Thứ Bảy, 29 tháng 9, 2012

ĐỜI SỐNG CÔNG NHÂN DƯỚI CHẾ ĐỘ CỘNG SẢN

Revolution fist.jpg
Chúng ta phải tự đứng lên để bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình, không có ai làm điều đó thay cho chúng ta, hỡi những người Công nhân Việt Nam. Hãy ý thức được vai trò to lớn của mình, hãy đấu tranh để lấy lại những quyền lợi mà bấy lâu nay bị nhà cầm quyền tước đoạt. Để làm được điều đó, các bạn hãy đoàn kết chung quanh tổ chức Công Đoàn độc lập của mình, một tổ chức thực sự đấu tranh cho quyền lợi của Công Nhân. Khi giai cấp cấp Công nhân đã ý thức được điều đó thì không điều gì và ai có thể ngăn cản được sức mạnh chân chính của các bạn" .( HUỲNH CÔNG ĐOÀN )

TP Sài Gòn hiện có trên 7 triệu dân với hơn 3 triệu người làm việc trong các thành phần kinh tế. Trong đó, trên 1,645 triệu lao động đang làm việc tại hơn 43.200 doanh nghiệp. Là lực lượng đóng góp lớn cho sự phát triển của TP.Hồ Chí Minh, nhưng đời sống công nhân lao động TP.HCM không chỉ thiếu thốn về vật chất mà còn " đói" cả về tinh thần.

Tại các khu nhà trọ công nhân ở xã An Bình, huyện Dĩ An, tỉnh Bình Dương - xã giáp ranh gần các Khu chế xuất Linh Trung I &II, Khu công nghiệp Bình Chiểu của TP.Hồ Chí Minh có rất nhiều công nhân của TP.Hồ Chí Minh ở trọ - cùng với các khu nhà trọ ở phường Linh Trung, Tam Bình của TP.Hồ Chí Minh, đời sống tinh thần của người lao động rất nghèo nàn. Chị Lê Thị Lan, công nhân Công ty JuJin (Khu chế xuất Linh Trung 1) cho biết: sau giờ lao động trong xưởng máy, chị và các công nhân trong khu nhà trọ làm những công việc chủ yếu ở nhà trọ là nấu nướng, giặt quần áo, xem TV, ngồi nói chuyện gẫu và đi ngủ. Không có thời gian để đi học, giải trí, nghe nhạc. Chính vì không có điều kiện tham gia vào các hoạt động vui chơi, giải trí nên nhiều công nhân thích… tăng ca làm thêm giờ, vừa có thêm thu nhập vừa giết thời gian.

                             

Nếu cuộc sống tinh thần của công nhân lao động tại các khu nhà trọ hầu như không có gì, thì cuộc sống của một bộ phận nhỏ công nhân sống trọ trong các nhà dân có phần đỡ hơn. Cô Phạm Kim Chi, 20 tuổi, quê ở Bến Tre, là công nhân của Cty gốm Kim Trúc (Khu công nghiệp Tân Bình) cho biết: chị cùng 5 bạn nữa thuê 1 phòng trọ khoảng 20 m2 mỗi tháng hết 1,5 triệu đồng chưa kể tiền điện, nước. Mỗi chiều tan ca trở về nhà trọ, sau khi vệ sinh tắm rửa, cơm nước, cô và 5 bạn chung phòng lên phòng khách xem tivi chung với chủ nhà hoặc đọc sách. Anh Phạm Thành Công, chủ nhà trọ ở 50/11/39 khu phố 2, phường Tây Thạnh, quận Tân Phú nói: "Tôi coi “mấy đứa” như con cháu trong nhà. Gia đình sinh hoạt như thế nào, mấy đứa đều tham gia như vậy."

Từ chuyện đời sống tinh thần luôn bị bỏ " đói", thêm vào cuộc sống xa nhà, thiếu thốn tình cảm không có người thân bên cạnh chỉ bảo, an ủi nên không ít công nhân phải đối mặt với nhiều cám dỗ. Anh Nguyễn Quang Huỳnh, chủ nhà trọ ở xã An Bình cho biết: thường thì công nhân nam hay đánh bài, nhậu nhẹt, còn đối với nữ càng phức tạp hơn. Hiện nay, tại nhiều khu nhà trọ, có một số nhóm thanh niên chuyên dụ dỗ nữ công nhân. Những thanh niên này đến nhà trọ làm quen, sau khi dùng lời lẽ ngon ngọt chiếm được trái tim và thân xác của các công nhân nữ nhẹ dạ, chúng liền quất ngựa truy phong, một đi không trở lại.

Tuy nhiên, cám dỗ lớn nhất đối với công nhân xa nhà, đời sống tinh thần thiếu thốn là chuyện sống thử. Ở nhiều khu nhà trọ, chuyện nam và nữ công nhân góp gạo nấu cơm chung không còn là hiếm. Sau khi yêu nhau, cả hai đi thuê chung một phòng trọ, sống như vợ chồng. Tuy nhiên, kết cục của phần lớn các cặp sống thử chẳng đi đến hôn nhân. Sau một thời gian già nhân ngãi, nhiều căp chia tay nhau đường ai nấy đi. Chị Nguyễn Thị Thu Hà, công nhân Công ty Fretrend (Khu chế xuất Linh Trung II) kể về kết cục buồn của câu chuyện sống thử đã xảy ra tại khu nhà trọ nơi cô đang ở. Sau một thời gian tìm hiểu, cô công nhân tên C. mang bầu 6 tháng với một nam công nhân. Cả hai quyết định tiến đến hôn nhân. Cô gái đưa mẹ ở quê vào làm chủ hôn. Chẳng ngờ, đêm trước khi diễn ra lễ cưới, chàng rễ tương lai bỏ trốn cùng với tư trang của cô dâu. Sau đó, cô dâu hụt buồn bã và ê chề nên cùng mẹ bỏ về quê
.
Nhịp sống đơn điệu- không muốn gắn bó lâu dài với doanh nghiệp

TP.Hồ Chí Minh là trung tâm kinh tế lớn của cả nước, nhưng mức thu nhập của công nhân lao động tại đây cũng chỉ tương đương với nhiều tỉnh, thành khác.

Kết quả khảo sát tình hình thực hiện pháp luật và thực trạng đời sống công nhân trong các doanh nghiệp trên địa bàn TP.Hồ Chí Minh do Sở Lao động –Thương binh & Xã hội tiến hành vừa qua cho thấy một thực trạng đáng buồn về cuộc sống của công nhân lao động thành phố hiện nay. Cuộc khảo sát được thực hiện phỏng vấn hơn 4.500 lao động tại 17 doanh nghiệp và 19 khu nhà trọ (trong tổng số hơn 84.000 lao động tại 17 doanh nghiệp). Theo kết quả khảo sát, tổng thu nhập bình quân của người lao động khoảng 1.400.000 đồng/tháng. Với mức thu nhập "bèo bọt" như vậy, người lao động không đảm bảo mức sống tối thiểu vì họ phải chi tiêu cho nhiều khoản sinh hoạt phí và đủ thứ chi tiêu khác. Do vậy, để đảm bảo mức sống, công nhân lao động buộc phải làm thêm bình quân mỗi ngày 2 giờ, và liên tục 5 ngày/ mỗi tuần hoặc làm thuê cho hộ gia đình ngoài giờ làm việc. Điều này khiến sức khỏe người lao động giảm sút nhanh chóng khi ở vào độ tuổi trung niên.

                                
                                             Bữa cơm của công nhân

Sau giờ làm, khi trở về nhà trọ công nhân lao động làm gì? Kết quả khảo sát đáng để chúng ta suy nghĩ: Hơn 95% công nhân sau giờ làm việc chỉ nghỉ ngơi và xem tivi, nghe đài hoặc đọc báo cũ tại nhà và hầu như họ không tham gia các hoạt động sinh hoạt văn hóa, giải trí khác. Việc học hành nâng cao trình độ học vấn, tay nghề là điều xa vời đối với người lao động, vì điều kiện vật chất còn thiếu hụt, lương thấp, thời gian làm việc quá nhiều nên họ không đủ thời gian, sức lực học tập hoặc tham gia các hoạt động vui chơi, giải trí mang tính tập thể. Trong khi đó hầu như nhiều doanh nghiệp không quan tâm đến đời sống tinh thần của người lao động mà chỉ quan tâm đến năng suất làm việc của họ để mang lại nhiều lợi nhuận cho doanh nghiệp.

Qua kết quả khảo sát, đa số công nhân lao động đều mong muốn có một cuộc sống và điều kiện lao động tốt đẹp hơn. Công nhân lao động muốn được nâng cao chất lượng cuôc sống. Công nhân lao động cũng mong muốn được cải thiện điều kiện, hạn chế tăng ca liên tục, có điều kiện học tập nâng cao trình độ văn hóa, tay nghề để có khả năng nâng cao thu nhập nhằm tạo ra nhiều khoản tích lũy để cải thiện cuộc sống. Chính vì vậy, theo kết quả khảo sát, không có gì quá ngạc nhiên khi hầu hết công nhân lao động ngoại tỉnh đều không muốn gắn bó lâu dài với doanh nghiệp.

Nếu nhà cầm quyền không khôn khéo, không tìm ra giải pháp sớm chăm lo, nâng cao cuộc sống công nhân lao động ở đây, tình hình trên sẽ tác động không nhỏ đến sự phát triển kinh tế xã hội và tình hình trật tự trị an của TP.Hồ Chí Minh ...đó là điều cảnh báo .

Tấn Hùng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét