Mặc dù đã có thâm niên hàng chục năm viết báo, tuy chỉ là cho các tờ báo cộng đồng, nhưng dẫu sao thì ngôn ngữ Việt Nam của tôi vì thế cũng có phần nào được cải thiện. Nhưng thú thực, rằng cách hiểu cái „thuật ngữ“ mà tôi đã được nghe thấy không chỉ một lần ấy có phần nào còn quá mơ hồ. Nên tự nhủ thầm phải tìm hiểu cho kỹ càng tí chút xem sao.


Tàn cuộc, bạn bè tản đi mỗi người một việc như thường nhật, tôi phi thẳng lên hiệu sách trên phố Tràng Tiền, bỏ 65 nghìn đồng mua ngay quyển Từ điển tiếng Việt do Nhà xuất bản Thanh Niên ấn hành của hai tác giả Lê Thị Huyền- Minh Trí. Trên trang 696, tôi đã tìm thấy cái mình cần. Rằng: Phản động (Quan điểm) là: Chống lại sự tiến bộ, chống lại cách mạng. Lật lại trang 135, tìm thấy danh từ Cách mạng, thấy giải thích, là: Cuộc biến đổi xã hội- chính trị lớn và căn bản, thực hiện bằng việc lật đổ một chế độ xã hội lỗi thời , lập nên một chế độ xã hội mới, tiến bộ.

            

Đọc kỹ cách giải thích trong từ điển tiếng Việt là thế, tôi tự hỏi, thế thì vì sao mà thằng bạn học, giờ là quan chức có thể nói là tương đối cao cao, lập trường chính trị chính em vững vàng vì đã trải quan nhiều lớp đào tạo, nhiều khoá bồi dưỡng „nâng cao phẩm chất“ lại dễ dàng khẳng định một cách cực kỳ ông tướng như vậy nhỉ. Trong khi đó, nó hiểu quá rõ rằng tôi chẳng nhờ vả cũng có nghĩa là chẳng ngán gì cái quyền hành của nó. Nhưng còn dân đen khi đương đầu với nó thì sao?

Càng nữa, khi ngẫm nghĩ lại, thấy rằng khi nhận xét, là chuyện đưa một cô bé vừa mới qua tuổi dậy thì tốt nghiệp lĩnh vực báo chí truyền thông- mặc dù là hạng ưu tú- lên quản lí một đơn vị kinh tế nhà nước, chịu trách nhiệm với nguồn vồn nhiều nhiều nghìn tỉ đồng tiền dân đóng thuế, chỉ có thể là hành động của kẻ điên khùng. Hay không hề ngu xuẩn mà là âm mưu có chủ ý. Nhưng nếu đánh giá như thế, thì cũng có gì là chống lại sự tiến bộ, chống lại cách mạng đâu nhỉ. Đúng là thỉnh thoảng, nhân loại cũng sản sinh ra một vài thần đồng, nhưng để một nhân vật vừa mới qua tuổi trẻ thơ- mặc dù ả có là ái nữ của ai đó có nhiều „cống hiến“ với dân với nước chăng nữa- thì cũng chưa thấy có cuộc cách mạng nào của nhân loại dám liều lĩnh làm cả, khi nhân vật đó chưa chứng minh được tài năng thiên bẩm. Vậy thì chỉ còn lại cách giải thích, rằng đó là mưu đồ có tính toán. Và âm mưu ấy có lợi cho ai? Chắc chắn không phải cho dân, cho nước, cho nền kinh tế quốc gia phát triển, mà phải vì lợi ích của một nhóm thiểu số ít ỏi nào đó.

Hôm 19.06.2012, nhân ngày Báo chí Cách mạng, cũng được mời tham dự cuộc gặp mặt các "nhà báo“ vì là người có thâm niên trong làng báo cộng đồng. Nhiều ý kiến phát biểu đóng góp lắm lắm và thâm tâm cũng muốn trình bày vài quan điểm của mình. Nhưng sợ rằng lại bị qui cho cái tội „phản động“ nên lại thôi chẳng dám. Mặc dù thú thật, là qua phần lớn các ý kiến đóng góp của nhiều đồng nghiệp, cứ cảm thấy như kiểu „tự sướng“ thế nào ấy. Vẫn chỉ là nói về „những đóng góp“ rất chi là tích cực thế nọ thế kia. Trong khi xét cho cùng, thì cái làng báo cộng đồng ở Cộng hoà Séc này có gì là ghê gớm đâu mà nói đến thành quả với công lao?

Đều là báo tư nhân, là hình thức làm kinh tế, nên nếu muốn độc giả họ "thèm“ xem và bỏ tiền ra mua, thì phải tự vận động mà tìm kiếm thông tin bổ ích để cung cấp. Nghĩa là xét cho cùng, thì cũng chỉ như kẻ bán hàng, cần phải tìm được cho mình thứ đồ chất lượng tốt, hợp thị hiếu người tiêu dùng thì mới mong kinh doanh buôn bán có lời. Cho nên khi kể công thì có phần nào „thô“ quá. Mà nguồn tin thì từ đâu ra? Phần lớn chủ yếu là lấy từ báo bản xứ ra dịch lại hay nhặt nhạnh trên xa lộ thông tin thế giới đưa về. Có „nhà báo“ nào tự viết được các bài "của mình“ đề cập đến những vấn đề nóng bỏng, cấp thiết cho xã hội, những bài viết mang đậm nét đạc trưng của phong thái người cầm bút ấy để cho độc giả cộng đồng phải ghi nhớ? Hiếm, hiếm lắm lắm. Thế thì cứ hãy tự thú nhận với nhau, rằng cũng „thường thôi không chúa lắm đâu“ như người đời vẫn nói cho sự thể nó rõ ràng ra.

Ví dụ như đã tồn tại cả chục năm rồi giữa môi trường dân chủ hàng đầu thế giới, nhưng làng báo cộng đồng người Việt ở Séc này liệu đã giới thiệu, tuyên truyền cho đồng bào biết được phần nào về cái dân chủ thực sự nó tròn méo ra sao chưa. Bởi chỉ riêng mỗi cái thực tế, là được phép tồn tại một làng báo tư nhân ở đây đã là bằng chứng hiển hiện của nền dân chủ rồi. Nhưng thực tế ấy liệu đã được các tờ báo cộng đồng nâng niu trân trọng để chuyển tải cho độc giả ý thức được điều đó, hay cho đến bây giờ, trong các bài viết và nhất là những phần tin phản hồi của độc giả- mà trong đó không ít ý kiến của những „nhà báo“ cộng đồng- có quá nhiều những ngôn từ tiểu nhân thoá mạ nhau, núp dưới cái vỏ nặc danh của đám đông nham hiểm phun nọc độc vào người khác để thoả mãn tính đố kỵ, ích kỷ. Liệu những kẻ như vậy có biết, là điều đó chỉ dẫn nhau vào lối mòn bế tắc.

Bế tắc như những nỗ lực hiện nay ở Hà Nội, Sài Gòn khi đi tìm biện pháp khắc phục vấn nạn tắc đường, trong khi người tham gia giao thông cứ mạnh ai nấy đi, phớt lờ mọi qui tắc tối thiểu của luật lệ đi đường. Bế tắc như những kẻ ông kễnh, trịch thượng và ích kỷ dám tự cho mình quyền báng bổ người khác bằng „thuật ngữ“ „phản động“, trong khi chính bọn họ lại cho mình cái quyền để cáng xổ toẹt vào chuẩn mực đạo đức của con người và xã hội.
Nguồn: David Nguyen/ XX

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét