Nhân Quyền
"Một hệ thống như vậy có thể được gọi là Vườn ươm Tội ác: Chỉ có những gì là Tội ác, là Xấu xa mới có thể tồn tại và phát triển, còn những gì là Tốt đẹp, là Lương thiện phải bị hủy diệt."
Trong bối cảnh cuộc sống bất như ý, tự nhiên con người ta sẽ có các mơ ước về chốn thiên đàng. Xưa đã như vậy và nay cũng đang và sẽ như vậy.
Và có lẽ cũng là tự nhiên thôi, sẽ có những kẻ gian hùng nhảy ra, tìm thấy trong ước mơ ngây thơ của những người khác một cơ hội bằng vàng cho âm mưu của hắn: dường như có thể hiện thực hóa ước mơ của họ bằng những cách thức do hắn chỉ ra (và chỉ đạo), thế là những con mồi nghe theo hắn, chui đầu vào rọ một cách tự nguyện và có cam kết.
Tài năng của kẻ gian hùng lúc này là làm sao trói buộc các con mồi càng lâu càng tốt, tốt nhất là vĩnh viễn: một là làm sao cho các con mồi không nhận thức ra được hoàn cảnh của mình, và hai là cho dù có nhận thức ra được đi chăng nữa cũng không có cách nào thoát ra khỏi.
Một hệ thống như vậy có thể được gọi là Vườn ươm Tội ác: Chỉ có những gì là Tội ác, là Xấu xa mới có thể tồn tại và phát triển, còn những gì là Tốt đẹp, là Lương thiện phải bị hủy diệt.
Đầu tiên là phân chia ta – địch: mọi người được phân loại theo những tiêu chí rõ rệt, “ta” và “không phải ta” mà hiển nhiên là “địch”, để từ đó mà trừ diệt lẫn nhau. Muốn diệt trừ ai rất dễ, chỉ cần khoác cho cái nhãn “không phải ta” (chứ chưa cần nói tới “địch”) và thế là hệ thống tự động vận hành, từ phạm vi các quan hệ cá nhân, gia đình, cho tới xã hội và toàn thế giới.
Hệ thống có thể vận hành khá trơn tru trong những thời kỳ có nhiều “địch”, còn nhiều “không phải ta”, tức là có nhiều con mồi để nuôi dưỡng hệ thống, nhưng cũng cần đề phòng rủi ro: Nguy cơ lớn nhất cho hệ thống là nhận thức của con người bên trong hệ thống.
Sẽ đến lúc người ta phát giác ra, rằng con người không thể bị đồng nhất chỉ dưới 2 dạng “ta” và “địch” mà là có muôn vàn dạng thái, rằng không phải cứ không phải “ta” thì tất nhiên phải là “địch” mà là dù rất khác “ta” nhưng vẫn có thể là “bạn ta”. Đến lúc đó người ta sẽ phát giác ra chính cái hệ thống mà họ đang sống này mới là “địch”, một thứ “địch” gần như duy nhất trong lịch sử nhận được sự lên án một cách đồng thuận rộng rãi.
Những kẻ gian hùng sản sinh ra hệ thống đã biết trước điều này từ những ngày đầu, cho nên cùng với việc phân chia ta – địch, chúng thiết kế hệ thống sao cho tất cả những ai đã trót đứng vào hàng ngũ “ta” đều trở thành con tin của nhau, bị trói buộc vào với nhau, mọi ý định chia tách sẽ làm cho toàn bộ hệ thống bị nguy hiểm và do đó sẽ bị toàn bộ hệ thống nghiền nát. Con người ta không thể trói buộc nhau, đe dọa nhau bằng những điều tốt đẹp. Điều tốt đẹp là cho con người tự do hơn, tôn trọng nhau hơn và do đó sẽ phá bỏ tất cả những gì trói buộc con người. Do đó hệ thống không chấp nhận những gì là tốt đẹp ở con người. Con người chỉ có thể trói buộc nhau, đe dọa nhau bằng những điều xấu xa mà người này đã làm hoặc người kia sẽ làm: Nếu đã làm rồi thì từ giờ trở đi phải tiếp tục làm, nếu không làm thì sẽ có người khác làm, mà lúc đó chính mình sẽ là đối tượng.
Giống như cảnh sát giao thông không thể chấp nhận một cá nhân liêm chính đứng trong đội ngũ của mình. Cá nhân đó cũng không thể sống liêm chính với đồng lương rẻ mạt trong khi các cơ hội kiếm tiền thì rộng thênh thang. Và chỉ cần sau một lần “tận dụng cơ hội”, tình đồng chí lập tức trở nên gắn bó.
Vườn ươm Tội ác vận hành như vậy, một phương pháp vận hành dường như là bất khả chiến bại.
Nhưng Achilles’ heel của nó vẫn còn đó: Nhận thức của con người.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét