Thứ Hai, 17 tháng 6, 2013

Không có nhà nước pháp quyền, mọi thành tựu trong quá khứ đều là "ảo".

 Dân đen Sgn


                     


Khác với lực lượng công an xuất hiện công khai và có sắc phục để phân biệt, lực lượng an ninh chính là lực lượng ngầm của mọi nhà nước, không công khai cũng không có đồng phục (hoặc có, nhưng lẫn vào các sắc phục của các lực lượng khác). Việc của nó là điều tra những sự việc thuộc chức năng của nó (chính trị, kinh tế, tình báo, hình sự, chống khủng bố, an toàn hàng không, ...). Trong quá trình điều tra, có thể trấn áp được đối tượng mà không có ai chứng kiến, nó không ngại ra tay. Nếu không có khả năng trấn áp do đối tượng quá hung hãn hoặc ở nơi quá đông người, nó sẽ ra lệnh cho lực lượng công khai khác tiến hành dựa vào 1 cái cớ hợp pháp nào đó. Cho nên, cho rằng "công an đàn áp người dân" là khá oan uổng. Kẻ giấu mặt là lực lượng an ninh chính trị mà địa phương nào cũng có 1 cơ quan thường trực.


Ngoại trừ an ninh chính trị ra, mọi lực lượng khác đều là những tổ chức nhà nước phi chính trị. Tuy nhiên, phi chính trị không có nghĩa là nó không đàn áp dân. Lệnh từ cấp trên đưa xuống buộc nó phải thi hành. Cho nên, vấn đề ở đây không phải là "công an" mà là vấn đề "hệ thống".

Lỗi hệ thống của VN là vấn đề đảng trị. Đảng trị là đảng cầm quyền, các đảng viên của đảng nắm vị trí chủ chốt trong bộ máy nhà nước. Vấn đề này thì cả những quốc gia đa đảng cũng tương ứng, VN chỉ khác 1 điểm là đảng cầm quyền là ĐCS và "cầm quyền suốt đời". Bỏ qua điểm khác biệt này trở lại vấn đề đảng trị. Đảng trị không có nghĩa là mọi việc đều phải thống nhất với nhau mà còn phải có sự độc lập tương đối. Dù anh là đảng viên CS thì công việc của anh là gì thì anh cứ làm theo như pháp luật quy định. Điều đó có nghĩa là anh đảng viên của cơ quan tư pháp cũng có quyền điều tra, bắt giữ, xét xử và tống giam những anh đảng viên của cơ quan khác khi có bằng chứng tham nhũng. Thực tế là họ bao che lẫn nhau khi có dấu hiệu bất minh và bị công luận lên án. Đây rõ ràng là lỗi hệ thống. Lỗi này phát sinh từ sự kiêm nhiệm quá nhiều chức danh của các quan chức. Những chức danh "phụ thêm" ấy chính là cái lá chắn để họ thoát khỏi sự trừng phạt của công lý. 1 anh vừa là đại biểu quốc hội, vừa là quan chức hành pháp đồng thời là ủy viên thường trực trung ương đảng thì tất nhiên là tay nhận hối lộ mồm ra rả kêu gọi "chống tham nhũng" bản thân luôn tự cho mình là "trong sạch vững mạnh". Tóm lại là "vừa đá bóng vừa thổi còi".

Để hình dung đảng trị ta có thể tham khảo mô hình nhà nước đảng trị của ...Đức Quốc xã. Rõ ràng là, nhà nước Đức Quốc xã là 1 hệ thống cực kỳ chặt chẽ dù do 1 đảng cầm quyền dưới sự lãnh đạo của 1 nhà độc tài. Mật vụ Gestapo có thể bắt giam bất cứ người nào, kể cả đảng viên Quốc xã. Dĩ nhiên chúng ta chỉ tham khảo hệ thống và cơ cấu nhà nước của Đức Quốc xã về mặt khoa học xã hội, không bàn đến vấn đề độc tài hay phát xít gì cả. Từ đó, ta có thể rút ra được kết luận, nhà nước VN không "thượng tôn pháp luật" dù pháp luật ấy do chính các đảng viên CS biên soạn.

Người dân trong nước chúng tôi đấu tranh đòi hỏi xây dựng 1 nhà nước pháp quyền, ai cầm quyền tính sau. Có nhà nước pháp quyền thì xã hội mới đi vào trật tự vốn có của nó. Có nhà nước pháp quyền sẽ hạn chế tối đa "tham nhũng, vô trách nhiệm và lạm quyền". Nhà nước pháp quyền không làm cho kinh tế trở nên sung túc, cái đó phụ thuộc vào tài năng của lãnh đạo và quốc hội, nhưng ít ra nó chống được sự lãng phí (kể cả lãng phí thời gian). Có nhà nước pháp quyền thì việc đấu tranh đòi luật hóa các điều khoản thuộc về dân chủ nhân quyền ghi trong Hiến pháp không bị chụp cho cái mũ "chống đối". Có nhà nước pháp quyền thì lực lượng an ninh chính trị cũng sẽ bị xóa sổ vì không cần thiết. Tóm lại, có nhà nước pháp quyền thì mọi thứ đều có. Không có nhà nước pháp quyền, mọi thành tựu trong quá khứ đều là "ảo".

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét