Thứ Ba, 17 tháng 9, 2013

NGƯỜI LÀM VIỆC NƯỚC VÀ SỰ THẤU HIỂU Ý DÂN

THƯỢNG NGÀN

                                    
                                         

Từ ngàn xưa đến nay, người làm việc nước lý tưởng nhất là người chỉ biết có dân có nước mà không chỉ biết có mình. Bởi người làm việc nước hiểu theo nghĩa bao quát và nổi bật nhất chính là những người lãnh đạo đất nước.

Như thế nếu người làm việc nước chỉ có theo thiên kiến của mình, chủ quan của mình, ý thức hay trình độ hiểu biết của mình, đó thực chất không phải người làm việc nước mà là phản lại người làm việc nước.

Do vậy, người làm việc nước và sự thấu hiểu ý dân là hai yếu tố hay hai yêu cầu không thể tách rời nhau. Không có cái trước cũng không thể có cái sau. Chính sự thấu hiểu ý dân là ý nghĩa và giá trị của người làm việc nước mà không là gì khác. Nhân viên cấp thấp, cấp thừa hành mà không hiểu ý dân, luôn đưa đến sự lạm quyền, sự đi ngược lại nguyện vọng chính đáng của dân, phản lại nhiệm vụ hay trách nhiệm của mình. Người lãnh đạo mà không hiểu, không chịu hiểu, không thèm hiểu ý dân, thực chất cũng chỉ vì mình, vì chủ quan, mục đích riêng tư của mình, cũng không phải ý nghĩa hay nhiệm vụ của người lãnh đạo.



Vậy sự thấu hiểu ý dân là gì ? Chắc chắn không phải chỉ là sự nói suông, ngôn ngữ danh từ suông, lý thuyết suông, mà chính là điều thực chất, nội dung và giá trị khách quan cần phải có. Tức thật sự phải là sự quên mình mà chỉ biết có ý dân. Cứ nhớ hoài tới mình, tới địa vị hay quyền lợi riêng của mình thì còn nhớ gì được tới dân, còn biết gì được ý dân, nói chi là đến sự thấu hiểu.

 Vậy sự thấu hiểu ý dân là phải biết tự đặt mình trong dân, tự đặt mình như một người dân thì mới có ý thức, có thực chất thấu hiểu dân. Cái bệnh của rất nhiều người cầm quyền nước ta từ lâu rồi là cái bệnh tạm gọi là “bệnh lãnh đạo”.

Đấy là cái bệnh quan liêu, phong kiến tệ hại, nghiêm trọng nhất mà không ai không biết.

Luôn thấy mình là người lãnh đạo vì nghĩ rằng mình đã có sẳn vị trí, có sẳn lý thuyết giáo điều, có sẳn lực lượng sức mạnh quyền chính trong tay, thế thì mình phải là người lãnh đạo chứ còn ai vào nữa. Như vậy tức chỉ biết có mình mà chẳng biết có dân. Bởi vì chỉ bản thân mình có các thứ đó còn dân nhất định là không có hay cũng chẳng màng gì có.

Bệnh lãnh đạo như vậy dẫn đến tâm lý ban phát, tâm lý chỉ đạo, tâm lý đứng đầu, tâm lý trịch thượng, tâm lý mị dân, hay tâm lý dối dân nói chung. Bởi nếu không như thế thì còn gì là tính chất “lãnh đạo” như mình quan niệm. Lãnh đạo biến thành cầm quyền, đóng kịch, mà thực chất chẳng có gì lãnh đạo cả.

Bởi lãnh đạo là phải biết làm điều gì lợi cho dân. Lợi cho dân theo nghĩa chính người dân thực tế yêu cầu như vậy, muốn như vậy mà không phải chính bản thân mình muốn, không phải theo chủ quan hay thiên kiến mình muốn. Do vậy những câu nói đại loại như “thấu hiểu ý dân” lâu nay thực chất chỉ là những câu thiệu vô nghĩa, nói để mà nói nhưng không có thực chât. Nó chỉ che đậy một ý thức giả dối, chủ quan mà không là gì hết. Bởi chính những người nói ra các lời thiệu ấy tự trong lòng họ đều viết họ nói điều gì, nhằm cái gì và nó có ý nghĩa hay tính chất gì. Tức tự lấy ý của mình làm ý của dân, mệnh danh là ý của dân, vẫn chỉ luôn là sự áp đặt, sự ngụy tín, sự phiên dịch chủ quan ý của riêng mình thành ý chung của dân. Đó chính là sự nhân danh, và bệnh nhân danh cũng thường trở thành bệnh “lãnh đạo” nói chung. Đó cũng là thứ bệnh tự thần thánh hóa, tự đóng kịch, hay biến việc thần thánh hóa trở nên như một thứ kịch bản cũng như ngược lại. Nó đã trở nên nhan nhãn trong cuộc sống xã hội.

Có nghĩa chỉ khi nào xã hội không còn bất kỳ sự thần thánh hóa giả tạo nào, không còn bất kỳ sự “lãnh đạo” giả tạo nào, đó mới là xã hội chân chất thật sự, xã hội khách quan thật sự, khi đó ý nghĩa của lòng dân mới lộ rõ thật sự. Tức dân phải có quyền, có cơ hội, có điều kiện nói lên ý nguyện của mình, mong muốn của mình, thì đó mới chính là lòng dân. Còn không có điều ấy mà chỉ cán bộ nói, người nắm quyền nói, đó chỉ là lòng cán bộ, lòng người nắm quyền, đâu phải đúng nghĩa thật sự là lòng dân.

Nên nói chung ra, chỉ có xã hội dân chủ tự do đích thực, xã hội theo kiểu dân sự thực chất, khi đó mới thể hiện được lòng dân thật sự. Còn mọi xã hội toàn trị, xã hội độc đoán, thực chất chỉ có lòng của người cầm quyền, tức điều muốn riêng tư, chủ quan của người cầm quyền, không phải lòng hay mong ước thực tế, khách quan của người dân.

Cho nên muốn nói về lòng dân, trước hết phải thực tâm muốn hiểu đúng về lòng dân đó. Còn như chỉ có cả vú lấp miệng em, chỉ muốn lấy lòng mình làm lòng dân, đó không hề là lòng dân mà thực chất cũng chỉ là lòng riêng của mình.

Nhưng muốn hiểu lòng dân, trước tiên phải đi thật sự vào trong dân, trong cuộc sống thực tiển của họ mới có thể biết lòng họ là thế nào. Rồi cũng qua những người tiêu biểu, đại diện thật sự cho họ. Rồi cũng qua mọi người hiểu biết, có tấm lòng trong xã hội. Nếu không qua những kênh thông tin chính xác đó, chỉ qua cái bụng riêng của mình, qua các cán bộ tay chân của mình, qua hệ thống thông tin tuyên truyền bợ đỡ và lấy điểm của mình, đó không bao giờ là lòng dân mà chỉ là thứ ngụy tạo, thứ mệnh danh chủ quan thuần túy của mình mà thôi.

Từ đó cũng làm sáng tỏ ra ý nghĩa thực chất của lãnh đạo. Bởi lãnh đạo là dẫn dắt toàn dân đến cái tốt, cái hay, cái kết quả, cái lợi ích chung của xã hội, không phải là làm điều ngược lại. Có nghĩa cầm quyền và lãnh đạo là hai ý nghĩa hoàn toàn khác nhau. Cầm quyền có thể khiến mọi người phải tuân phục, dân phải chịu phép, mà thực chất không lãnh đạo ai cả. Cầm quyền chẳng khác tính cách của người gác cổng, gác cửa, cứ giữ nguyên trạng đó, nhưng không cho ai vào ai ra gì cũng được. Người xưa có nói một người phu giữ cửa ải thì vạn người cũng không qua được là như thế.

Như vậy lãnh đạo thực chất phải biết lòng dân và có năng lực hướng dẫn được xã hội thực hiện được điều đó. Không biết, không chịu biết, không thèm biết lòng dân thì lấy gì gọi là lãnh đạo. Đó chẳng qua là sự lạm từ, sự cưỡng từ thế thôi. Nhưng cả dù biết lòng dân mà bất chấp lòng dân, không thèm lưu ý hay đi ngược lại lòng dân cũng không phải là lãnh đạo mà phản lãnh đạo, phi lãnh đạo.

Lòng dân nói cho cùng luôn luôn là cái cụ thể cũng đồng thời là cái nguyên tắc. Cái cụ thể là yêu cầu muốn thoát ra mọi tình trạng phi lý, tệ hại trong hiện tại để chuyển sang cái tốt đẹp hơn. Nguyên lý không ngoài hạnh phúc riêng tư cũng như hạnh phúc chung của toàn xã hội. Mà chỉ có cái gì đúng đắn, khách quan, tốt đẹp mới là hạnh phúc, không thể mọi cái ngược lại cũng gọi là hạnh phúc.

Có nghĩa lãnh đạo luôn phải có đầu óc khách quan, sáng suốt, hiểu biết. Không có đủ ba yếu tố đó cũng không thể gọi được là lãnh đạo. Cũng có nghĩa đầu óc giáo điều, không có tư duy độc lập tự chủ, không có tài thao lược, sách lược hoặc sáng kiến xã hội riêng, không có sự hiểu biết xã hội bao quát, sâu xa, mà chỉ có ý muốn riêng tư hay sự chủ quan, cũng không thể gọi là lãnh đạo đúng nghĩa, thì thực tế cũng chỉ là người gác cửa, gác cổng cho riêng một yêu cầu hay một thực chất nào đó. Thực chất hay yêu cầu riêng đó có thể là một chủ đích, một thể chế, một ý hệ, một cơ chế chính trị giả tạo nào đó, mà tuyệt đối không phải là lòng dân, không phải cái thực tế khách quan cần thiết của một xã hội hoặc của  một đất nước nói chung.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét