Thứ Năm, 2 tháng 1, 2014

Cái chết của loa phường

Khắc Giang

                  


Thế hệ trẻ con tầm 15 năm trước đây thức dậy cùng với tiếng nhạc giải phóng Điện Biên lúc 5h sáng. Thời ấy không nghĩ ngợi gì nhiều về loa phường, cứ coi nó là một thứ hiển nhiên như ông mặt trời mọc ở đằng đông. Khi nào “Bộ đội ta tiến công trở về…” thì dậy tập thể dục, đến lúc điểm tin làng xã thì liệu liệu mà cắp đít đi học. Tầm 4h30-5h loa bắt đầu phát nhạc cách mạng là lục đục đi về. Người dân sống trong một cái vòng tròn bình lặng trong đó thông tin được đưa đến đều đặn hai lần một ngày.


Giá mà chỉ có loa phường, VTV, và báo Nhân Dân thì bây giờ chúng ta đã tiến thẳng lên chủ nghĩa xã hội còn nhanh hơn người anh em Bắc Triều rồi. Nhưng một loại virus chết người lây lan từ bọn tư bản giãy chết cuối thế kỉ trước đã thay đổi tất cả. Em nó là internet.

Thông tin được tiếp cận dễ dàng và đa chiều trên mạng khiến cho nhu cầu nghe loa hầu như không còn ở các thành phố lớn.

Ở những khu phố ồn ào thì tất nhiên tiếng loa sẽ chẳng thu hút được đám đông nhốn nháo rồi. Còn ở những góc bình yên hơn, dân chúng thậm chí còn thấy khó chịu khi bị cưỡng bức âm thanh. Cái loa phường giờ đây như ông đồ thời chuyển giao, là tàn tích của thời quá vãng hơn là một biểu tượng của sức mạnh tuyên truyền. Nó đúng là công cụ một chiều: nói chẳng ai nghe.

Đó không chỉ là vấn đề của cái loa. Cả VTV và báo Nhân Dân cũng đang chịu chung một số phận. Độ phủ sóng vẫn cao, người xem vẫn đông, cơ mà tính hiệu quả tuyên truyền thì đi xuống rõ rệt. Với internet, người dân bắt đầu biết phản ứng với thông tin thay vì chấp nhận vô điều kiện.

Người ta chịu khó tìm các thông tin bên lề, đồn thổi hay chính thức, để mà ăn rau muống bàn chuyện chính trị. Người ta viết blog, share status để chia sẻ tin tức cho nhau. Người ta đang trong một cái mà ông Manuel Castells gọi là “mass-self communication,” tạm gọi là truyền thông đa quần chúng: cộng đồng tự kết nối, tạo ra, chia sẻ thông tin thay vì thông qua các kênh trung gian như báo chí trước đây.

Đó thực sự là một bước đại nhảy vọt. Kể từ thời thằng mõ cho đến anh tuyên huấn ở làng, tiếp nhận thông tin bao giờ cũng là từ trên xuống: quan phân phát và dân đen chỉ có việc nhận. Tình hình mới khiến cả hai bên bối rối: từ ông quan chỉ biết dẫn dắt đàn cừu ngoan ngoãn, cho đến đàn cừu xưa nay bị lùa đi thì bây giờ bỗng được ban cho quyền được phát biểu, được phê phán, được so sánh ông chăn cừu nhà mình với gã hàng xóm.

Tất nhiên cuộc nhảy vọt này chủ yếu là ở thành phố, còn đối với 70% dân số ở nông thôn thì cái loa vẫn là ái nữ. Thế nên nói trót dại, lỡ mà có chuyện gì như áo đỏ áo vàng ở bên Thái, thì lực lượng cách mạng bây giờ sẽ không phải là công-nông nữa, mà chính là dân thành thị. Điều đó là tất yếu: ai quản lý được thông tin thì sẽ quản lý được quần chúng. Không tin? Hãy nhìn sang thiên đường cách mạng của đồng chí Kim Jong-un thì biết.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét