Thứ Sáu, 28 tháng 2, 2014

Độc Tài Cộng Sản VN Học Được Bài Học Gì Từ Ukraine?

Vũ Hoàng Anh. T.P. Vinh
                    

Thực ra, trong học thuyết dân chủ, vấn đề chính trị quan trọng không phải là vấn đề ai cầm quyền, ai lãnh đạo, mà là cách thức giám sát việc sử dụng quyền lực chính trị. Vì không nhà cầm quyền nào không thể bị quyền lực mê hoặc nên vấn đề chính trị cơ bản không phải là ở chỗ giao quyền lực cho ai, mà thực ra là ở cách thức giám sát hữu hiệu nhất đối với quyền lực thông qua các thiết chế chính trị.


Ưu việt vì dân nhất của chế độ dân chủ là ở chỗ nó bảo đảm khả năng thiết lập sự giám sát đối với hoạt động của những người cầm quyền hay là của những cá nhân có chức quyền. Nó cũng đồng thời cho phép, trong trường hợp cần thiết, phế truất những người cầm quyền mà không sử dụng bạo lực.

Tuyên ngôn Độc lập của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ năm 1776 đã công bố rõ ràng: “Khi một hình thức chính phủ nào đó trở nên đối nghịch với các mục đích trên (bảo đảm quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc cho nhân dân) thì nhân dân có quyền thay đổi hay phế bỏ chính phủ đó, và thiết lập một chính phủ mới, dựa trên nền tảng những nguyên tắc như vậy và tổ chức các quyền lực của mình theo hình thức nào để cho các quyền lực đó có khả năng bảo đảm an ninh và hạnh phúc cho họ nhiều nhất”.

Nhà xã hội học Đức hiện đại K. Popper phát biểu như sau: “Tôi hiểu dân chủ không là một cái gì đó không xác định, giống như ‘quyền lực của nhân dân’ hay là ‘quyền lực của đa số’, mà là một hệ thống các thiết chế (trong số đó đặc biệt là các cuộc bầu cử phổ thông đầu phiếu, tức là quyền của nhân dân bãi miễn chính phủ của mình), hệ thống cho phép thực hiện sự giám sát xã hội đối với những người cầm quyền và bãi miễn họ theo ý muốn của những người không cầm quyền, cho phép những người này đạt tới những cải cách vượt khỏi tầm của nhà cầm quyền mà không cần sử dụng bạo lực”.

Tự do, nếu không bị hạn chế, sẽ tự thủ tiêu bản thân mình. Quyền lực nhà nước cần thiết và có chức năng giám sát tự do, nhưng dân chủ càng cần thiết hơn để giám sát quyền lực nhằm bảo vệ các quyền tự do thiêng liêng chân chính của con người.

Tự do không có nghĩa là được bảo bọc. Tự do tạo ra nhiều cọ xát, bởi vì có nhiều ý kiến khác nhau. Dân chủ là luật chơi để giải quyết những cọ xát, khác biệt theo nguyên tắc đa số thắng thiểu số. Cho nên xã hội tự do sinh động, dường như lúc nào cũng có xung đột, nhưng thường không có chiến tranh, bạo động. Một chính quyền dân chủ hữu hiệu sẽ bảo đảm cho những xung đột đó có thể xảy ra nhưng không dẫn tới bạo động, mà được giải quyết theo luật pháp.

Trong bối cảnh đó, sự xung đột về chính kiến trong cộng đồng Việt Nam tại những đất nước dân chủ tự do, là một chuyện tất nhiên phải xảy ra, bởi vì chỉ trên những đất nước tự do như thế, sự khác biệt chính kiến sâu sắc của người Việt Nam mới được thể hiện.

Xung đột là công cụ phản ánh hiện thực giúp điều chỉnh xã hội.

Ở Việt Nam, những xung đột chính kiến như vậy, trên bề mặt không thấy xuất hiện. Nhưng không có nghĩa là không có. Chúng chỉ bị đàn áp, đè nén, không cho phép xảy ra mà thôi. Thiếu phương tiện để có sự phản hồi chính xác về thực trạng trong xã hội, các thể chế phi dân chủ thường mắc phải, hoặc rất chậm chạp trong việc nhận ra những sai lầm. Không có gì đáng ngạc nhiên khi Việt Nam, nếu không dân chủ hóa, sẽ gặp bế tắc trong tương lai, và không ngoại trừ khả năng sẽ có bạo loạn như Ukraine.

Lợi ích của mô hình xã hội tự do dân chủ là xung đột xảy ra thường xuyên và được giải quyết thường xuyên cho nên xã hội tiến bộ, ổn định và không có thay đổi lớn ở cấp độ cách mạng.

Ngược lại, những xã hội phi tự do dân chủ, khác biệt bị đè nén, khi bùng nổ, xã hội bị mất ổn định. Nếu thiếu cả cơ chế chính trị vững chắc, xã hội sẽ đi vào loạn lạc, tương lai bất định. Đó là tình trạng của Việt nam hiện nay.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét