Thứ Hai, 23 tháng 12, 2013

CHUYỆN VỀ MỘT THẰNG BÉ

VVX

                    

Ngày ấy, nó còn bé lắm trí khôn chỉ hạn chế trong vui chơi, bánh kẹo và tình thương của Bố Mẹ. Rồi tai ương đổ xuống mà chính nó chưa đủ trí khôn để hiểu đó là thảm họa cho cuộc đời nó. Người ta, những chú công an đến đưa Bố nó đi đâu nó cũng không biết, chỉ biết Bố nó cúi xuống hôn nó rồi từ đó nó không có Bố nữa.

Cuộc đời nó kể từ đó là những chuỗi ngày hãi hùng. Các bạn trong khu phố không còn đứa nào chơi với nó nữa, mấy bà hàng xóm phúc hậu ngày nào nay cũng quắc mắt nhìn nó. Vẫn chẳng hiểu tại sao, buồn bã nó tha thẩn lượm nhặt tất cả những gì nó nhìn thấy tự chế ra những đồ chơi rồi chơi một mình hoặc với em nó.



Cô giáo của nó chả biết là ký ức đẹp hay xấu nhưng sao cứ theo nó suốt cuộc đời. Cô giáo tên Hoa, người Quảng Nam tập kết, có chồng đi B (vào nam chiến đấu). Một lần, mẹ nó đưa cho nó tờ đơn bảo nộp cho cô giáo để xin giảm học phí vì mẹ không có đủ tiền đóng tiền học cho con. Đầu giờ học, nó lên nộp cho cô giáo. Cô liếc mắt nhìn tờ đơn rồi đập bàn quát lên: “Con nhà phản động mà dám xin giảm học phí à”. Nó sợ cứng người, đái ướt cả quần. Hôm đó cô không dạy học như mọi ngày nữa mà là bài dài kết tội đế quốc Mỹ, Diệm Nhu và bọn phản động. Thằng bé 8 tuổi ngồi gục mặt trước bao cặp mắt căm hờn. Về nhà kể cho mẹ nghe, mẹ khóc. Ngày mình mất Bố, Mẹ không khóc sao giờ lại khóc, nó không hiểu được.

Thằng bé cố vùng vẫy ra khỏi sự thù hận và cơ hội đã đến với nó. Nhìn thấy chiếc xe đạp trẻ con đã hỏng từ lâu, nó lôi ra hì hục sửa chữa cả tuần rồi cũng tạm dùng được. Hôm sau, nó mang xe đạp tới nhà cô giáo rủ thằng Thạch con cô giáo kém nó 2 tuổi để dạy đi xe đạp. Sau một tuần thì thằng Thạch biết tự đi mà không cần nó giữ. Nó vui sướng với cảm giác như chính nó ngày nào biết đi xe đạp vậy. Chợt thấy một bàn tay ấm đặt lên vai, nó quay lại thấy cô giáo, tái mặt nhưng nó yên tâm ngay, cô giáo hôm nay nét mặt hiền lạ. Cô không nói gì, chỉ đưa cho nó miếng bánh đúc. Cầm miếng bánh trong tay, nước mắt nó chảy dài. Nó đã thấy hình ảnh mẹ nó trong cô giáo.

Cố gắng để mọi người đừng ghét bỏ, nó cố gắng ngoan, học thật giỏi nhưng cuối năm học, nó chỉ được xếp hạng A3. Nó biết các bạn khác kém nó nhưng được hạng trên. Mãi cho tới khi lớn lên nó mới hiểu ngày ấy cô giáo không dám cho nó thứ hạng cao hơn.

Hôm nay ngồi viết những dòng này, thằng bé ngày ấy đã ở tuổi chi thiên mệnh vẫn nhớ về cô giáo xưa. Chẳng biết trong dòng người lũ lượt đi khiếu kiện đất đai có cô giáo mình không nhỉ.

Chú thích thêm:

- Ngày ấy miền bắc có chính sách con liệt sĩ được miễn học phí, con thương binh và gia đình neo đơn được giảm 50%.

- Những học sinh ngày ấy được sắp hạng: A1 = giỏi, A2 = khá giỏi, A3 = khá.

- Những năm 1962, 1963. Trước khi đưa quân vào miền Nam, chính quyền miền Bắc gom bắt tất cả những ai mà họ cảm thấy không yên tâm như trí thức thời Pháp và đặc biệt là dân Công giáo. Bố tôi là một trong những người đó. Những người bị bắt đợt này được gọi là đi tập trung, có người gọi là án tập trung, còn có nghĩa khác nữa là thời hạn tù vô định.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét