Thứ Sáu, 16 tháng 12, 2011

Đại hội Thế giới Văn bút quốc tế Belgrade Serbie và quyết nghị về Việt Nam

Bản Tin Liên Hội Nhân Quyền Việt Nam ở Thụy Sĩ


Đại Hội Văn Bút Quốc Tế tố cáo Cộng Sản Việt Nam đàn áp tàn bạo những người cầm bút đối kháng độc tài và bênh vực Nhân Quyền

Như chúng tôi đã đưa tin, một Quyết Nghị về Việt Nam đã được Đại Hội Thế Giới Văn Bút Quốc Tế tại Belgrade, thủ đô nước Serbie, đồng thanh thông qua. Nhà thơ Nguyên Hoàng Bảo Việt, Phó chủ tịch Trung tâm Văn Bút Thụy Sĩ Pháp thoại, đã mang bản in gốc Dự thảo Quyết Nghị về Việt Nam đến dự Đại Hội Thế Giới Văn Bút Quốc Tế kỳ thứ 77 này. Từ ngày 12 đến 18 tháng 9 năm 2011, thành phố có biệt danh là ‘’Trái Tim của sông Danube’’, nơi an nghĩ của nhà văn Nobel Văn chương Ivo Andric, đã tiếp đón gần 250 nhà văn hội viên của hơn 90 Trung tâm Văn Bút và tân khách trong văn giới. Không quên ghi thêm đông đảo thân hữu tháp tùng các phái đoàn cùng nhiều phái viên thông tấn báo chí, truyền thanh và truyền hình. Tại Đại Hội, thi hữu Nguyên Hoàng Bảo Việt đã gặp lại nhà thơ Yên Sơn và phu nhân là bà Trần Ngọc Bích. Hai ông bà Yên Sơn và Trần Ngọc Bích đại diện cho Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại.

Cũng nên nhắc lại, năm 2011 đánh dấu 90 năm Văn Bút Quốc Tế được thành lập, không bao lâu sau khi Đệ nhứt Thế chiến chấm dứt. Hơn nửa thế kỷ qua, với sự xuất hiện và hoạt động của Ủy Ban Bênh vực Nhà Văn bị Cầm tù (WIPC), Văn Bút Quốc Tế không ngừng cổ xúy và quảng bá văn chương đồng thời bênh vực quyền Tự do phát biểu và thể hiện quan điểm. Năm 2011 cũng là thời điểm Trung tâm Văn Bút Serbie kỷ niệm 85 năm gia nhập Hiệp Hội Nhà Văn Thế Giới. Với chủ đề “Văn chương, Ngôn ngữ Thế giới’’, Đại Hội Văn Bút Quốc Tế đã được nữ văn hữu Vida Ognjenovic, Chủ tịch Trung tâm Văn Bút Serbie, long trọng khai mạc chiều ngày 13 tháng 9 tại tòa đô chính Belgrade. Bà Vida Ognjenovic là một tác giả nổi tiếng, viết văn, soạn kịch, giảng dạy về nghệ thuật sân khấu. Bà còn là một nhà ngoại giao, từng làm đại sứ Serbie tại Na Uy và đương nhiệm đại sứ tại Đan Mạch. Buổi lễ khai mạc Đại Hội Văn Bút có sự hiện diện của Tổng Thống Boris Tadic, Thủ Tướng Mirko Cvetkovic và Bộ Trưởng Văn Hóa Predrag Markovic. Tổng Thống Cộng Hòa Serbie đã phát biểu và chào mừng những người cầm bút khắp năm châu đã mang tình bạn và vinh dự đến đất nước ông.

Trung tâm Văn Bút Serbie đã hoàn thành tốt đẹp việc tổ chức Đại Hội Thế Giới Văn Bút Quốc Tế kỳ thứ 77, kết hợp với Lễ Hội Văn Chương Thế giới ‘’Trả Tự Do cho Ngôn ngữ’’. Chương trình Lễ Hội Văn Chương Thế Giới gồm có nhiều buổi đọc thơ văn quốc tế, tại thủ đô Belgrade và tại hai thành phố lớn Novi Sad ở miền Tây Bắc (cách Belgrade 65 cs) và Nis ở miền Đông Nam (cách thủ đô 250 cs). Đó là một thành quả thật xứng đáng được tuyên dương. Thiếu phương tiện, ít tiền bạc, các văn thi hữu Văn Bút Serbie đã đem hết cả tấm lòng vào việc làm cho Đại Hội. Các bạn được sự tự nguyện tiếp tay, tận tình giúp đỡ của nhiều thanh niên thanh nữ, sinh viên, ai cũng giữ được nụ cười dù vất vả, mệt mỏi trông thấy. Nên hiểu rằng chính quyền Serbie dân chủ, thoát thai từ Liên bang CHXHCN Nam Tư, chưa hoàn toàn khắc phục được hậu quả của các cuộc chiến bất công diễn ra mấy năm cuối thập niên 90. Phải kể thêm gánh nặng di sản của chế độ Cộng sản Tito, dù rằng Liên bang CHXHCN Nam Tư là một nước ‘’phồn thịnh’’ nhứt và ít ‘’nhiễm độc cộng sản’’ nhứt trong khối các nước Đông Âu. Chư hầu và tùy tinh của hai đảng Cộng sản Liên Sô và Trung Cộng, Cộng sản Việt Nam coi lãnh tụ Tito là kẻ thù vì phạm tội ‘’xét lại’’ và chủ trương ‘’phi liên kết’’. Dân tộc Serbie, dù không đông, là một dân tộc ‘’lớn’’, có lịch sử và văn hóa lâu đời, biết dung hợp với nhiều cộng đồng dân thiểu số (hơn 1 triệu trong số 7 triệu 400 ngàn người đang sinh sống tại nước Serbie). Phải nhìn nhận rằng đất nước Serbie đang cố gắng vươn lên trong nhiều lãnh vực, văn học nghệ thuật là một thí dụ điễn hình.

Đáp lại lời mời gọi chân thành của các văn thi hữu Trung tâm Serbie, Trung Ương Văn Bút Quốc Tế hầu hết đều có mặt tại Đại Hội Belgrade. Như Chủ tịch John Ralston Saul (VB Gia Nã Đại), các Phó Chủ tịch Joanne Leedom-Ackerman (VB Hoa Kỳ), Lucina Kathmann (VB San Miguel de Allende), Kata Kulavkova (VB Macédoine), Andrei Bitov (VB Nga) và Eugene Schoulgin (VB Na Uy), Tổng Thư ký Hori Takeaki (VB Nhựt), Thủ Quỹ Eric Lax (VB Tây Hoa Kỳ), tân Giám đốc Điều hành Laura McVeigh (Anh), Giám đốc Chương trình Quốc tế Francis Frank Geary (Anh), các Ủy viên Ban Chấp hành như Markéta Hejkalová (VB Tiệp), Philo Ikonya (VB Kenya), Lee Gil-Won (VB Hàn quốc), Tarik Gunersel (VB Thỗ Nhĩ Kỳ), Yang Lian (VB Trung Hoa Độc Lập), Haroon Siddiqui (VB Gia Nã Đại), Mohamed Magani (VB Algérie), Chủ tịch Ủy ban Bênh vực Nhà Văn bị cầm tù (WIPC) Marian Botsford Fraser (VB Gia Nã Đại), Chủ tịch Ủy ban Nhà Văn vì Hòa bình Edvard Kovac (VB Slovénie), Quyền Chủ tịch Ủy ban Nhà Văn Nữ Lucina Kathmann (VB San Miguel de Allende) và Chủ tịch Ủy ban Dịch Thuật & Quyền Ngôn Ngữ Josep Maria Terricabras (VB Catalan). Đại Hội luôn luôn có hai khuôn mặt quen thuộc là Sara Whyatt, Giám đốc Chương trình và Cathy McCann, Chuyên viên Sưu Tầm của Ủy ban Bênh vực Nhà Văn bị cầm tù (WIPC). Phải kể thêm ba đại diện của tổ chức Mạng lưới các Thành phố Tạm Dung (ICORN) là Peter Ripken (Đức), Lunde Helge và Dyvik Elisabeth (Na Uy). 

21 Bản Quyết Nghị của Đại Hội Văn Bút Quốc Tế tại Belgrade 

Đại diện cho hơn 15 ngàn nhà văn và nhà thơ trên toàn cầu, Hội Đồng Đại Biểu Văn Bút Quốc Tế đã biểu quyết thông qua 21 bản Quyết Nghị. Trong số đó có 14 Quyết Nghị được Ủy Ban Bênh vực Nhà Văn bị Cầm Tù duyệt xét chung thẩm tại các phiên họp của Ủy Ban chuyên biệt này. Mười bốn Quyết Nghị đó liên quan đến : Bahreïn, Pays Basque, Belarus, Trung Cộng (Tây Tạng – Tân Cương – Nội Mông), Trung Cộng (Ouïgour), Cuba, Erythrée, Ba Tư, Irak, Mễ Tây Cơ, Nam Phi, Syrie, Syrie (Kurdes) và Việt Nam. 

Quyết Nghị về Việt Nam đã được Trung tâm Văn Bút Thụy Sĩ Pháp thoại biên soạn với sự tán trợ của hai Trung tâm Văn Bút Thụy Sĩ Đức thoại và Văn Bút Thụy Sĩ Ý thoại & Réto-romanche. Trước khi Hội Đồng Đại Biểu Văn Bút Quốc Tế đồng thanh phê chuẩn bản văn trong phiên họp khoáng đại ngày 16 tháng 9, VH Yên Sơn đã tuyên bố rằng VBVNHN ủng hộ toàn văn Quyết Nghị. Bản văn nhận được tất cả các Phiếu Thuận. Không một Phiếu Trắng, không một Phiếu Chống.

Qua bản Quyết Nghị về Việt Nam, Văn Bút Quốc Tế nghiêm khắc tố cáo Cộng Sản Việt Nam đàn áp tàn bạo những người cầm bút đối kháng độc tài và bênh vực Nhân Quyền. Tự do phát biểu và thể hiện quan điểm là một trong những quyền căn bản hàng đầu. Văn Bút Quốc Tế không phải là ‘’bù nhìn’’ như báo Công An Cộng sản ở Sài Gòn bị chiếm đóng đã xuyên tạc một cách trơ trẽn. Nhắc lại, trong số báo CA ra ngày 29/03/2011, ‘’ký giả’’CA Hà Trình đã hằn học viết một bài với tựa đề ‘’Văn bút quốc tế (PEN International): Bù nhìn’’’. Để chê trách Văn Bút Quốc Tế đã thông qua Quyết Nghị về Việt Nam tại Đại Hội Tokyo (Nhựt) hồi tháng 9 năm 2010, -mỗi khi khai hội văn chương, PEN đã trở thành bù nhìn - đồng thời cực lực chỉ trích nhà thơ Nguyên Hoàng Bảo Việt, – để những kẻ đội lốt ‘’nhà văn, nhà thơ’’(…) mượn diễn đàn thực hiện những mưu đồ đen tối chống Việt Nam (sic).

Quyết Nghị về Việt Nam vạch trần trước công luận quốc tế bản chất bất lương, vô liêm sĩ và cực kỳ hung bạo của chế độ Cộng sản Việt Nam. Tình trạng Nhân quyền ngày càng tồi tệ và trầm trọng. Nhiều cuộc bắt giam độc đoán, nhiều hành động trấn áp vô nhân đạo, nhiều vụ án bất công, phi pháp, rập khuôn công lý thời Staline. Ngụy quyền không ngừng khủng bố, bao vây, cô lập và đày đọa những người yêu nước thương đồng bào. Các nạn nhân của Cộng sản đã có can đảm đòi hỏi thực thi những quyền tự do dân chủ, tố cáo thủ phạm gây ra quốc nạn tham nhũng, hài tội đảng xã hội đen đã lạm dụng quyền thế để làm giàu trên mồ hôi nước mắt nhân dân, bán rẽ tài nguyên quốc gia, hiến dâng một phần lãnh thổ lãnh hải, chuyển nhượng chủ quyền hai quần đảo Hoàng Sa Trường Sa cho đế quốc bành trướng Cộng sản Bắc Kinh. Quyết Nghị về Việt Nam báo động các chính phủ dân chủ trên thế giới về tình cảnh nguy bách của nhiều tù nhân bị sa sút sức khoẻ hoặc lâm bệnh nặng có cơ nguy thiệt mạng, như trường hợp LM Nguyễn Văn Lý, nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa, nhà báo Trương Minh Đức, hoặc là trường hợp nhà báo Điếu Cày Nguyễn Văn Hải còn bị giam giữ bí mật hơn một năm trời và có tin công an CS vô tình tiết lộ rằng ông bị mất tay. Hãy đọc Quyết Nghị về Việt Nam để còn nghe thấy tiếng kêu thương, cảm nhận được nỗi đau buồn, niềm phẫn uất của nhiều gia đình tù nhân chính trị, ngôn luận và lương tâm Việt Nam đang gánh vác một phần đại khổ nạn của dân tộc. Tiếc rằng khuôn khổ hạn hẹp của Quyết Nghị chỉ cho nêu lên một số trường hợp tù nhân và tình cảnh tạm gọi là tiêu biểu, và tin tức cá nhân liên hệ đã được kiểm chứng.

Genève ngày 12 tháng 12 năm 2011
Liên Hội Nhân Quyền Việt Nam ở Thụy Sĩ
Ligue Vietnamienne des Droits de l’Homme en Suisse
Vietnamese League for Human Rights in Switzerland

Nguồn tin và tài liệu: Liên Hội Nhân Quyền Việt Nam và nhà thơ Nguyên Hoàng Bảo Việt, Phó Chủ tịch Trung tâm Văn Bút Thụy Sĩ Pháp thoại đặc trách Ủy Ban Bênh Vực Nhà Văn bị cầm tù, thành viên Trung tâm Nhà Văn Việt Nam Lưu Vong và Hội Nhà Văn Liên Hiệp Quốc – Genève.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét