Chủ Nhật, 17 tháng 3, 2013

Lời nói đầu là tinh túy của Hiến pháp-Một bài viết của báo PLVN.Vậy chúng ta thử nhìn lại cái món …tinh túy đó như thế nào nhé.


 Thường Dân 

                           

Thông thường trong Lời Mở Đầu của bất kỳ bản Hiến pháp dân chủ nào trên thế giới đều nhắm mục đích nói rõ nguyên do tại sao phải thiết lập bản Hiến pháp này. Mà nguyên do ở đây chính là cái khát vọng tha thiết nhất của một dân tộc. Lời Mở Đầu thường ngắn gọn, đanh thép, xác định rõ các nhu cầu tối thượng phải thiết lập cho đất nước, cho dân tộc và cho muôn đời con cháu mai sau. Nó không phải là một tài liệu văn chương hoa mỹ. Nó cũng không phải là một đỏan khúc tô vẽ lịch sử, thành tích của một đảng, một lãnh tụ nào. Tối kỵ nhất là đưa vào đó lời nói hoặc chủ thuyết của một nhân vật ngọai lai – dù đó là lời nói, lời dạy dỗ của ông Tây, Tàu, Mỹ, Nhật, Nga, dù đó là lời nói có tính “khuôn vàng thước ngọc” đi nữa. Vì khi đưa vào như thế thì đây không phải là hiến pháp của một quốc gia độc lập mà là của một đất nước nô lệ. Nó càng không phải là một văn kiện nói vu vơ về về chủ nghĩa, về giá trị đạo đức, về gía trị tôn giáo. Nó là những giá trị cần thiết cho mọi công dân, thiết thân trong cuộc sống mà mọi người có thể lĩnh hội, nhận thấy được, đều qúy trọng, bảo vệ, không gây tranh cãi chẳng hạn như: Công lý, quyền bình đẳng, bảo đảm tự do, tự do mưu cầu phúc lợi của người dân trong sự che chở yên bình của luật pháp, sự tòan vẹn lãnh thổ v.v..

Chắng hạn Lời Mở Đầu của Hiến Pháp Hoa Kỳ viết ngắn gọn như sau: “Để thiết lập một liên bang hòan hảo hơn, thiết lập công lý, bảo đảm an ninh cho đất nước và bảo đảm sự thụ hưởng các quyền tự do và thịnh vượng của chính chúng ta, chúng tôi, tòan thể người dân của Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ ra lệnh viết bản hiến pháp này.”
Lời mở đầu trong Hiến pháp ngày 4/10/1958 của Cộng hòa Pháp như sau: “Nhân dân Pháp trịnh trọng tuyên bố thiết tha gắn bó với các quyền con người và các nguyên tắc chủ quyền thuộc về nhân dân như đã được quy định trong Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền 1789, được khẳng định và bổ sung trong Lời nói đầu của Hiến pháp năm 1946.

Trên cơ sở các nguyên tắc này và nguyên tắc quyền tự quyết của các dân tộc, Nhà nước Cộng hoà Pháp tạo điều kiện cho các lãnh thổ hải ngoại tự nguyện gia nhập Cộng hoà Pháp, xây dựng các thiết chế mới trên cơ sở lý tưởng chung về tự do, bình đẳng, bác ái và nhằm phát huy dân chủ tại các lãnh thổ đó. ”

Còn Lời Nói Đầu của “cái gọi là Hiến pháp” của Đảng ta thì dài lòng thòng, khoe khoang thành tích của Hồ Chí Minh, của Đảng CSVN, rồi cột buộc cả nhân dân phải làm “Nghĩa vụ quốc tế” (tức đem quân đi xâm lấn xứ người để bành trướng chủ nghĩa cộng sản chăng?), mọi việc, mọi nếp suy nghĩ đều đựơc ”soi sáng bởi chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh”. Như vậy,có thể có một ít nhận xét sau:

Khi đưa “Dưới ánh sáng của chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, thể chế hóa Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội…”(Trích Dự thảo…)vào trong lời mở đầu thì chủ nghĩa Mác-Lê và tư tưởng Hồ Chí Minh + cái món tự chế vài năm một lần Cương lĩnh sẽ là những nguyên tắc cao hơn cả bản Hiến pháp. Câu hỏi đặt ra là trong mớ bòng bong và rối rắm của chủ nghĩa Mác-Lê và tư tưởng Hồ Chí Minh + Cương lĩnh đó thì biết phải áp dụng cái nào? Đáng lý ra khi đưa những điều khỏan này vào bản hiến pháp, thì cái gọi là quốc hội phải biểu quyết ngay một bản phụ lục trong đó nêu rõ những nguyên tắc nào, tư tưởng nào của chủ nghĩa Mác-Lê và của Hồ Chí Minh mà tòan dân, toàn đảng phải tuân theo để tránh tranh cãi về sau này. Chẳng hạn cương lĩnh “Tiến lên kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa” quy định nơi Điều 15 của Chương II có đi ngược với chủ nghĩa Mác-Lê, có trái với tư tưởng Hồ Chí Minh không? Tức là có vi hiến không? Việc bình thường hóa quan hệ ngọai giao với Hoa Kỳ và coi Hoa Kỳ là nhân tố ổn định và phát triển cần phải mở rộng và mở rộng hơn nữa (Lời tuyên bố của Nguyễn Minh Triết nhân chuyến viếng thăm Hoa Kỳ ) có phản lại chủ thuyết Mác-Lê là chống lại chủ nghĩa đế quốc vốn là kẻ thù của giai cấp vô sản, có phản lại quan hệ môi răng với các nước cộng sản anh em như Trung Quốc? Có đi ngược với lời dạy của Hồ Chí Minh nói rằng đế quốc Mỹ là kẻ thù số một của lòai người tiến bộ không? Tức là có vi hiến không? Còn cái món …gọi thêm “Cương lĩnh của Đảng “vài năm lại đổi thì sẽ lại viết lại Hiến pháp cho nó phù hợp chăng?

Làm nghĩa vụ quốc tế là chiến lược ngọai giao của từng giai đọan, nó không phải là một nhu cầu sống còn, một phúc lợi lâu dài của dân tộc vậy tại sao phải long trọng đưa nó vào phần mở đầu của bản hiến pháp để biến nó thành một nhiệm vụ mà nhà nước (chính phủ) bắt buộc phải thi hành? Nghĩa vụ quốc tế bây giờ là cái gì? Và còn phải làm nghĩa vụ quôc tế – tức hy sinh xương máu Việt Nam cho chủ nghĩa cộng sản bao nhiêu năm nữa?

Nói chung chỉ trong lời nói đầu ,Đảng ta đã chỉ rõ sự lãnh đạo của Đảng đối với cái gọi là làm và thực thi Hiến pháp ,tự cho phép cái quyền của Đảng sẽ sửa Hiến pháp khi cần và cài đặt những sự rồi rắm không ai hiểu được (hay hiểu sao cũng được) để rồi cuối cùng sẽ thực hiện theo ý của người đang có quyền lực trong tay là các cơ quan công quyền dưới sự lãnh đạo của Đảng chứ chẳng thể dựa vào cái gọi là Hiến pháp này được dù rằng cái ý nghĩa đích thực của một bản Hiến pháp dân chủ là tạo một cái khung cho quyền lực Nhà nước và các tổ chức ,cá nhân thuộc hệ thống quyền lực Nhà nước chỉ được hành xử trong cái khung đó nhằm tránh lạm quyền và cũng nhằm mục đích tối thượng là bảo vệ người dân khỏi bị công quyền đối xử một cách bất công .Vậy chúng ta hy vọng gì ở những điều khoản cụ thể tiếp theo sau -hay chỉ là những câu chữ …”hay”( để cho mấy ông tự gọi là trí thức -hay trí nô?- ngồi ngắm và tự sướng mặc cho dân tình đang rên xiết hàng ngày trong những cái luật+ lệ quái chiêu chả giống tí nào với Hiến pháp cả )nhưng vô tri vô giác như những con búp bê trong tủ kính chả có giá trị gì trong thực tiễn hoạt động của Nhà nước và …xã hội đã mặc định được lãnh đạo bởi …Đảng rồi???

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét