Thứ Sáu, 16 tháng 5, 2014

CÓ THỂ NÀO VN THƯƠNG LƯỢNG VỚI TQ ĐƯỢC KHÔNG ?

Trần Phương

                      

Trích “Tường Vũ, chuyên gia về lịch sử và chính trị Việt Nam hiện giảng dạy tại Đại học Oregon, cho biết rằng Đảng Cộng sản Việt Nam hiện đang bị phân chia giữa phe bảo thủ trung thành với Trung Quốc và phe những người ủng hộ cải cách kinh tế mang tính hệ thống và tăng cường quan hệ với Hoa Kỳ cũng như các nước phương Tây khác. Ông cho biết trong nội bộ đảng luôn có các cuộc tranh luận gay gắt về cách đối phó với hành động của Trung Quốc, và một số lo ngại về tác động kinh tế và chính trị mà vụ việc có thể mang lại.




Phe ủng hộ Trung Quốc dường như đã thắng thế từ những năm 1990, ông Vũ nói thêm. Nhóm này muốn thương lượng và tìm một giải pháp thông qua các kênh ngoại giao thay vì trực tiếp lên tiếng chỉ trích Trung Quốc. Đó một phần vì họ lo sợ các vụ leo thang sẽ làm thiệt hại đến mối quan hệ song phương và có thể khuyến khích những lời chỉ trích chính phủ ở trong nước”.

Nội dung trên hầu đã tóm lược đầy đủ tình hình thực tế và triển vọng xử sự hiện nay của nhà cầm quyền VN trước tai họa xâm lăng của TQ.

Nhưng ý nghĩa đặt ra là liệu có cách nào để VN thương lượng cùng TQ không ? Rõ ràng người VN đã biết không thể nào thương lượng trên thế yếu. Thế thì khuynh hướng thương lượng chỉ có nghĩa là khuynh hướng mù quáng, khuynh hướng thụ động, khuynh hướng đầu hàng, và khuynh hướng đi ngược lại thật sự quyền lợi khách quan, lâu dài và chính đáng của dân tộc và đất nước.

Tất nhiên người dân hay toàn dân lúc này không thể làm gì ngoài việc đi biểu tỉnh để tỏ ra quan điểm và ý thức dân tộc. Nhưng cứ theo như trên, cái quyết định, chính là sự tương quan lực lượng hay sự chiến thắng cuối cùng là ở phe nào trong giới cầm quyền lãnh đạo hiện nay tại nước ta.

Đối với một địch thủ đã có mưu đồ lâu dài và từ lâu như TQ thì VN làm sao mà thương lượng được ? Thương lượng có nghĩa là nhượng bộ, là chấp nhận thực trạng xâm lăng đã có như một dấu mốc, để ký kết trên dấu mốc đó và cứ lùi thêm trong khi TQ sẽ càng mãi tiến thêm. Đó là chiến thuật tàm thực hay tằm ăn dâu, tức vừa lấn tới vừa đàm, và cuối cùng là chiến thắng trọn vẹn của TQ. Như vậy có nghĩa ý muốn thương lượng hiện nay của VN nếu có, chỉ có nghĩa là chấp nhận sự đầu hàng, sự khuất phục từng bước, và cuối cùng là sự thua trắng mà không phải là gì khác. Chỉ trừ khi VN quyết tâm tự vệ, quyết tâm chiến đấu chống lại TQ một cách chính đáng với sự ủng hộ mạnh mẽ của toàn dân, nhất là có được một nước đồng minh mạnh mẽ nào đó giúp đỡ, và được toàn thế giới ngày nay thiện chí và cương quyết hỗ trợ mọi mặt.

Thật ra VN hiện nay đang rơi vào tình hình rất khó xử. Đánh thì không lại, hoặc phải tiêu hao lực lượng nhiều, hi sinh rất nhiều. Các nước Asean thực chất chỉ là sự liên kết lõng lẽo, rời rạc, ai cũng chủ yếu vì quyền lợi riêng, muốn thủ lợi riêng, vả chăng cũng đồng sàng dị mộng với VN vì quan điểm chính trị khác nhau, vì vấn đề ý hệ khác nhau. Ngay cả Lào và Campuchia là hai nước gần gủi nhất, sát nách nhất, nhưng phần nào họ vẫn bị chi phối bởi quyền lợi với TQ nên cũng không hoàn toàn trông đợi được, dù có muốn trông đợi vào thực chất hai nước rất yếu như hai nước này. Nên thực chất, VN ngày nay chỉ có một con đường sống, con đường sáng suốt duy nhất là tách bạch với TQ về mọi mặt, cương quyết chống lại bằng bất kỳ giá nào, kết quả nào mới có thể làm cho TQ thấy khó nuốt hoặc phải chùn bước, chỉ có thế thôi.

Điều này cũng có nghĩa tình huống hôm nay chỉ là do hậu quả trong quá khứ của người VN đã tạo ra mà không là gì khác. Sự liên minh đồng chí hướng môi hở răng lạnh ngày từ đầu với TQ của VN, vụ đưa ra Công hàm 1958 của VN, vụ hàng loạt các hiệp ước với TQ của VN sau khi LX sụp đổ, việc cho đổ bộ vào VN những thực thể kinh tế của TQ như kinh tế thương mại, khai thác khoáng sản, khai thác rừng đầu nguồn v.v… và v.v…

Nói chung sở dĩ có tình trạng dở khóc dở cười ngày nay, tính cách nước bí nhiều mặt của VN ngày nay trước thực tế TQ về giàn khoan và biển đảo, đó là do ngay từ đầu giới cầm quyền lãnh đạo của VN đã quá ngây thơ, chủ quan, cẩu thả, bất cẩn, cầu âu hay quá lạc quan trước TQ mà không là gì khác. Nên bây giờ thực chất rất khó tiên đoán điều gì sẽ xảy ra, xảy ra như thế nào và kết quả cuối cùng ra sao. Chắc chỉ có thời gian và thực tế mới trả lời. Những lời tuyên bố, những sự biểu hiện nào đó trong thực tế của VN thực sự cũng chỉ mang tính cách chữa cháy, bị động, bề ngoài và hiện tượng. Hoàn toàn nó không phải là ý nghĩa bản chất hay cách giải quyết bản chất thật sự như các thế hệ ông cha ta đã từng làm từ hàng ngàn năm qua trong lịch sử đã có của toàn thể đất nước và dân tộc.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét