Thứ Tư, 17 tháng 4, 2013

TÊN VÀ THỰC CHẤT CỦA MỌI SỰ VẬT


Võ Hưng Thanh

                        

Tên gọi là sự biểu thị hình thức nhằm chỉ một sự vật nào đó. Tên tuy là danh xưng bên ngoài, nhưng ý nghĩa hay nguyện vọng của nó là muốn nói lên các thuộc tính hay đặc điểm nào đó bên trong sự vật. Tuy tên gọi chỉ là sự ký danh, nhưng không có nó không được. Không có tên có nghĩa là vô danh, tức không có sự vật. Nhưng gọi tên không đúng sự vật cũng trở thành ma mị, không thật, không chính xác hay không trung thực.



Chính ý nghĩa tên gọi hết sức quan trọng như thế, nên cách đây nhiều ngàn năm, một trong những bậc thầy về nhận thức của nhân loại là Khổng tử đã đưa ra thuyết chính danh. Chính danh có nghĩa phải gọi đúng tên khách quan và chính xác của mọi sự vật. Trái bầu thì gọi trái bầu, bình rượu thì gọi là bình rượu, không thể gọi trại ra thành một tên gì đó khác được. Khổng nói “cô bất cô, cô tai ! cô tai !” (觚不觚,觚哉觚哉) chính là như thế. Bởi tên gọi mà trái ngược hay không phản ánh đúng sự vật khách quan liền trở thành sự mị danh, giả danh, mạo danh hay sự giả danh.

Ngay như tên một đất nước cũng phải vậy. Tên nước phải là tên chung do toàn thể dân chúng nơi đó đặt ra. Có nghĩa Quốc hội phải phản ảnh đúng ý nghĩa dân chúng thì tên nước đó mới thật, mới thật sự mang ý nghĩa. Nếu Quốc hội chỉ biết nói theo một thiểu số cá nhân có quyền nào đó, muốn đặt tên như thế nào đó, tên đó tất nhiên cũng không phải tên khách quan mà là tên theo ý muốn, tức là tên theo chủ quan hay tên theo một ý đồ nào đấy cũng chính là như vậy.

Đối với cá nhân, quyền có tên là quyền của mỗi người. Đó là tên cúng cơm do cha mẹ đặt ra, không ai có thể vì bất kỳ lý do gì có thể tự tiện làm thay đổi nó đi được. Tên của đất nước thì gọi là tên nước. tức quốc hiệu. Tên này thường do một triều đại được lập ra đặt cho, nó phản ảnh tinh thần hay ý nghĩa của triều đại đó, miễn rằng nó phải khách quan và phải trung thực thì mới gọi được là thật sự có ý nghĩa.

Trở về nước VN sau cách mạng tháng 8 năm 1945, có tên là nước “Việt Nam Dân chủ Cộng hòa”. Đúng ra, tên gọi này, hầu hết mọi người vì rất nhiều lý do khác nhau đều không thấy có một sự trùng lắp về ý nghĩa nội dung nào đó. Bởi vì về mặt ý niệm chính trị, khái niệm cộng hòa đã bao hàm khái niệm dân chủ, hay ngược lại cũng như vậy. Như thế hà tất phải dùng lắp cả hai từ ngữ hay danh từ. Nhất là nếu ý niệm dân chủ này lại chỉ chủ yếu bao hàm ý nghĩa của “dân chủ nhân dân” còn là chuyện khác.

Trong khi đó, miền Nam VN cũ, chỉ dùng một từ ngữ duy nhất “Việt Nam Cộng Hòa” (Republic of VN, Republic VN, hay VN Republic) cũng gọi là tạm ổn rồi. Thế nhưng sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, với cái khí thế hay đà thắng xông lên, lực lượng cầm quyền của ông Lê Duẩn khi ấy đã quyết định đổi ngay tên nước VN thống nhất khi ấy thành nước “Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa VN”. Ở đây ai tinh ý hoặc sáng ý sẽ thấy ngay trong đó hàm chứa hai nội hàm chủ yếu : nội hàm xã hội và nội hàm chủ nghĩa. Ý niệm xã hội ở đây là ý niệm xã hội để tiến lên xã hội cộng sản trong tương lai theo lý thuyết chủ nghĩa Mác. Đấy cụm từ XHCN thực chất là mang tính cách như vậy. Chính cái vế sau hay thuộc từ chủ yếu đó quyết định ý nghĩa của vế trước là “Nước Cộng hòa” mà không là gì khác. Đúng ra trong một xã hội dân chủ thật sự, tất cả mọi công dân đều có quyền nhận xét, nói lên ý kiến riêng về điều này. Nhưng dưới thời chuyên đoán hay chuyên chính của ông Lê Duẩn thì sự việc hay vấn đề lại hoàn toàn khác. Đó là tính cách duy ý chí chủ nghĩa của một nhóm người hay của cả một thế hệ thì cũng vậy.

Ngày nay thì mọi tình huống trên thế giới thực tế đã hoàn toàn khác đi ấy. Cả mọi tình hình và khía cạnh trong nước lẫn mọi tình huống và phương diện của toàn thế giới. Nói trắng ra ngày nay khối Xô Viết hay cả khối XHCN trước kia đã không còn. VN ngày nay đang tích cực từ giả nền kinh tế bao cấp, từng bước chuyển sang nền kinh tế thị trường đúng nghĩa, đã càng ngày càng hội nhập quốc tế, và thực chất dù muốn dù không cũng đã vô hình chung hay ngấm ngầm từ giả ý thức hệ mác xít thứ thiệt, có nghĩa cả rượu và bình đều hoàn toàn không còn như cũ được nữa.

Đây có lẽ là lý do mà từng đã có nhiều người phải lưu tâm hay công khai đưa lên ý nghĩa cần thay đổi tên nước như bài báo trên kia đã nhận định. Đây thực chất chỉ là quyền dân chủ tự nhiên của mọi người. Bởi tên cá nhân do cha sinh mẹ đẻ thì không ai có thể đổi được. Nhưng đất nước không phải là gia đình hay họ tộc mà là sản phẩm lịch sử nói chung của dân tộc, của toàn dân, nên nguyên lý tự do dân chủ của tất cả mọi công dân hoàn toàn là điều chính đáng, khách quan, điều tuyệt đối và hoàn toàn đúng, không ai cũng như không thể nào hoặc vì bất kỳ lý do gì có thể bị phủ nhận được.
Nhưng tên gọi sắp tới hoặc trong tương lai ngắn hạn hoặc dài của nước VN sẽ là tên gì, sẽ như thế nào, điều đó không thể bất kỳ cá nhân nào quyết định được, mà chính là quyền chung của mọi người, của đa số, của toàn dân, của một Quốc hội đúng nghĩa sẽ phải làm điều đó. Quốc hội đúng nghĩa cũng có nghĩa là Quốc hội chính danh, có nghĩa do toàn dân không phân biệt bầu ra một cách đúng nghĩa dân chủ, tự do thật sự. Đó cũng là ý nghĩa khách quan và ý muốn toàn dân luôn luôn khác với ý nghĩa duy ý chí của một nhóm thiểu số quyền lực nào đó. Chính tính cách dân chủ tự do khác với tính cách độc tài chuyên đoán cũng là như vậy. Hay nói chung lại, tính cách chính danh và tính cách không chính danh của mọi vấn đề nào trong đời sống con người và xã hội loài người cũng chỉ đều như thế cả.
Võ Hưng Thanh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét