Võ Hưng Thanh
Ý nghĩa hay nguyên lý chủ yếu nhất của dân chủ là quyền bình đẳng của toàn dân. Bình đẳng có nghĩa mọi người đều ngang quyền pháp lý như nhau, như thế cũng có nghĩa không cá nhân nào được quyền “lãnh đạo” một cá nhân khác trong xã hội. Như vậy quyền “lãnh đạo” chỉ có nghĩa là sự thực hiện việc ủy quyền của toàn thể mọi người người trao quyền cho mình, giao quyền cho mình, đó chính là toàn dân, toàn xã hội. Ủy quyền có nghĩa mỗi người dân trực tiếp dùng lá phiếu tự do của mình để trao quyền lãnh đạo, tức là quyền cầm quyền cho những người nào đó đại diện cho họ. Đó chính là quyền bầu cử trực tiếp hay bầu cử theo cách gián tiếp những người nào đó thay mặt toàn dân để nắm các quyền chính trị nói chung. Điều này cũng có nghĩa người cầm quyền hay người “lãnh đạo” không được tùy tiện dẫn dắt xã hội hay bó buộc xã hội phải đi theo ý riêng của mình, mà chỉ là tuân thủ theo ý chí hay ý nguyện của toàn dân. Bầu cử trực tiếp Tổng thống hay Chủ tịch nước, hay bầu cử gián tiếp qua đại biểu quốc hội các nhân sự đứng đầu của các cơ quan hành pháp, đó đều là các nguyên tắc bầu cử dân chủ.
Như vậy pháp quyền tự nó không có sẳn, không hề được tiền chế trước, không hề có công thức cố định, hay theo một định hướng nào trước cả, mà nó chỉ là quyền làm luật và tự mình thi hành luật của toàn dân thông qua các cơ quan đại diện và các cơ quan thi hành luật pháp phù hợp với ý nguyện toàn dân. Có nghĩa pháp quyền chỉ mang ý nghĩa đúng đắn thật sự khi đó là pháp quyền dân chủ, pháp quyền do người dân tự làm chủ toàn xã hội mà không là gì khác.
Mà toàn dân là toàn bộ mọi giai cấp đang có trong xã hội. Có thể các thành phần và tỉ lệ của chúng đều hoàn toàn khác nhau, nhưng nó là những thực thể khách quan nên bắt buộc mọi người phải thừa nhận và phải tôn trọng.
Như vậy các khái niệm luật pháp là luật pháp của giai cấp nào đó nhất định thực chất chỉ là sự xuyên tạc, sự lệch lạc chủ quan, hay nói nôm na chỉ là sự xạo xự không có thực chất và không thực tế. Bởi vậy mọi đảng chính trị cũng không thể dành cho mình sự “lãnh đạo” có tính cách tiền chế hay có tính cách “tiên thiên” nào cả. Bởi vì như vậy chỉ là phản dân chủ khách quan, tức là sự độc tài hoàn toàn sai trái.
Nên nói tóm lại, dân chủ – pháp quyền – lãnh đạo, thực chất không thể tách rời, biệt lập, phân chia hay chia cắt nhau, mà hoàn toàn thống nhất nhau và nó cũng chỉ hoàn toàn đồng nhất với quyền tuyệt đối, tối thượng của toàn dân. Bởi vậy mọi thứ ý thức hệ giả tạo, muốn tách rời nguyên tắc lãnh đạo với nguyên tắc dân chủ, để đi đến khái niệm dân chủ tập trung, đảng chính trị lãnh đạo, thực chất chỉ là sự độc tài đi ngược lại mọi ý nghĩa và giá trị khách quan. Hay nói một cách cụ thể và dễ hiểu, không bất kỳ chính đảng nào được quyền tách ra khỏi toàn dân, đứng trên toàn dân để “lãnh đạo” toàn dân. Đó chỉ là sự ngụy biện, sự chủ quan ý thức hệ riêng tư mà không là gì khác. Lãnh đạo toàn dân không phải làm chủ toàn dân, không phả thâu tóm quyền hành, không phải tùy tiện quyết định theo các suy nghĩ hay ý muốn riêng của mình. Lãnh đạo chỉ có nghĩa là nương theo quyền ủy quyền, nguyện vọng toàn dân để chiếu theo đó làm sao cho kết quả hơn, sáng kiến hơn, và tích cực hơn, thế thôi. Chính đảng chỉ có nghĩa để giúp vào sự nghiệp toàn dân, không phải để định đoạt toàn dân.
Nên tựu trung lại, lãnh đạo thực chất không thể vượt ra, vượt qua, hay vượt quá pháp quyền, mà nhất thiết phải ở trong pháp quyền. Bởi pháp quyền là mặt pháp lý của nội hàm dân chủ mà không là gì khác. Những chế độ độc tài thì thường thị hiếu, thường lạm dụng từ ngữ “lãnh đạo”. Trái lại những chế độ tự do dân chủ thật sự thì luôn luôn tuân thủ sự trao quyền, sự ủy quyền của toàn dân. Lãnh đạo có nghĩa là sự chấp thủ nguyên tắc ủy quyền của toàn dân trong việc nắm quyền, việc cầm quyền, việc thực thi quyền như là người đại diện, người được trao phó quyền hành, thế thôi. Chỉ có toàn dân là chủ thể trên hết, là quyền lực trên hết mà không thể có bất kỳ ý thức hệ nào từ bên ngoài vào hay từ một chính đảng nào nào đó áp đặt lên toàn dân, bởi như thế thực chất là phi dân chủ, phi pháp quyền, và phi cả nguyên tắc lãnh đạo đúng đắn nhất.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét