Thứ Sáu, 5 tháng 4, 2013

PHÁT BIỂU VỂ NỀN MÓNG DÂN CHỦ


Võ Hưng Thanh
    
                           

Dân chủ là một giá trị nhân bản và giá trị xã hội. Nói dến nhân bản là nói đến con người có quyền độc lập, tự do và có ý thức độc lập, tự do. Mỗi cá nhân không xâm phạm đến cá nhân khác một cách bất công, kém ý thức về phương diện đời sống cũng như phương diện nhận thức, đó là xã hội dân chủ.



Dân chủ như vậy là cái quyền tự nhiên của tất cả mọi người, dân chủ là mục đích và ý nghĩa chung của toàn xã hội. Bởi dân chủ là nền tảng để phát triển xã hội và phát triển cá nhân nói chung. Một xã hội không dân chủ là một xã hội mang các tính chất hoàn toàn ngược lại.

Chẳng hạn quyền phát biểu là quyền dân chủ trước nhất của mọi cá nhân hay mọi công dân. Một xã hội mà các cá nhân đều không có quyền phát biểu tự do đó là xã hội phi dân chủ hay phản dân chủ. Phát biểu tự do không phải muốn nói gì thì nói mà biết và có thể nói lên điều gì tự mình thấy có lợi cho xã hội, cho mọi người.

Như thế, dân chủ trước hết là vấn đề ý thức, vấn đề nhận thức, và cả ý nghĩa của hành động. Ý thức là ý thức về quyền dân chủ của mình và quyền dân chủ của mọi người. Nhận thức là mình có hiểu biết về những điều gì có lợi cho mọi người và lợi chung cho xã hội. Ý nghĩa của hành động là mình chỉ được quyền làm lợi cho mọi người, cho xã hội, mà nhất thiết không thể làm điều gì ngược lại.
Trên cơ sở như thế, dân chủ rõ ràng trước hết là ý nghĩa của nhận thức và sau đến là ý nghĩa của hành động như đã nói. Nhận thức có nghĩa là trí, thức, không mù quáng, không ù ù cạc cạc, đặc biệt là không riêng tư, không ích kỷ. Có nghĩa xã hội dân chủ là xã hội có tỷ lệ hay hàm lượng trí thức, nhận thức cao trong lòng chính nó.
Điều đó cũng cho thấy xã hội nào mà dân trí thấp kém, những người nhận thức đúng đắn về dân chủ không nhiều, phần lớn hay thường xuyên vẫn là những xã hội phi dân chủ hay phản dân chủ. Điều này cũng nói lên điều là ý nghĩa của dân chủ gắn liền với ý nghĩa của tự do hay ngược lại. Bởi tự do không phải muốn làm gì thì làm mà là quyền làm điều gì tốt nhất cho mình đồng thời cũng làm tốt nhân cho mọi người. Dân chủ và tự do, như thế là hai động lực hay bản chất tích cực nhất của xã hội. Đó chỉ là hai khía cạnh, hai vế hay hai mặt của vấn đề, đó là vấn đề xã hội nhân bản.

Xã hội nhân bản là xã hội đặt nền móng trên quyền tự nhiên, khách quan của con người. Xã hội nhân bản là xã hội nhằm vào ý nghĩa của văn minh, ý nghĩa của tình thương yêu và tinh thần nhân đạo. Có nghĩa xã hội nhân bản chủ yếu là xã hội tri thức và xã hội trí thức.

Nói như vậy cũng để thấy rằng ý nghĩa của cá nhân và của xã hội nói chung là ý nghĩa của khoa học, khách quan, nhân văn và thực tế. Khoa học có nghĩa có giá trị hiệu quả trong đời sống, không mù quáng, không mê muội mà là nhận thức, tri thức và những sự hiểu hiểu biết khách quan. Chính ý nghĩa thực tế phải gắn với ý nghĩa nhân văn mà không là gì khác. Nhân văn là phục vụ con người, đề cao người, lấy con người làm nền tảng. Ý nghĩa của nhân văn là nền văn minh, văn hóa, khách quan, thực tế, hữu lý và khoa học mà không là gì khác. Nhân văn và nhân bản chỉ là một. Dân chủ và tự do chỉ là một. Dân chủ, tự do và nhân bản, nhân văn chỉ là một. Mọi cái gì đi ngược lại điều ấy chỉ là phi dân chủ, phản tự do, trái nhân văn và ngược nhân bản.

Có người cho răng chỉ có những nền độc tài mới bảo đảm được đời sống của số đông và trật tự của toàn xã hội nói chung. Đó là cách suy nghĩ của những đầu óc thiển cận, thấp kém. Bởi con người không phải là loài vật, chỉ biết ăn no ngủ kỹ là đã đạt được yêu cầu hạnh phúc. Bởi vậy mọi xã hội mù quáng, vận hành theo kỹ luật sắt, đó thật ra không phải là xã hội loài người mà chỉ là xã hội đoàn bầy kiểu sinh vật thuần túy và giản đơn.

Điều đó cũng có nghĩa kinh tế phát triển theo cách độc đoán, chỉ huy, chỉ tự nó làm hạn chế sức mạnh tự nhiên, khách quan của kinh tế, của nhận thức, của đời sống mà không là gì khác. Chính tự do và dân chủ trong căn cơ là động lực của phát triển kinh tế, phát triển văn hóa, phát triển đời sống, tức là phát triển chính trị nói chung mà không thể nào ngược lại. Đó là sự khác nhau giữa chính trị sáng suốt, khoa học, và chính trị theo cảm tính, u mê và mù quáng.

Cho nên chỉ có những tư duy, suy nghĩa khoa học một cách tự do và khách quan, đứng đắn của mọi người hiểu biết trong một xã hội mới có thể làm cho xã hội đó phát triển tối ưu nhất mà không thể nào ngược lại. Có nghĩa mọi tư duy thấp kém, mọi niềm tin thấp kém, ngụy trang hay ích kỷ về một tín điều phi khoa học, phản khoa học nào đó chỉ làm hạ thấp xã hội, làm ngu dân hóa xã hội đó mà không bao giờ đi vào được con đường phát triển khách quan, hiệu quả và hữu lý về tất cả mọi mặt.

Nói chung lại, yêu cầu muôn đời của mọi cá nhân, mọi xã hội, mọi thời đại, mọi dân tộc thực chất chỉ là vấn đề của ý thức, của nhận thức, của tri thức, của trí mà không thể là con đường nào khác. Mọi cái phi trí thức chỉ có thể phục vụ cho cái phi trí thức mà không bao giờ ngược lại. Như vậy chỉ có tri thức khoa học, nhận thức khoa học, ước nguyện nhân văn vả thực tiển của mọi người mới thật sự phục vụ cho mọi xã hội mà không phải là điều gì ngược. Những quan điểm về giai cấp mù mờ, cuồng tín, giáo điều v.v… thực tế chỉ là sự ngụy trang, bênh vực sai trái cho các quan điểm, các lý thuyết nào đó phi khoa học, phản khoa học, đi ngược lại quyền lợi chung của mọi người, của toàn xã hội phát triển, tiến bộ mà không thể có một ý nghĩa chính đáng hay thực tế nào khác.

Đó cũng là điều tại sao từ cổ chí kim, chính trị vương đạo luôn luôn ngược lại với chính trị bá đạo, chính trị ngu dân luôn luôn ngược lại với chính trị khai phóng, chính trị ích kỷ luôn luôn ngược lại với chính trị xã hội đúng nghĩa, chính trị trí thức, tự do, dân chủ đích thực luôn luôn ngược lại với chính trị độc tài, mị dân, thậm chí ngu dân và u tối. Có nghĩa mọi xã hội bình dân vẫn chỉ thường là xã hội ích kỷ và xã hội ngu dân, bởi vì nó được nuôi dưỡng và dung túng, hỗ trợ cho mọi bản năng thấp kém tự nhiên của con người. Trái lại chỉ có xã hội trí thức mới luôn luôn là xã khai phóng, vị tha, khách quan và ưu việt. Điều đó cũng có nghĩa mọi quan điểm giai cấp mị dân, tầm thường, thấp kém, đều chỉ là phi khoa học, phản khoa học, mù quáng, mê tín. Trái lại chỉ xã hội đề cao trí thức, nhận thức khách quan mới là xã hội đúng nghĩa tự do, dân chủ đích thực và cũng chính là những xã hội phát triển đích thực về mọi mặt trong mọi tập thể con người. Đó cũng chính là ý nghĩa của quyền phát biểu và nền móng xã hội trí thức, dân chủ, và tự do là như vậy.

Võ Hưng Thanh
(05/4/2013)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét