người lính chế độ cũ
DIỄN ĐÀN CÔNG NHÂN -“It is not power that corrupts but fear. Fear of losing power corrupts those who wield it and fear of the scourge of power corrupts those who are subject to it.” (không phải quyền lực mà là sự sợ hãi làm cho người ta thối nát. Sợ mất quyền thế làm cho những kẻ đương quyền trở nên đồi bại, và sợ bị những kẻ quyền thế trừng phạt làm cho những người bị trị sai lạc). Aung San Suu Kyi, Miến Điện
Nếu ba tử huyệt của chế độ hiện tại – một chế độ thoạt nhìn tưởng vững chắc nhưng đang có nguy cơ tan rã, tưởng là cách mạng nhưng lại đang trở thành phản động – là độc quyền lãnh đạo và qui định sở hữu toàn dân về đất đai (theo TS Hoàng Xuân Phú) cùng với sự dối trá (ông Trương Tấn Sang), thì các tử huyệt của phong trào đấu tranh cho một Việt Nam không Cộng sản là sự đoàn kết và một Cương lĩnh khả tín và có tính ràng buộc về tiến trình hòa giải dân tộc trước mắt và lâu dài.
Trong khi cuộc chiến Việt Nam đã làm chia rẽ sâu sắc và lâu dài nước Mỹ (một quốc gia có khả năng tự điều chỉnh để hoàn thiện hết sức cao) đến tận ngày hôm nay vẫn còn nhiều dấu vết chưa xóa được, thì không có gì lạ khi Việt Nam – đất nước ở trung tâm điểm cuộc chiến đó – vẫn còn đầy dẫy sự chia rẽ và những khó khăn khó vượt qua nổi từ cả hai phía trong sự hòa giải dân tộc sau chiến tranh, nhất là tiến trình này lại bị hủy hoại phần lớn bởi lỗi lầm của những người Cộng sản sau chiến thắng, gây ra thêm bao nhiêu đau đớn, bất công và oan khuất không cần thiết cho người anh em miền Nam thua trận.
Tuy nhiên nếu nhìn kỹ lại, chúng ta thấy ngay từ giai đoạn sớm của cuộc chiến, Hà Nội đã biết nghĩ đến và cho ra đời Mặt Trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam – một tổ chức nhằm thu phục và đoàn kết mọi tầng lớp của người dân miền Nam (nhất là trí thức trong ngoài nước) để tạo sức mạnh cho họ, dù sau này chúng ta đã biết Lê Duẫn và Lê Đức Thọ đã phản bội lại những gì đã cam kết khi thành lập Mặt Trận này, gây cảm giác đây là một thực thể được dựng ra để mị dân là chính.
Những lãnh đạo của Đảng hiện nay chỉ sợ nhất một điều là sự “tự diễn biến” trong đội ngũ của họ, và từ đó sẽ dẫn đến sự tan rã của Đảng; ngược lại họ hoàn toàn không sợ những hoạt động lật đổ bằng vũ trang vì họ đã từng là bậc thầy về việc đó. Tương tự như hoàn cảnh của Liên Xô cuối thập niên 80 thế kỷ trước, sức mạnh chuyên chính gồm quân đội và bộ máy an ninh, công an của chế độ hiện nay vẫn còn nguyên vẹn; và cũng như ở những nước độc tài khác, bộ máy đó mạnh, tàn nhẫn và hiệu quả.
Do đó chỉ có một Đề cương tốt về đường lối hòa giải, trong đó có cả điều khoản mà nhà báo Nguyễn Đắc Kiên đã đề cập: “ tránh bất cứ hành động mang tính trả thù nào với những người ở chế độ cũ/ tức chế độ CS hiện nay” mới có thể tạo điều kiện cho sự tan rã của ĐCS xảy ra sớm hơn vì chính sự cam kết về hòa giải đó sẽ tác động mạnh và trực tiếp đến suy nghĩ của những người CS cấp tiến còn nghĩ được đến một điều quan trọng là chỉ có chấm dứt chế độ CS độc tài và kém hiệu quả, đầy dẫy tham nhũng và tha hóa nầy mới có thể làm cho dân tộc hồi sinh lại và dần đi tiếp để sánh vai cùng những quốc gia khác trên thế giới. Chúng ta nên hiểu rằng mục đích cao đẹp cuối cùng cũng như những giá trị tự do cao quý do tranh đấu bền bĩ của ngày càng nhiều người dũng cảm không phải là để họ trở thành một Bên Thắng Cuộc mới, mà để cho nhân dân VN – trong đó có chúng ta và con cái – có được một cuộc sống công bằng hơn dưới một chính thể tự do dân chủ đúng nghĩa. Những lãnh đạo cách mạng vĩ đại trên thế giới hiện nay như Nelson Mandela, Aung Sam Suu Kyi… đã không trả thù lại những kẻ thù cũ của mình, những kẻ đã giam cầm họ trong tù ngục hoặc đày đọa họ về mọi mặt, thậm chí cả đe dọa tính mạng, trong hàng chục năm trời. Chính điều đó đã làm nên sự khác biệt giữa họ với các Lãnh đạo CS tại VN như Lê Duẫn, Lê Đức Thọ,… những người đã không làm được điều này sau khi thắng lợi, dù vẫn luôn miệng nhắc đến một “kỷ nguyên sau Việt Nam”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét