Thứ Ba, 4 tháng 9, 2012

Loạt phóng sự nầy là hình ảnh người công nhân dưới sự cai trị của đảng cộng sản Việt nam, do báo Tuổi Trẻ đăng tải: Nhọc nhằn đời công nhân





                           
                           

Trong những chiếc túi xốp này, đáng giá nhất là vài quả trứng, còn lại toàn rau dưa (một buổi đi chợ của hai công nhân Công ty Woodworth Wooden chiều 21-10) - Ảnh: N.C.T.


TT - Liên tiếp nhiều vụ đình công đã xảy ra trong thời gian gần đây. Tại sao? Hãy cùng PV Tuổi Trẻ thâm nhập đời sống của người công nhân để thấy rằng họ quá khổ. Khổ đến mức khó mà chịu đựng được nữa...

Phía sau khoảng sân trồng đầy hoa của công ty là sự lạnh lùng. Sự lạnh lùng của máy móc, nội qui và quan hệ chủ - thợ. Còn bên ngoài hàng rào công ty, người công nhân phải thu mình lại trong một cuộc sống chật vật...

Ngọc Hân lại ngất xỉu! Cái tin đó chẳng lạ gì với công nhân (CN) Công ty O’Cleer (Khu công nghiệp Sóng Thần 2, Bình Dương). Hơn một tháng quần quật bên máy may từ sáng đến tối khuya. Mỗi trưa, công ty cho ăn một bữa cơm với ba lát thịt mỏng dính trị giá 3.200 đồng. Mỗi chiều, phải đóng tiền ăn một suất cơm cũng với ba lát thịt mỏng dính trị giá 3.200 đồng. Không xỉu mới là chuyện lạ!
Làm đến kiệt sức



                       

Khu phòng trọ của công nhân như những cái "chuồng gà" với chiều dài 1,6m, rộng 1,2m - Ảnh: Yến Trinh

24 tuổi, bốn năm làm cho công ty, Hân không nhớ nổi đã bị xỉu bao nhiêu lần. Lần này khi bị chóng mặt, hoa mắt, biết sức mình, cô đã xin sếp được nghỉ. Thế nhưng sếp nhìn cô rồi lắc đầu. Lỗ tai cô CN trẻ bắt đầu lùng bùng. Cô không còn biết kêu xin ai cả. Xung quanh cô chỉ có những người cúi mặt làm thuê, máy móc và những cái đế giày. Chỉ cần sếp vừa quay đi, cô ù chạy. Cô chỉ mong được về nhà trọ để ngả lưng. Và cô chạy... Nhưng Hân không thể ra khỏi cánh cổng của ông bảo vệ. “Không có giấy cho về của sếp, cô không được đi! Nếu để cho cô về là trái qui định, tôi sẽ bị đuổi việc” - ông bảo vệ nói nghiêm khắc.

Hân lê chân về phân xưởng. Làm việc được gần 30 phút nữa. Và ngất xỉu! Cô được đưa về phòng y tế...

Ngất xỉu là chuyện như cơm bữa khi con người phải quần quật làm như một cỗ máy. Cùng công ty với Hân, 10 năm qua, vợ anh Huỳnh Thanh Phong chưa bao giờ biết đến qui định công ty phải thỏa thuận với người lao động và công đoàn khi tăng ca. Như một thói quen, hễ ban giám đốc thông báo tăng ca, CN lại cắn răng đi làm. Có chị mang thai bảy tháng vẫn phải vác cái bụng bầu đi tăng ca, không được nghỉ ngày chủ nhật.



Thu nhập thấp, chi phí cao

Theo báo cáo của Ban dân vận Thành ủy TP.HCM, TP hiện có gần 1,5 triệu lao động hoạt động trong các loại hình doanh nghiệp. Khoảng 70% CN đến từ các tỉnh thành, nhiều nhất là các tỉnh miền Tây Nam bộ.

Tổng thu nhập bình quân (kể cả lương và tăng ca cùng nhiều khoản phụ cấp khác) của CN sáu tháng đầu năm 2007 là 1.250.000 đồng/tháng/người. Để tăng thêm thu nhập, một bộ phận lớn CN phải làm thêm công việc ngoài chuyên môn, chấp nhận tăng ca vượt qua giới hạn Luật lao động qui định.
Mức chi tiêu cho những khoản thiết yếu trong đời sống của mỗi người dân hằng tháng là 1 triệu đồng. Ở TP.HCM, khoản chi phí lớn nhất cho CN là tiền thuê nhà (153.512 đồng/người/tháng), tiền ăn tiết kiệm nhất (299.227 đồng/người/tháng). Các khoản chi tiêu cho cá nhân: nhu yếu phẩm, quần áo, đồ dùng... rất ít (khoảng 100.000 đồng/tháng). Chi cho sinh hoạt văn hóa: chủ yếu là mừng lễ cưới, cà phê, đi chơi cùng người yêu... còn ít hơn (889.072 đồng/năm). Những khoản chi cho học tập, bảo vệ sức khỏe hoàn toàn không đáng kể.

Revolution fist.jpg
       "Trong bối cảnh xã hội mà những quyền cơ bản của con người bị hạn chế và ngăn cản thì đó là miếng mồi ngon cho những kẻ kinh doanh mồ hôi xương máu của con người. Bản thân người lao động không có thói quen đòi quyền lợi trước một nhà nước độc tài hà khắc, thì nay họ càng ngơ ngác trước các chủ tư bản nước ngoài. Nhà nước độc tài, giới chủ bóc lột và công đoàn nhà nước cùng hướng tới một mục tiêu: Đó là kìm kẹp và bóc lột sức lao động của người Công nhân để thu được lợi nhuận tối đa. "

Một số ít CN ở trong các khu lưu xá do các doanh nghiệp hoặc các khu công nghiệp - khu chế xuất xây dựng. Đại bộ phận vẫn sống trong các khu nhà trọ của người dân cho thuê.

CN may còn đỡ vất vả. Nhiều lúc nữ CN Công ty thủy hải sản Hải Minh (Q. Thủ Đức, TP.HCM) còn phải kiêm luôn phu khuân vác. Ngoài cắt, rửa, lột da cá, các cô gái còn phải vác cả những con cá mập nặng 70-80kg. Mặc cho kho lạnh rét cắt da, các CN vẫn phải làm. Có lúc tăng ca liên tục, đuối sức, đến ba CN cùng khuỵu xuống ngất xỉu. Làm quần quật nhưng mức lương CN chưa đến 1 triệu đồng/tháng. Ngày 17-10, tập thể CN đã làm đơn kiến nghị xin được tăng lương. Ngay sau đó, ông giám đốc (Đài Loan) đã cho chở năm CN - những người ông nghi ngờ phát động làm đơn - sang một công ty khác. Tại đây, ông ép năm người này nhận quyết định sa thải.
Thắt lưng buộc bụng

21 giờ, trong dòng người ùa ra cổng Công ty giày An Lạc, một nhóm CN nữ lặng lẽ rẽ vào hẻm 86, đường Tên Lửa, KP2, P.An Lạc, Q.Bình Tân, TP.HCM. Đi qua khu chợ tạm nhớp nháp sau mưa, một cô ghé lại dằn bụng tô mì gõ, cô khác mua mấy gói mì tôm. Tiết kiệm hơn, vài cô về phòng trọ ăn cơm nguội nấu từ sáng sớm.

Bước vào nhà trọ của CN Trương Thị Đan Huyền, chúng tôi thật sự bàng hoàng! Thoạt nhìn, phòng trọ giống như một dãy “chuồng gà”. Dòng kênh nước đen nhờ nhờ rác sau nhà lắm khi tràn lên ngập mắt cá chân. Mỗi phòng rộng 1,2m, dài 1,6m, đủ rộng để đặt hai cái gối nằm và đủ dài để người cao phải ngủ co chân. Quần áo được treo bên vách. Còn mọi đồ dùng cá nhân đều phải đặt lên kệ. Vách và nền phòng đều được ghép bằng loại ván ép cũ, dán giấy loang lổ. Mỗi phòng được gắn một ổ cắm điện để CN có thể thắp đèn, quạt máy và nồi cơm điện. Trong phòng của Huyền chỉ có mỗi chiếc quạt và nồi cơm điện là đáng giá nhất.

Trả lời tại sao không chọn nhà trọ nào khác, cô gái 24 tuổi này ngậm ngùi: “Lương mỗi tháng chỉ hơn 900.000 đồng, cái gì cũng đắt đỏ. Tiền đâu thuê nhà đẹp hở chị? Hồi trước phòng này chỉ có 120.000 đồng, giờ lên 200.000 đồng. Em ở đây cùng một người bạn”. Huyền còn cho biết: “Tụi em trẻ, nhằm nhò gì! Khu này còn có vài cặp vợ chồng CN có con nhỏ cũng ở trong cái phòng nhỏ xíu như vầy từ năm này qua năm khác”. “Thế thì sao ngủ?”. Cô CN bật cười hồn nhiên: “Vợ làm ca ngày. Chồng làm ca đêm. Và ngược lại. Nhiều cặp vợ chồng có con nhỏ, không có tiền gửi nhà trẻ đành chấp nhận làm lệch ca để thay nhau ở nhà giữ con”.

Đã ba năm nay, ít tháng nào chị Hồ Thị Xuân Hương, CN Công ty thủy hải sản Hải Minh, được thanh thản với nợ “nóng”. Hai vợ chồng chị đều là CN quê Đắc Lắc, có đứa con 7 tuổi. Tổng lương của hai người là 2,1 triệu đồng/tháng. Riêng tiền nhà mất 500.000 đồng/tháng. Tiền ăn ở trường cho con là 250.000 đồng/tháng. Do luôn tăng ca, chị phải thuê người đón con với giá 350.000 đồng/tháng. Đó là chưa kể hàng trăm khoản chi tiêu khác... Túng thiếu, mỗi lần cũng chỉ dám vay vài ba trăm ngàn đến 1 triệu đồng, lãi suất 15%. Đến nay người ta không muốn cho chị vay nữa vì chị không có thứ tài sản nào để thế chấp, năn nỉ mãi chủ nợ mới chịu cho vay sau khi... cầm tạm chứng minh nhân dân.

Chị Hương cũng như bao CN khác, không tích lũy, không tương lai. Họ đều chung nỗi lo lắng: “Chỉ cần thất nghiệp một tháng thôi, chúng tôi sẽ đói!”.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét