Chủ Nhật, 13 tháng 10, 2013

Bác biết được, chắc buồn lắm!

 Phong Lan                                


                                      Bác biết được, chắc buồn lắm!


BBC đưa tin bác mất. Một lúc sau thì Vnexpress cũng đưa tin. Tôi dừng lại, tự mặc niệm một phút, không đau xót, cũng thương tiếc, nhưng không phải tiếc thương khôn tả. Tiếc là vì Việt Nam từ đây mất đi một danh tướng vang danh năm châu bốn bể, tiếc vì từ nay Việt Nam hết người cả dân tộc tự hào, để nếu người đó mất đi, cả dân tộc phải tiếc nuối. Mặc niệm chủ yếu vì kính trọng.

Tinh thần dân tộc, như Bác Hồ nói, bình thường thì như cơn sóng ngầm, chỉ khi có biến, nó mói trỗi dậy, mạnh mẽ và sôi sục. Bác mất, cả dân tộc tiếc thương. Bác mất, cả dân tộc nắm tay nhau, cả dân tộc khóc. Nhưng trong cái buồn lớn, cũng có cái mừng. Trích ý một tác giả, xin lỗi vì không nhớ tên, cũng không nhớ nguyên văn: cũng đã hơn trăm năm ở đời, âu cũng phải ra đi. Nhưng sự ra đi đó đánh thức cái tinh thần Việt đang ngủ quên, đúng vào cái lúc mà dân tộc cần (cái tinh thần Việt). Đó là cái mừng, mừng trong nỗi buồn lớn.



Bác mất, nhiều bạn trẻ tiếc thương bằng cách đổi avatar facebook. Âu cũng là cái hay, thể hiện tinh thần dân tộc. Nhưng nhiều đứa quên mất mình đang mang cái avatar trang trọng đó, một số túm tụm, bàn chuyện thế giới động vật (gấu, chó…), chuyện bếp núc (gia vị, dầu ăn…), chuyện bàn tay…số khác lại chạy long nhong chửi bậy. Bác biết được, chắc buồn lắm.

Bác mất, gia đình bác cho phép người ngoài thăm viếng. Những đồng chí, đồng đội của bác, cùng bác chinh chiến bao trận, những người dân thế hệ của bác, bỏ công bỏ việc, không quản đường xa, từ trăm phương đổ về, xếp hàng từ tờ mờ sáng chỉ để được viếng bác một lần. Nhưng trong hàng người đó sao có nhiều bạn trẻ vậy. Các bạn trẻ đó, bao nhiêu bạn thật sự xếp hàng vì muốn thể hiện sự thương tiếc cho người anh hùng dân tộc, bao nhiêu người thật sự xếp hàng để viếng bác theo đúng nghĩa của từ viếng? Hay chỉ là thấy người ta đi nên cũng đi theo, đi để sau về còn có cái mà kể. Trong dòng người đó, mấy bạn trẻ biết được những trận chiến của bác như thế nào, mấy bạn hiểu được cuộc đời bác ra sao. Không biết, không hiểu được thì làm sao biết tiếc thương? A dua à? Nói thật, đến lúc bác mất mình mới tìm lại về cuộc đời, về những trận chiến của bác. Mình xấu hổ vì kiến thức của mình về trận Điện Biên Phủ cũng chỉ cỡ trận Xích Bích, trận Di Lăng, hay 6 trận Kỳ Sơn (mà chưa chắc đã đúng sự thật) đổ lại). Bác biệt được, chắc buồn lắm.
Người mất rồi, hãy để họ được ra đi thanh thản.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét