Thứ Ba, 23 tháng 4, 2013

KẺ SĨ THỜI XƯA VÀ KẺ SĨ THỜI NAY


Võ Hưng Thanh       
                
                      
      Trần Dân Tiên người đại diện tiêu biểu cho kẻ sĩ thời nay 

Cả gần một nghìn năm, kẻ sĩ thời xưa của nước ta là những người có học, có hiểu biết, được đào tạo chính quy và bài bản theo hệ tư tưởng hay ý thức hệ Nho giáo. Điểm đặc trưng của giới kẻ sĩ này chính là năng lực nhận thức và ý thức đạo đức cao khiết của họ. Điều đó thể hiện qua bản lĩnh, tâm hồn, tinh thần và ý chí của kẻ sĩ mà ý thức côt lõi vẫn luôn là “Phú quý bất năng dâm, bần tiện bất năng di, uy vũ bất năng khuất”. Có nghĩa đã là kẻ sĩ đúng nghĩa thì không ham giàu sang, không lụy sự nghèo hèn, không sợ hãi quyền lực của kẻ khác. Tức cũng có nghĩa những người nào mang danh có học, có địa vị, danh chức, nhưng đi ngược lại các phầm chất, giá trị hay ý nghĩa đó thì không thể nào được gọi là kẻ sĩ. Nói khác đi, ý nghĩa của kẻ sĩ thật sự hay thực chất là luôn luôn vì phẩm hạnh đạo đức, vì con người, vì xã hội, mà không bao giờ vì cá nhân hoặc lợi lộc của riêng mình. Tầm cao của kẻ sĩ là tầm cao về mặt ý nghĩa đạo đức và tầm cao về mặt lý tưởng nhân văn, xã hội.



Chính tính cách liêm khiết và cao quý trong tinh thần như thế, nên xã hội VN xưa luôn luôn rất trọng thị và tôn vinh kẻ sĩ. Các tấm gương kẻ sĩ trong lịch sử đất nước do vậy thường hết sức phong phú và nổi bật trong rất nhiều thời đại của quá khứ không thể nói hết.

Sang đến thời kỳ nước ta bị lệ thuộc Pháp dưới chế độ thực dân, khái niệm kẻ sĩ hiểu theo ý nghĩa mới lại chính là người trí thức theo kiểu Tây học. Tức là khái niệm trí thức đã dần dần và thực tế thay thế hẳn cho ý niệm kẻ sĩ. Bởi nếu kẻ sĩ trong thời phong kiến được hiểu là người khoa bảng theo kiểu kinh bang tế thế, mang đầy đạo lý Nho giáo, thì người trí thức theo quan niệm mới là người có bằng cấp Tây học, được đào tạo theo hướng học thuật và kỹ thuật khoa học. Rõ ràng ở ở đây đã có sự manh nha dị biệt giữa ý niệm kẻ sĩ và ý niệm trí thức. Bởi nội hàm kẻ sĩ vẫn cao hơn nội hạm trí thức. Nên nói cụ thể, người trí thức trong thời đại mới, nếu có đạo đức và lý tưởng xã hội nhân bản thì được gọi là kẻ sĩ, còn nếu không thì chỉ được hiểu như người người trí thức bình thường, tức người có tri thức hiểu biết theo lối thường tình.


Qua đến thời đại cách mạng cộng sản hậu thực dân, ý niệm kẻ sĩ hoàn toàn không còn nữa, cả ý niệm trí thức cũng hoàn toàn không còn nữa. Thay vào đó là quan điểm mác xít về giai cấp của những người mác xít. Chỉ còn ý nghĩa cán bộ và quần chúng mà không còn ý niệm kẻ sĩ. Cán bộ là người chỉ huy hay vận động quần chúng, họ có thể là đảng viên hoặc là người tuân thủ, làm việc cho chế độ, cho nhà nước. Quần chúng được hiểu là người thuộc các giai cấp nông dân, công nhân, hay người lao động nói chung thuộc các lãnh vực.


Đó chính là tính cách của chủ nghĩa quần chúng trong các thể chế nhà nước CS. Có nghĩa chỉ còn có hai loại nhân sự hay con người của xã hội, là cán bộ điều khiển và quần chúng bình dân hoàn toàn buộc phải tuân hành hay tuyệt đối tuân hành thế thôi.


Nên trở về vấn đề, nếu kẻ sĩ thời phong kiến nước ta là giá trị cốt lõi của mọi nhân cách và động lực cao nhất của xã hội, thì thời thực dân thuộc địa, ý nghĩa của trí thức hoàn toàn hay phần lớn đã tách biệt với ý nghĩa kẻ sĩ. Đến thời kỳ CSCN, ý niệm kẻ sĩ đã hoàn toàn triệt tiêu, và ngay cả ý niệm trí thức, cũng được gắn thêm cái đuôi đỏ chóe là trí thức XHCN. Đó chính là kiểu quản trị xã hội độc đạo và chặt chẽ, toàn diện mà nhiều người vẫn mệnh danh là chế độ kiểu toàn trị hay chế độ toàn trị.


Từ các ý nghĩa trên, đến thời kỳ hậu CS trên toàn thế giới, tức thời kỳ kinh tế thị trường hòa nhập quốc tế và hiện đại nói chung, ý niệm kẻ sĩ hay trí thức ngày nay được hiểu thế nào tất nhiên mọi người đều đã nhận thấy rõ. Kẻ sĩ là người có bản lĩnh, đạo đức, trình độ nhận thức và mục tiêu xã hội. Trí thức chỉ là kẻ có trình độ nhận thức hay hiểu biết bình thường. Còn bằng cấp và khoa bảng ư ? Đó chỉ mới là điều kiện cần cho kẻ sĩ và trí thức nhưng hoàn toàn chưa phải là điều kiện đủ. Ngay cả trí thức cũng chỉ mới là điều kiện cần cho kẻ sĩ nhưng hoàn toàn chưa phải là điều kiện đủ cho kẻ sĩ. Như vậy có nghĩa khái niệm kẻ sĩ là khái niệm độc đáo nhất trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc VN và bất cứ trong thời đại nào nó cũng bắt buộc phải có. Do đó trong những thời đại nào mà tư duy độc lập của con người bị triệt tiêu, đó không còn là thời đại của kẻ sĩ nữa mà chỉ còn là thời đại của phi kẻ sĩ và phản kẻ sĩ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét