Thứ Tư, 8 tháng 8, 2012

Phận nữ công nhân “vượt rào” : Vì "Ai" nên nổi !

Revolution fist.jpg
Đảng Cộng sản luôn tự xưng là người đại diện cho giai cấp Công nhân nhưng lại thờ ơ, vô trách nhiệm với người lao động. Thậm chí họ còn siết chặt sự kiểm soát đối với người công nhân bằng tổ chức Công Đoàn quốc doanh. Điều đó chứng tỏ rằng, đảng Cộng sản chỉ lo cho lợi ích của bản thân và đồng đảng của họ. Và đó là thực trạng về giới công nhân Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.

(SKDS) - Nữ công nhân ở rất nhiều khu công nghiệp (KCN) thuộc huyện Dĩ An, Thuận An (Bình Dương) hầu hết có cuộc sống quá khổ, không ít người vì lười lao động nên đã sống buông thả, cặp bồ với những người đã có vợ con. Điều đáng nói là có những cô gái cặp bồ với vài người đàn ông một lúc. Tiền thì có đấy, đủ để ăn sung mặc sướng nhưng hậu quả của nó cũng thật xót xa...

Cơ cực đời công nhân

Các KCN huyện Dĩ An, Thuận An là nơi tập trung nhiều nữ công nhân nhất cả nước. Cuộc sống công nhân khó khăn chung thì ai cũng hiểu. Tiền lương thấp trong khi họ phải đương đầu với tình trạng giá cả leo thang. Đến ngày lĩnh lương, “trăm dâu đổ vào đầu… công nhân!”. Vì thế, các công nhân, đặc biệt là nữ công nhân đã phải chi tiêu hết sức tằn tiện để có thể sống được qua ngày. Nguyễn Thị Tuyết (quê Hà Tĩnh, có thâm niên 5 năm làm công nhân) tâm sự: “Chúng em là dân ngoại tỉnh, vào đây thuê nhà để làm việc, mọi thứ đều rất khó khăn. Đi chợ chúng em chỉ dám mua rau, đậu, lạc, sang lắm thì mua những con cá nhỏ về kho mặn, ăn dè. Chúng em cũng không dám mua mỹ phẩm, quần áo đắt tiền. Hàng “sida” luôn là thứ mà chúng em chọn đầu tiên…”.

Tiếp xúc với nhiều nữ công nhân khác, họ cũng đều có chung quan điểm là phải “bóp mồm bóp miệng” thì mới sống được với mức lương khoảng 2 triệu đồng/tháng. Mỗi người đều tính toán là bữa ăn ở nhà thì ăn cho no bụng, phải đợi đến công ty (công ty nuôi ăn 1 bữa) thì mới ăn thức ăn có chất. Không chỉ thiếu thốn về tiền bạc mà nơi ở của công nhân cũng là những phòng trọ nhỏ, tồi tàn, ẩm thấp, nước sinh hoạt không đảm bảo vệ sinh. Tất cả những điều đó làm cho chất lượng cuộc sống của họ ở mức quá thấp. Thế nhưng người công nhân vẫn chấp nhận làm việc, vì bản thân họ không được học hành tử tế nên sẽ rất khó để kiếm được một công việc tốt hơn.

                      
                                   Phận  nữ  công  nhân  “vượt  rào”

                               Nữ công nhân là tâm điểm của những kẻ săn “tình” (ảnh minh họa).

Nghèo nên… “vượt rào”


Khổ quá, lâm vào cùng quẫn, tủi thân, thậm chí tiêu cực. Thêm nữa, rất nhiều đàn ông đã có gia đình tìm đến KCN nhiều nữ này để gạ gẫm, tìm kiếm tình nhân. Đây lại chính là điều kiện để nhiều cô gái “vượt rào”, tìm cho mình một người đàn ông để cặp kè, làm chỗ dựa và sống cuộc sống đầy đủ hơn. Chị Hoa - một người bán nước vỉa hè gần KCN nói: “Tôi cũng ở trọ cùng đám công nhân nhiều năm nay. Tôi biết, cạnh một số nữ công nhân vì hoàn cảnh khó khăn đưa đẩy, nhiều cô gái chấp nhận làm bạn tình đều do lười lao động, ham hưởng thụ mà mức lương công nhân không đủ trang trải cho những nhu cầu quá sức của họ. Trong khi hàng ngàn cô gái trong các KCN đêm ngày vất vả sống bằng sức lao động chính đáng của mình thì họ chấp thuận làm trò mua vui, sống tầm gửi vào những gã đàn ông ăn chơi lắm tiền…”.

Cũng theo lời chị Hoa, đám đàn ông giàu có thường nghĩ đứa con gái nào cũng giống nhau nên cứ gặp gái xinh là gạ gẫm, tán tỉnh nên rất nhiều gã bị chửi rủa, đuổi đi. Có đi thực tế mới biết, hàng vạn cô gái lương tháng chưa vượt quá 3 triệu đồng, chẳng phải cô nào cũng đủ bản lĩnh để khước từ cám dỗ hoa mỹ ở ngay cạnh họ. Mà cái sự cám dỗ ở KCN nó cũng muôn hình vạn trạng. Đâu phải chỉ có những người đã có tuổi, có gia đình, mà rất nhiều trí thức, cán bộ Nhà nước đã có gia đình hoặc chưa cũng muốn xuống nơi này để tìm kiếm đối tượng. Nhiều người lại rất đẹp trai. Họ luôn nghĩ, chinh phục phụ nữ thì đi qua dạ dày là nhanh và dễ nhất.   Các cô gái xa gia đình đang gặp bề bộn khó khăn cuộc sống kia rất dễ “nhử” bằng tiền. Quả thật đó cũng chính là điểm yếu mà những kẻ “cưa gái” đã nắm chắc khi đi chinh phục và đa số họ đã thành công. Họ sẵn sàng bỏ sau lưng biết bao điều tiếng, đặt hạnh phúc gia đình sang một bên để lao vào những mối quan hệ với mục đích duy nhất là thỏa mãn nhu cầu bản năng. Nhiều gã còn tỏ ra nhân đạo là làm như vậy sẽ giúp đỡ được nhiều cô gái thiếu thốn. Chính họ là những đối tượng đang gặm nhấm vào hạnh phúc từng gia đình và làm ô nhiễm môi trường sống của các khu công nghiệp.

 Sống chung với... lũ!

Dù nói thế nào đi nữa thì việc nữ công nhân lợi dụng để kiếm tiền chi tiêu trong cuộc sống và những gã đàn ông trốn vợ con đi “lập phòng nhì” là điều khó có thể chấp nhận. Thiệt thòi lớn nhất vẫn là những nữ công nhân xa nhà. Họ chấp nhận sống như vợ chồng với một người đàn ông đã có gia đình là chấp nhận những nguy hiểm, rủi ro có thể ập tới bất cứ lúc nào, biết là vậy nhưng không ít cô gái vẫn lao vào và hậu quả là những kết cục đau buồn. Trần Văn Quang - một gã chuyên môi giới nữ công nhân cho những gã đàn ông “cưa gái” để nhận tiền hoa hồng cho biết, trong tay gã có cả trăm số điện thoại của nữ công nhân. Chỉ cần đối tượng cần thì gã sẽ bố trí để họ gặp nhau. Lúc đầu, Quang chỉ giới thiệu chơi chơi, ai ngờ nhận được những khoản hậu hĩnh nên gã biết, đây là một nghề kiếm ăn được, thế là dấn thân. Quang chia sẻ: “Có cầu thì ắt có cung. Nhiều em còn được tôi giúp cho gặp những ông chủ lớn, được chi bao nhiều. Nhưng cũng nhiều người gặp khó khăn đấy, tôi biết nhưng mặc kệ, tôi chỉ biết làm môi giới và nhận tiền thôi…”.

                                          Phận  nữ  công  nhân  “vượt  rào”
                                      Hoàn cảnh khó khăn khiến không ít cô gái trẻ bị sa ngã.

Hầu hết những cô gái sống phận như thế nghĩ mình sẽ chỉ gắn bó với một người đàn ông nhưng do đã quen với sự nhàn nhã, khi bị bỏ rơi, các cô không thể trở lại cuộc sống vất vả của một công nhân bình thường, các cô lại tiếp tục những cuộc tình chớp nhoáng khác. Cuộc vui nào cũng có giá của nó, những cô gái chấp nhận mua vui cho những gã đàn ông ham vui đều có kết cục đau xót. Nhiều gã hứa hão huyền để chinh phục sự nhẹ dạ của cô gái, rồi chuồn mất sau khi để lại trong cô một cái thai. Cũng có khi cả hai “cơm lành canh ngọt” cho đến ngày gần sinh nở, gã đàn ông mới “quất ngựa truy phong”. Lúc đó, phá thai cũng không còn kịp. Đây chính là lý do mà ở các KCN như thế này có không ít trẻ sơ sinh bị bỏ rơi.

Trong số những người mẹ bỏ rơi con cũng có những người không nỡ. L. T. L. (quê ở Nga Sơn - Thanh Hóa) là một người như vậy. Những lần trước về thăm nhà, cô thường chỉ xách chiếc vali quần áo nhẹ nhàng. Nhưng lần về quê đầu tháng 9/2011, ngoài hai chiếc vali to sụ, tay cô còn ẵm thêm một đứa bé. Gia đình nhiều người trách mắng, nhất là bố mẹ nhưng trách mắng rồi lại thương con, đành phải cưu mang cả hai mẹ con. Đứa bé không có tội tình gì mà ruồng rẫy, vứt bỏ. Lan tâm sự trong nước mắt: “Lẽ ra, nếu không buông thả, em có thể lấy được một người chồng đàng hoàng. Nhưng mọi sự đã rồi, em gây gió thì phải gặt bão, em chỉ hận mình không sáng suốt hơn”.
Lan cũng cho hay, cuộc sống công nhân ở trọ vô vàn phức tạp. Cám dỗ, tệ nạn xã hội, tình tay ba, tay tư nhiều vô kể. Không ít người mà cô quen biết trong các KCN ở Bình Dương đã trở thành gái bao chỉ bằng mấy cái tặc lưỡi. Họ sống khổ, rồi được sống trong nhung lụa nên không thể quay trở lại sống khổ. Họ dấn mình như những con thiêu thân mà không nghĩ rằng cần phải làm việc chăm chỉ để lo cho tương lai. Đến khi nhận hậu quả, bị đánh ghen, trả thù…, ngộ ra thì mọi chuyện đã quá muộn.

Đây là một vấn nạn nhức nhối đang diễn ra ở các KCN, không chỉ ở Bình Dương. Nếu các cấp, các ngành không nghiêm khắc, vào cuộc thì tệ nạn nữ công nhân biến thành gái mại dâm sẽ ngày càng nghiêm trọng hơn. Các tổ chức xã hội như hội phụ nữ địa phương, công đoàn các tập đoàn kinh tế, công ty… cần quan tâm hơn đến đời sống công nhân, giúp cho chất lượng cuộc sống của họ nâng lên. Có như vậy mới giảm thiểu những tệ nạn và nhiều căn bệnh xã hội đau đớn khác.

  Bài, ảnh: Học Văn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét