Thứ Ba, 16 tháng 12, 2014

Thế nào là Dân Chủ


Tiến Sĩ Tâm Lý Huỳnh Văn Sơn

           

Việc chọn lãnh đạo bởi một nhóm nhỏ như bộ chính trị, bầu cử bất công và giả hiệu. Bầu cử mà chỉ có một đảng duy nhất ra tranh cử đó là đảng cầm quyền, và đảng cầm quyền độc quyền kiểm soát quá trình chọn lựa ứng cử viên và cả quá trình kiểm phiếu, dễ để cho những cá nhân, dù không đủ đức tài, dùng ảnh hưởng lôi kéo, soán đoạt chức vị lãnh đạo tối cao. Nguy hiểm hơn nữa, nếu người đó có tâm ác như Stalin, một Stalin made in VN rất dễ xảy ra.


Dưới cơ chế dân chủ, lãnh đạo tối cao được chọn bởi toàn dân trên cơ sở bầu cử dân chủ. Dân chủ có nghĩa là người dân làm chủ có quyền “đòi hỏi lãnh đạo phải có trách nhiệm” và cơ chế phải có phương pháp chế tài khi họ không làm được việc. cho nên xác suất để chọn “lãnh đạo mạnh và sáng suốt” cao hơn.

Nói “Điều kiện đủ là VN phải có lãnh đạo mạnh và sáng suốt” cũng chưa chính xác. Chính xác hơn phải nói là: “Điều kiện đủ là VN phải có cơ chế chính trị mạnh và sáng suốt”. Cơ chế chính trị này đảm bảo và duy trì nền dân chủ tự do cho xã hội.

Xin phép hơi dài dòng một chút nhá! “Dân chủ” được hiểu là quyền ứng cử và bầu cử tham gia vào hệ thống quyền lực chính trị được bảo đảm cho mọi người dân đồng đều như nhau.

“Tự do” được hiểu là những quyền tự do căn bản của mỗi người dân được bảo vệ, bao gồm quyền tự do ngôn luận, quyền tự do đi lại, quyền tự do tư hữu, quyền tự do tôn giáo, quyền tự do hội họp và quyền tự do kinh doanh.

Nếu một xã hội chỉ thực hiện thể thức bầu cử mà không bảo đảm những quyền tự do căn bản, thì đó là một xã hội dân chủ phi tự do. Xây dựng một thể chế dân chủ một cách vội vã sẽ dẫn đến một xã hội dân chủ phi tự do. Miền Nam Việt Nam trước 1975, chế độ Ferdinand Marcos của Phi Luật Tân, Suharto của Indonesia, chế độ Tưởng Giới Thạch của Đài Loan và Phác Chính Hy của Đại hàn là những xã hội dân chủ phi tự do.

Một số trong những nước kể trên, sau một thời gian, đã trở thành xã hội dân chủ tự do thật sự ổn định, như Đài loan và Đại hàn. Một số nước khác, chưa đạt được tình trạng đó. Yếu tố làm nên sự khác biệt này là sự thành công của nền kinh tế thị trường.

Đài loan và Đại hàn đã thực hiện “kinh tế thị trường” một cách thành công, và tạo ra tầng lớp trung lưu có nhu cầu bảo vệ tài sản của mình. Đồng thời, kinh tế thị trường tạo ra tập quán thương lượng để tìm giải pháp thỏa hiệp. Đây là hai yếu tính cần thiết để nền dân chủ không bị phá hoại: lá phiếu không bị mua chuộc, và biết cách liên minh chính trị để đạt đa số.

Tuy nhiên, để thiểu số thua cuộc không làm loạn, quyền tự do căn bản phải được bảo vệ. Và để sự bảo vệ được vô tư, quân đội và công an phải độc lập với những thế lực đảng phái chính trị.

Đài loan và Đại hàn lúc lập quốc, đã đặt ra hiến pháp dân chủ, trong đó có nhắc đến những quyền tự do căn bản. Mặc dù trên vào lúc khởi đầu những quyền tự do này chưa được bảo vệ một cách rốt ráo, nhưng khi nền kinh tế thị trường của hai quốc gia này đã phát triển một cách chín mùi, xã hội đã làm một cuộc chuyển tiếp dân chủ khá êm thắm. Đại hàn với cuộc bầu cử năm 1987, và Đài loan năm 2000.

Cụ thể tình hình Việt Nam, nền tảng kinh tế thị trường đã có, nhưng nền tảng chính trị chưa có đổi thay thích ứng. Việt Nam hiện nay cần làm 2 việc một cách song song:

1. Phát triển nền kinh tế thị trường một cách lành mạnh và thành công
2. Từng bước đặt nền móng cho một cơ chế chính trị và xã hội dân chủ tự do tương lai

Kinh tế thị trường thì đã có rồi, nhưng nếu luật pháp không phân minh, chính quyền không trong sáng, thiếu giám sát, tham nhũng không giải quyết được, kinh tế sẽ không phát triển như mong muốn.

Để chính quyền trong sáng, không thể dựa vào ý chí của cá nhân lãnh đạo mà phải từng bước xây dựng nền tảng “giám sát và phân quyền (check and balance)”. Không phải làm ngay, nhưng phải làm nhanh, vì kinh tế và chính trị phụ thuộc vào nhau và không thể khập khểnh.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét