Thứ Hai, 13 tháng 5, 2013

NGÀY XƯA NGÀY NAY


Võ Hưng Thanh

                         

Ngày xưa Phan Chu Trinh, nhà cách mạng nổi danh của đất Quảng Nam đã từng nêu lên quan điểm tư sản nhân quyền, hô hào “khai dân trí, chấn dân sinh, phục dân quyền” rõ ràng hoàn toàn thực tế, sáng suốt. Khai dân trí là mở mang giáo dục, đề cao trí tuệ, hiểu biết. Chấn dân sinh là mở mang kinh tế nước nhà, đề cao phúc lợi toàn dân, đó là quan điểm kinh tế xã hội rất cần thiết, trọng yếu. Bởi có thực mới vực được đạo, có vực được đạo (trí thức) thì mới giải phóng được đất nước về mọi phương diện, không phải chỉ riêng phương diện nào. Phục dân quyền có nghĩa dân quyền nước ta đã mất vào tay người Pháp, cần phải nhất thiết khôi phục lại. 


Tiếc rằng Phan Chu Trinh chưa thành công bởi vì hoàn cảnh quốc nội và tình hình quốc tế lúc ấy còn chưa thật sự thuận hợp, chưa hanh thông thật sự. Nhưng ngày nay nhìn lại, về phương diện thực tế, phương diện khoa học, phương diện nhìn xa thấy rộng, nhìn sâu thấy khắp, rõ ràng Phan Chu Trinh là người đầy thận trọng, kỹ lưỡng, chắc tay trong nhận thức và hành động cách mạng cứu nước trong trường kỳ và dài ngày.

Trái ngược với Phan Chu Trinh, ông Hồ Chí Minh quả mạnh dạn hơn, đốt giai đoạn hơn, ông chủ trương đi theo học thuyết Các Mác và Lênin là chính yếu. Bởi vậy ông tin tưởng vào giai cấp vô sản là duy nhất, tin vào học thuyết cách mạng vô sản là duy nhất. Mà theo học thuyết đó thì chỉ có giai cấp vô sản mới là động lực, là đầu tàu của cách mạng, là sức mạnh đấu tranh bạo lực, giai cấp, không phải nhấn mạnh vào lực lượng trí thức, khoa học, nhận thức, tri thức hoặc hiểu biết về mặt trí tuệ như kiểu quan niệm của Phan Chu Trinh. Có nghĩa ông Hồ đi theo xu hướng đang lên của thời đại lúc đó, còn ông Phan thì theo xu hưỡng vĩnh cửu của nhân loại muôn đời.

Kết quả Việt Nam trong sự lãnh đạo của “Cụ Hồ” đã đi sâu vào cuộc tranh chấp ý thức hệ quốc tế, với bao nhiêu hệ lụy rõ ràng mà ngày nay mọi người trong nước lẫn cả ngoài nước đều hoàn toàn thấy rõ.

Trong khi đó “Cụ Phan” đã từng có thời kỳ bị một số người (kiểu cách mạng vô sản) dè bỉu, khinh bỉ là tư tưởng tiểu tư sản, đề huề với Pháp, không sáng suốt, không theo xu thế thời đại, tức không tiến bộ, không thể giúp ích gì cho giải phóng đất nước cùng giải phóng giai cấp.

Nhưng rồi ngày nay thế giới tiến bộ, công nghiệp phát triển, khoa học tiến lên như vũ bão, mọi ý niệm cổ xưa đều dần dần được sáng tỏ, sự tranh chấp ý thức hệ đã tự triệt tiêu vì phi lý và không có ý nghĩa hay giá trị khoa học. Thế giới đã hội nhập, nền kinh tế thị trường khách quan đã hoàn toàn thắng thế so vơi quan niệm kinh tế tập trung quan liêu bao cấp, kinh tế tập thể đã từng gây ra biết bao hậu quả tai hại trong thời gian dài cho đất nước trước kia.

Vậy thì bây giờ giữa “Cụ Hồ” và “Cụ Phan” mọi điều tương đồng hay dị biệt cũng đã hoàn toàn rõ rệt. Duy chỉ có điều là “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng” thì vẫn còn đó. Nhưng vấn đề “thừa thắng xông lên” thì hình như có nhiều mặt đã và đang bị chựng lại. Nên ý nghĩa hiện thời của dân tộc, đất nước không còn là quá khứ, hiện tại, mà chính là thực chất của tương lai. Chỉ bám vào quá khứ thực chất hoàn toàn là điều ngu ngốc. Chỉ biết có hiện tại là hoàn toàn khờ khạo, ngây thơ. Nên biết hướng về tương lai, rũ bỏ mọi quá khứ mới chính là con đường hòa giải hòa hợp dân tộc thật tâm thực sự. Và chỉ có con đường hướng tới tương lai mới là con đường cũng như triển vọng phát triển xã hội, đất nước thật sự. Kẻ quê mùa này chỉ mạo muội nói lên vài ý nông cạn như vậy để chư quân tử hải nội và hải ngoại cùng nhau có thể phân tích và soi sáng thêm.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét