Thái sư Trần Thủ Độ
Suốt gần một tháng rưỡi nay quan sát cuộc diện Việt Nam rối loạn trong chính trị, họa ngoại xâm hiển hiện bên ngoài, văn hóa xã hội xuống cấp và suy đồi, tôi chợt nhớ đến cuộc diện Lý-Trần trong lịch sử và vai trò của Thái Sư Trần Thủ Độ, một nhân vật lịch sử có ảnh hưởng chính trị to lớn cho dân tộc khi ông mạnh dạn đi những nước cờ khéo léo nhằm đưa đất nước ra khỏi sự hỗn loạn của thời Lý suy và đi vào tiền Trần rực rỡ.
Khi đó, trước tình hình rối ren mục nát của đất nước vào những năm cuối của triều Nhà Lý cùng với họa ngoại xâm Bắc Triều lấp ló, Trần Thủ Độ đã có những hành động kiên quyết trong việc chấm dứt quyền lực của triều Lý suy tàn thối nát và khởi đầu cho một triều đại lịch sử mới chói lọi của dân tộc. Dù rằng dư luận có những đánh giá ông là người tàn nhẫn, mưu mô xảo quyệt, tham nhũng…nhưng sau 1000 năm bia miệng, điều đọng lại vẫn là Trần Thủ Độ là người có công hoạch định ra những nước cờ chiến lược lớn để bảo vệ độc lập dân tộc và chủ quyền đất nước, còn những khía cạnh khác của ông thì quần chúng cũng bỏ qua, khi công của ông lớn như thế, những lỗi lầm kia chỉ còn là vặt vãnh.
Cuộc diện nước Việt lúc này cũng thế, chính trị thì chia rẽ ba phe bảy phái, kinh tế thì chủ yếu bằng đi vay về xài, văn hóa xã hội suy đồi và xuống cấp nghiêm trọng trong lối sống từ quan đến dân. Bàn cờ dân tộc lúc này cần hơn bao giờ hết một Trần Thủ Độ nữa và Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng là một ứng viên nặng ký. Trong suốt cuộc đời chính trị của Ba Dũng, có nhiều dư luận ồn ào về ông tham nhũng thế này, ông tàn ác thế kia…Bất kể những điều đó là hư hay thực, nhưng chỉ cần Ba Dũng đứng ra làm một Trần Thủ Độ thứ hai lúc ngoại xâm nội loạn này, giải quyết những hậu quả tai hại hiện hữu cho đất nước đã phát sinh sau một thời gian dài cầm quyền sai lầm của đảng. Kèm theo đó là chấm dứt họa ngoại xâm từ phương bắc bằng những nước đi mang tính căn cơ nền tảng thì dân tộc ta sẽ vinh danh ông như đã vinh danh Trần Thủ Độ. Lúc này Đồng chí X thành công thì không nói, còn thất bại thì không chỉ nguy cho ông ta, cho gia đình của ông ta, cho phe cánh của ông ta mà còn nguy cho dân tộc và đất nước
Nguy cơ từ bên trong
Bài học lớn từ đoàn kết chống ngoại xâm khi Trần Thủ Độ đứng ra giải hòa và dọn dẹp mâu thuẫn của các phe cánh khi các danh thần tướng lĩnh thời Trần đấu đá nhau vẫn còn nguyên giá trị. Một điều may mắn cho dân tộc là lúc đó các vua Trần cũng đồng tình ủng hộ Trần Thủ Độ. Còn cuộc diện hiện nay của Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng không được như thế, tứ trụ triều đình chưa hoàn toàn thống nhất và thậm chí còn cản phá nhau. Đó là cái khó của Nguyễn Tấn Dũng và cũng đồng thời là nguy cơ cho dân tộc.
Sau một thời gian im lặng khá dài từ khi Trung Quốc thể hiện quyết tâm bành trướng nước ta từ nước cờ giàn khoan HY-981 và nước thứ 2 là củng cố đảo Gạc Ma thành một tiền đồn quân sự thì người đứng đầu cao nhất của đảng cầm quyền Việt Nam xuất hiện.
Tổng bí thư đảng cầm quyền tái xuất hiện và phát ngôn trước công luận, thay vì nói về biển đảo và ngoại xâm theo đúng trách nhiệm người đứng đầu đảng cầm quyền để bảo vệ an ninh đất nước thì lại nói về…bỏ phiếu tín nhiệm cuối năm nay. Nhìn các bài báo đưa tin và nhấn mạnh ý then chốt trong “phát ngôn trở lại” của ông Nguyễn Phú Trọng là “bỏ phiếu tín nhiệm khối anh sợ”. Không biết khối anh đó là khối anh nào, và vì sao sợ. Nhưng xin thưa với Tổng Bí Thư, khối anh đó sợ hay không còn chưa biết, còn cái biết rồi là dân chúng tôi thì đang sợ, sợ họa ngoại xâm và bỏ qua cơ hội “thoát Trung” lần nữa chứ không sợ gì “khối anh tham nhũng tha hóa” lúc này đâu.
Nhân dân chúng tôi, những con chốt vô danh trên bàn cờ dân tộc, vốn hiểu thân phận của mình có thể dễ dàng bị đem đi thí cho các nước cờ chính trị phe phái. Nhưng phe phái nào cũng được, bình thường các ông cứ tranh giành quyền lực và lợi ích, nhưng trước họa ngoại xâm lúc này, bất kỳ các hoạt động mang tính thanh trừng nhau đều có thể được xem như một động cơ gây rối loạn nhằm có lợi cho kẻ xâm lược. Cuộc bỏ phiếu tín nhiệm cuối năm nay mà nói như ông Tổng Bí Thư là “không đạt là cho nghỉ ngay, kể cả các ủy viên Bộ Chính Trị”. Cái gì không đạt, tiêu chí nào là không đạt nếu không phải tiêu chí đầu tiên và quan trọng nhất, làm thước đo và đánh giá cho 1 chính khách lúc này, là lòng yêu nước và bảo vệ được an ninh quốc gia, sau đó mới xét đến những sai lầm này kia trong quá trình cầm nắm quyền lực.
Ở Việt Nam, khác với các nước khác, ngoài các cơ quan tam quyền như Quốc Hội, Tòa Án và Chính Phủ, còn có một hệ thống là đảng. Trong hành chính quốc gia, cơ quan hứng chịu búa rìu dư luận và va chạm hệ thống nhất là chính phủ. Chính Phủ muốn thực thi pháp luật thì không khỏi người thương kẻ ghét, trong khi đảng tuy cầm quyền nhưng lại chủ yếu là làm tuyên truyền, không gây ra bức xúc nội bộ và bức xúc quần chúng bằng khối chính phủ.
Vậy lấy gì để đảm bảo các “ân oán cá nhân và lợi ích nhóm” của hệ thống sẽ không ảnh hưởng vào bỏ phiếu ?.
Cái thứ hai là người đứng đầu chính phủ đang nỗ lực xoay chuyển để chống đỡ cho an ninh quốc gia đang bị đe dọa, lẽ ra đảng với chức năng lãnh đạo phía sau của mình, phải ủng hộ các chủ trương của chính phủ, và Tổng Bí Thư lẽ ra phải huy động các nguồn lực của đảng để ùng hộ Thủ Tướng lo vận động quốc tế và gia tăng sức mạnh đoàn kết nhằm kháng lại Bắc Triều, đưa quốc gia qua cơn nguy biến thì lại im lặng và triển khai hoạt động bỏ phiếu tín nhiệm cuối năm.
Nói như Tổng Bí Thư là bỏ phiếu để chống tham nhũng và cán bộ tha hóa. Xin thưa với Tổng Bí Thư, chống tham nhũng cũng cần nhưng chống ngoại xâm mới là khẩn thiết nhất lúc này. Dân ta cũng vốn quen với tham nhũng, có thể sống chung với tham nhũng thêm một thời gian nữa cũng chưa ai chết cả, nhưng không thể sống khi đất nước bị xâm lược, dân tộc không thể yên tâm khi hàng ngày từng miếng thịt nhỏ biển đảo bị cắn rứt với chiến thuật bành trướng gậm nhấm kiểu chuột đồng của Bắc Kinh.
Nếu cuộc bỏ phiếu cuối năm nay Thủ Tướng ngã ngựa vì các tình cảm yêu ghét cá nhân phát sinh qua công việc (đó là chưa nói đến các mưu mô chính trị) thì ai sẽ đứng ra vận động quốc tế và chỉ huy các hoạt động bên trong để chống ngoại xâm. Một Thủ Tướng mới chăng, người bên ngoài thì không được rồi vì không có “thế” và “lực”, vậy bên trong hệ thống thì ai có thể làm tốt hơn ông Nguyễn Tấn Dũng để làm người thay thế lúc này? Không có ai cả. Trừ ông Dũng ra, ông nào sẽ đi cầu được “ngoại viện” ???
Và cuối cùng, mất ông Nguyễn Tấn Dũng thì ai có lợi, tham nhũng chưa chắc đã giảm nếu mất ông nọ bà kia, nhưng coi chừng Trung Quốc hưởng lợi khi tay cầm cờ cao nhất dám đứng ra kêu gọi nhân dân đoàn kết chống xâm lược lúc này bị cách chức, thưa với Tổng Bí Thư như thế.
Trong đảng cầm quyền, Tổng Bí Thư cũng coi như vua và Thủ Tướng cũng như Thái Sư vậy. Ngày xưa thái sư Trần Thủ Độ cải cách chính trị và chống ngoại xâm hiệu quả cũng do một phần quan trọng là các vua Trần ủng hộ ông ta. Còn hiện nay thì khác, “vua” Nguyễn Phú Trọng và “thái sư” Nguyễn Tấn Dũng đang mỗi người mỗi ngả, mà hậu quả là làm suy yếu nhau. Nhân dân sẽ tôn vinh cho một thái sư dù tham nhũng này nọ nhưng có tinh thần kiên quyết chống ngoại xâm và sẽ không tha thứ cho một ông vua tuy chống tham nhũng nhưng tạo điều kiện cho quân thù tràn vào đất nước, bất chấp ông vua đó vô tình hay cố ý.
Từ giờ cho đến cuộc bỏ phiếu tín nhiệm cuối năm nay diễn ra ở Trung Ương đảng và Bộ Chính Trị, tôi mong nhân dân cà trong và ngoài nước (như những quan sát viên) cũng như các đại biểu quốc hội và các ủy viên trung ưởng đảng (là những người tham gia bỏ phiếu), mổi người dân và quan chức hãy tự hỏi mình “nếu thủ tướng mất chức ngay sau khi bỏ phiếu, thì sẽ lấy ai ra để thay thế và dẫn dắt đất nước chống họa ngoại xâm”
Câu hỏi thứ hai là vì sao thay vì đoàn kết và ủng hộ chính phủ khởi kiện Trung Quốc trong lúc này, nguyên nhân sâu xa nào làm Tổng Bí Thư và đảng bày ra và sa vào việc có khả năng dẫn đến nguy cơ “thay ngựa giữa dòng” này trong khi giải pháp tốt hơn chưa có ?
Nguy cơ từ bên ngoài.
Trong một tháng rưỡi giữa những ồn ào bàn thảo và phân tích, nhân dân và có lẽ một bộ phận không nhỏ trong đảng và chính phủ tin rằng Mỹ sẽ ủng hộ Việt Nam bảo vệ chủ quyền đất nước. Niềm tin này là có cơ sở nếu ta nhìn sự việc dưới góc độ chiến lược “xoay trục” và ủng hộ tay cầm cờ Ba Dũng của Mỹ là một nước cờ phục đã chuẩn bị từ lâu. Điều này đúng nhưng chỉ là một điều kiện cần, cái thứ hai để chúng ta có thể đặt niềm tin tối đa vào việc này là một điều kiện đủ mà hiện nay chúng ta chưa có.
Chính phủ Mỹ là một thực thể hữu hình và nó có những sức ép của riêng nó phải chịu. Một câu nói có tính nguyên tắc chính trị không bao giờ được quên là dù nước nào ủng hộ Việt Nam thì mức đô ủng hộ đến đâu cũng cần tính trên lợi ích đến đó cho cả họ. Trong các quan hệ đồng minh luôn có vấn đề bánh ít đi và bánh quy trở lại, nhân dân và cả phe Ba Dũng đừng ngủ quên ma cho rằng Mỹ sẽ ủng hộ Việt Nam hết mình “vô điều kiện”. Bài học Sensaku và Cỏ Mây-Scarborough giữa Mỹ- Nhật Bản-Philippin-Trung Quốc là một ví dụ điển hình cho việc này.
Hẳn các độc giả còn nhớ năm 2013, khi Trung Quốc và Nhật Bản tranh chấp khu vực đảo Sensaku, Trung Quốc hiểu rằng cần phải dàn xếp với Mỹ, chia rẽ quan hệ Mỹ- Nhật thì mới có khả năng đạt được mục đích. Thế là Trung Quốc đi hai nước cờ quan trọng, cho lực lượng biển vào chiếm Sensaku đồng thời bí mật dàn xếp với Mỹ trong việc trao đổi một số quyền lợi, và suýt nữa thì đạt được mục đích
Nước Nhật đã “cuống quýt hết cả lên” khi họ thấy trong chuyến viếng thăm vào tháng 06/2013 thì Tập Cận Bình có cuộc đi dạo nói chuyện tay đôi với Tổng Thống Obama của Mỹ. Người Nhật vốn thông minh, họ e ngại một cuộc nói chuyện tay đôi riêng tư của hai người đứng đầu hai nước lớn trong cuộc diện mình là nước nhỏ ở giữa thì có nguy cơ mình trở thành kẻ bị “bán đứng”, nếu Tập Cần Bình rỉ tai cho Obama những lợi ích Mỹ-Trung lớn hơn lợi ích Mỹ-Nhật .
Ngay sau đó, Chính quyền Nhật Bản đã phản ứng mạnh mẽ và đòi Mỹ phải cho biết nội dung mà hai ông to nhất đó nói chuyện riêng trong cuộc đi tản bộ ở Nam California là gì? Trước sự phản ứng mạnh mẽ của Nhật bằng động thái không chịu ngồi vào bàn đàm phán Mỹ-Nhât-Trung sau đó cho vấn đề Sensaku vì “bán tin bán nghi” là mình sẽ thất thế do sự âm thầm gật đầu của hai ông lớn nọ, cuối cùng tháng 4 vừa qua , Tổng Thống Obama khi công du Đông Á, đã tuyên bố Sensaku nằm trong liên minh quân sự và quan hệ chiến lược Mỹ- Nhật, thế là Nhật giữ được Sensaku, thoát được 1 tình thế “mập mờ”.
Không “nhanh mắt” đề thấy ra những chỗ hổng chết người đó, một đồng minh chiến lược khác của Mỹ là Philippin phải “ngậm đắng nuốt cay” cho sự thất thế của mình khi Mỹ “ngầm bỏ lơ và tỏ ra phản ứng thận trọng” trước sự xâm lấn của Trung Quốc, và cuối cùng Trung Quốc cũng gần như thành công trong việc lấn chiếm bãi Cỏ Mây, Scarborough trong tiếng la ó yếu ớt của tiểu quốc chủ sở hữu.
Đó là bài học nhãn tiền, phe thân Mỹ của Ba Dũng cũng như nhân dân Việt Nam đừng quên những bài học này, đôi khi trong sự giằng xé của các cường quốc đến cao trào thì họ thỏa hiệp chia chác nhau các lợi ích trên vai các nước nhỏ vào giờ chót là điều có thể, để tránh chiến tranh chưa cần thiết. Với Nhật Bản và Philipin là đồng minh chiến lược lâu năm mà còn như vậy, huống chi với đồng minh…dự bị như Việt Nam hiện nay. Mà khổ nổi, nếu lúc này không dựa vào Mỹ thì cũng không thể dựa vào nước nào cả trong khi nội lực đang rất yếu ớt.
Một kịch bản “chia đôi biển đông và kênh đào Kra” rất có thể sẽ đặt ra một khi Ba Dũng tỏ ra lần chần, hoặc vì bị o ép mà không thể giành chiến thắng tối hậu về cầm nắm quyền lực. Trong bối cảnh một chính quyền Nhật Bản và Philippin ổn định về đường lối thân Mỹ mà còn có nguy cơ “bị bỏ rơi vào giờ chót” thì Việt Nam với sự nhùng nhằng thì thế nào một khi quan hệ Mỹ-Trung đi đến nước cờ chót là “đánh hay không đánh”. Vật cùng tất biến, nếu vì Việt Nam mà Mỹ-Trung đánh nhau thì chúng ta kẹt ở giữa và thảm họa dân tộc 1975 lại tái diễn. Còn khi tới đó họ không đánh nhau mà nghị hòa cùng chia đôi lợi ích thì chúng ta cũng chết với viễn cảnh phụ thuộc Bắc triều tiếp tục.
Như vậy vấn đề đặt ra là làm gì để ngăn cản cái thế bí cho dân tộc và đất nước giữa hai cường quốc khi mà họ đánh hay đàm thì chúng ta cũng khốn khổ cả, chết ngay vì chiến tranh hay chết từ từ vì lệ thuộc cũng không khác nhau là mấy.
Việt Nam nên là một Israel thứ hai
Đã từ lâu đi nhiều nơi và gặp nhiều quần chúng từ anh xe ôm vỉa hè cho đến các học giả trí thức lẫn quan chức cấp này kia trong hệ thống, tôi đều nghe một sự khen ngợi về dân tộc Do Thái. Từ những lời khen ngợi của anh xe ôm vỉa hè về việc trồng cam trên sa mạc cho đến những khen ngợi chính trị của các học giả và quan chức khi họ thấy Israel có thể lập quốc được ngay trong thời kỳ hiện đại và tồn tại như một đồng minh “da thịt” với Mỹ.
Quan hệ của Israel và Mỹ như 1 một quan hệ của tay chân gắn bó, và chưa thấy bao giờ ông anh Mỹ có thể vì lợi ích của mình mà bỏ qua ông em Israel, dù điều đó suýt xảy ra với Nhật Bản và đã xảy ra với Philippin như tôi đã nói ở trên. Vì sao lại như thế?
Câu trả lời nằm ở vấn đề dân tộc. Những nhà quan sát hay tham gia vào chính trị Việt Nam cần nhận thấy là do quá khứ ly tán của mình, dân tộc Do Thái cắm dùi ở Mỹ lâu năm và dần dần lớn mạnh về số lượng, theo thời gian những người Mỹ gốc Do Thái đã tham gia nhiều vị trí chính trường quan trọng có ảnh hưởng vào chính sách Mỹ. Sự lớn mạnh của cộng đồng Do Thái dẫn đến mối dây đồng minh chiến lược Mỹ-Israel càng ngày càng bền vững hơn. Khi đứng trước các chính sách đối ngoại của Mỹ có thể gây phương hại đến quê hương Israel của mình, cộng đồng Mỹ gốc Do Thái đã tìm cách ngăn chặn, không để quê hương và quốc gia “nguồn cội” của mình bị hi sinh cho các nước cờ “thỏa hiệp” giữa các tay cầm cờ lớn trên bàn cờ quốc tế.
Việt Nam nếu lúc này (và sau này nữa) vẫn dưới bàn tay Ba Dũng cùng phe thân Mỹ dẫn dắt thì họ cần nhìn Nhật Bản-Philippin và Israel như một bài học để có các bước đi phù hợp. Thảm họa vượt biên năm 1975 là họa trong quá khứ nhưng là phúc trong tương lai của dân tộc. Trong một thế giới phẳng càng ngày càng rõ nét, giao thương đa quốc gia và các hàng rào địa lý, pháp lý ngày càng nhạt nhòa giữa các biên giới thì vấn đề cạnh tranh sẽ không còn gói gọn giữa quốc gia này và quốc gia khác mà sẽ là giữa dân tộc này và dân tộc khác nên đoàn kết dân tộc và dân chủ tự do là điều kiện tiên quyết.
Lúc này hơn lúc nào hết Ba Dũng phải nhìn ra vấn đề này để thực thi cho bằng được nước cờ hòa giải dân tộc thật sự. Lớn mạnh nội lực để không phải dựa vào Mỹ hay bất kỳ cường quốc nào là tuyệt vời về mặt lý thuyết nhưng việc đó không thể làm ngay trong nhất thời mà là quá trình lâu dài. Trong khi tận dụng sự đoàn kết dân tộc lúc này để “mang về” các nguồn lực chính trị từ kiều bào và sự hậu thuẫn “thực sự” từ Mỹ và Phương Tây là điều cần thiết. Nó cần thiết không chỉ cho tương lai dân tộc trong dài hạn mà còn cần thiết cho việc đảm bảo “thế thắng” của phe thân Mỹ trong chính quyền khi mà các cuộc đấu đá đã và còn sẽ diển ra tiếp tục cho đến khi quá trình thoát Trưng hoàn tất trong ngắn hạn.
Đảng cầm quyền Việt Nam (và cả phe Ba Dũng nếu có nghĩ thế) đừng tự trấn an một cách mơ hồ rằng theo thời gian, khi những người chống Cộng cao tuổi (thế hệ di dân thứ nhất) dần dần mất đi, thì một lớp trẻ thế hệ thứ hai, thứ ba… ở hải ngoại sẽ dễ dàng bị ăn bánh phỉnh của đảng như người dân trong quá khứ. Để rồi vẫn tái diễn màn cử đại diện đi trình diễn những vở kịch “hòa hợp hòa giải” mơ hồ, ru ngủ, một chiều và không thực tế. Trong một môi trường thông tin hạn chế và đời sống ngột ngạt như Việt Nam lâu nay mà càng ngày người dân còn càng thấy ra được nhiều cái tào lao nhảm nhí của đảng và đối kháng lại, độ tuổi của những người chống đối sự sai trái của đảng càng ngày càng trẻ hóa và gia tăng số lượng, thì tuổi trẻ hải ngoại cũng như thế thôi. Cộng đồng kiều bào bên ngoài, trong một xã hội thông tin tự do và đời sống khá giả hơn xa quốc nội thì họ còn biết nhiều hơn thế nữa về những điều tào lao nhảm nhí phi thực tế đang diễn ra bên trong đất nước. Làm sao mà có thể kêu gọi kiều bào tác động lúc này và sau này vào chính quyền nước họ đang cư trú để mang những chính sách chính trị-kinh tế tốt đẹp về cho quê hương khi mà chính quyền ở quê nhà còn bỏ tù, bắt bớ đàn áp những người vạch ra sự sai trái tào lao nhảm nhí của đảng cầm quyền?
Hơn bao giờ hết, tay cầm cờ Ba Dũng lúc này cần sự hậu thuẫn của quần chúng trong nước cũng như của các cộng đồng kiều bào ngoài nước cho nước cờ “thoát Trung”, nhất là Mỹ (kiều bào ở Mỹ đông nhất và đã có khả năng ảnh hưởng vào chính sách Mỹ, và lúc này Việt Nam cần Mỹ nhất). Ba Dũng muốn làm một Trần Thủ Độ thì hãy nhớ bài học cũ, đó là dù xóa bỏ triều Lý nhưng Trần Thủ Độ vẫn trọng dụng các quan lại cựu thần nhà Lý miễn là họ yêu nước và đặt lợi ích dân tộc lên trên hết trong sách lược chống Bắc triều.
Mấy hôm nay thấy trên hệ thống truyền hình và báo chí quốc gia có sự khác nhau trong tuyên truyền về Trung Quốc (người nói ra kẻ im miệng), quần chúng hiểu Ba Dũng đang cần sự ủng hộ của quần chúng trong và ngoài nước trong việc thoát Trung nhằm chống lại các bước đi cản phá của phe thân Tàu trong nội bộ. Nhưng quần chúng nào, cộng đồng kiều bào nào sẽ tin ông mà có hành động ủng hộ ông khi những người đi đầu trong việc vận động thoát Trung mấy năm nay còn nằm trong tù và chưa thấy có một lộ trình ngắn hạn nào trong việc trả tự do cho họ, thế thì chúng tôi ủng hộ ông để rồi thành con chốt thí, đi ở tù…thậm chí bị thủ tiêu hết hay sao?.
Thông điệp đầu năm của Ba Dũng là điều kiện cần nhưng chưa đủ thuyết phục. Sẽ không ai dám hành động ủng hộ ông lúc cần thiết cả. Thông điệp cải cách chính trị dân quyền dân chủ gì gì đó là những kế hoạch dài hơi. Nó chỉ có giá trị khi những việc nhỏ như tha tù chính trị chống Trung Quốc, có lộ trình khả dĩ để gây dựng “lòng tin chiến lược” ngay thời khắc mấu chốt này.
Tôi tin rằng nếu Ba Dũng sắp xếp làm ngay việc tha tù chính trị trong ngắn hạn hoặc ít nhất là công bố một quy trình cụ thể công khai cho động thái này thì quần chúng trong và ngoài nước sẽ mạnh mẽ ủng hộ ông và họ dám hành động khi cần thiết (vì cũng chẳng còn ai khác có thể làm hơn ông lúc này) và đó sẽ là khởi đầu cho một Israel thứ hai ở Châu Á. Ông cứ mạnh tay thả tù chính trị đi để quần chúng tin tưởng, tôi cũng tin rằng với hệ thống an ninh đông đúc hiện nay, vài chục ông tù nhân đó có ra tù cũng không làm gì rối loạn hơn cho đất nước được đâu.
Hãy gấp lên Ba Dũng, đi ngay những nước cờ chiến thuật cần thiết để gia tăng ưu thế cho phe mình nhằm đảm bảo chiến thắng vào lúc tối hậu. Nếu ông thua thì không chỉ ông, mà còn gia đình ông, phe nhóm ông và cả dân tộc sẽ lâm vào tình trạng còn bi đát hơn cả trước đây nữa, một khi vào giờ G nào đó, vì chán nản sự nhùng nhằng của Việt Nam, Mỹ gật đầu với Trung Quốc nhằm cùng chia hai lợi ích. Đến hôm nay ông cũng hết đường lùi rồi, vinh nhục chỉ trong những khoảng khắc còn lại trước khi “bỏ phiếu” mà thôi. Tôi nhớ trên website chính thức của ông có một banner có ghi vài chữ “tự do hay là chết”, đó cũng coi như một lời kết luận cho ông và đất nước lúc này.
Sẽ không có nhà Trần hiển hách ba lần đuổi quân Nguyên xâm lược nếu không có một Thái Sư Trần Thủ Độ dám nghĩ dám làm và mạnh tay chơi ván cờ tàn với các thế lực bảo thủ thời mạt Lý. Đoạt giang sơn thành đại nghiệp không thể không vỗ yên lòng dân, bài học này chưa bao giờ là cũ.
THEO Nguyễn An Dân
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét