Thứ Tư, 12 tháng 10, 2011

Giá cả tăng, công nhân cùng nhau vượt khó!

 SÔNG TRÀ

Cập nhật ngày: 12/10/2011 09:05:32
Giá cả tăng nhanh, đời sống công nhân (CN) trong các khu công nghiệp (KCN) gặp không ít khó khăn. Tuy nhiên, nhiều CN nghĩ ra đủ các kiểu tiết kiệm để giảm chi tiêu, có nhiều CN cố gắng dành dụm tiền gửi về quê trong dịp tết sắp đến.
 
 CN thường chọn chợ tự phát mua vội ít thức ăn để giảm chi tiêu
Lương tăng ít, giá cả tăng nhiều
Giá cả nhiều mặt hàng tăng nhanh đã ảnh hưởng rất lớn đến đời sống người dân có thu nhập thấp, nhất là đời sống CNLĐ tại các khu nhà trọ. Nhiều CN than thở về giá cả lương thực thực phẩm, nhà trọ, điện nước tăng đã tác động đến đời sống của họ. Chị Nguyễn Thị Tiền, CN một công ty trong KCN Đồng An (TX.Thuận An) tâm sự: “Giá nhà trọ vừa tăng 100.000 đồng/tháng, ra chợ mua thức ăn cái gì cũng tăng từng ngày, chỉ ngoại trừ lương của em tăng ít!”. Theo chị Tiền, lương chính thức của chị khoảng 2 triệu đồng/tháng, nếu có tăng ca đều đều thì thêm được 400.000 đồng/tháng nữa. Thế nhưng mấy tháng nay, khâu của chị làm không có tăng ca. Thế là đồng lương 2 triệu đồng/tháng chỉ đủ chi tiêu dè sẻn hàng ngày.
Khu nhà trọ ở các phường Bình Hòa, Bình Chuẩn, An Phú (TX.Thuận An) hay khu vực phường An Bình, Đông Hòa (TX.Dĩ An), CN muốn được làm tăng ca để có thêm tiền tích lũy, vì thời điểm này, nhiều công ty làm việc cầm chừng theo đơn đặt hàng và đang tính toán cho đợt tăng lương mới cho phù hợp. Trong khi chờ tăng lương mới, nhiều CN làm thêm buổi tối như phục vụ tại các quán cà phê, nhà hàng tiệc cưới... để có thêm thu nhập...
Tiết kiệm để vượt khó
Nhà trọ và nhiều thứ hàng hóa khác tăng giá, nhiều CN đã động viên nhau tiết kiệm để có tiền dành dụm gửi về gia đình. Cụ thể, tại khu nhà trọ ở KCN Mỹ Phước 1, 2, 3 (Bến Cát), nhiều CN đã tăng cường làm thêm, bớt thời gian đi chơi, hoặc thay đi xe gắn máy bằng đi xe đạp hay chuyển nhà trọ đến gần nơi làm việc để tiện lợi trong vấn đề đi lại. CN Trần Thị Mỹ, làm việc cho một công ty giấy tại KCN Mỹ Phước 1 nói: “Trước đây, em ở trọ tại xã Thới Hòa, Bến Cát nên đoạn đường di chuyển đi về hơi xa. Tuy nhiên gần đây, em đã chuyển nhà trọ đến đường N5 trong KCN Mỹ Phước 1, cách nơi làm việc chỉ có vài chục mét. Như vậy, mỗi tháng em tiết kiệm được trên 400.000 đồng tiền xăng”. Một CN khác tên Lê Thị Lan cho biết thêm: “Mấy ngày trước, em định mua chiếc xe máy đi làm cho đỡ mệt nhưng nay em đã chuyển hướng mua chiếc xe đạp điện 4 triệu đồng. Tính đến năm sau, bằng thời điểm này, em cũng đã tiết kiệm được 4 triệu đồng tiền xăng (trung bình 330.000 đồng tiền xăng/tháng). Như vậy, một năm sau là lấy lại vốn mua xe đạp”.
Phong trào tiết kiệm đang được CN hưởng ứng mọi lúc, mọi nơi. Có CN thì tiết kiệm bằng cách mỗi lúc về nhà là đọc báo, xem tivi để không còn thời gian rảnh. Nhiều CN khác thì “tậu” cả thùng mì gói để chuẩn bị cho các bữa ăn sáng và tối cho đỡ tốn kém. Tại nhiều khu nhà trọ, CN còn phát động phong trào “ăn chay” 8 ngày trong tháng bằng các món ăn đơn giản hay tham gia phong trào di chuyển bằng xe buýt trợ giá...
Nói về điều này, CN Nguyễn Thị Loan Anh, làm việc tại Công ty Giày Thái Bình (phường An Bình, TX.Dĩ An) cho biết: “Trước đây, em hay đi làm bằng xe máy nhưng mỗi lần kẹt xe là hao cả lít xăng. Nay em đã chuyển qua đi xe buýt, tuy thời gian dài hơn nhưng mỗi ngày đi về em chỉ tốn có 8.000 đồng. Vả lại em được an toàn và có thời gian đọc sách trên xe”. 


2 nhận xét:

  1. Lạm phát càng ngày càng tăng, đời sống người công nhân càng ngày càng đi xuống. Chúng ta bán sức lao động, làm việc cật lực mà đồng lương vẫn không đủ sống. Tiền thuê nhà trọ, tiền xăng, tiền ăn cho cá nhân mình còn không đủ thì nói gì đến nuôi con cái, gia đình?


    Chúng ta đang sống trong nước XHCN mà người lao động bị chủ bốc lột còn hơn cả công nhân ở những nước tư bản. Đã thế, công đoàn còn toa rập với bọn chủ chèn ép làm cho đời chúng ta càng ngày càng khó khăn thêm.


    Quyền đình công của chúng ta bị cướp đoạt chính là công đoàn, những người đại diện cho công nhân. ( họ ăn lương của chủ )


    Hởi các bạn công nhân! Chúng ta hãy cùng nắm chặc tay nhau bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình bằng cách: mỗi công nhân chúng ta là một công đoàn độc lập.


    Tôi đã sẳn sàng! Còn các bạn ???


    Qua còm nầy, chúng ta hẹn nhau tại khu công nghiệp nhé !

    Trả lờiXóa