Thứ Sáu, 26 tháng 4, 2013

Ý NGHĨA KHÁCH QUAN TỰ NHIÊN CỦA XÃ HỘI DÂN SỰ


Võ Hưng Thanh

                    

Mọi cá nhân con người sinh ra và sống một cách chính đáng trong xã hội loài người, đó chính là xã hội dân sự. Xã hội dân sự như vậy thực chất là xã hội nền tảng, khách quan, chính đáng, thiết yếu, hạnh phúc nhất trong lịch sử loài người. Dân sự có nghĩa không phải là quân sự, tôn giáo, độc tài, hay mọi thứ ràng buộc giả tạo, sai trái, chủ quan nào khác. Chính mọi loại ý thức hệ giả tạo, phản tự nhiên, mọi hình thức chính trị độc đoán, chủ quan, mọi giáo điều nô lệ con người trên cõi đời này thực chất đều phi xã hội dân sự, phản xã hội dân sự, thủ tiêu, cưỡng đoạt, hiếp bóc xã hội dân sự.



Có nghĩa xã hội dân sự không gì khác hơn là xã hội của mọi con người bình đẳng, tự do, dân chủ, cùng sống với nhau một cách khách quan, hài hòa, thiện chí, hữu lý và có ý thức.

Nói cách khác hơn, nền tảng của xã hội dân sự chính là chế độ tự do, dân chủ. Hay nói cách cụ thể, nền cộng hòa đúng nghĩa, chân chính, cao đẹp, đó chính là ý nghĩa và cơ sở của mọi xã hội dân sự.
Cộng hòa có nghĩa mọi người ngang nhau, mỗi người dân một lá phiếu để ủy nhiệm ra các cá nhân xứng đáng lo việc chung của cộng đồng, của xã hội, đó chính là nền móng tối hậu của xã hội dân sự. Vì nếu bất kỳ xã hội nào đi ngược lại điều đó, thủ tiêu điều đó, ngụy tạo điều đó, cưỡng đoạt điều đó, đó không còn là xã hội dân sự khách quan, tự nhiên nữa, mà trở thành xã hội độc tài, độc đoán của cá nhân, của một số người, của một tổ chức đoàn thể hay của một đảng phái nào đó.

Hay nói chung lại, xã hội dân sự là xã hội của mọi con người có lý trí, có tự do, có bình đẳng, và trong tinh thần cũng như ý nghĩa đó mà mọi người đều được sống, sinh hoạt một cách tự do, dân chủ theo đúng ý nghĩa khách quan. Mục đích của xã hội dân sự là phục vụ lợi ích cao nhất của chính con người. Có nghĩa con người chỉ vì lợi ích chính đáng của bản thân mình, lợi ích chính đáng của toàn xã hội, của mọi người mà không vì lợi ích riêng tư của bất kể các cá nhân hay những nhóm cá nhân nào khác.
Cho nên thể chế hay chế độ chính trị chính là cái làm ảnh hưởng trực tiếp nhất đến xã hội dân sự. Đó chính là ý nghĩa của nội dung thể chế mà không phải hình thức của thể chế. Một nhà nước quân chủ lập hiến, nhưng thực chất là nhà nước dân chủ trong nội dung thực sự, đó là nhà nước hoàn toàn phù hợp hay hòa hợp được với xã hội dân sự. Trái lại, những nhà nước tự mệnh danh là tự do dân chủ, nhưng thực chất nội dung chỉ là sự toàn trị hoặc chuyên trị của một thiểu số cá nhân hay thành phần xã hội nào đó, đó lại chính là những xã hội thủ tiêu, cưỡng đoạt hay phản lại xã hội dân sự. Nên nói cho cùng lại, xã hội dân sự chính là bản thân tự nhiên nhất, ý nghĩa khách quan nhất, mục đích thiết thực nhất, đồng thời là nguyên tắc hay nguyên lý xã hội cao nhất của toàn thể loài người. Xã hội dân sự đi đôi với một nền kinh tế thị trường được tổ chức, điều hành một cách hiệu quả, hợp lý, công bằng, khách quan, tự nhiên, đó chính là lý tưởng cao nhất của mọi xã hội dân sự trong lịch sử toàn thể của loài người. Cũng trong ý nghĩa đó, chính Phan Chu Trinh là nhà yêu nước Việt Nam đầu tiên đã sáng suốt hô hào, đề cao, chủ trương cũng như vận động một cách toàn diện cho một xã hội dân sự cần phải có trước hết cho toàn dân nước ta, ngay giữa thời Pháp thuộc, như là một điều kiện tối hậu để tiến tới giải phóng đất nước, giành tự do độc lập cho nước nhà.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét