Chủ Nhật, 3 tháng 2, 2013

Luật và nhân phẩm


 Aung San Suu Kyi

                       

" Người may mắn sống trong những nước có nền pháp trị đúng nghĩa khó có thể hiểu được người dân sống trong những xã hội độc tài, nơi sợ hãi là một phần cuộc sống hàng ngày, đã phải khó khăn ra sao để sống cho tử tế, không sai trái.



Luật lệ công bằng không chỉ ngăn ngừa sự hư hỏng bằng những hình phạt áp dụng không thiên vị cho bất cứ ai phạm luật. Chúng còn giúp tạo ra một xã hội trong đó con người có những điều kiện căn bản để duy trì một cuộc sống hợp nhân phẩm mà không cần phải làm những việc sai trái.

Khi xã hội không có những luật lệ như vậy, thì gánh nặng bảo vệ những nguyên tắc công bằng và sự tử tế trở thành việc của từng con người bình thường, của bạn, của tôi.

Và khi mỗi người đều cố gắng kiên trì sống trong công bằng và tử tế, thì cộng dồn lại, họ sẽ thay đổi cả một đất nước. Một đất nước đang bị sự sợ hãi bóp méo, cả lý trí lẫn lương tâm, sẽ trở thành một đất nước được luật pháp bảo vệ, giúp con người thực hiện giấc mơ an hòa và công bằng, cùng lúc làm giảm những thói hư tật xấu trong bản tính người. 

Rèn luyện

Không sợ hãi có thể là một khả năng thiên phú, nhưng có lẽ còn quý giá hơn nếu lòng can đảm là kết quả của nỗ lực rèn luyện.

Lòng can đảm đến từ việc rèn luyện thói quen không để cho sợ hãi sai khiến dẫn dắt mình.

Đó là ‘sự bình tâm trước thử thách’, và mỗi khi người có lòng can đảm đương đầu với một áp lực lớn lao và dai dẳng thì sự bình tâm kia lại được làm mới thêm lần nữa.

Trong một xã hội mà hệ thống chính trị không cho người dân hưởng những quyền làm người căn bản, thì sự sợ hãi lan tràn khắp nơi. Ai nấy sợ bị bắt đi tù, sợ bị tra tấn, sợ chết, sợ mất bạn bè, sợ gia đình tan nát, sợ tài sản hoặc phương tiện kiếm sống bị tịch thu, sợ nghèo đói, sợ cô lập, sợ thất bại.

Hình thức sợ hãi tinh vi và nguy hiểm nhất chính là khi ai nấy đều xem những việc làm nho nhỏ nhưng đầy can đảm mỗi ngày, giúp con người giữ gìn lòng tự trọng và nhân phẩm, là những việc làm ngu xuẩn, vớ vẩn, bất cập, vô ích. Không những thế, họ còn coi sự phủ nhận kia là lẽ tự nhiên, thậm chí còn là sự khôn ngoan, hiểu biết nữa.

Người dân sống lâu ngày trong sợ hãi, nơi lý lẽ thuộc về kẻ mạnh, nơi kẻ yếu bị xem là giặc, sẽ rất khó tự giải thoát mình khỏi sức công phá của sợ hãi.

Tuy vậy, dù bị chà đạp dưới bộ máy dữ tợn nhất, lòng can đảm vẫn cứ xuất hiện, lan từ người này đến người kia, vì sợ hãi không phải là thuộc tính tự nhiên của con người văn minh."

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét