Thứ Ba, 8 tháng 10, 2013
KHỔ THÊM CHO VÕ VĂN BỬU
Đan Sương
Hôm 1 tháng 10 vừa qua, nhằm 27/8/2013 Ông Võ văn Bửu đến trại tù Z30A xin thăm gặp vợ là bà Mai thị Dung người tù đấu tranh đòi hỏi quyền tự do tôn giáo mang trọng án 11 năm tù giam, đang ở năm thứ 9 trên /11. Mấy năm qua Bà Dung càng lúc bệnh thêm trầm trọng khiến Ông Bửu đi tù về mà không được yên lòng, thương lo cho vợ còn trong tù lại bệnh nặng. Bửu trả xong mức án 7 năm, bị bắt ngày 5/8/2005 đến 5/8/2012 chung đủ số tòa kêu, cho đến giờ tháng nào cũng phải đi thăm đem thuốc chuyên trị mà thân thể của Bà Dung xuống cấp không gượng được. Thấy không ổn, Ông Bửu đã đưa đơn xin các cấp có thẩm quyền từ Tổng Giám Thị nhà tù Z30A đến cục quản lý trại giam và cấp lãnh đạo trung ương nhà nước Cộng Sản đưa Bà Dung đi bệnh viện. Hai tháng qua, các cơ quan thẩm quyền đã có nhận mẩu đơn gởi xin cho Bà Mai thị Dung đi trị bệnh nhưng không nơi nào có thiện tâm và một chút trách nhiệm với người bệnh trong tay mình. Lần thăm gặp mới đây ngày 1 tháng 10 Bửu nhắc lại với hội đồng quản ngục Z30A về đơn yêu cầu của Ông. Phía cán bộ quản ngục đóng tuồng không hay biết về đơn yêu cầu của Ông Bửu, họ kêu Ông Bửu viết đơn và trong đơn Ông Bửu phải cam kết là không được đánh động thông tin về việc đưa Mai thị Dung đi nằm viện, đồng thời Bửu phải bảo đãm tính an toàn của Bà Dung trên phương diện an ninh, không một bà con hay tín hửu nào đến thăm bệnh. Nếu Ông Bửu để việc đó xảy ra trong bệnh viện thì tiến trình trị bệnh của Bà Dung sẽ bị các cán bộ an ninh cắt ngay, Ông Bửu không có quyền khiếu nại.
Bửu đồng thuận viết đơn yêu cầu và cam kết tại chỗ, song Ông sẵn chuyến xe ra Phú Yên với thân nhân của người tù tôn giáo Bùi văn Thâm để thăm đồng đạo ấy bị giam tại nhà tù Xuân Phước. Mất 2 ngày sau mới về tới nhà thì nhận được tin khủng khiếp: Mai thị Dung và Đỗ thị Minh Hạnh bị chuyển tù ra Bắc, xã Đơn Dương, huyện Thanh Xuân, nhà tù tên là Thanh Oai thuộc thành Phố Hà Nội.
Thật là ngổn ngang trăm mối! Từ miền Tây An Giang ra đến miền Đông Xuân Lộc Đồng Nai cách nhau khoảng năm sáu tỉnh thành, việc đi thăm tù đã rất khó rồi, mọi thứ đều lo một cách vất vả, nhất là lo sức khõe bình an trên đường và quà tiền, thuốc men cho người trong bốn bức tường địa ngục. Trông chừng như đuối sức huống nay phải ra tới Hà Nội mà thăm. Nghĩ tới phát tối tăm mày mặt. Chàng và nàng kể từ đây “Chàng ở đầu sông thiếp cuối sông”. Xưa, làm trai là phải gánh vác sơn hà, đeo đẳng cái nợ nước trên thân, nếu quốc gia có yêu cầu về chiến trường trai làng phải tòng quân quyết chiến. Kẻ ở người đi nhớ nhau, trông về nhau mà không gặp mặt, hẹn khi non nước hết giặc, thái bình, chàng và nàng sum hợp. Nữ Sĩ Đoàn thị Điểm nói lên tâm trạng cả hai người trong khúc ngâm Chinh Phụ:
“Cùng trông lại mà cùng chẳng thấy,
Thấy xanh xanh thấy bấy ngàn dâu.
Ngàn dầu xanh ngắt một màu,
Lòng chàng ý thiếp ai sầu hơn ai”?
Muốn quốc gia không có chiến tranh để chồng con không bị bắt đi lính thì giang san phải vững lặng, không có giặc ngoại vào, bên trong, vị lãnh đạo quốc gia phải có trọng tâm về hòa bình, an cư lạc nghiệp của dân làm tiêu chuẩn, trước tiên phải tự mình không làm giặc với dân chúng, đừng cướp mất tự do của họ, họ đòi hỏi có lại sự tự do bị cướp mất là tự nhiên, họ tìm tự do chớ không phải làm giặc thì đừng có mỗi chút đổ lên đầu họ tội nầy tội nọ một cách vớ vẫn của kẻ quyền hành. Bộ máy nhà nước hoạt động bằng sự cai trị độc tài là mầm móng chiến tranh phát lên trong dân.
Tình cảnh của Dung Bửu hiện giờ là “Én Bắc Nhạn Nam”, là câu thơ của Đoàn thị Điểm “Cùng trông lại mà cùng chẳng thấy”. Chế độ cộng sản đã phá biết bao nhiêu hạnh phúc tốt đẹp của nhân nhân, người Việt bỏ nước đi khắp nơi trên thế giới phần đông là đi tỵ nạn cộng sản, họ độc ác, độc tài làm sập đổ bức tường thành phong tục tập quán ngàn năm, chủ trương vô thần xóa bỏ các truyền thống tín ngưỡng tôn giáo, đẩy các chức sắc hoạt động tôn giáo vào tù. Ba mươi tám năm qua, móc thời gian cho chủ nghĩa cộng sản quá dài, dân chúng ngột ngạt trong bức tường pháp luật của nhà nước độc tài, lúc nào cũng hô hào là nhà nước dân chủ, xã hội công bằng. Họ viết chữ “công” trong cụm từ “xã hội công bằng” luôn có dấu chữ “Ô” nhưng đem ra thực hành thì hoàn toàn là chữ “cong” không dấu. Bởi nên giựt đất của dân mà cũng rêu rao cái miệng xã hội công bằng, tịch thu hết các cơ sở của tôn giáo mà cũng hô hào là nhà nước dân chủ, của dân, do dân và vì dân.
Suốt ba mươi tám năm mà cái bệnh độc tài gian giối của cộng sản trị không khỏi, các nhà đấu tranh dân chủ nhân quyền và tự do tôn giáo đã để mất quá nhiều công sức chạy chữa thuốc thang cho họ để trong tương lai họ không bị xóa mất bởi chiến tranh làm đau lòng đất mẹ Việt Nam. Nay ta hết cách chữa trị, nhưng ngày nào đất nước Việt Nam còn đảng cộng sản cầm quyền đừng hồng mà có dân chủ và tự do tôn giáo thật sự theo hiến chương của Liên Hiệp Quốc. Thay vì mấy mươi năm ta theo để chữa trị, bây giờ tốt hơn, kể từ giờ ta nên làm cho cái giống ác mất đi vĩnh viễn trên giải non sông gấm vóc của tổ tiên.
Bài viết nầy như để thông báo đến các Ban Trị Sự (BTS) Phật Giáo Hòa Hảo hãi ngoại (không thông báo các BTS –PGHH quốc doanh trong nước), chư đồng đạo PGHH trong và ngoài nước để tường. Họ đưa Mai thị Dung nữ anh hùng trong làn sóng đấu tranh tự do tôn giáo cho PGHH đi thật xa, tin tưởng Bửu không đến thăm nhau được, cắt đứt thông tin giữa đôi vợ chồng người tù nhân tôn giáo nầy là điều tốt nhứt cho bộ máy cai trị, đàn áp tiêu diệt người yêu nước kính đạo mà không ai hay, họ có làm gì Bà Dung mà xui gặp tình huống xấu cho đến khi Bà ấy chết tức tửi, chuyện cũng sẽ “huề” thôi.
Bửu xin cho Mai thị Dung được đem đi nằm viện trị bệnh, nhưng họ hành động ngược ngạo giải tù ra Hà Nội. Nếu có may mắn trong dịp chuyển tù để có điểm trị bệnh phù hợp về mặt an ninh thì nhà tù Z30A phải thông báo cho thân nhân Bà Dung biết đặng tránh sự hiểu lầm. Bửu có đến nhà giam cũ hỏi mấy tên quản ngục mà thấy thái độ của họ không biểu hiện chút nào cho việc đưa Mai thị Dung đi trị bệnh. Chúng ta hãy làm cái gì đó để tiếp Bửu và Dung.
Xin hãy cầu nguyện cho Mai thị Dung và Đỗ thị Minh Hạnh sống khõe, được phúc của Phật của Chúa ban ơn.
Võ Văn Bửu địa chỉ:
Ấp Mỹ Thạch, xã Mỹ An, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang
số điện thoại: 0121 2825 106
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét