Chủ Nhật, 4 tháng 11, 2012

(Người Trí thức Hành động và Dẫn đường)

          
      
 1-5  Câu hỏi và trả lời : Thi Vũ Võ Văn Ái | Quê Mẹ


    (Người Trí thức Hành động và Dẫn đường)


Thời thơ ấu, Kháng chiến, và Phật giáo

1. Lê Thị Huệ : Chào nhà thơ Thi Vũ Võ Văn Ái, câu hỏi đầu tiên tôi muốn hỏi, là ông chọn làm một nhà tranh đấu hay hoàn cảnh đã đưa đẩy ông trở thành một nhà đấu tranh cho nhân quyền và Phật Giáo Việt Nam ?

Võ Văn Ái : Tranh đấu là phản ứng, không phải chọn lựa. Hai nghìn năm lịch sử con người Việt là chuỗi phản ứng trước nạn xâm lăng nước ngoài, trước những bất công, đàn áp đến từ vua chúa và các chế độ bất nhân bên trong. Tức ngoại xâm và nội xâm. Người ta bảo con trùn còn phải oằn khi bị giày xéo, thì con người làm gì khi bản thân, gia đình, xóm giềng bị bức hiếp ?

Tôi sinh ra dưới thời Pháp thuộc. Thân phụ tôi làm cho nhà giây thép Pháp, nhưng tinh thần ông chống Pháp gây ảnh hưởng sang tôi. Thế hệ chúng tôi không có thời thơ ấu vì mới chào đời đã tiếp cận nô lệ, loạn lạc, chiến tranh. Vừa mới biết nhìn đời đã gặp đệ nhị thế chiến, chiến xa Pháp tập trận, quân đội Nhật kéo vào Đông Dương, máy bay B29 Mỹ ném bom...

Hình ảnh đánh động tâm tư tôi thời bé đầu thập niên 40 là chiến xa Pháp tập trận ủi vào cây vải nhà tôi ở Bến Ngự, Huế, tước một mảng vỏ bày ra thớ thịt cây vàng thẩm như máu ối. Tôi đã đau xót như cây.

Thời đó mẹ tôi thui thủi trong căn phòng hiu quạnh lúc cha tôi đi làm xa trên biên giới Việt Hoa. Mỗi năm một bận ông về thăm một hai ngày. Thỉnh thoảng bà ngâm thơ khe khẽ, tôi chỉ nhớ hai câu “Chồng hỡi chồng, con hỡi con… cùng nhau xa cách mấy năm tròn…” Câu thơ đeo đuổi tôi rất lâu. Phải chăng đó là hồn thơ mẹ gieo vào lòng, khiến tôi chỉ muốn là người làm thơ trong đời này ? Lớn lên mới biết đó là thơ Thượng Tân Thị làm thay vợ vua Thành Thái khi chồng bị Tây đày sang Madagascar.

Tôi sinh ra ở Pha Long, trên dãy Hoàng Liên Sơn vùng biên giới Việt Hoa, về Hà Nội mấy năm đầu rồi theo cha mẹ vào Saigon, Nhatrang, Bình Định. Năm 5 tuổi mới về Huế ở Bến Ngự. Những bài học khai tâm là chữ Hán do một đệ tử cụ Phan Bội Châu dạy. Rất sớm tôi đọc Cụ Phan Bội Châu. Tiếng gọi giống nòi qua văn thơ Cụ Phan thâm nhập tôi những năm 9, 10 tuổi. Tất cả tiền mẹ cho ăn quà tôi dành mua các sách Cụ Phan tại tiệm sách ông bà Đào Duy Anh ở Huế. Thưở ấy, khi đưa đẩy tao nôi ru em thay mẹ, tôi hát thơ cụ Phan - Á Tế Á, Sống, Bài ca chúc Tết thanh niên, Ái quốc ca, Ai cáo Nam Kỳ…

Hết làm cho Pháp, thân phụ tôi mở căn hàng xén ở Huế. Giữa thập niên 40, tôi chứng kiến hai kỷ niệm khắc sâu. Lần đầu là tên Tàu phù (quân Tàu vàng sang giải giới quân Nhật), lần sau là tên lính Pháp. Cả hai lần bọn chúng cướp giật hàng khi ngã giá. Chúng đánh cha tôi khi ông phản ứng. Còn quá nhỏ để làm được gì, tôi uất hận, đau đớn và tự nhủ lòng phải làm gì để bọn ngoại nhân không còn quyền đánh đập dân Việt  (1).

Sau đó tôi đi theo kháng chiến. Năm 13 tuổi bị bắt và vào tù. Nhờ thân phụ tôi có người bạn học thưở nhỏ làm Đại uý trong quân đội Pháp, nên ông được phép vào nhà lao thăm tôi. Nhân dịp tôi xin cha tôi mang vào những bộ kinh Phật. Tôi đọc hết các bộ kinh Phật trọng yếu vào thời gian bé bỏng ấy, như các bộ kinh Pháp Hoa (Saddharma-pun?d?arikasûtra), Kim Cang (Vajracchedikâ-prajñâpâramitâsûtra), vân vân… Tôi chấn động với hình ảnh Bồ tát Địa Tạng và Bồ tát Quán Thế Âm.

Kỷ niệm chưa phai trong tôi thời ấy khi chứng kiến ở phòng tra tấn. Tên chủ sự ngồi bàn giữa quan sát ba thuộc cấp hỏi cung. Hắn bắt một văn công ngồi cạnh hát những bài ca kháng chiến, trong khi ba tên kia vừa hỏi cung vừa tra tấn tù nhân. Trong số này có một chị nữ và một mẹ già. Tinh thần kháng chiến tự dưng bốc cao trong tôi. Làm sao quên những tiếng thét, tiếng khóc trộn lẫn vào giọng ca khi bi hùng, khi tình tự của anh văn công bị bắt. Tôi không hiểu vì sao anh có thể điềm nhiên hát, tên chủ sự có thể điềm nhiên nghe giữa tiếng khóc gào, lăn lộn ? Một cảnh trạng kỳ lạ mà não nùng. Tôi lập tâm phải cứu những người tù ra khỏi ngục.



                               
Tham dự sinh hoạt quốc tế lần đầu tại Đại hội Thanh niên Thế giới (Die I. Internationale Jugendtagung der Fraternitas) ở Bodensee bên Đức năm
 1958 (xem trả lời câu hỏi số 2)

                  Từ đó trở về sau, cuộc đời tôi đi vào đấu tranh như con cá giữa dòng nước.

Tham dự sinh hoạt quốc tế lần đầu tại Đại hội Thanh niên Thế giới (Die I. Internationale Jugendtagung der Fraternitas) ở Bodensee bên Đức năm 1958 (xem trả lời câu hỏi số 2)

Bồ tát là người giác ngộ, đạt quả vị Phật, nhưng tự ý cư trú cõi trần gian bi lụy, phát nguyện sống đạo giữa đời thường để cứu độ con người. Bồ tát Địa Tạng phát nguyện bao lâu còn một chúng sinh trong địa ngục, ngài thề chưa thành Phật. Địa ngục đâu phải ở cõi âm ? Những Gulag nơi hoang mạc Siberia, trại Lao cải ở Trung quốc, trại Cải tạo ở Việt Nam, trại Tập trung thời Đức quốc xã… không là địa ngục ư ? Chiến tranh không là địa ngục ư ?

Địa ngục tiếng Phạn là Nakura, có nghĩa là nơi chịu khổ, loài chịu khổ. Địa ngục Phật giáo khác địa ngục trần gian ở chỗ do thân thể nhỏ yếu, tinh thần lung lạc lúc phải chịu đựng quả báo do mình gây ra nhân ác mà khổ. Như ta bị cắt tay chảy máu mà đau. Thập điện Diêm phương ta thấy sau hậu liêu các chùa chỉ là lời cảnh báo những ai ngoan cố, gây nhân ác, làm hại người để họ biết sợ mà hối cải.
Trái lại, địa ngục trần gian có người cai quản - quản giáo, có người giam nhốt, có người hành phạt, có người tra tấn, giết chóc.

Bồ tát Quán Thế Âm là người lắng nghe tiếng khổ đau nơi thế gian và hiện tới cứu độ. Không trong hình thái thần linh, thiên thần đầy phép lạ và quyền uy, mà ngài hiện thân qua 30 hình thái tượng trưng các giới người trong xã hội để cứu cấp. Nếu người kêu cầu là một phụ nữ, ngài hiện thân ra phụ nữ đến cứu. Nếu người kêu cứu là một vị tướng, một người ngoại đạo, một trong các giai cấp xã hội, một trong các loài trong vũ trụ vô biên… thì ngài liền hóa thân thành thân phận kẻ bị khổ nhục, tội đồ, nạn nhân để cứu cấp. Là người đồng cảnh mới cứu độ kẻ đồng cảnh.

Phật tử là người mang hạnh nguyện quán thế âm- lắng nghe tiếng thế gian cầu cứu mà hiện đến giải vây, giải phóng con người.

Có lẽ những năm trẻ tuổi trong tù, tôi được khai thị về giáo lý Vô Ngã của đạo Phật dưới đáy sâu lòng mình vào lúc nào không hay, làm nên sợi chỉ đỏ của tâm hồn cho những cuộc dấn thân không ngừng nghỉ về sau. Cứ tự bảo hết kháng chiến, hết chiến tranh, hết cộng sản giày xéo dân lành… mình về lại cuộc đời làm thơ, viết văn, nghiên cứu. Nhưng có gì hết đâu như thân phận trần gian khổ lụy trên dải đất hình chữ S kéo dài từng nghìn năm.

Còn tiếp...

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét