Giáo Sư, Tiến sỹ Nguyễn Đình Cống Fb
Ngày xửa, ngày xưa dân Lạc việt bị nạn thú dữ hoành hành rất kkhổ sở. Một số người can đảm tổ chức chống lại nhưng vì sức yếu nên đều thất bại. Có một đạo nhân quyết tìm đường đánh đuổi thú dữ. Ông gặp được một vị thần. Thần phán bảo, nếu biết tôn thờ thần thì ngài sẽ trao cho học thuyết duy vật, đấu tranh và chuyên chính để đánh đuổi kẻ thù. Đạo nhân thấy học thuyết có nhiều điều hay, có thể giúp dân nước ông đánh đuổi thú dữ nhưng có chỗ không tốt là muốn chuyên chính. Tuy vậy ông nghĩ là đã thấy được điểm xấu đó thì có thể ngăn ngừa và loại bỏ dần. Thế là ông cho rằng đã tìm thấy con đường đánh đuổi kẻ thù. Cuối cùng thì thú dữ bị đuổi khỏi đất nước và đạo nhân cũng già và qua đời. Những người từng theo ông đuổi thú dữ nay lên làm vua, làm quan và thi hành triệt để chế độ chuyên chính. Họ kể công lao là nhờ học thuyết của vị thần, nhờ đạo nhân và bọn họ mà nhân dân được giải phóng, thoát được ách tàn bạo. Ngoài miệng họ lớn tiếng nói là một lòng vì nước vì dân, ngoài quyền lợi của dân tộc họ không còn mong gì khác. Nhưng nhìn kỹ vào việc làm cụ thể mới thấy rõ thực chất họ chỉ lo củng cố địa vị và quyền lực, thi hành chuyên chế triệt để, dân chủ chỉ là hình thức. Nhân dân vừa thoát khỏi nạn thú dữ thì rơi ngay vào sự thống trị của bọn người mà mới gần đây rất được yêu mến và tin tưởng. Tập đoàn thống trị mới đã sớm trở thành những kẻ tham nhũng, độc đoán, thối nát, chỉ lo làm giàu cho cá nhân.
Đối với đạo nhân, nhân dân vẫn một lòng biết ơn, ca ngợi và thờ phụng . Đa số nhân dân có biết đâu , có ngờ đâu là nạn chuyên chính mà ông đã thấy, đã muốn ngăn ngừa và loại bỏ thì ông đã không làm được, vì đó là mong muốn của vị thần, nó đã thấm sâu vào học thuyết đấu tranh. Sự độc quyền, sự tham nhũng đã ẩn kín trong thời gian dài, không ai thấy, nay có cơ hội mới phát ra và hoành hành.
Để dẽ bề cai trị bọn vua quan tuyên bố dứt khoát đường lối độc quyền, để dễ bề tham nhũng chúng tuyên bố đất đai và mọi tài sản khác đều là của chung, do chúng đại diện quản lý ( để muốn cho ai thì cho, muốn lấy của ai thì lấy ). Để tiếp tục lừa dối nhân dân chính quyền cũng tỏ ra dân chủ, cho nhân dân thảo luận công này việc nọ, cho bầu cử cấp này cấp kia, nhưng xem ra chỉ là dân chủ hình thức. Thỉnh thoảng họ cũng làm kiểm điểm, nêu ra những tệ hại của chính quyền và nêu biện pháp phòng chống nhưng cũng chỉ để xoa dịu nhân dân mà thôi. Họ cho rằng nguyên nhân của tham nhũng, của độc đoán là tại vì một số quan lại các cấp, các ngành thoái hóa, biến chất. Ngoài mồm nói thế nhưng trong thâm tâm họ thừa biết rằng nguyên nhân đẻ ra độc đoán và tham nhũng là sự độc quyền, nó có sẵn trong học thuyết chuyên chính. Họ thấy nhưng cố ý che dấu, không dám nói sự thật vì sợ đụng đến vị thần và đạo nhân. ( còn một số thì vì trình độ kém mà tưởng là học thuyết vẫn hoàn toàn đúng mà khong thấy được bản chất ).
Trong tình hình đó một số nhân dân vì lòng tốt, vì không biết hoặc vì quá hèn mà vẫn trông cậy vào chính quyền, còn phần lớn đã mất lòng tin, đang chán ngán trông chờ sự thay đổi. Nhân dân vừa muốn vừa sợ thay đổi. Xã hội rơi vào thế mất ổn định âm ỉ.
Thủ lĩnh dân tộc Ân bên cạnh biết rõ tình hình, rắp tâm gấy chiến tranh xâm lược.
Một hôm trên Thiên đình, Nam tào báo cáo các việc trên với Thượng đế. Nghe xong Thượng đế phán rằng : Con dân Lạc việt thật đáng thương mà cũng đáng trách. Đáng thương thì chắc các khanh đã rõ rồi, còn đáng trách là vì hơi khờ dại, dễ tim, thiếu cảnh giác nên đã đuổi hổ xâm lăng cửa trước, rước sói chuyên chế cửa sau, là trước thú dữ thì anh dũng hy sinh nhưng với chính quyền thì không dám đấu tranh cho tự do, dân chủ, dân sợ vua quan hơn sợ cọp.
Ban đầu Thượng đế định để bọn Ân dạy cho dân Lạc việt một bài học mới, nhưng rồi Ngài nghĩ lại, thấy nên cứu giúp chống lại bọn Ân vì bọn đó quá đểu cáng. Nhưng giúp bằng cách nào khi mà chính quyền chỉ lo tham nhũng, mua quan bán tước, nhân dân mất lòng tin. Thượng để quyết định chỉ giúp chống giặc còn việc đấu tranh nội bộ cho tự do dân chủ và phát triển kinh tế thì để nhân dân tự làm lấy. Ngài cho gọi một viên Thiên tướng trong đội quân của Thái tử Na Tra và ra lệnh: Ta cho ngươi đầu thai xuống Lạc việt, trong một gia đình nông dân. Trong 3 năm đầu ngươi chưa được nói gì ( sợ làm lộ bí mật thiên đình ).Đến khi có sứ giả kêu gọi đi đánh giặc thì ngươi vươn vai lớn lên, cưỡi ngựa sắt, cầm roi sắt ra trận. Lúc đó ta sẽ phái thêm thiên binh, thiên tướng xuống giúp.Đánh giặc xong ta cho ngươi quyền tự chọn, ở lại hạ giới hưởng vinh hoa phú quý hay trở về trời.
Thế là cậu bé Gióng do Thiên tướng đầu thai đã ra đời.
Khi giặc Ân kéo quân vào xâm lược, vua quan Lạc việt vô cùng hoảng hốt, đa số chỉ muốn đầu hàng để lo bảo toàn tài sản và tính mạng. Một số đã kịp thời đem gia đình và tài sản ra nước ngoài. Các tướng tá hàng ngày hung hăng đàn áp những lực lượng đòi dân chủ, nay chỉ lo vơ vét, cất dấu tài sản. Cũng còn nhiều binh sĩ và một số sĩ quan có tinh thần chiến đấu nhưng như rắn mất đầu, các chỉ huy cấp cao đã chuồn mất rồi . Một chính quyền hàng ngày tưởng là vững chắc, một quân đội bình thường tưởng là hùng mạnh nay nhanh chóng tan tác vì ngoại xâm.
Trong tình hình như thế một số nhân sĩ yêu nước và dũng cảm đã đi các nơi kêu gọi nhân dân tổ chức chống giặc . Cậu bé Gióng đã vươn vai, trở thành dũng sĩ, yêu cầu có ngựa sắt, roi sắt để ra trận. Dũng sĩ đã nêu các chỉ tiêu và yêu cầu đối với roi và ngựa
Nhân dân đã nhanh chóng kiếm đủ lượng sắt. Một viên quan của địa phương xin làm chủ dự án, đi tìm thợ đúc, rèn. Khi ngựa và roi mang đến, dũng sĩ kiểm tra thầy không đạt số cân nặng. Cho điều tra mới biết tên quan quen thói tham nhũng đã ăn bớt sắt và tiền công thợ, hắn đem một số hối lộ cho cấp trên vì nghĩ rằng chính cấp trên sẽ nghiệm thu hoặc bao che cho hắn. Tên quan bị nhân dân xử tội chém đầu. Dũng sĩ biết roi sắt chưa đạt yêu cầu nhưng vì quá gấp rồi, không kịp rèn lại nên đành cầm lên ngựa . Được tin dũng sĩ Gióng đi đánh giặc nhiều binh lính và một số tướng tá đi theo, thành một đội quân. Vì bị ăn bớt, roi sắt không đạt chất lượng nên chỉ mới đánh được vài trận đã bị gãy, dũng sĩ buộc phải nhổ các bụi tre làm vũ khí.
Đánh tan giặc, dũng sĩ dừng ngựa và ngẫm nghĩ. Không biết dũng sĩ đã nghĩ như thế nào, chỉ biết rằng chàng đã cưỡi ngựa bay lên trời. Nhân dân tôn xưng Ngài là Thánh Gióng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét