Thứ Ba, 6 tháng 3, 2012

Việt Nam cần bao nhiêu thủ tướng?


NGUYỄN ĐÌNH ẤM
Ngày 5/1/2012 xẩy ra vụ lực lượng vũ trang hiệp đồng quân, binh chủng cưỡng chế sai trái đầm nuôi tôm của công dân Đoàn Văn Vươn ở xã Vinh Quang, huyện Tiên Lãng, TP Hải Phòng. Dù việc cưỡng chế kiểu trên xẩy ra nhiều nơi, thường xuyên nhưng do ai đó dám dùng súng bắn đạn hoa cải và bình gas chống lại “ý trời”(theo thông tin trên báo chí cho tới nay) và báo chí được “thả phanh” thông tin nên trở thành sự kiện lớn loang ra toàn thế giới. Sự việc không quá phức tạp, các chuên gia đủ lĩnh vực, đủ các cỡ nguyên lãnh đạo, chính khách…có ý kiến ở mọi góc độ nên chỉ ít ngày sau đúng, sai đã rành rành… Từ đó, thiết nghĩ chỉ có kẻ rồ dại hoặc “há miệng mắc quai” mới dám nói việc cưỡng chế đầm tôm của ông Vươn ở huyện Tiên Lãng là đúng.
 
    Thế mà cả hệ thống luật pháp, chính trị, xã hội…địa phương vẫn im thin thít để ngày 10/2/2012 thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phải tổ chức cuộc họp xem xét, công bố vụ Tiên Lãng.

   Tưởng những tuyên bố đúng đắn của thủ tướng hôm ấy sẽ chẳng làm ai ngạc nhiên nhưng cả nước như vẫn “nín thở” để nghe xem thủ tướng “phán” như thế nào. Tối hôm đó, khi tin thủ tướng nói việc cưỡng chế là sai thì cả nước như “vỡ òa”…sung sướng, đến như cựu đại tướng, chủ tịch nước Lê Đức Anh-người trước đó đã khẳng định việc cưỡng chế là sai, ông Đặng Hùng Võ- chuyên gia hàng đầu luật đất đai (người từ đầu đã biết mười mươi cưỡng chế là sai)…cũng phát biểu “rất mừng với kết luận của thủ tướng”…

   Hàng loạt tin tức trên báo lề phải, lề trái hoan hỷ loan tin thủ tướng kết luận…
   Một việc khi vừa diễn ra hầu hết dư luận đã khẳng định việc cưỡng chế là sai nhưng tại sao cả nước vẫn phải “thót tim” chờ kết luận của thủ tướng? Vậy cả hệ thống luật pháp từ địa phương đến trung ương, hệ thống chính trị: Đoàn đại biểu quốc hội Hải Phòng, HĐND, hội Nông dân, đoàn thành niên, phụ nữ, cựu chiến binh Tiên Lãng, Hải Phòng…hàng năm tiêu tốn biết bao tiền bạc, của cải của nhân dân nay đi đâu hết? Không chỉ vụ TL, nếu ai để ý sẽ thấy gần như toàn bộ hệ thống luật pháp, quy định, chế độ, chính sách…trên nhiều lĩnh vực quan trọng đều tê liệt để việc gì cũng nhờ cậy đến cái uy của thủ tướng. Nào là thủ tướng chủ trì cuộc họp chỉ đạo xử lý vụ “Nhật ký vàng anh” lùm xùm chuyện sex; chuyện EVN lỗ cả mấy nghìn tỷ mà nhận lương “khủng” cũng do…“thủ tướng cho phép”; chuyện thay đổi chiều cao, diện tích căn hộ…cũng “báo cáo chuyển xin ý kiến thủ tướng”; tranh chấp kiện tụng bản quyền truyền hình bóng đá cũng “báo cáo xin ý kiến thủ tướng”; 448 triệu đ tiền cháy chợ Quảng Ngãi có được đổi hay không… “chờ ý kiến thủ tướng”; Rồi “thủ tướng chỉ đạo giảm quá tải bệnh viện”;thủ tướng “vào cuộc” vụ kỹ sư Tạch”.v.v.và v.v…

   Ở những quốc gia mà nền dân chủ chỉ bằng  “một phần vạn” của ta mà thủ tướng của họ chỉ đứng đầu bộ máy quản lý hành chính nhà nước, chủ yếu ban hành, ký các văn bản dưới luật…điều hành nhà nước hoạt động đúng hiến pháp, pháp luật, giữ gìn trật tự, trị an để nhân dân, nền kinh tế, văn hóa…yên ổn làm ăn, phát triển…tức chỉ đạo ở tầm chiến lược. Đằng này nguyên thủ của ta phải “đánh đông, dẹp bắc” chỉ đạo, phân xử từng vụ án, kiện tụng nhỏ, thậm chí việc rất nhỏ (như vụ kỹ sư Tạch). Thủ tướng phải quyết mức lương cho cả doanh nghiệp trong khi dân ta phải nuôi cả một bộ LĐTBXH có hàng nghìn nhân viên có đủ các loại bằng cấp cử nhân, kỹ sư, thạc sĩ, phó tiến sĩ, tiến sĩ, giáo sư…ở đủ các lĩnh vực khoa học về tiền lương, tiền công…Trước khi biết chuyện “lương khủng” ở EVN , “làng báo” hiếu kỳ chờ trực phanh phui chuyện hấp dẫn này nhưng khi biết thủ tướng “quyết”, tất cả lập tức…“tắt điện”. Rồi thủ tướng phải họp để xem xét, kết luận việc cưỡng chế mấy chục ha đầm ở một xã…Vậy cả hệ thống tư pháp khổng lồ từ trung ương đến thành phố, tỉnh, huyện, phường, xã họ làm gì, làm như thế nào?

  Vậy người dân đóng thuế để nuôi bộ máy chuyên môn, quyền hành khổng lồ kia để làm gì?Hay để họ tồn tại chỉ để trangt trí, chỉ làm những việc mang lại lợi ích cho bản thân họ rồi “hành dân, bỏ dân chết”?. Vụ tòa Tiên Lãng xử bậy cho lãnh đạo huyện thắng kiện, thẩm phán tòa án HP lừa đương sự để chính quyền TL cướp đầm tôm của họ, vụ tòa án nhân dân tối cao năm 2008 hai lần không xem xét cưỡng chế sai 70 ha đầm y như vụ ông Vươn  của gia đình ông Lê Đình Thảo ở xã Tiến Thắng; rồi 15/2/2012 họ lại hấp tấp đề nghị hội đồng xét xử hủy các bản án ở TL, HP ra vẻ bênh vực ông Vươn khi đã “hai năm rõ mười”.  Tòa án NDTC hai lần nhầm vụ ông Thảo chăng? Sao đến nay họ lại ra vẻ sốt sắng vụ ông Vươn, trong khi trước đó cơ quan ngôn luận của họ, tờ “công lý”(cái tên quá hoành tráng) phán ông Vươn nhiều sai phạm, chính quyền làm đúng….chứng tỏ điều gì? Tư cách của một tòa “tối cao” mà như thế thì người dân thường trông cậy vào đâu, mấy ai kêu thấu được đến thủ tướng?

  Nước ta hiện nay có 64 tỉnh, thành phố 540 quận, huyện nên có hàng nghìn, hàng vạn vụ kiểu Tiên Lãng, kỹ sư Tạch, vụ “vàng anh”, vụ lương khủng, vụ cháy nhà, cháy chợ đổi tiền, bản quyền truyền hình, quá tải…Vậy một mình thủ tướng sao có thể làm nổi? Đó là chưa tính những trường hợp thủ tướng ra tay rồi nhưng cũng không xong để đương sự phải kiện đi, kiện lại cả bao năm…Ngay vụ Tiên Lãng, khi thủ tướng kết luận sai rồi nhưng các quan TL, Hải Phòng vẫn nói ngược lại, tức gián tiếp không nghe. Đặc biệt, họ lại làm trọng tài trong vụ giải quyết. Họ “phê duyệt, chỉ đạo sáng suốt” vụ cưỡng chế nay họ lại phán xét, điều tra, xử lý…không chỉ sai nguyên tắc (xử lý sai phạm ở đâu phải là cơ qua cấp trên một bậc) mà còn không thể nào khách quan, triệt để được. Rất có thể vụ “tày đình” giữa thanh thiên, bạch nhật này lại sẽ xẩy ra hai trường hợp: một là, dân vẫn phải cam chịu bị oan sai, hai là thủ tướng lại phải “ra tay” một hoặc hai, ba lần nữa… Thực trạng này giải thích tại sao nước ta hàng năm biết bao trường hợp khiếu kiện “vượt cấp”, số vụ án tồn đọng, vụ oan sai bị bỏ qua, “hóa bùn”…không thể thống kê nổi.

   Như vậy để bộ máy nhà nước VN hoạt động trôi chảy trên mọi lĩnh vực, giảm thiểu những vụ oan sai…thì cần bao nhiêu thủ tướng?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét