La Habana – nhìn từ nóc nhà Che
  Lisa Howard: What is the most important quality for a revolutionary to possess?
Che Guevara: Love. Let me tell you something at the risk of sounding ridiculous. A true revolutionary is guided by great feelings of love… love of humanity, justice, and truth. It’s impossible to conceive of an authentic revolutionary without this one quality.
… đó là nội dung một cuộc phỏng vấn có thật, diễn ra bên lề cuộc họp của Đại hội đồng Liên hợp quốc tại New York tháng 12 năm 1964, khi Che Guevara tham dự với tư cách dẫn đầu đoàn đại biểu Cuba… Lúc đó, ông mới 36 tuổi. Ngược dòng lịch sử, Che Guevara là ai ? Ernesto “Che” Guevara (thường gọi là Che) sinh tháng 6 năm 1928 tại Argentina. Tuy nhiên, cuộc đời ông gắn liền với Cuba và nhiều nước Mỹ La tinh khác. Theo học y khoa, nhưng ông từng bỏ học một năm chỉ để rong ruổi khắp Nam Mỹ bằng xe mô tô. Chuyến đi đó đã để lại trong ông những niềm đau, về một tình trạng nghèo nàn, lạc hậu, và bị áp bức của vô số dân nghèo tại nhiều quốc gia… Có thể nói, chuyến đi đã làm thay đổi nhân sinh quan của ông. Dẫn tới việc sau này, dù tốt nghiệp bác sĩ, Che đã sớm mang những ý tưởng cách mạng…

                                                     
                                                nhà Che tại Cuba

                     Nhà Che tại Cuba

Năm 1956, cùng với anh em nhà Fidel và chỉ khoảng ngót nghét một chục người khác, ông lên một chiếc thuyền nhỏ và rời Mexico về Cuba, bắt đầu cuộc cách mạng chống lại chế độ độc tài Batista. Là một bác sĩ, nhà tư tưởng, nhà cách mạng, và nổi tiếng là một nhà quân sự có tài, Che cũng đồng thời viết văn, làm thơ,… đi đến đâu, ông cũng tìm cách xoá nạn mù chữ cho những du kích quân dưới quyền, chăm sóc cho đời sống của người dân nghèo trong vùng, v.v. Che có một đời sống phong phú, phức tạp với nhiều chi tiết còn mang tính huyền thoại. Ông từng chịu ảnh hưởng của chủ nghĩa Marx, nhưng rồi không tán thành việc Cuba chịu ảnh hưởng của Liên xô. Ông từng đi thăm nhiều quốc gia trên khắp thế giới như một nhà tư tưởng, nhà ngoại giao cho chính quyền của Fidel tại Cuba. Nhiều nhân vật lớn trên thế giới đã từng gặp ông và có ấn tượng sâu sắc như Jean-Paul Sartre, Mao Trạch Đông,v.v. Che bị bắt và thủ tiêu bởi chính quyền Bolivia ngày 9 tháng 10 năm 1967. Tưởng niệm ông tại Cuba, Fidel Castro nói: “Nếu chúng ta được phép nói lên khát vọng về thế hệ tương lai, chúng ta sẽ nói: Hãy để họ như Che! Nếu chúng ta mơ ước chúng ta muốn con cái mình được giáo dục ra sao, chúng ta sẽ nói không lưỡng lự: chúng cần được nuôi dưỡng với tinh thần của Che! Nếu chúng ta muốn một mẫu hình về con người – một người không chỉ thuộc về thời đại này, mà thuộc về tương lai – tôi sẽ nói từ trái tim mình, rằng người đó, không một vết nhơ về phẩm giá hay hành động, chính là Che!
trong nhà Che
                                                       Trong nhà Che


Che ra đi khi mới 39 tuổi. Nhiều người thậm chí còn so sánh ông với Chúa, khi ông chết trong lúc đang giúp các nhóm nổi dậy tại Bolivia chống nhà cầm quyền quân sự. Tôi nghĩ, ông được đánh giá cao không phải vì đã giúp Fidel giành độc lập cho Cuba hay ông làm bộ trưởng cho Cuba, huấn luyện quân đội Cuba, cải cách công nghiệp và kinh tế Cuba… mà vì ông đã trở thành một biểu tượng, một ví dụ sinh động của loài người vì dám đi theo đến cùng một lý tưởng. Xét cho cùng, chẳng phải sống là để đạt được một đích nào đó của cuộc đời ? Với đa số, mục đích đó đơn giản và nhỏ hẹp. Với những người như Che, xoá bỏ sự bất công, đấu tranh cho những người cùng khổ, mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn, mang lại một xã hội nhân bản hơn chính là mục đích tối thượng. Và nhiều khi, chúng ta phải có những hành động mạnh mẽ để đạt được điều đó. Điều này dường như đúng ở mọi thời đại, mọi đất nước, và người ta gọi đó là những hành động cách mạng. Như Che nói: “Phẩm chất cần có của một nhà cách mạng ư? Nhà cách mạng thực sự cần mang theo một tình yêu trong tim mình. Tình yêu lớn lao dẫn dắt chúng ta, đó là tình yêu thương con người, tình yêu công lý và sự thật… “






    Nhà trên trên đồi,cạnh

                         tượng chúa Kitô

42 năm sau khi Che qua đời, tôi mới có dịp đặt chân đến nơi được gọi là “nhà” ông ở La Habana. Căn nhà bé nhỏ và khiêm nhường, nhưng không hiểu vô tình hay hữu ý, dựng gần một tượng chúa Ki tô trầm mặc trên một quả đồi nhìn sang khu trung tâm của thủ đô Habana. Không vấn vương vào những tranh luận về ý thực hệ, về chủ nghĩa này kia, tôi tự hỏi bao nhiêu người trong chúng ta có được một tình yêu như của Che trong tim mình? và dám đứng lên tranh đấu vì tình yêu đó? bao nhiêu người có dòng máu “cách mạng” trong người? Tôi không có câu trả lời…


Che: ảnh chụp lại từ bưu thiếp



                               Che: ảnh chụp lại từ bưu thiếp

Theo tôi về Việt Nam là hai tấm bưu thiếp mang hình ông. Tôi đặt chúng trong tủ kính. Trong tâm trí tôi, hình ảnh một Che trẻ trung, lãng tử, với ánh mắt như thiêu đốt tâm can… Một Che đầy nhiệt huyết, phóng xe máy trên những khúc quanh của Nam Mỹ một thời tuổi trẻ. Một Che chăm sóc cho người bệnh nghèo với bàn tay thầy thuốc – hai bàn tay mà sau này những kẻ thủ tiêu ông đã chặt đi. Hình ảnh Che khuyên nhủ các thanh thiếu niên cần tranh thủ học cho giỏi khi chưa đủ tuổi cầm súng… bởi đất nước họ sẽ cần những người trẻ tuổi có tri thức… mãi là một hình ảnh rất con người, và rất đáng cảm phục. Và trong thời đại ngày nay, khi rất cần những cuộc đấu tranh cho dân chủ ở nhiều nơi như Việt Nam và trên thế giới này, đến bao giờ chúng ta lại được  nhìn thấy những Che mới xuất hiện ???