Thứ Tư, 10 tháng 10, 2012

ĐẾN NƯỚC NẦY, CHỈ CÒN ĐÌNH CÔNG THÔI! :Nghèo sát đất còn bị nợ lương



Và...Làm Sao Đình Công Có Hiệu Quả?



Thảm cảnh của không ít công nhân trong các khu công nghiệp, nhà máy hình như chưa đến giới hạn cuối cùng. Cơm bẩn, thức ăn có dòi, ngộ độc thực phẩm mới chỉ là một phần của sự khốn khó. Lương thấp không đủ ăn uống, sinh hoạt, sống trong thiếu thốn cũng chỉ một phần của sự khốn khổ.


Nhưng nay, đồng lương èo uột đó cũng không được trả, quả đã khó lại càng thêm khốn. Đến thời điểm này, có rất nhiều DN nợ lương công nhân vài tháng chưa trả, có nơi trả được nửa lương đủ cho công nhân sống tằn tiện qua ngày. Nghèo khổ mới làm công nhân, nhưng cái nghèo “truy sát” họ đến kịch tường. Làm nhưng không nhận được lương, bỏ việc thì sợ mất việc.

Có nơi tồi tệ hơn, chủ DN đóng cửa, công nhân tiêu tùng mấy tháng lương không biết kêu ai. Theo Bộ LĐTBXH, hiện có 500 – 600 DN trong tình trạng chủ bỏ trốn, nợ lương, nợ BHYT, BHXH của người lao động. Đối với các DN này, việc phục hồi sản xuất và trả nợ cho người lao động là hết sức mong manh.

Sức khỏe của DN là sức khỏe của nền kinh tế. Tình hình sản xuất đình đốn, nhiều DN đóng cửa hoặc hoạt động cầm chừng, nợ lương hoặc giật lương người lao động, chứng tỏ tình hình kinh tế không chút sáng sủa. Thẳng thắn mà nói, không DN nào muốn nợ lương công nhân, nhưng cũng bởi vì họ bị dồn đến bước đường cùng, lâm cảnh khốn khổ khốn nạn. Người lao động ở các DN làm ăn thất bát chịu quá nhiều thiệt thòi. Doanh nghiệp sập tiệm, công nhân phải chạy tìm việc khác kiếm sống nên không thể ngồi chờ để đòi nợ. Trước tình trạng này, cần phải có chính sách hỗ trợ và biện pháp hữu hiệu để bảo vệ quyền lợi, đòi lương cho người lao động, nhất là ở các DN có chủ bỏ trốn.

Một bức tranh xấu đang hiển hiện trước mắt, đó là những tháng cuối năm dương lịch và cái tết sắp đến, tình hình thị trường lao động và xung đột lương tiền ở các DN sẽ căng thẳng hơn. Nếu như không có những chính sách phù hợp để cải thiện tình hình, danh sách DN bị khai tử sẽ dài ra, lúc đó không chỉ là chuyện nợ lương hay chuyện DN không có tiền chi thưởng mà hàng vạn lao động phải ra đường. Để giải quyết khẩn cấp tình trạng nợ lương, nhiều ý kiến đề xuất cần có chính sách cho DN vay ưu đãi, với thủ tục nhanh chóng, thuận lợi để thanh toán các khoản nợ cho người lao động. Trong lúc này, dù khó khăn đến mấy cũng phải lo cho cuộc sống của hàng vạn lao động, đây không chỉ là việc làm mang tính nhân đạo mà là đảm bảo lẽ công bằng và cao hơn là ổn định xã hội.


Làm Sao Đình Công Có Hiệu Quả?

"Giai cấp Công Nhân Việt Nam đang ở trong một giai đoạn tồi tệ nhất trong lịch sử, đó là chế độ độc tài Cộng sản. Ở đó mọi quyền lợi của con người bị che đậy và giảm thiểu tới mức tối đa, người Công Nhân cũng không là ngoại lệ. Mọi quyền lợi căn bản của người Công nhân đã bị nhà nước Cộng sản cướp mất thông qua hệ thống Công Đoàn nhà nước tay sai. Vì vậy nhiệm vụ của giai cấp Công Nhân Việt Nam hiện nay là đấu tranh với nhà nước Độc tài, đòi quyền được thành lập tổ chức Công Đoàn Độc lập. Đó là một tổ chức thực sự đại diện cho người Công Nhân, đấu tranh cho quyền lợi của họ. Từ đó mà người Công Nhân sẽ được độc lập - tự chủ mà không bị nhà nước kịp kẹp cũng như giới chủ bóc lột thậm tệ nữa." Huỳnh Công Đoàn

DĐCN chia xẻ với bạn một số kinh nghiệm về cách tổ chức đình công.
 
  

                                 Công nhân đang kéo ra khỏi công ty để đình công.

Đã đi làm, có ai muốn đình công đâu. Để đừng có đình công, lẽ ra công đoàn phải bênh quyền lợi của công nhân, nhưng họ chỉ bảo vệ quyền lợi của chủ, vì họ là công đoàn của nhà nước không phải của chúng ta.

Vậy, nếu không thể chịu đựng thêm nữa, thì chúng ta chỉ còn cách đình công. Thường thì trước khi đình công, công nhân bị bóc lột thậm tệ, bị bắt tăng ca, không đảm bảo lương bổng và an toàn lao động, nhưng sau đình công thì cải thiện ít nhiều.

Trong bài này, LĐV chia xẻ với bạn một số kinh nghiệm về cách tổ chức đình công.

Bước 1: Thăm dò ý kiến công nhân. Dĩ nhiên, bạn không nên làm một cách ồn ào. Với bạn hữu, bạn hỏi thẳng, với người chưa quen thì hỏi khéo léo, thí dụ lắng nghe họ nói về vụ đình công ở công ty khác.

Sau khi thăm dò, nếu bạn nghĩ một số người sẽ cùng bạn tổ chức đình công, và nhiều người sẽ tham gia đình công, thì bạn mới tiến tới.

Bước 2: Chọn ngày đình công. Nên chọn ngày dễ cho công nhân (thí dụ, sau ngày phát lương) để công nhân cầm cự được lâu, và khó cho công ty (thí dụ, trước ngày giao hàng) để công ty không thể chờ lâu được.

Bước 3: Quyết định đòi gì cụ thể, và viết xuống. Thí dụ, “Chúng ta đình công để đòi công ty: 1-Trả các tháng lương còn nợ 2-Tăng lương ..%”.

Viết xong, hãy đọc lại và bàn với nhau: Nếu công ty chỉ nhân nhượng điều này nhưng bỏ điều nọ, thì tập thể công nhân có sẽ chấp nhận không?

Chỉ nên đòi những gì đa phần công nhân đều nhất định muốn. Nếu đòi quá nhiều điều, khi công ty nhượng bộ một phần thì công nhân sẽ bị chia rẽ, có người muốn tiếp tục đình công, có người không.
Tờ giấy nói trên, sau khi đánh máy lại, cũng dùng để phổ biến trong tập thể công nhân. Các bạn viết “Mọi người chúng ta sẽ đình công” thay vì “Chúng tôi kêu gọi mọi người tham gia đình công”, vì sau cuộc thăm dò trên đây thì những gì các bạn viết đã phản ảnh ý muốn của tập thể công nhân rồi.

                                  
                      
                                              Công nhân đang đọc truyền đơn.

Bước 4: Phổ biến. Cách tốt nhất để phổ biến là truyền miệng, nhất là nếu nhiều công nhân sống gần nhau. Nhưng truyền miệng có thể sẽ không đủ nếu công nhân quá đông. Các bạn cũng có thể truyền tay tờ giấy nói trên và, nếu điều kiện cho phép, để tờ này ở vài điạ điểm. Nếu các bạn biết số điện thoại của một số công nhân thì hãy mua sim để gởi tin nhắn, thí dụ “Tat ca chung ta se dinh cong bat dau tu ngay mai de doi tang luong 15%”.

Bước 5: Khi cuộc đình công bắt đầu rồi, thường thì lúc này các viên chức công đoàn cùng phái đoàn nhà nước đến để vừa vuốt ve vừa hù doạ nhằm dập tắt đình công. Có thể công ty sẽ nói muốn tìm những người đại diện cho công nhân, ngoài mặt nói là để đàm phán, nhưng cũng là để đuổi việc. Nếu những điều các bạn viết đã phản ảnh đúng nguyện vọng của tập thể, thì tự nhiên nhiều công nhân sẽ lên tiếng nói lên những điều đó.

 Bước 6: Làm cách nào để tiếp tục hoặc chấm dứt đình công? Khi cuộc đình công đang tiếp diễn, các bạn nên nói chuyện với nhiều công nhân để quyết định ngày mai nên chấm dứt đình công hay chưa, bằng cách cân nhắc giữa một bên là: Công nhân có hài lòng với những gì công ty đưa ra không?, bên kia là: Công nhân còn cầm cự được bao lâu nữa (còn công ty thì sao)?

Sau đó, các bạn phổ biến quyết định này bằng cách truyền miệng, nhất là với những công nhân có uy tín. Và cũng có thể dùng sim gởi tin nhắn như trên. Nếu rải tờ rơi thì tránh những chỗ trước đây đã rải, vì có thể công ty cùng nhà nước đang dòm ngó.

Bước 7: Sau khi cuộc đình công chấm dứt, bạn làm gì? Lúc này, các bạn không nên yên lặng mà cần phải nêu nổi bật những lợi ích đã đạt được, cũng bằng cách truyền miệng, dùng tin nhắn, và nếu cần thì rải tờ rơi.

Mục đích của các bạn lúc này là nuôi dưỡng tinh thần đồng đội trong nhóm công nhân tổ chức đình công, cũng như tinh thần đoàn kết của mọi công nhân. Làm vậy thì các bạn dọn đường để sau này đòi thêm những gì lần này chưa được.Mọi sự cố gắng sẽ đi đến thành công.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét