Thứ Ba, 24 tháng 7, 2012

Dưới cống ngầm Hà nội

Lực lượng công nhân được tuyên truyền là  lực lượng tiên phuông của cộng sản. Khi giành được chính quyền thì lực lượng nầy cũng là lực lượng bị chính quyền độc tài cộng sản cấu kết cùng giới "tư bản lưu manh" bốc lột nhất hiện nay!

Người Công Nhân, chúng ta phải đứng lên giành lại Quyền Làm Người của mình!


TP - Dưới cống bí bách, hôi thối, đen ngòm, nước chực xả xuống ào ào. Trên thân thể công nhân Cty thoát nước làm công việc vét cống là những tấm áo bảo hộ cũ nát, mặc cũng như không. Không có

họ, Hà Nội thành "Hà Lội" chỉ sau một giờ mưa. 


Mệt mỏi ra khỏi cống ngầm

Mệt mỏi ra khỏi cống ngầm.

Xuống cống

Tháng 7, Hà Nội nắng nóng gay gắt. Mới 8h sáng, trời không một gợn mây. Không khí ngột ngạt, nóng bức. Ngay cả người đi đường cũng thấy khó thở.
Những công nhân của Xí nghiệp thi công cơ giới xây lắp thuộc Công ty thoát nước Hà Nội bắt đầu xuống cống ngầm nạo vét bùn, đất, chất phế thải. Dưới cống ngầm đoạn ngã tư đường Xã Đàn, bên cạnh hầm giao thông Kim Liên, một ngày làm việc bắt đầu.



Nhân viên kỹ thuật kiểm tra hệ thống cống sau khi công nhân nạo vét xong


Nhân viên kỹ thuật kiểm tra hệ thống cống sau khi công nhân nạo vét xong.

Nắp cống được mở ra, mùi hôi nồng bốc lên. Gặp nắng, càng nặng mùi. Một thứ bùn, rác sền sệt, đen đặc, dềnh lên tận gần nắp cống. Một chiếc ống nối với máy hút được đưa xuống cống, lượng bùn thải nhanh chóng vơi đi.
Khoác lên mình hai bộ quần áo bảo hộ lao động bằng cao su đã rách, đội chiếc mũ lên đầu, đeo găng tay bằng len, anh Soạn và anh Tuyến từ từ bước xuống cống. Bùn đen ngập ngang người, mùi hôi xộc thẳng vào mũi.
Hai anh thoáng nhăn mặt. Chiếc ống hút được ghìm sâu xuống. Một lúc sau, lượng bùn đã hết, chỉ còn trơ lại đáy cống nham nhở phế thải vật liệu xây dựng, vài vũng nước đen ngòm rỉ ra từ cống bên cạnh.

“Có cả một đàn lợn con ở dưới này” – Giọng anh Soạn vang lên từ dưới cống. Mọi người cúi xuống nhìn, thấy anh Soạn cười. Anh bảo, ngay ở đáy cống, chỗ thông với một đường cống khác, bị chèn chặt bởi rất nhiều bao tải bê tông.

Anh Soạn bảo, khi xây dựng hầm Kim Liên, đơn vị thi công đã lấp miệng cống, để ngăn nước bằng cách cho xi măng, cát vàng vào trong bao tải, rồi thả xuống, bê tông đông kết lại, chắn hết miệng cống.

Hai chiếc xà beng được chuyển xuống dưới. Anh Soạn, anh Tuyến gò người nạy, bẩy. Xong, hai anh lại tự tay vận chuyển những “con lợn” ra miệng cống, xếp thành hàng.

Mồ hôi, bùn đất dính đầy mặt mũi. Phải rất vất vả, hai anh mới có thể vận chuyển được chúng ra ngoài, móc vào dây để người ở trên dùng máy kéo lên.

Chỉ trong buổi sáng, gần trăm bao tải phủ đầy bùn đen, nhầy nhụa được đưa lên trên mặt đường. Giải lao, hai anh trèo lên, chỉ thấy sáng chỗ hai con mắt… Sau giờ nghỉ trưa, công việc lại tiếp diễn.


Ngày thứ hai, đến lượt anh Hồ Thanh Sơn và anh Nguyễn Anh Tuấn – hai công nhân lâu năm trong nghề - xuống cống. Hai bộ đồ bảo hộ đã cũ nát, hai đôi găng tay, hai chiếc mũ gắn đèn pin lại được sử dụng.

Trải qua một đêm, nước thải dồn vào ngập cống, đến ngang ngực. Chiếc ống hút được thả xuống, anh Sơn cầm đầu, chui vào sâu bên trong. “Đóng… Mở” – Giọng anh Sơn vang lên liên tục từ dưới cống.
Lượng nước cống, theo lời anh Sơn, cứ vơi xong lại đầy. Anh Soạn lý giải: “Nước xi măng từ hầm ngầm Kim Liên chảy sang bám vào thành cống, kết dính với nhau, phải xả nước cho nó mềm ra rồi mới đục được”.



Anh Hồ Thanh Sơn nằm giơ chân lên trời để nước trong người thoát ra

Anh Hồ Thanh Sơn nằm giơ chân lên trời để nước trong người thoát ra.

Anh Sơn đi trước mở đường, anh Tuấn đi đằng sau, dùng xà beng, gậy sắt đục phá, sau đó, lại khệ nệ bê từng tảng xi măng cứng ra miệng cống. Một cuộn bao tải được thả xuống.

Anh Tuấn cẩn thận lấy từng chiếc, dùng gậy sắt đập nhỏ từng mảng xi măng, cho vào bao tải, buộc chặt, xếp thành đống. Thật khó tin khi trong một môi trường bẩn như thế, anh Tuấn lại rất bình tĩnh.

Bục. “Nước thải phun vào mặt tôi rồi” - Anh Sơn ôm mặt, la lên. Ngay sau đó, một xô nước được chuyển xuống, anh Tuấn dội lên đầu anh Sơn. Anh Sơn ngẩng mặt lên cười, đôi mắt đỏ hoe vì nước bẩn.

Gần 11 giờ, nghỉ trưa. Anh Sơn bò lên, cả người ướt đẫm vệt bùn, rác. Vừa lên đến mặt đường, anh ngã lăn ra, nằm giơ chân lên trời. Nước từ trong bộ quần áo bảo hộ chảy ra, ướt loang một vùng. Đứng dậy, từ chân anh, qua đôi ủng thủng, nước tiếp tục ào ạt tuôn ra.

“Mặc cho có ấy mà, đâu cũng ướt hết” – anh Sơn nói, lột đôi găng tay, để lộ hai bàn tay nhợt nhạt vì ngâm nước. Anh Sơn lẩy bẩy vội châm điếu thuốc.
Sau nghỉ ngơi, lại vận bộ đồ bảo hộ “phản tác dụng” trên người, anh Sơn chui xuống trước. Cảm thấy vướng víu, anh Tuấn vứt bộ quần áo bảo hộ trên mặt đường, xuống cống.
Đối mặt độc hại

Công nhân dùng ông hút bùn dưới cống ngầm

Công nhân dùng ông hút bùn dưới cống ngầm.

Làm việc vất vả, nhiều khi bị xa lánh, coi thường, nhưng những công nhân này lúc nào cũng vui vẻ. Thỉnh thoảng, từ dưới cống ngầm, trên miệng cống vẫn vọng lên những tiếng trêu đùa thân thiết, những câu chuyện đời thường vui vẻ… “Thiếu 25 triệu nữa thì được 30 triệu/tháng” – anh Tuyến tếu táo khi nói về mức thu nhập của anh.
“Lương 25 – 30 triệu cũng không bù đắp được công sức bỏ ra” – Nhân viên kỹ thuật tên Dũng đi cùng đội bày tỏ. Theo Dũng, công nhân phải đối mặt những hóa chất, chất thải nguy hại, dẫn đến bệnh tật, thiệt hại sức khỏe rất nghiêm trọng.
 Bùn dưới cống ngập ngang ngực công nhân thoát nước Ảnh: Trường Phong

Bùn dưới cống ngập ngang ngực công nhân thoát nước.       

Ngoài tiền lương theo ngạch, bậc, công nhân còn được hưởng phụ cấp, trợ cấp độc hại nhưng tổng thu nhập cũng chỉ dao động trong khoảng 4 - 5 triệu đồng/tháng.

“Mắc bệnh ngoài da là thường” - một công nhân chia sẻ. Theo lời anh, những cống ngầm như thế ẩn chứa rất nhiều mầm bệnh, đặc biệt, khi trang bị bảo hộ lao động không đảm bảo. “Cũng hay bị ốm lắm, nhưng quen rồi, nên chỉ ốm bình thường thôi” - anh Sơn nói. Công việc vất vả, nhưng sau này, anh sẽ có lương hưu. Đó là niềm an ủi với những người như anh.

Phải mất một tuần, cống ngầm ở ngã tư Xã Đàn mới làm xong. Anh Sơn, anh Tuấn lại tiếp tục xuống cống ngầm trên phố Hoàng Cầu...

Trường Phong

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét