Thứ Bảy, 22 tháng 9, 2012

CẦN TĂNG LƯƠNG, SỬA LUẬT ĐÌNH CÔNG

Revolution fist.jpg

"Về vị trí thì giai cấp Công Nhân Việt Nam đang ở trong một giai đoạn tồi tệ nhất trong lịch sử, đó là chế độ độc tài Cộng sản. Ở đó mọi quyền lợi của con người bị che đậy và giảm thiểu tới mức tối đa, người Công Nhân cũng không là ngoại lệ. Mọi quyền lợi căn bản của người Công nhân đã bị nhà nước Cộng sản cướp mất thông qua hệ thống Công Đoàn nhà nước tay sai. Vì vậy nhiệm vụ của giai cấp Công Nhân Việt Nam hiện nay là đấu tranh với nhà nước Độc tài, đòi quyền được thành lập tổ chức Công Đoàn Độc lập. Đó là một tổ chức thực sự đại diện cho người Công Nhân, đấu tranh cho quyền lợi của họ. Từ đó mà người Công Nhân sẽ được độc lập - tự chủ mà không bị nhà nước kịp kẹp cũng như giới chủ bóc lột thậm tệ nữa." ( HUỲNH CÔNG ĐOÀN )


Đình công và các cuộc bãi công tập thể gần đây đã trở thành tình hình phổ biến, trong đó tập trung chủ yếu tại các tỉnh, thành phố thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía nam và ở các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Nguyên nhân trực tiếp, chủ yếu vẫn là do thu nhập quá thấp so với cường độ, thời gian mà người lao động phải bỏ ra; chủ doanh nghiệp vi phạm pháp luật lao động và Luật công đoàn, không giải quyết kịp thời kiến nghị hợp pháp của người lao động.


Các cuộc đình công không chỉ gây thiệt thòi cho người lao động mà còn cho doanh nghiệp và ảnh hưởng đến nền kinh tế, trong đó có khả năng thu hút đầu tư nước ngoài.

Thông tin từ một hội nghị tổng kết liên quan đến tình hình này do Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội tổ chức hồi đầu năm 2012 cho thấy, từ năm 1995 đến nay, cả nước đã xảy ra 4.142 cuộc đình công. Trong đó, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài như Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản... chiếm 75,4% với 3.122 cuộc. Tỷ lệ này đang có xu hướng tăng dần qua các năm. Năm 2011, số vụ đình công đạt mức kỷ lục với 978 vụ so với năm 2010 là 422 vụ, năm 2009 là 218 vụ, năm 2008 là 720 vụ...

Thế nhưng mấy ai biết rằng cho đến nay, hiếm có cuộc đình công nào theo đúng trình tự quy định của pháp luật, mặc dù 70% trong số đó xảy ra ở các doanh nghiệp có tổ chức Công đoàn. Phần lớn, sự việc này diễn ra trong trật tự, ôn hòa, nhưng cá biệt ở một số địa phương đã xuất hiện các phần tử gây rối, kích động, đập phá, thậm chí hành hung gây thiệt hại về tài sản và nhân mạng.

Nguyên nhân được Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội khẳng định, trước hết là do một số chủ doanh nghiệp chưa chấp hành đúng quy định của Luật lao động, chẳng hạn như không ký hợp đồng, không đóng bảo hiểm xã hội, không giải quyết chế độ ngày nghỉ... Mặt khác, ý thức kỷ luật của một bộ phận người lao động chưa cao, quan hệ cung cầu mất cân đối cục bộ ở một số khu công nghiệp khiến người lao động không sợ mất việc làm khi tổ chức đình công.

                             

                               Công nhân Công ty dệt may Phong Phú từng liên tiếp đình công

Nhưng có thêm một nguyên nhân khác khiến các cuộc đình công trở thành bất hợp pháp. Đó là thủ tục đình công theo một tiến trình phức tạp và không còn phù hợp.

Phó tổng giám đốc Tổng công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam Nguyễn Hữu Quang dẫn chứng một bất hợp lý về quy định lấy ý kiến để đình công "Đối với tập thể lao động có Công đoàn cơ sở thì lấy ý kiến của thành viên Ban chấp hành Công đoàn cơ sở và tổ trưởng các Tổ sản xuất". Trong thực tế Công đoàn cơ sở là ai? Toàn là những người ăn lương của người sử dụng lao động, tức giới chủ nhân, thì khó mà thuyết phục họ đồng ý cho người lao động đình công. Cơ chế này tồn tại từ lâu khi nền kinh tế đang thời kỳ bao cấp, Công đoàn trong doanh nghiệp nhà nước tất nhiên ăn lương nhà nước. Nay thời đổi mới cơ chế này không còn phù hợp.

Nhưng liệu những bất hợp lý đó có giải quyết được trong lần sửa đổi, bổ sung Luật lao động dự kiến trình Quốc hội thông qua trong kỳ họp tới  này hay không?

Một vấn đề khác cũng phải đặt ra. Tiền lương là vấn đề có tính chất quyết định trong các quy định về tiêu chuẩn lao động, có ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người lao động, là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình hình tranh chấp lao động, đình công đang diễn ra phức tạp hiện nay, rồi đây sẽ ra sao?
Với phạm vi áp dụng cho khoảng 15 triệu người liên quan trực tiếp có quan hệ lao động, Dự thảo dự án Luật lao động (sửa đổi) lần này sẽ bổ sung 64 điều, sửa đổi 157 điều, giữ nguyên 52 điều. Nhóm chính sách sửa đổi đang tập trung hoàn thiện một số quy định: hợp đồng lao động; tiền lương và tiền lương tối thiểu; an toàn lao động và vệ sinh lao động; người lao động nước ngoài; chính sách lao động nữ; thương lượng tập thể; trách nhiệm công đoàn cấp trên và bảo vệ cán bộ công đoàn..

Dự án Bộ luật Lao động đưa ra vẫn tiếp tục quy định tranh chấp lao động về quyền giải quyết bằng: hòa giải viên lao động, chủ tịch UBND cấp huyện, tòa án nhân dân và tranh chấp lao động về lợi ích giải quyết bằng các thiết chế hòa giải viên lao động và Hội đồng trọng tài lao động hiện hành. Không khác với luật hiện hành thì làm sao điều tiết được những hạn chế hiện nay về quan hệ lao động?
Theo quy định của Luật lao động, đình công phải do Ban chấp hành Công đoàn cơ sở lãnh đạo. Nhưng thời gian vừa qua, Công đoàn chưa tổ chức và lãnh đạo một cuộc đình công nào. Bài toán này cần sớm có lời giải.

Theo quy trình, để tổ chức được một cuộc đình công phải qua hội đồng hòa giải, tiếp đến là hội đồng trọng tài cấp tỉnh, rồi đến bước thứ ba mới đến Công đoàn tổ chức, lãnh đạo đình công. Tuy nhiên, hơn 4.000 cuộc đình công từ trước đến nay đều chỉ ở hội đồng hòa giải và không lên được hội đồng trọng tài chứ đừng nói tới được tay Công đoàn.

Pháp luật không phù hợp dẫn đến việc người lao động vi phạm pháp luật thế là họ bị xử lý theo luật pháp.

Tuy nhiên, Bộ Luật mới chỉ sửa 6/28 điều về đình công song sửa không cơ bản. Hiện Công đoàn nói quy định của pháp luật khiến họ không tổ chức đình công được, song Luật lao động mới vẫn chưa sửa gì để công đoàn có thể tổ chức lãnh đạo đình công.

Điều đáng lưu ý, thời gian vừa qua các cuộc đình công lại thường xuyên xảy ra ở doanh nghiệp FDI, chủ yếu yêu cầu tăng lương, tăng phụ cấp và các khoản phụ trợ, nâng chất lượng bữa ăn.

Nguyên nhân là do quy định mức lương tối thiểu hiện nay quá thấp, trong khi đó, đa số doanh nghiệp FDI đều căn cứ vào mức lương tối thiểu để trả lương cho công nhân, nghĩa là họ không hề vi phạm luật.

Thế nhưng lương công nhân làm việc trong các doanh nghiệp FDI đã quá lạc hậu so với thị trường. Nếu so sánh với mức lương bình quân, hiện lương của doanh nghiệp FDI trả cho công nhân thấp hơn cả doanh nghiệp trong nước. Cụ thể, lương bình quân năm 2011 của các doanh nghiệp trong nước là 4,65 triệu đồng/tháng, trong khi doanh nghiệp FDI là 4,03 triệu đồng/tháng.

Vì thế, cần phải giải quyết rốt ráo vấn đề này trong Dự án Luật lao động sửa đổi để quyền lợi người lao động được đảm bảo, để giảm bớt các cuộc đình công.

HOÀNG HẢI

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét