Thứ Năm, 1 tháng 8, 2013

Tư Sang, Anh Thua Rồi

Trần Khải

                                         

Không gọi là thắng lớn được. Chỉ có thể gọi rằng Tư Sang thắng vừa vừa thôi. Nhưng tận cùng, là anh Tư Sang thua rồi.

Nhìn chung, tình hình nhân quyền là chưa thấy nhúc nhích gì hơn – có vẻ như Obama chỉ nói qua loa tới chuyện nhân quyền cho có lệ, cho phải phép, chiều lòng một chút đối với các vị dân cử và các nhà hoạt động.

Chủ Tịch Nước VN Trương Tấn Sang đã họp với Tổng Thống Mỹ Obama hôm 25-7-2013. Như thế là một chiến thắng (nhiều phần là hình thức) cho tình hình Biển Đông của VN, vì cho Bắc Kinh thấy rằng VN vẫn tìm mưu kế không rơi hẳn vào bẫy lệ thuộc Tàu. Nghĩa là, riêng Tư Sang là chiến thắng, vì sau này sử sách sẽ ghi rằng Tư Sang có sang Mỹ bàn chuyện Biển Đông, trong khi “đồng chí Z, Y... hay M, N... gì đó” âm mưu bán đứt An Nam cho thiền triều Phương Bắc.

Trước tiên là chuyện Tư Sang tới Mỹ là bị biểu tình. Ngaỳ đêm cũng bị biểu tình cả.

Bản tin Hoa Thịnh Đốn kể về cuộc biểu tình đêm Thứ Tư 24-7-2013, lúc 8 giờ rưỡi tối:


“Khi tham dự dạ tiệc tại Marriott Wardman Park Hotel, DC, vào lúc 8:30 tối thứ Tư (24/07) ông Trương Tấn Sang và phái đoàn tùy tùng đã bất ngờ gặp cuộc biểu tình đột xuất đầu tiên do phái đoàn người Việt đến từ Houston, Texas và đồng bào vùng HTĐ phối hợp. Phái đoàn người Việt tự do cùng với rừng cờ vàng đã hô to khẩu hiệu phản đối sự hiện diện của ông Sang và phái đoàn CSVN trên vùng trời tự do Hoa-Kỳ.” (hết trích)

Còn cuộc biểu tình sáng Thứ Năm 25-7-2013 trước Tòa Bạch Ốc thì cả thế giới đều thấy trên YouTube và các sóng truyền hình.

Hãy nhớ, khi bà Aung San Suu Kyi tới thủ đô Hoa Kỳ vào tháng 9-2012, không người dân Miến Điện nào biểu tình chống đối.

Thêm nữa, bà Kyi (chức vụ chính thức chỉ là dân biểu Miến Điện) được vinh dự mời thuyết trình trước Lưỡng Viện Quốc Hội Mỹ, và trong buổi đó, bà Kyi được Quốc Hội Mỹ tặng huy chương “U.S. Congressional Gold Medal” -- một vinh dự hiếm có.

Tư Sang không được cho phép đặt chân tới thềm Quốc Hội Mỹ? Tại sao?

Khi Tư Sang xuống phi trường Andrews, cấp cao nhất Hoa Kỳ ra đón Tư Sang là Đại Sứ Mỹ tại VN David Shear. Nghĩa là chức vụ quá thấp ra đón Tư Sang.

Trên Facebook Son Tran viết:

“Nói một cách trung thực chứ không hề thiên vị chi cả về chuyến đi Mỹ của Trương Tấn Sang hôm nay thật là ô nhục. Không phải ô nhục vì cộng đồng người Việt Quốc Gia biểu tình phản đối mà ô nhục vì cách đón tiếp của Mỹ. Từ đầu chuyến đi khi đặt chân xuống phi trường Andrews C.T CS Sang được trưởng ban lể tân của Bộ ngoại giao và đại sứ Mỹ tại VN ra đón. Tại sân bay không trải thảm đỏ, không hoa, không kèn và nhục hơn nửa là không có chổ để nhà báo đứng chụp hình đưa tin. Bữa ăn duy nhất mà Sang được đến dự là buổi ăn trưa hôm 24/7 do Bộ ngoại giao thiết đãi. Hôm nay bầu trời Thủ đô DC với thời tiết đẹp và đẹp hơn nửa là có cả rừng Cờ Vàng, biểu ngữ và đoàn người biểu tình rầm rộ để phản đối một trong những kẻ đứng đầu nhà nước độc tài CSVN đến White House. Tiếng hô to đả đảo của người biểu tình chưa đủ mạnh để làm chủ tịch CSVN phải chới với và thất vọng bằng cách tiếp đãi của T.T. Obama. Lại cái mặt củ rích của viên đại sứ Mỹ tại VN David Shear làm đại diện T.T ra đón và dẩn Sang vào Oval Office để diện kiến T.T Mỹ Obama. Chưa có một quốc khách nào của Mỹ phải bị bạc đãi như Sang hôm nay. Phải chăng Mỹ muốn nói rỏ với nhà cầm quyền CSVN rằng VN chưa phải là một đối tác quan trọng của Mỹ ở Châu Á. Đài CNN của Mỹ không hề có đưa tin gì về vị nguyên thủ VC đến Mỹ và diện kiến T.T Obama trong hôm nay. CNN không đưa tin vì Nhà Trắng không tiếp đón Sang bằng nghi lễ cấp nhà nước. Không yến tiệc linh đình như đón tiếp lãnh tụ TC, không bắn đại bác chào mừng như đón Thủ Tướng Ấn Độ và không có duyệt đội quân danh dự như đã dành cho lãnh tụ Nam Phi mà Mỹ đã từng đón tiếp. Qua chuyến đi hôm nay của Trương Tấn Sang và cách tiếp đón của chính phủ Mỹ có thể không những làm Ba Đình thất vọng mà cả trí thức, dân chủ và nhân dân trong nước cũng thất vọng. Một tín hiệu rỏ rệt từ Mỹ để nhắn nhủ với đồng bào trong nước rằng đừng trông chờ vào họ khi VN đã hoàn toàn thuộc về Trung Cộng như hôm nay. Nhân dânVN có còn đủ can đảm để tự mình giải thoát kiếp nô lệ phương Bắc đang dần dần được lập lại trong những ngày tháng sắp đến?” (hết trích)

Chúng ta không kiểm chứng tất cả các chi tiết nêu trên, nhưng biết chắc rằng bà Kyi được đón linh đình ở Mỹ hơn Tư Sang nhiều. Bà Kyi còn được mời thuyết trình ở Asia Society, ở đại học American University, thăm Đài VOA... nhưng tại sao Tư Sang cũng không được Đảng Cộng Sản Hoa Kỳ mời thuyết trình? Mới lạ.

Trước tiên, xin mời đọc lại bản tin phóng viên Ron Corben trên Đài VOA ngày 15.09.2012 về lịch trình bà Kyi tới Hoa Kỳ tháng 9-2012:

“Lãnh tụ đối lập Miến Điện Aung San Suu Kyi sắp sửa đi thăm nước Mỹ, đánh dấu bằng những giải thưởng và gặp gỡ những nhà lãnh đạo quan trọng trong chính phủ Hoa Kỳ và cộng đồng Miến Điện...

Trong chuyến đi Mỹ đầu tiên trong vòng hai thập niên, lãnh tụ đối lập Miến Điện Aung San Suu Kyi sẽ được trao nhiều giải thưởng vì cuộc đấu tranh lâu dài cho cải cách chính trị tại Miến Điện và bà sẽ gặp Tổng thống Barack Obama.

Bà Aung San Suu Kyi đã trải qua nhiều năm trong hai thập niên bị giam giữ tại gia vì tranh đấu cho cải cách chính trị tại Miến Điện, còn được gọi là Myanmar. Trong số những giải thưởng bà nhận được có Huy chương Vàng của Quốc hội, một giải thưởng cao quý nhất của Quốc hội Hoa Kỳ.

Chuyến đi thăm Hoa Kỳ hơn hai tuần lễ của bà tiếp sau một chuyến đi thăm châu Âu trong năm nay nơi bà chính thức nhận giải Nobel Hòa bình được trao tặng năm 1991...

Ngoài Huy chương Vàng của Quốc hội Hoa Kỳ, bà Aung San Suu Kyi cũng sẽ nhận được những giải thưởng của Hiệp hội châu Á và Công dân Toàn cầu của Hội đồng Đại Tây Dương. Trong chuyến viếng thăm nước Mỹ lần này, bà Aung San Suu Kyi sẽ đọc diễn văn tại trường đại học Louisville, bang Kentucky cũng như đi thăm hai trường đại học Yale và Harvard. Bà cũng sẽ gặp các cộng đồng Miến Điện tại Hoa Kỳ."(hết trích)

Tư Sang có được vinh dự như bà Kyi không? Gặp Obama và Ngoại Trưởng Mỹ (lúc đó là bà Hillary Clinton) là bình thường. Nhưng thuyết trình trước lưỡng viện Quốc Hội, lãnh huy chương vàng Quốc Hội là khác thường. Đó là chưa kể, bà từng du học ở Anh Quốc nên dư tiếng Anh để nói đủ thứ, thuyết trình ở nhiều đaị học.

Bản tin khác, do phóng viên Kane Farabaugh viết, đăng trên VOA ngày 25.09.2012, kể chuyện bà Kyi được cộng đồng Miến Điện nồng nhiệt đón mừng, trích:

Trong chuyến đi thăm Hoa Kỳ đầu tiên sau hơn 40 năm, lãnh tụ dân chủ của Miến Điện bà Aung San Suu Kyi đi thăm bang Indiana Miền Trung Tây nước Mỹ, nơi cư ngụ của một trong những cộng đồng Miến Điện lớn nhất tại Hoa Kỳ. Di dân và những người Mỹ bản địa xem đây là một cơ hội lịch sử đối với bang còn có tên gọi là bang Hoosier này.

Lần cuối cùng ông Nyein Chan thấy thần tượng của ông, bà Aung San Suu Kyi, là lúc ông là một lãnh tụ sinh viên trong cuộc nổi dậy chống lại chính phủ Miến Điện năm 1988.

Hai người gặp nhau trong khuôn khổ một cuộc đối thoại nhóm về con đường tiến đến dân chủ của Miến Điện. Ông Nyein Chan cho biết:

“Đó là vào ngày 13 tháng 9 năm 1988, trước khi quân đội lên cầm quyền vào ngày 18 tháng 9 năm 1988.

Đó là ngày đàn áp đẫm máu buộc ông Nyein Chan phải trốn khỏi Miến Điện và bà Aung San Suu Kyi vẫn còn trong nước, phần lớn thời gian bị giam giữ tại gia.

Hai mươi bốn năm và một tuần lễ sau đó, hai người tái hợp trên sân khấu của Đại hý viện tại Fort Wayne, Indiana khi ông Nyein Chan giới thiệu bà Aung San Suu Kyi:

“Đây là một sự kiện vô cùng trọng đại không chỉ đối với cộng đồng người Miến Điện, nhưng cũng đối với cộng đồng người Mỹ sống tại Fort Wayne.

Nhiều người tại Fort Wayne cũng đã biết được có hàng ngàn người Miến Điện sống chung với họ.

Nhưng chuyến viếng thăm của bà Aung San Suu Kyi đã đem lại cho giáo viên Erin Baumgartner thuộc trường trung học North Side một cơ hội:

“Chuyến viếng thăm của bà được loan báo nhiều trên hệ thống truyền thông, và đã gây nên những cuộc chuyện vãn và thảo luận, bạn biết bà là ai? và bạn biết được những điều căn bản cũng như lịch sử Miến Điện, và làm thế nào chúng ta có rất nhiều người tị nạn Miến Điện tại đây.

Anh Jose Rodriguez III một học sinh nói:

“Đây giống như một thời điểm học hỏi lớn lao mà Fort Wayne thỉnh thoảng mới có.”

Anh Jose Rodriguez nằm trong số 1.000 học sinh cùng với 5.000 người khác, trong đó có nhiều người Miến Điện, để nghe bà Aung San Suu Kyi nói chuyện.

Dù phải theo dõi bài nói chuyện của bà Aung San Suu Kyi qua bản dịch sang tiếng Anh được chiếu trên một màn ảnh lớn, bà Kat Meinzen nói sự kiện này làm sống lại đối với bà một nhân vật bà chỉ đọc qua sách vở:

“Đây là một thời điểm lịch sử vĩ đại. Sau này tôi có thể kể lại cho các cháu tôi, tôi đã có mặt tại đây, tôi đã nghe người phụ nữ này nói. Tôi có mặt vì cuộc cách mạng của Miến Điện, tôi nghe bà tranh đấu cho tự do. Tôi có thể nói với các cháu của tôi là tôi có đóng góp một phần trong việc này.”

Đối với ông Nyein Chan, có mặt tại Miến Điện trong cuộc cách mạng 1988, gặp lại người phụ nữ biểu tượng của nền dân chủ Miến Điện đối với toàn thế giới là một giây phút đầy xúc động.

Chúng tôi xuất xứ từ Miến Điện …Chúng tôi không bao giờ quên đất nước của chúng tôi, và đây là lãnh tụ của chúng tôi và chúng tôi theo và hỗ trợ bà Aung San Suu Kyi.”

Sự hỗ trợ mà bà Aung San Suu Kyi chắc chắn nhận được tại Hoa Kỳ.”(hết trích)

Tư Sang có được đón nhận như bà Kyi trong bản tin trên hay không?

Anh Tư à... anh không thấy mắc cỡ khi thử tự so sánh với một người đàn bà ở tù hơn hai thập niên và rồi được đón tiếp nồng nhiệt hơn anh gấp nhiều lần như thế sao?

Anh Tư à... anh vui vì đứng chung một phía với những người đàn áp các nhà hoạt động nhân quyền và rồi những người này thăm Hoa Kỳ được đón tiếp như thần tượng mà anh thấy đó?

Trong tận cùng, Tư Sang à... anh thua rồi, vì các sử gia sẽ phê bình như thế. Bất kể Đảng của anh bây giờ muốn bóp méo những gì. Rồi anh cũng chỉ ngồi chung giỏ với các tướng lãnh Miến Điện đã giam cầm bà Kyi và đã quy chụp tội khủng bố cho những người đòi dân chủ Miến Điện.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét