William Truong
DIỄN ĐÀN CÔNG NHÂN- Bản chất của đời sống là thay đổi-”Chỉ có sự luôn luôn đổi thay là không bao giờ thay đổi”. Thay đổi chính là vận động nội tại của đời sống để thích nghi và tồn tại với môi trường thiên nhiên cũng như xã hội. Thay đổi để vượt qua giai đoạn lỗi thời của một sản phẩm vật chất hay một chủ thuyết, vượt ra khỏi những giáo điều khô cứng không còn phù hợp với đời sống, không còn giúp ích cho công cuộc tồn sinh của nhân loại để tìm đến một giải pháp mới ngõ hầu giải quyết các vấn đề của xa hội loài người đặt ra cho mỗi giai đoạn. Sự đổi thay có sàng lọc và chọn lựa chính là động lực thúc đẩy sự tiến bộ của nền văn minh. Tiến trình vận động để dẫn đến sự đổi thay được gọi là diễn biến, thế thì quá trình vận động để mang lại những đổi thay trong hòa bình có gì là không ổn?
Nhìn vào hiện tượng thiên nhiên hay lịch sử xã hội loài người thì từ xưa đến nay và cho mãi ngàn sau lúc nào cũng có thay đổi, thay đổi chính là sự vận động để giữ cho xã hội, thiên nhiên luôn tồn tại. Nếu bạn biết rằng trong mỗi giây trong cơ thể bạn tế bào chết đi và sinh ra liên tục để giữ sự sống cho bạn thì bạn sẽ nhận ra sự thay đổi quan trọng đến nhường nào, nếu bạn biết rằng bạn đang ngồi trong phòng trước máy computer hiện giờ nhưng trái đất đang mang bạn đi trong quĩ đạo không gian với vận tốc cả chục ngàn kms một giờ bạn sẽ thấy rằng đổi thay là một định luật mà con người không thể nào chống lại. Và cũng vì không thể nào chống lại sự quy luật “luôn luôn đổi thay” đó mà trong lịch sử nhân loại chúng ta chứng kiến không biết bao nhiêu cuộc chiến tranh để thay đổi một hình thái xã hội hay lật đổ một thể chế độc tài, thử hỏi trong các cuộc chiến tranh trên trái đất của chúng ta có vị lãnh đạo nào muốn chém giết tương tàn? Chắc chắn không ai muốn điều đó thế nhưng chiến tranh vẫn cứ xảy ra vì quy luật vô hình luôn vận hành cho sự đổi thay liên tục đã vấp phải sự u mê của con người luôn chống lại nó.
Một sự may mắn cho loài người đã xuất hiện một vị cứu tinh cho thời đại hôm nay lá Mahatma Gandhi với chủ thuyết thay đổi xã hội bằng hình thức bất bạo động, nghĩa là đổi thay theo quy luật vận hành bằng một hình thức hòa bình, giữa con người không có sự tương tàn với nhau nhưng vẫn giữ được sự hòa điệu với quy luật vô hình như một mệnh lệnh thiêng liêng của đấng Tạo Hóa. Với sự khởi xướng thay đổi bất bạo động đó đã nâng ông lên địa vị của một thánh nhân, và đan tộc ông đã thực sự tự do, dân chủ. Cùng với nền tự do, dân chủ đó thì những đổi thay của vật thể hữu hình cũng hình thành và phát triển mà ngày nay chúng ta thấy có một Ấn Độ giàu mạnh và hùng cường ở châu Á.
Bắt nguồn từ nguồn cảm hứng tâm linh đó gần đây xã hội CS ở đông Âu cũng thay đổi qua một thể chế dân chủ bằng hình thức bất bạo động, để rồi Trung Đông, Bắc Phi cũng tiếp bước theo vị thánh nhân khổ hạnh của xứ Ấn xa xôi làm nên những cuộc đổi thay êm thắm mà tương lai không xa sẽ là những nền kinh tế thịnh vượng đi kèm, và ngay bên cạnh Việt Nam là xã hội dân chủ Miến Điện đang từng ngày tiến triển bền vững.
Thế thì tại sao Việt Nam không chọn con đường đổi thay theo hướng bất bạo động để hòa nhập cùng thời đại và tránh đi những điều đáng tiếc cho nhân dân? Không thể cho rằng vì trung thành với chủ nghĩa CS, với học thuyết Marx- Le, vì những thứ vớ vẩn đó hiện không còn giá trị nào đối với cộng đồng nhân loại. Bằng chứng là VN đã chấp nhận nền kinh tế thị trường tức là đã phủ nhận kinh tế XHCN, mà kinh tế thị trường là con đẻ của chủ nghĩa tự do, của xã hội dân chủ. Nếu như chủ nghĩa tự do, xã hội dân chủ không tốt làm sao nó sản sinh ra một nền kinh tế ưu việt mà cả VN lẫn TQ đã theo đuổi mấy thập niên qua? Thế nhưng vì cái đuôi định huớng xã hội chủ nghĩa nên phát triển không hài hòa, luôn trong sự bấp bênh khi được khi mất cũng giống như một cỗ xe bò được lắp động cơ trực thăng, để rồi cả cỗ xe và động cơ chỉ phá hoại lẫn nhau chính là sự phí phạm năng lượng của cả dân tộc trong thời gian dài.
Song song với sự thay đổi kinh tế theo hướng thị trường tự do cùng những phương tiện truyền thông thời đại- internet- người dân Việt Nam, đặc biệt giới trí thức và sinh viên học sinh đã tiếp cận nhiều luồn tư tưởng khác nhau và có nhiều tư duy độc lập hơn trong việc chọn lựa cái tốt hơn cho đời sống của họ, và công cụ ” giáo dục tư tưởng” theo cách áp đặt những giá trị lỗi thời đối với thế hệ trẻ hôm nay là điều bất khả ,vì không ai có thể tin vào một thiên đường CS khi mà con cái của những đảng viên cao cấp đi chợ tận Singapore, xài Ipad, Iphone, laptop, computer cùng với những nhãn hiệu thời trang và thiết bị đời sống của “bọn tư bản giãy chết “.
Một lý do khác được viện cớ là dân chủ phương Tây là một chủ thuyết ngoại lai(từ bên ngoài) không thể áp dụng vào tình hình cụ thể VN. Thế nhưng gần một thế kỷ trước chủ thuyết ngoại lai khác đã được đem áp dụng vào VN và thành công nhất định trong giai đoạn giàng độc lập là CNCS và hiện nay nó, tức CNCS đó đã lỗi thời vẫn còn cố níu giữ chính là ngụy biện.
Nhiệm vụ của một chính phủ vì dân là khai sáng dân trí -”khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh”- chứ không phải luôn tìm cách mê hoặc bằng đánh tráo khái niệm và tuyên truyền những điều hoang tưởng vì như vậy có thành công nhất thời cho thể chế cầm quyền cũng luôn để lại tai họa trăm năm cho dân tộc, nhìn lại thời XHCN của những năm sau 1975 sẽ thấy học sinh, sinh viên lúc đó u tối cỡ nào so với thời hiện tại về các vấn đề xã hội, con người và duy hại của lối tuyên truyền đó là đói nghèo, lạc hậu mà những ai cở tuổi 35 trở lên đều biết và nhớ rất rõ.
Tự do chính là quyền lực khai phóng cho con người, vì nhờ tự do tư tưởng mà con người mới khám phá ra được những bí mật thiên nhiên, những quy luật xã hội, vì quy luật là một quy trình vận động như nó là chứ không phải là áp đặt của một cá nhân hay tổ chức.
Những bậc thiên tài của nhân loại luôn là xuất thân từ các xã hội tự do hoặc hướng đến xã hội tự do là một minh chứng cho quyền lực khai phóng, và chính vì vậy xã hội tự do luôn phong phú về phẩm cũng như lượng. Những phát minh khoa học vĩ đại, những tác phẩm văn học lớn đều có chung một động lực thúc đẩy của sự khai phóng đó, và sự phát triển vật chất chính là hệ quả đi kèm. Ở đây tư duy con người chính là tác nhân chính của mọi vận động trong thế giới hạn hữu mà ta bắt gặp trong tư tưởng Phật giáo- “Nhứt thiết duy tâm tạo”.
Những người Việt Nam hôm nay đã kinh qua và hiểu rõ thế nào là sự đổi thay trong hòa bình như hai thập niên qua và thế nào là đổi thay trong hận thù, bạo lực của thời nội chiến chắc hẳn không ai chọn cho mình một cuộc đổi thay tương tàn huynh đệ nếu như không bị thời thế bắt buộc. Thế thì tại sao chính quyền Việt Nam không chọn thay đổi trong hòa bình cho phù hợp với nguyện vọng của cả dân tộc?
Trong những năm vừa qua, giá trị của tự do dân chủ đã giải phóng lòng thù hận của con người rất nhiều mà như chúng ta thấy giờ đây những người bên kia chiến tuyến (VNCH) đã nhìn về VN với một cái nhìn khoang dung, độ lượng và sự hận thù sắc máu không còn tồn tại với cơ chế dân chủ, bỡi vì mọi người đều ngộ ra rằng đấu tranh cho một nền dân chủ tuyệt đối không phải để thỏa mãn lòng thù hận. Thế nhưng chính quyền Hà Nội luôn tìm cách bám giữ quyền lực thay vì giao quyền lại cho toàn dân định đoạt – giao cho toàn dân chứ không phải cho VNCH-thông qua cải cách các văn bản luật pháp từ thuợng tầng cho đến chi tiết với sự tham gia bằng lá phiếu của toàn dân để tìm đến một cuộc thay đổi êm thắm mà tôi gọi đó là Diễn Biến Hòa Bình.
Luôn luôn thay đổi là một quy luật tất yếu của cuộc đời mà không ai có thể chống lại thì thay đổi trong hòa bình chính là một chọn lựa tốt nhất, và những ai ngăn cản diễn biến hòa bình chính là cố tình thúc đấy cho cách mạng bao lực.
Nguon: http://truongw.files.wordpress.com/2013/02/hien-phap-dan-chu.png
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét