Thứ Tư, 8 tháng 8, 2012
Trang phóng sự nầy cũng đủ nói lên mức độ tàn ác của cộng sản và giới chủ lưu manh đối với người nữ công nhân Việt Nam : " Muốn có việc làm phải phá thai!"
Nguyên nhân chính dẫn đến những hành vi bóc lột và coi thường người lao động xuất phát từ nhà nước độc tài. Trong bối cảnh xã hội mà những quyền cơ bản của con người bị hạn chế và ngăn cản thì đó là miếng mồi ngon cho những kẻ kinh doanh mồ hôi xương máu của con người. Bản thân người lao động không có thói quen đòi quyền lợi trước một nhà nước độc tài hà khắc, thì nay họ càng ngơ ngác trước các chủ tư bản nước ngoài. Nhà nước độc tài, giới chủ bóc lột và công đoàn nhà nước cùng hướng tới một mục tiêu: Đó là kìm kẹp và bóc lột sức lao động của người Công nhân để thu được lợi nhuận tối đa.
"Muốn có việc làm phải phá thai!"
Phá thai để có việc làm hay chấp nhận bỏ việc để ở nhà sinh con? Không ít phụ nữ rơi vào lựa chọn nghiệt ngã này khi đứng trước bản hợp đồng lao động có thêm thỏa ước “lao động nữ khi được tuyển dụng phải cam kết sau hai năm kể từ ngày ký hợp đồng mới được sinh con”.
Vui vì có con, buồn vì mất việc
Chạy chữa hơn 4 năm trời mới đậu thai, nhưng chưa kịp mừng vì có tin vui thì chị Hải Yến (29 tuổi, Cầu Giấy, HN) lại đối mặt với nguy cơ mất việc bởi công ty mà chị đang thử việc không muốn nhận “bà bầu”.
Chị Yến kể, lúc phỏng vấn chị phải hứa là sẽ không mang thai trong vòng 2 năm tới thì công ty mới đồng ý cho thử việc vì họ không muốn nhận người mới vào làm chưa bao lâu lại nghỉ sinh con. Giờ thử việc được gần 2 tháng, chỉ còn 2 tháng nữa là được ký hợp đồng chính thức nhưng chị đã có thai được 3 tháng.
Đối với phụ nữ, cánh cửa việc làm sau khi sinh con ngày càng hẹp.
“Giờ nói ra chắc mình bị cho nghỉ việc luôn, vì vẫn đang trong thời gian thử việc, chưa ký hợp đồng chính thức mà. Dấu được ngày nào hay ngày đó nhưng chắc có lẽ sẽ sớm bị phát hiện thôi vì mình ốm nghén kinh quá”, chị Yến ngậm ngùi.
Cũng rơi vào tình trạng vừa biết tin vui được làm mẹ nhưng lại mất việc, chị Lê Trang (kế toán, Trung Hòa, Cầu Giấy) đang phải vác bụng bầu 5 tháng đi tìm việc khắp nơi với hi vọng mong manh tìm được một công việc làm thêm sổ sách cho đến ngày nghỉ sinh.
Chị vừa nghỉ việc ở công ty cũ, đang thử việc ở công ty mới thì phát hiện mình có thai. Chị đã cố giấu cho đến ngày ký hợp đồng chính thức vì biết công ty không có ý định tuyển bà bầu. Thế nhưng ký được hợp đồng rồi chị vẫn phải “tự nguyện” nghỉ vì áp lực công việc.
“Cứ tưởng ký hợp đồng rồi thì người ta không đuổi được mình nhưng rồi cũng lại phải xin nghỉ vì lo cho sức khỏe của con. Từ khi biết mình có bầu, giám đốc tỏ ra ghét mình ra mặt. Cứ kiếm cớ gây sức ép, áp lực quá nên mình phải xin nghỉ vì lo cho sức khỏe của con. Mừng vì có con nhưng cũng mệt mỏi vì công việc và áp lực tài chính”, chị Trang nói.
Không ít doanh nghiệp tư nhân có thêm những thỏa ước ràng buộc lao động nữ như “khi được tuyển dụng phải cam kết không được sinh con trong vòng 2 năm kể từ khi ký hợp đồng”. Vì những cam kết này mà nhiều phụ nữ phải lựa chọn hoặc phá thai để có việc làm hoặc chấp nhận nghỉ việc ở nhà sinh con.
“Theo như mình biết thì có rất nhiều công ty ràng buộc thời gian có thai. Mặc dù pháp luật bảo vệ phụ nữ có thai nhưng nhiều công ty vẫn kèm theo 1 bản cam kết "không có thai trong vòng 2 năm". Mình đã ký cam kết kia rồi mà lỡ có thai thì phải nghỉ thôi”, chị Thu Trà, kỹ thuật viên công ty phần mềm trên đường Duy Tân cho biết.
Chị Trà kể, cách đây 3 năm, khi chị mang thai, chị cũng phải ngậm ngùi nghỉ việc vì cam kết này: “Trong thời gian thử việc thì mình phát hiện có thai, đến tận tháng thứ 3 vẫn phải mặc quần chật vì cố giấu. Nhưng bà trưởng phòng nhân sự tinh ý nên phát hiện ra, hết 3 tháng thử việc họ không ký hợp đồng chính thức cho mình, cũng không nói là sa thải mà đòi thử thách thêm 3 tháng nữa với áp lực công việc cao hơn. Mình biết ý họ nên phải tự động xin nghỉ”.
“Chị bạn mình phải đánh đổi đứa con để được vào làm công ty nước ngoài với mức lương nghìn đô vì họ không tuyển bà bầu. Nhưng mình thì không làm được, đúng là nghỉ việc kinh tế eo hẹp hơn, nhưng thôi, có con là niềm hạnh phúc lớn lao nhất trên đời!”, chị Trà nói thêm.
Phụ nữ mang thai ở VN còn nhiều thiệt thòi
Chuyên gia tâm lý Võ Giang, Trung tâm Tư vấn tâm lý tình cảm Linh Tâm, cho biết, phụ nữ thường ít có lợi thế hơn so với đàn ông trong việc cạnh tranh vị trí tại một công ty, doanh nghiệp hay một đơn vị nào đó sau khi lập gia đình.
Đối với phụ nữ có con nhỏ, cánh cửa việc làm này càng hẹp hơn nữa bởi đa số các công ty tuyển dụng hầu như đều không mặn mà với nhân sự đang có con nhỏ. Nhiều chị em có hồ sơ tốt, kinh nghiệm tốt nhưng khi trình bày hoàn cảnh "con mọn", đều chỉ nhận được những cái lắc đầu.
“Nguyên nhân là vì các nhà tuyển dụng sợ nhận người đang có con nhỏ vào thì sẽ khó đảm bảo hiệu quả công việc khi con cái còn nhỏ hay bị ốm, công ty cũng mất thêm chi phí chi trả cho nhân lực là phụ nữ đang nuôi con dưới 12 tháng theo luật định, người phụ nữ phải lo lắng cho gia đình con cái nhiều sẽ khó dồn sức cho công việc cơ quan, thêm nữa thời gian nghỉ sinh lâu cũng có thể làm mòn kiến thức đã học trong khi xã hội hiện đại thì việc đổi mới, cập nhật kiến thức mới phải thực hiện hàng ngày.
Bởi vậy rất nhiều chị em đặc biệt là chị em ngoài 30 tuổi sau nhiều năm ở nhà sinh con, nuôi con rất khó xin việc bởi khả năng thích nghi, đáp ứng với yêu cầu của công việc và nhà tuyển dụng bị hạn chế”, bà Giang phân tích.
Theo bà Giang, Việt Nam là đất nước vẫn còn ảnh hưởng bởi tư tưởng phong kiến và đang trong quá trình đấu tranh cho bình đẳng giới nên phụ nữ VN vẫn phải chịu những ảnh hưởng từ tư tưởng bất bình đẳng đó kể cả trong gia đình và ngoài xã hội đặc biệt là cơ hội tìm việc đối với phụ nữ có con nhỏ là rất khó khăn. Mặt khác hầu hết công việc nhà cửa và chăm con phụ nữ vẫn phải gánh vác vì vậy khi có con và đi làm thì gánh nặng công việc gia đình và việc xã hội càng làm người phụ nữ mệt mỏi, nặng nề và khó khăn hơn.
“Ở các nước khác khi người vợ sinh con thì người chồng sẽ được nghỉ ở nhà để chăm sóc vợ con và việc nhà là việc chung của cả hai vợ chồng chứ không chỉ có việc của phụ nữ. Còn ở Việt Nam thì phụ nữ được hưởng thời gian thai sản khá ngắn vì có 6 tháng khi trẻ còn quá nhỏ để mẹ có thể yên tâm đi làm. Thêm vào đó đàn ông VN còn hạn chế trong việc hỗ trợ và giúp đỡ vợ trong việc chăm con và làm việc nhà. Chính vì vậy gánh nặng vật chất và tinh thần của phụ nữ sau khi sinh là rất lớn dẫn đến những hệ luỵ như trầm cảm sau sinh”, bà Giang nói.
Bà Giang cũng cho biết, vấn đề bình đẳng giới là vấn đề lâu dài nằm trong mục tiêu chiến lược quốc gia, vì vậy toàn xã hội Việt Nam vẫn đang cố gắng đạt đến sự bình đẳng giới, trong đó giảm bớt những thiệt thòi, tạo điều kiện để phụ nữ được phát triển. Tuy nhiên điều đó đòi hỏi cả một quá trình và sự nỗ lực từ ngay trong tư tưởng nhận thức của mỗi cá nhân trong xã hội.
Điều 111 Bộ luật Lao động;
“Nghiêm cấm người sử dụng lao động (NSDLĐ) có hành vi phân biệt đối xử với phụ nữ... Phải thực hiện nguyên tắc bình đẳng nam nữ về tuyển dụng, sử dụng... Phải ưu tiên nhận phụ nữ vào làm việc khi người đó đủ tiêu chuẩn tuyển chọn làm công việc phù hợp với cả nam và nữ mà doanh nghiệp đang cần...”.
Để hướng dẫn cho quy định này, điều 9 Nghị định 23/CP ngày 18/4/1996 quy định cấm NSDLĐ “ban hành quy định không có lợi hơn những quy định của pháp luật cho LĐ nữ; những hành vi làm hạn chế khả năng được tiếp nhận LĐ nữ vào làm việc…”
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét