Thứ Hai, 3 tháng 9, 2012

MẸ KIẾP! CHÚNG TÔI KHÔNG CẦN NHỮNG THỨ NẦY !! : Một bảo tàng riêng về giai cấp công nhân

Revolution fist.jpg
Mẹ Kiếp! Chúng tôi không cần những thứ nầy ! (Một bảo tàng riêng về giai cấp công nhân! ). Chúng tôi chỉ cần cơm ăn áo mặc, cần được đối xữ tử tế không bị ngược đãi, đánh đập của giới chủ như hiện nay. Chúng tôi muốn được quyền nói lên chính kiến của chúng tôi, những người công nhân lao động. Chúng tôi cần người đại diện chính thức bảo vệ quyền lợi của chúng tôi, đó là Công Đoàn Độc Lập!.
Chúng tôi đã thấy rõ bộ mặt của nhà cầm quyền cộng sản hiện nay, và tổ chức  "công đoàn" quốc doanh tay sai của các ông rồi. Chế độ nầy là kẻ thù của giai cấp công nhân, nông dân và toàn thể người Việt Nam nói chung. Nhà nước nầy không vì lợi ích của người dân, mà ngược lại là kể bóc lột và cai trị thậm tệ nhất hơn cả thời kì thực dân đô hộ.

Hỡi anh em Công Nhân! Nhiệm vụ của những người Công Nhân chúng ta bây giờ là vượt qua sự kìm kẹp và đàn áp của chính quyền, đập tan gông xiềng để tự giải phóng cho chính mình. Giai cấp Công nhân sẽ được giải phóng, dân tộc Việt Nam sẽ được giải phóng khỏi ách độc tài, đó là niềm tin tất thắng của tất cả chúng ta.

Một bảo tàng riêng về giai cấp công nhân: Tại sao không?

Vấn đề này đã được đặt ra trong tọa đàm “Di tích lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng tại TP.Hồ Chí Minh - dấu ấn phong trào công nhân Sài Gòn - Chợ Lớn những năm 1920” tổ chức chiều 22.8 tại TPHCM.

                           Một bảo tàng riêng về giai cấp công nhân: Tại sao không?

Xưởng cơ khí Ba Son - nơi  Tôn Đức Thắng từng làm việc những năm hai mươi thế kỷ trước. Ảnh tư liệu của Bảo tàng Tôn Đức Thắng.

Hiện, tại TPHCM, xưởng cơ khí tại XNLH Ba Son (di tích Ba Son) và đình Bình Đông (Q.8) là hai di tích ghi dấu ấn sâu đậm về hoạt động của Công hội bí mật và phong trào công nhân Sài Gòn - Chợ Lớn, gắn liền với tên tuổi Chủ tịch Tôn Đức Thắng.

Từ lịch sử

Di tích Ba Son mang nhiều ý nghĩa lịch sử. Năm 1774, Nguyễn Ánh chiếm lại Sài Gòn, song song với việc xây thành Bát Quái (1790), Nguyễn Ánh cho lập xưởng Chu Sư (xưởng thủy), nằm trên ngã ba sông - nơi tiếp giáp giữa sông Sài Gòn và rạch Thị Nghè - diện tích gần 30ha.

Đến những năm đầu thế kỷ 19, xưởng mở rộng thành công trình thủ công lớn “nơi sản xuất sửa chữa mọi loại chiến thuyền, nơi đặt lò đúc các dạng súng lớn - nhỏ bằng đồng hay bằng gang, nơi tập trung hàng ngàn công nhân với nhiều ngành chuyên môn khác nhau...”.
Theo Bảo tàng Tôn Đức Thắng: TPHCM (Sài Gòn - Chợ Lớn trước đây) là nơi giai cấp công nhân được hình thành sớm nhất, tập trung nhất trong cả nước và cũng là nơi có đội ngũ công nhân công nghiệp đầu tiên ở nước ta. Thông qua phong trào đấu tranh những năm đầu thế kỷ 20, công nhân Sài Gòn - Chợ Lớn nhanh chóng chuyển từ giai đoạn đấu tranh tự phát sang tự giác, mà vai trò to lớn thuộc về người thợ máy Tôn Đức Thắng với tổ chức Công hội bí mật do Người sáng lập và lãnh đạo tại Ba Son.

Tiêu biểu nhất cho phong trào công nhân thời kỳ này là cuộc bãi công của 1.000 công nhân xưởng Ba Son vào tháng 8.1925.

Cuộc bãi công này gắn liền với tổ chức và sự lãnh đạo của Công hội do Tôn Đức Thắng thành lập. “Di tích lịch sử địa điểm lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng tại XNLH Ba Son, P.Bến Nghé, TPHCM” được công nhận là di tích cấp quốc gia, theo Quyết định số 1034 của Bộ VHTT ngày 12.8.1993.


Tìm cách bảo tồn

Bà Vũ Thị Kim Anh - PGĐ Sở VHTTDL TPHCM - cho biết: Ngày 7.8 vừa qua, Sở VHTTDL TPHCM đã có cuộc họp với Cty TNHH Ba Son và các sở, ban ngành liên quan đến dự án quy hoạch xây dựng Khu trung tâm phức hợp Sài Gòn - Ba Son thuộc khu vực bờ tây sông Sài Gòn (dự án, trong tổng thể khu vực trung tâm TPHCM mở rộng.

Trước đó, ngày 18.5.2012, Bộ Quốc phòng có công văn số 1453/BQP - CNQP gửi Bộ VHTTDL về phương án bảo tồn di tích lịch sử địa điểm lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng tại Xưởng cơ khí - XNLH Ba Son (di tích Ba Son). Theo đó, “việc bảo tồn sẽ được thực hiện theo cách cải tạo phần nhà xưởng thành không gian trưng bày các hiện vật gắn liền với lịch sử Ba Son và hoạt động của Chủ tịch Tôn Đức Thắng, trong đó có một phần di tích của ụ tàu cũ (Pháp xây năm 1884) và sa bàn tổng thể xưởng cơ khí”... Có thể hiểu nhanh, phương án Bộ Quốc phòng đưa ra là sẽ bảo tồn di tích chủ yếu bằng cách lập mô hình, kể cả việc lập mô hình toàn bộ khu vực Ba Son. Một trong những lý do đưa ra là “tiết kiệm đất đai”. Tiếp đó, trong khuôn khổ dự án đưa ra vào tháng 6.2012, Cty Ba Son cũng giới thiệu phần phương án bảo tồn di tích theo lối dùng mô hình.

Ngày 26.6.2012, trong báo cáo trình UBND TPHCM, Sở VHTTDL TPHCM có nhắc lại đề xuất của sở này về việc bảo tồn di tích cần căn cứ quy định tại khoản 3 - Điều 32 sửa đổi, bổ sung - Luật Di sản văn hóa: Khu vực bảo vệ I của di tích - Xưởng cơ khí - phải được bảo vệ nguyên trạng về mặt bằng và không gian. Đồng thời, theo quyết định số 5360/QĐ - UBND ngày 25.11.2010 của UBND TPHCM về thực hiện kiểm kê di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn TPHCM với các công trình trọng điểm có dấu hiệu đủ tiêu chuẩn xếp hạng di tích, trong đó có ụ tàu thuộc XNLH Ba Son...

Cũng cần phải nhắc lại, theo tinh thần công văn số 102 của Sở Quy hoạch - Kiến trúc TPHCM (ngày 10.1.2007), trong số các phương án, có phương án quy hoạch có sự tư vấn của Cty Nikken Sekkei (Nhật Bản) được cho là khả thi, thì xưởng cơ khí và ụ tàu cổ đều được để nguyên trạng.
Ý tưởng về một bảo tàng về giai cấp công nhân

Tại tọa đàm, GS Lê Xuân Diện - nguyên Viện trưởng Viện KHXH TPHCM - bày tỏ: Ba Son là một di tích lịch sử của ngành đóng tàu, của phong trào công nhân VN, nên cần phải bảo vệ Việt Nam là một quốc gia biển, do đó, ở đây, có thể lập một bảo tàng thủy - hải quân, nghề đi biển, ngay trong một khuôn viên chung là công viên bờ sông Sài Gòn dành cho tất cả người dân.
TS Nguyễn Thị Hậu - Phó Viện trưởng Viện Phát triển TPHCM - khẳng định một điều, những người làm công tác quy hoạch TPHCM - không ai có ý định phá bỏ di tích! Từ ý nghĩa lịch sử của di tích Ba Son, ngoài bảo tàng về ngành đóng tàu, nên có cả bảo tàng giai cấp công nhân VN.
Theo bà Lê Tú Cẩm, hiện nay, Nhà truyền thống công nhân trong khuôn viên trụ sở LĐLĐ TPHCM rất khiêm tốn, ít người đến xem. Ba Son là một trong những cái nôi của giai cấp công nhân VN, nên chăng xây dựng một quần thể bảo tàng (xâu chuỗi) - từ Bảo tàng Tôn Đức Thắng - gắn với bảo tàng công nhân, bảo tàng ngành đóng tàu...

TS Nguyễn Đình Thống - ĐH KHXH&NV TPHCM - cho rằng, nhìn dưới góc độ di sản, nhìn một cách khái quát, rộng hơn, Ba Son có tầm lớn hơn một di tích lưu niệm một danh nhân. Đây là một di sản tổng hợp cần được bảo tồn, bảo vệ, khai thác, vì lợi ích của phần đông người dân...
Tại tọa đàm, còn rất nhiều những tiếng nói của những người làm công tác di sản, nghiên cứu lịch sử, văn hóa ủng hộ việc bảo tồn di tích Ba Son và ý tưởng thành lập một bảo tàng giai cấp công nhân. Hy vọng, những tiếng nói tâm huyết này có thể góp phần giúp những người có trách nhiệm với việc quy hoạch, phát triển đô thị có những cái nhìn bình tĩnh, sáng suốt hơn. Điều quan trọng nhất là chọn một phương án khả thi, phát triển, nhất thiết phải song song với bảo tồn một cách khoa học.

 Thùy Ân
Theo Báo Lao Động

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét