Thứ Năm, 26 tháng 7, 2012

Hội chứng “rau sạch”

Revolution fist.jpg
 "Trong chiến tranh CS luôn tuyên truyền công nhân , nông dân là giai cấp lãnh đạo để kêu gọi hy sinh xương máu nhiều nhất. Còn trong hòa bình lại bán rẻ họ cho các chủ nhơn ông ngoại quốc làm ăn ở Việt Nam."

Có vẻ làm “rau sạch”, một hội chứng mới bắt nguồn từ hội chứng “Đi nước ngoài chữa bệnh” của các đại gia, đang ngày càng không cá biệt.

Tuần rồi, một phóng sự xã hội về một cô công nhân V nào đó phải bán dâm để “kiếm thêm” khiến dư luận ngậm ngùi. Đại ý V làm công nhân cho một DN chuyên sản xuất đồ chơi. Giữa thời buổi giá cả tăng vòn vọt mà đồng lương thì còm cõi nay cắt thêm một tí, mai giảm thêm tí nữa, trước đây, cô còn có thể “tiết kiệm” bằng cách nhịn ăn. Nhưng đến những khi nhà máy hết việc, đến vài trăm ngàn đồng gửi về quê nuôi con, trả tiền nhà trọ cũng không có, người con gái “Đến từ nông thôn” đó cuối cùng đành… nhắm mắt, đi làm “rau sạch” để kiếm thêm.

 Một tình tiết đáng chú ý: Cô thường xuyên đeo khẩu trang, vì sợ gặp người quen. Nhưng sẵn sàng cho khách « xem thẻ » để chứng minh mình là công nhân, là “rau sạch”. Chuyện áo cơm rõ ràng không tha một ai. Và đôi khi, nhu cầu tồn tại khiến ngay những người phụ nữ  đoan chính nhất phải bán đi cả sự xấu hổ của mình.

 Có vẻ làm “rau sạch”, một hội chứng mới bắt nguồn từ hội chứng “Đi nước ngoài chữa bệnh” của các đại gia, đang ngày càng không cá biệt.

 3 ngày qua báo chí đồng loạt đưa tin hàng loạt các đại gia thủy sản « chết lâm sàng » vì đứt vốn. Các đại gia bất động sản thì « ôm đống của ngồi chờ chết ». Đại gia chứng khoán thì thậm chí đã « xanh cỏ » từ lâu. Và mới nhất là tình trạng các đại gia cafe ở Tây Nguyên lâm vào tình trạng « hấp hối ». Chưa kể đến các loại đại gia khác thì hoặc kéo « phéc mơ tua  miệng » thoi thóp nằm thở hoặc lũ lượt « đi nước ngoài chữa bệnh ». Trên một nền tảng chung là tình trạng nợ chồng nợ chất, là sự tuyệt vọng, cùng quẫn, không lối thoát của các DN nói chung.

 Sau « Sự kiện Bình An », giá cá tra nguyên liệu sụt liên tục, sụt thảm hại, sụt không phanh, từ mức giá 28.000 đồng/kg xuống 23.000 – 24.000 đồng. Thậm chí, chỉ còn 22.000 đồng/kg. Một quan chức của Hiệp hội cho rằng việc « Giá giảm là do tác động của tình hình chung, từ chỗ Công ty cổ phần Thủy sản Bình An nợ nần nên các ngân hàng siết chặt tín dụng, không cho các doanh nghiệp thủy sản vay vốn, nên doanh nghiệp “đuối sức”, không có tiền mua cá nguyên liệu vào làm giá cá giảm”. Cũng cần phải nói thực, sau khi số nợ của Bình An được công bố, sau khi TGĐ bất đắc dĩ nói đến chuyện bán nhà máy, bán siêu xe trả nợ, hiệu ứng sợ bị quỵt đã lây lan khắp nơi. Nông dân giờ chỉ chọn cách bán cá cho người trả tiền mặt, dù đó là giá nào.


 Ở các thành phố lớn, các từ ngữ mang « mùi kèn trống » đang được dùng để chỉ tình trạng của các đại gia bất động sản. Câu chuyện chung là họ đang « bó gối », đang «thở hắt ra », đang « tìm mua bả chuột » khi cả đống dự án « đắp chiếu » khi cả « bảy bảy bốn chín ngày » ngày thậm chí không một người hỏi mua dù đã giảm giá 40-50%, dù bán lỗ. Đơn giản là các đại gia khác cũng lâm vào tình trạng tương tự : Không có tiền. DN giờ như người « vùng vẫy trong vũng lầy không lối thoát ». Thị trường giờ vắng « như sa mạc », lạnh « như bắc cực ». Số liệu từ các hiệp hội bất động sản cho biết, tổng vay nợ của các DN bất động sản đang ở mức 200.000 tỷ đồng. Trong khi đó, báo cáo tài chính cho thấy lượng tiền mặt của đa số các doanh nghiệp đang ở tình trạng cạn kiệt. Và khốn nạn nhất là công việc chính của họ bây giờ, không phải là kinh doanh nữa, mà là khất nợ và chăm sóc chủ nợ.
 “Phải gọi cho chủ nợ hàng tuần. Thậm chí, cảm thấy chủ nợ sắp gọi thì mình phải chủ động gọi trước. Nếu chưa “tổ chức đám cưới siêu sang” được hoặc chưa “đi nước ngoài chữa bệnh” thì kinh nghiệm xương máu cho thấy “tuyệt đối không được tắt điện thoại- lại càng không thể không trả lời”- một đại gia BDS chua chát.

                                 

 Ở Tây Nguyên, ngay cả những “anh cả” cafe, những đại gia “ngàn tỷ” giờ đang tồn tại trong tình trạng hấp hối khi những con số thua lỗ, nợ chồng nợ chất được công bố. INEXIM Đăk Lăk, DN đầu tiên tham gia thị trường cà phê kỳ hạn, doanh thu mỗi năm gần 1.000 tỷ đồng giờ vốn chủ sở hữu chỉ còn 3,6 tỷ đồng, trong khi số nợ phải trả lên tới 365 tỷ đồng. Vinacafe Dalat – ngày nào còn là “cánh chim đầu đàn” của Tổng Công ty Cà phê VN giờ cũng đang ngắc ngoải với thua lỗ 99 tỷ đồng trong chỉ một năm tài chính, âm vốn chủ sở hữu hơn 60 tỷ đồng, chưa kể nhà máy chế biến cũng đang gánh nợ 132 tỷ đồng. Tình trạng của các DN café bi thảm đến mức ông chủ của Trúc Lâm, DN trong top xuất khẩu café của Việt Nam từng được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen, từng đoạt cúp vàng “Chất lượng Việt Nam”, cup vàng “Trái tim Việt Nam” giờ chính thức sập tiệm, chính thức “ra nước ngoài chữa bệnh”. Một quan chức của Hiệp hội Cà phê – Ca cao VN – phân tích: “Cái thua của DN VN (ngay trên chính sân nhà trước các DN FDI) là do lãi suất vay vốn cao gấp 7 – 8 lần DN nước ngoài”.

 Năm ngoái, 49.000 DN giải thể, phá sản. 3 tháng đầu năm nay, đã có 11.900 trong số thoi thóp còn lại- hoặc buộc phải giải thể, hoặc xin tạm ngừng hoạt động.

 Cái chết nào cũng cho thấy sự khó khăn. Cái chết nào cũng chỉ vì một nguyên nhân chung: Tiền, hoặc thiếu tiền, hoặc không có tiền.

 Tháng trước, thống đốc đương nhiệm đã chém tay quyết đưa lãi suất huy động từ 14 xuống còn 13% với tư duy rằng lãi suất huy động giảm, đương nhiên lãi suất cho vay giảm. Thực tế không đơn giản như vậy, cũng vẫn chỉ vì một nguyên nhân: Tiền, hoặc thiếu tiền, hoặc không có tiền. Một cựu thống đốc ngay sau đó đã khẳng định: (Ngay cả trong trường hợp) Lãi suất giảm, nhưng không có nghĩa là DN vay vốn dễ dàng hơn”. Thậm chí, ông bình luận 2 loại đối tượng  dám vay lãi suất cao thì một là loại “DN đáp ứng được điều kiện ngân hàng, có dự án tốt, khả thi”- chắc hiếm và loại thứ hai, chắc phổ biến- là “DN sắp chết nên sẵn sàng “uống thuốc độc để giải khát”.

 Lãi xuất chỉ từng là một nguyên nhân, chỉ từng là một vấn đề khiến hàng chục ngàn DN chết đứ đừ. Bởi vấn đề của DN giờ đây không phải là lãi suất- nhiều người trong họ sẵn sàng “uống thuốc độc để giải khát”. Vấn đề cũng không phải tiền. Vấn đề của họ là… thiếu tiền, là không vay được tiền.
 Vì thế, rất có thể chỉ tuần sau, báo chí sẽ lại có những bài điều tra về việc một đại gia nào đó “đi nước ngoài chữa bệnh”. Và tất nhiên, những phóng sự xã hội về một cô nông dân đi làm “rau sạch” với giá  “một nửa của 150 ngàn” khi mà tất cả những gì trồng ra, nuôi được không thể bán cho ai.

Đào Tuấn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét