Thứ Sáu, 6 tháng 1, 2012

Tám nguyên tắc thiết kế hiến pháp

Donald S. Lutz  
Bùi Ngọc Sơn dịch


Trong khi Việt Nam đang xem xét sửa đổi Hiến pháp, chúng tôi xin trích dịch tám nguyên tắc thiết kế hiến pháp do GS Donald S. Lutz ở ĐH Houston (Mỹ) đã nghiên cứu và khái quát trong cuốn “Principles of Constitutional Design” (New York, Cambridge University Press, 2006) để các nhà thảo hiến và các hiến gia Việt Nam suy ngẫm.

Donald S. Lutz lưu ý rằng: “những nguyên tắc chung này là những hướng dẫn cho việc suy nghĩ về một dự án hiến pháp nói chung chứ không phải là những lời quả quyết hay tuyến bố chính thức mà những người thiết kế hiến pháp phải tuân theo.” (tr.218).

1.    Gắn Chính quyền với Nhân dân: Tất cả các chính quyền, hợp pháp hay không, đều phải gắn với “đức hạnh” của Nhân dân.

•    Phân tích những đặc tính của nhân dân - sử dụng những dữ liệu của lịch sử để đánh giá những mục đích chung, những mong muốn chung, các giá trị chung, cũng như sự đa dạng của những điều này - hãy nhớ tầm quan trọng của văn hóa chính trị nói chung và thái độ đối với “pháp quyền” nói riêng.

•    Phân tích bối cảnh và môi trường thực tế.

•    Nhận diện những “vấn đề chính trị trọng yếu” - đặc biệt là bản chất và sự căng thẳng của các phe phái - ví dụ chủ nghĩa địa phương và chủ nghĩa toàn cầu.

2.    Trên trái đất này, không có một hệ thống chính trị lý tưởng; vì vậy, hãy tìm kiếm những lựa chọn tốt nhất có thể trong những điều kiện nhất định.

•    Hãy hành động dựa trên lý thuyết thực tế về bản chất của con người.

•    Hãy xem xét sự khác biệt giữa phúc lợi chung và những lợi ích nhóm.

•    Phân biệt những liên kết dựa trên lý tính và những liên kết dựa trên ý thức hệ.

3.    Chỉ khi nào người ta nhận thức và đối phó được với một thực tế không thể tránh khỏi là quyền lực chính trị là nguy hiểm, việc thiết kế thể chế mới có thể thành công.

•    Quan niệm về chủ quyền nhân dân cần phải được phản ánh hoặc/và biểu đạt trong hiến pháp.

•    Trong việc đánh giá về sự đối lập giữa sự cai trị bởi giới tinh hoa và chế độ dân trị, hãy suy nghĩ thực tế về bình đẳng, về sự không thể tránh khỏi của sự cai trị của giới tinh hoa, và những phương thức để kiểm soát họ.

•    Đánh giá về sự đối lập giữa quy tắc đa số và quy tắc thiểu số, các quyền cá nhân, sự đối lập giữa đa số ổn định và đa số nhất thời; sự đối lập giữa sự thờ ơ và sự nồng nhiệt của đa số hay thiểu số.

4.    Ý tưởng về một hiến pháp là sự kết hợp giữa công lý và quyền lực.

•    Hiến pháp là gì? Chức năng và mục đích của nó là gì?

•    Điều gì cần đưa vào hiến pháp và điều gì không nên đưa vào hiến pháp?

•    Những ý nghĩa khác nhau của một chính phủ hữu hạn và chúng ta sử dụng nó như thế nào?

5.    Vấn đề cốt yếu trong thiết kế hiến pháp là sự phân phối quyền lực.

•    Tại sao chúng ta phải phân phối quyền lực? Chúng ta cần phải làm điều này như thế nào?

•    Xem xét học thuyết phân quyền, chế độ liên bang, sự phức tạp về mặt thể chế, và chế độ trách nhiệm.

•    Đánh giá những mô hình hiến pháp cơ bản: mô hình nghị viện (sự giới hạn quyền lực bằng truyền thống), mô hình phân quyền (sự giới hạn quyền lực bởi những thiết kế phức tạp về mặt thể chế); mô hình hỗn hợp, mô hình tổng thống...

6.    Quy trình ra các quyết định tập thể nên được quan niệm như là một hệ thống hoàn chỉnh của các định chế đan xen vào nhau.

•    Xem xét bản chất của các định chế.

•    Đánh giá hệ thống phân tích.

•    Đánh giá mục đích của việc đưa ra các quyết định tập thể và các bước của quá trình này.

7.    Một hệ thống của các thể chế phải được xây dựng trên một lý thuyết thống nhất.

•    Giới hạn hành vi của các nhân vật chính trị trong một phạm vi có thể dự đoán trước: tổ chức các ngành lập pháp, hành pháp, tư pháp, và tương quan giữa chúng.

•    Lựa chọn và giám sát các nhân vật chính trị thông qua hệ thống bầu cử, công luận, lý thuyết đại diện, lý thuyết về sự tham gia, và cơ chế chịu trách nhiệm.

•    Đánh giá sự đối nghịch giữa khoa học chính trị và nghệ thuật chính trị.

8.    Một hiến pháp không chỉ dựa vào bối cảnh lịch sử và hiện tại của nhân dân mà còn phải dựa vào khả năng phát triển trong tương lai.

•    Đưa ra những hình thức để sửa đổi và thay đổi hiến pháp.


Nguồn: Tia Sáng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét