Thứ Bảy, 15 tháng 3, 2014

VĂN HÓA & CHUYỆN ĐÁI ỈA

Đặng Ngữ FB



                                           

Bởi sĩ phu nước ta trọng thuyết, thích ghi chép, bàn chuyện to lớn "tề gia trị quốc bình thiên hạ"; họ "không động đến móng tay móng chân" ba cái chuyện vặt vãnh, tiểu tiết. Cho nên sách vở đời xưa để lại chỉ toàn chuyện trên trời mà ít bàn chuyện dưới đất. Động đến hai chữ văn hóa thời động đến chuyện đại đao tày trời dòng giống Nho gia. Chuyện dao cùn cám heo như mấy cái thú tiêu khiển, sinh hoạt thường nhật của dân gian hầu như không thấy nhắc đến. Nhưng văn hóa theo đúng nghĩa văn hóa thời bao gồm cả mấy chuyện to to lẫn mấy chuyện nhỏ nhỏ lại chẳng thấy sử gia nào để ý. Chuyện ỉa đái, nếu xét theo một mức độ nào đấy cũng là chuyện thuộc phạm trù văn hóa học. Vào nhà người ta, chớ vội nhìn cái phòng khách mà xét đoán "phong độ" gia chủ. Cái nhà bếp, cái nhà xí phần nhiều cho ta cách nhìn nhận về người chủ nhà chính xác đến độ có thể làm ngạc nhiên ối người nếu tinh ý.


Nhà văn, nhà ngoại giao, nhà nghiên cứu Ấn Độ, nhà bình loạn học...Hồ Anh Thái nói rằng trong tiếng Hindi không có từ chỉ nhà vệ sinh. Có chăng chỉ một từ gần giống thế thì nó mang nghĩa như "chuồng phân" trong tiếng Việt hiện đại. Người Ấn truyền thống không có thói quen làm nhà vệ sinh. Sáng sớm, đi qua bãi hoang bãi trống, thấy đoàn đoàn lũ lũ kéo nhau đi, mỗi người một ca nước, một chai nước, một bịch ni lông nước. Trận gió mạnh thổi bịch ni lông bay lả tả thì biết tại sao trong tiếng Ấn không có từ "nhà vệ sinh". Người Ấn dùng bàn tay Đại Ngã, tay cao qúy, tay phải để nạp thức ăn bao gồm cả ăn cà ri, bàn tay còn lại, tay trái, hay còn gọi bàn tay Tiểu Ngã, tay thấp kém thì được dùng vào việc xử lý cái chai nước, cái bịch ni lông nước mỗi khi ở nơi hoang vắng hữu sự.

Chuyện rằng, gã Obama lúc sang thăm Ấn Độ, thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh tháp tùng từ sân bay về thủ đô, ngang qua mấy bãi hoang bãi trống thì thấy người lố nhố lúp xúp đứng ngồi thì bụng dạ không yên. Barack Obama lo lắng mới bảo với thủ tướng Ấn rằng liệu nước ông có khủng bố chăng? Thủ tướng Singh cười mím chi cọp: "Nếu mà khủng bố thì tui cho ông bắn tất cả bọn chúng". Tổng thống Mỹ chộp khẩu tiểu liên lia mấy tràng về phía bãi hoang. Ngày hôm ấy, mấy chục người Ấn thiệt mạng. Ngài Singh căm lắm nhưng không làm gì được. Ít lâu sau, Singh qua Mỹ thăm Obama bàn chuyện hợp tác. Lúc từ sân bay về Nhà trắng, nhớ lại chuyện bữa trước liền nói với Obama: "Nếu nước ông cũng có khủng bố thì tôi làm thế nào?". Obama tự tin bảo: "Thì ông cứ tự nhiên bắn chúng mà không phải tội". Thủ tướng Ấn nghe thế liền chụp khẩu súng làm một phát về phía bóng người lúp xúp trong lùm cây. Singh ta hả dạ, phen này trả được thù cho mấy mươi nhân mạng bữa trước. Sáng sớm hôm sau, báo Washington Post đưa tin: "Đại sứ Ấn Độ tại Liên Hiệp Quốc tử nạn". Đó là chuyện vui mà Hồ Anh Thái kể lại. Còn chuyện thiệt là cho đến bây giờ trong tiếng Hindi vẫn không có từ "nhà vệ sinh" đúng nghĩa. Nếu có thì bởi người Ấn cũng vay mượn từ ngôn ngữ phương Tây mà có.

Đó là nói chuyện bên Ấn. Bây giờ quay về nhà ta, hình như trong tiếng Việt mình cũng không có từ "nhà vệ sinh" thì phải. Còn nữa, trong số sách vở hiếm hoi còn lại cho đến ngày nay cũng không nghe nói đến tổ tiên ông bà mình làm nhà xí. Người Việt sống ở phương Nam, nhiệt đới nóng ẩm lại thích quần cư nơi sông nước. Trăng thanh gió mát, mỗi người mỗi mang bầu tâm sự mà ra nơi đồng trống hay mé sông mần việc. Bởi thế trong dân gian hay gọi cái công việc ý nhị nớ là "đi đồng". Dân gian lấy việc đó làm thú vị, nhân tiện cũng muốn trêu tụi 'quan sĩ" nên thời có câu: "Thứ nhất quận công, thứ nhì ỉa đồng". Hàm ý làm quan to cũng chỉ trên việc ỉa đồng một bậc mà thôi. Thời hiện đại bây giờ, về những miệt quê vẫn còn bắt gặp cảnh tượng này. Khá hơn một tí thì lấy vài tấm ni lông hay tôn rỉ quây lại phía trên mương nước mé sông, cá tôm lộp bộp nghe cũng vui tai. Ngày trước, lúc người Pháp mới qua Đông Dương, người mình để ý thấy họ cả tháng trời không ra khỏi nhà để "đi đồng" nên kinh ngạc lắm lắm. Người mình khinh bỉ Tây cho rằng: hoặc bọn Tây giống con tì hiu có ăn mà không có ỉa hoặc giả rằng bọn Tây thải ra rồi nuốt lấy. Buồn cười đến thế là cùng. Bây giờ, nói lại chuyện này thì thiên hạ cười bảo rằng chuyện phịa. Dưng mà lối ngày xưa dân mình ngây thơ như thế đấy.

Chuyện đái ỉa bị người cho rằng dơ bẩn bàn làm chi. Nhưng nhìn vào một nền văn minh văn hóa không thể chỉ nhìn vào mỗi đền đài thành quách, văn chương thơ phú mà phân cao thấp. Cái nhìn như thế là một cái nhìn khiếm khuyết của tụi "Nho gia" thiển cận. Các nhà khảo cổ học, khi khai quật các địa tầng văn hóa của các nền văn minh lớn như Hy Lạp, La Mã, Ấn Hằng (thời kì trước khi rơi vào hôn mê cho đến ngày nay mới gượng tỉnh), Lưỡng Hà...thời đều thấy người xưa xây dựng các công trình đồ sộ đều kèm với những công trình "tiểu ngã" như xây nhà vệ sinh, nhà tắm công cộng, kênh rãnh thu gom nước bẩn và tổ chức thu gom rác thải rất chuyên nghiệp. Không phải chuyện đùa khi người phương Tây gọi cái nơi giải quyết chuyện ấy bằng cái tên mỹ miều: "rest room" mà dịch ra tiếng Việt là "phòng nghỉ ngơi" (xin đừng nhầm lẫn với mấy cái nhà nghỉ cho đực cái đang nở rộ hiện nay). Phương Tây xem chừng coi trọng việc đái ỉa lắm lắm.

Tiện thể nói luôn chuyện văn minh ỉa đái hiện nay ở thiên quốc quê hương Tập Cận Bình. Những ai có công chuyện đến Bắc Kinh thời nên đến mục sở thị những nhà vệ sinh công cộng một chuyến để biết văn minh Maoism nó thế nào. Cả chục người, cả trăm người mặt nhìn mặt đối nhau nào ta cùng làm chuyện ấy, "đỉnh cao văn minh" chói lói thật không bàn phím nào kể siết. Có kẻ giỏi chuyện bên thủ đô Trung Hoa nói rằng, Tập chủ tịch ị ra mỗi ngày đều sai người nếm qua để chẩn đoán sức khỏe. Có người nghe thế thời nhăn mặt phản ứng: "Làm sao có chuyện tàn ác phi luân đến thế". Ai không tin nên xem lại bộ phim từng đoạt 09 giải Oscar có tên "Vị Hoàng Đế Cuối Cùng (The Last Emperor)" của đạo diễn Bernardo Bertolucci sẽ rõ. Hoàng đế Trung Hoa đời nào cũng thế cả.

Bởi vậy mới nói, xét chuyện ỉa đái mà đánh giá văn hóa thấp cao là thế.

Sài gòn, 14/03/201.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét