Thứ Ba, 2 tháng 10, 2012

ĐẾN BAO GIỜ NHÀ CHỨC TRÁCH VÀO CUỘC ? :Chất lượng bữa ăn công nhân quá thấp

                    Chất lượng bữa ăn công nhân quá thấp
                    Một vụ ngộ độc thực phẩm hàng loạt của công nhân. Ảnh minh họa

Khẩu phần ăn của công nhân chưa đáp ứng được nhu cầu năng lượng, đối với lao động nam chỉ đáp ứng khoảng 90%, còn lao động nữ chỉ mới đáp ứng được 77%.

Theo PGS-TS Lê Bạch Mai - Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia, khảo sát của viện cho thấy đa phần chất lượng bữa ăn của công nhân rất mất cân đối, năng lượng trong khẩu phần chỉ có 12% đến từ protein (chất đạm), 16% đến từ chất béo, còn lại đến từ các chất bột đường như gạo, ngô, khoai… Việc cung cấp thiếu năng lượng dẫn đến người lao động bị bào mòn sức lực, họ rơi vào thực trạng “như ăn thịt mình”.

Bà Mai lý giải, khi năng lượng khẩu phần ăn không đủ thì phải sử dụng nguồn năng lượng dự trữ của mình. Khi đó khối cơ của người lao động bị mòn đi, bị lấy hàng ngày. Đây là nguyên nhân ảnh hưởng đến dinh dưỡng của công nhân, nhất là đối với công nhân nữ lứa tuổi 18-25 trong môi trường lao động ở khu công nghiệp, khu chế xuất.

Bên cạnh đó, việc sử dụng thực phẩm chưa qua chế biến còn nhiều dư lượng hóa chất bảo vệ thực vật cũng là một vấn đề được các chuyên gia sức khỏe lo ngại. Kết quả thử nhanh nguồn thực phẩm đầu vào của Viện dinh dưỡng quốc gia cho thấy có đến 20-25% thực phẩm tồn dư lượng chất bảo quản thực phẩm, hàn the gây, ảnh hưởng đến sức khỏe người sử dụng. Nguồn cung cấp thực phẩm chế biến sẵn lại sử dụng nhiều loại chất phụ gia, nhất là trong các bữa ăn sáng.

"Chất lượng khẩu phần ăn, dinh dưỡng trong bữa ăn của công nhân hầu hết mất cân đối về dinh dưỡng. Nếu tình trạng này kéo dài sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe công nhân, giảm khả năng lao động", bà Mai cảnh báo.

Bà Mai lo ngại với thực trạng trên sẽ ảnh hưởng đến nòi giống. Tình trạng dinh dưỡng người mẹ ảnh hưởng thai nhi, thiếu máu, sinh con nhẹ cân, kém phát triển. Tuy nhiên, hiện nay chưa điều tra được mức độ thiếu máu trong công nhân là bao nhiêu.

TS Nguyễn Hùng Long - Phó Cục trưởng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm cho rằng: “Giá của suất ăn là yếu tố rất quan trọng ảnh hưởng đến chất lượng. Giá thành của suất ăn thấp thì chắc chắn nguyên liệu không đảm bảo vì người ta buộc phải mua các nguyên liệu rẻ và rất rẻ”.

Về thực trạng này, ông Nguyễn Văn Đạt - Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Bình Dương cho hay, trong giai đoạn 2010-2011, Chi cục khảo sát bữa ăn của 50 doanh nghiệp trên địa bàn thì mức giá bình quân là 15.000 đồng/suất ăn công nghiệp. “Tuy nhiên, vẫn còn nhiều doanh nghiệp có suất ăn 7.000 đồng thì không biết công nhân ăn cái gì” - ông Đạt cho biết.
 
Theo ông Đạt, khảo sát mức độ hài lòng của các công nhân thì họ muốn giá trị thức ăn khoảng 15.000 - 18.000 đồng/suất. Tuy nhiên, trong bối cảnh trượt giá như hiện nay thì giá trị suất ăn phải nâng lên so với thời điểm khảo sát.

Tiến sĩ Trần Quang Trung, Cục trưởng An toàn vệ sinh thực phẩm cho biết, trong vòng 6 năm qua, cả nước đã xảy ra 927 vụ ngộ độc thực phẩm với gần 31.000 ca, 229 người chết. Tại các tỉnh khu vực phía Nam, từ năm 2009 đến 2011 cũng đã ghi nhận 171 vụ ngộ độc với hơn 6.300 người mắc bệnh, 35 ca tử vong. Trong đó, riêng tỉnh Đồng Tháp có đến 12 trường hợp chết vì ngộ độc thực phẩm.

Cả nước có 256 khu công nghiệp, khu chế xuất, riêng vùng kinh tế trọng điểm phía Nam có 65 khu công nghiệp, khu chế xuất. Từ năm 2007 đến 2011, khu vực phía Nam có gần 7.000 công nhân ngộ độc trong 72 vụ việc, không ghi nhận trường hợp nào tử vong.

Cũng trong khoảng thời gian này, ở Bình Dương, theo bác sĩ Huỳnh Thanh Hà, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh, xảy ra 27 vụ ngộ độc trên 400 ca đều được cứu chữa kịp thời. Còn Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm TP HCM công bố từ năm 2006 đến nay, thành phố có 126 vụ ngộ độc thực phẩm với hơn 9.400 ca, 5 trường hợp tử vong. Nguyên nhân được cho là do phương tiện vận chuyển, thiết bị bảo quản, hâm nóng thức ăn trước khi phục vụ tại các nhà ăn, chế độ bảo quản chưa hợp vệ sinh...

Các chuyên gia cho rằng có nhiều nguyên nhân dẫn đến ngộ độc tập thể trong công nhân, có thể do quá trình chế biến, bảo quản thức ăn dẫn đến nhiễm vi sinh. Ngoài ra, một bộ phận cơ sở chế biến đã thiếu kiểm tra, giám sát trong khâu chế biến dẫn đến thực phẩm kém vệ sinh, bị nhiễm khuẩn...

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét