Thứ Sáu, 4 tháng 10, 2013

KINH TẾ NHÀ NƯỚC, KINH TẾ TẬP THỂ, KINH TẾ TƯ NHÂN, XÃ HỘI DÂN SỰ

Đại Ngàn


                                        

Nhà nước nào cũng chỉ là bộ phận, là tập con của toàn xã hội. Chức năng nhà nước là chức năng thành phần, không phải chức năng toàn xã hội. Thành phần làm nhiệm vụ của cái tổng thể, tập con lại bao trùm lên cả tập mẹ là điều nghịch lý, phi thực tế.

Trong ý nghĩa đó, nhiệm vụ hay chức năng kinh tế là hoạt động chung của toàn bộ xã hội, tức xã hội dân sự, không phải nhiệm vụ duy nhất, độc quyền, hay nhiệm vụ chức năng đặc thù nào đó của nhà nước. Bởi xã hội dân sự hay toàn thể xã hội nói chung là xã hội của tất cả mọi người. Trong khi đó, nhà nước thực chất chỉ là xã hội của thành phần nhỏ, xã hội bộ phận, là xã hội của những công nhân viên chức, cán bộ nhà nước, là cơ cấu chính quyền làm nhiệm vụ quản lý xã hội.

Có nghĩa vai trò quản lý và vai trò làm kinh tế là hoàn toàn khác nhau. Làm kinh tế là tạo ra sản phẩm để nuôi sống toàn xã hội. Quản lý chỉ thực hiện những nhiệm vụ, chức năng chung nhất, trong đó có đối tượng quản lý xã hội về các mặt. Các mặt không nhất thiết là mọi mặt. Các mặt chỉ là những mặt chiến lược hay bao quát nhất. Mọi mặt có nghĩa là chế độ độc tài, toàn trị.



Quản lý các mặt chưa hẳn đã làm phương hại xã hội dân sự. Quản lý mọi mặt, là xã hội toàn trị, hoàn toàn tiêu diệt, khống chế xã hội dân sự. Quản lý kinh tế cũng khác với làm kinh tế là như thế. Quản lý có nghĩa coi ngó cho người khác làm. Làm có nghĩa trực tiếp nhúng tay vào, hành động thay cho người khác.

Nhà nước chỉ là tập hợp nhỏ những con người so với toàn xã hội. Tức một tập hợp hạn chế về nhiều mặt. Nhà nước làm kinh tế là xuyên qua các nhân sự cụ thể, những cá nhận cụ thể trong cơ chế, guồng máy, tổ chức của mình. Những người quản lý xã hội gián tiếp trở thành những người hành động trực tiếp trong kinh tế là sai chức năng, sai nhiệm vụ, không thể tránh khỏi mọi bất lực, mọi lợi dụng, lạm dụng, mọi tiêu cực.

Có nghĩa nhà nước làm kinh tế chỉ chắc chắn đưa đến sự thất bại vì thiếu cạnh tranh, vì nặng nề, vì phung phí không hiệu quả, nên nói chung vì sai mục đích và sai nguyên tắc.

Kinh tế tập thể và kinh tế tư nhân không khác nhau về cơ bản, bởi vì đó đều là kinh tế xã hội, không phải kinh tế nhà nước. Chỉ khác nhau là hình thức tổ hợp hay hình thức cá thể trong quản lý. Sự khác nhau này cũng không thể cứng nhắc, mà chỉ do điều kiện, hoàn cảnh, trường hợp. Kinh tế tập thể chỉ phát huy hiệu lực trong khu vực nhỏ, giới hạn, đơn giản. Trái lại kinh tế tư nhân có thể trở thành tập đoàn kinh tế quốc gia, liên quốc gia, liên khu vực hay ngay cả toàn cầu. Nói chung tuy ý nghĩa kinh tế không khác nhau, chỉ là cơ chế quản lý khác nhau, là quyết định tập thể ngang hàng, hay quyết định do tập hợp bộ phận điều khiển cao nhất hoặc bao quát nhất. Cho nên nếu hiểu kinh tế tập thể theo kiểu giống phạm trù kinh tế nhà nước, tức giống phạm trù kinh tế giai cấp, đều chỉ là quan điểm máy móc, sách vở, giáo điều, phản thực tế. Bởi kinh tế tập thể theo kiểu hoàn toàn tư nhân và kinh tế tư nhân không khác nhau về bản chất, chỉ khác nhau về tầm vóc, quy mô hay nguyên lý hoạt động.

Nói tóm lại, kinh tế tập thể (hợp tác xã tình nguyện, tự nguyên), kinh tế tư nhân theo đúng nghĩa xã hội sân sự, đó là nền kinh tế hoàn toàn tự nhiên, khách quan chính đáng. Trái lại kinh tế nhà nước, kinh tế tập thể (hợp tác xã theo kiểu giả tạo, máy móc, giáo điều, công thức) theo kiểu phạm trù kinh tế nhà nước, kinh tế giai cấp đều chỉ luôn ảo tương, giả tạo, cưỡng bách, xa thực tế, phản nguyên tắc, phi hiệu quả.

Nên nói chung, xã hội dân sự là xã hội tự nhiên, khách quan nhất, hiệu lực nhất trong kinh tế, văn hóa, xã hội. Xã hội nhà nước, xã hội toàn trị thì hoàn toàn ngược lại, kết quả ngược lại, làm kinh tế, văn hóa, xã hội đều trở nên trì trệ, xơ cứng, máy móc, phản tiến hóa, phản tác dụng, phản phát triển, phản giá trị về tất cả mọi mặt. Tính chất giáo điều, chủ quan hay tính chất khoa học, khách quan khác nhau là chỗ đó, và hai chiều hướng hoàn toàn khác nhau cũng chính là ở chỗ đó. Một cá nhân, nhóm cá nhân, tập thể nào đó không thể nhân danh toàn bộ xã hội tức xã hội dân sự để phát biểu điểu gì hoàn toàn theo chủ quan, thiên kiến của mình. Vì như vậy là phản tự do dân chủ thật sự, phản ý nghĩa giá trị khách quan thật sự, phản yêu cầu xã hội chung thật sự.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét