Thứ Sáu, 29 tháng 5, 2015

Mặt trận làm ăn cẩu thả quá!

Phu Tạp Dịch VPQH

              


“Làm luật như vậy tôi thấy buồn, với tư cách ĐBQH, tôi xấu hổ, thấy mình có phần trách nhiệm trong việc ấn nút thông qua một điều luật chưa có hiệu lực đã bị cử tri phản ứng”, ĐB Trần Hoàng Ngân (TP.HCM) chia sẻ.ĐB Trần Hoàng Ngân thấy mình có phần trách nhiệm


Tại tổ Hà Nội, ĐB Bùi Thị An cũng bày tỏ: “Điều 60 là vì quyền lợi lâu dài của chúng ta nhưng nhìn bộ phận góc khuất, những người còn đang khó khăn, hay có khi sống không đủ 60 tuổi thì tôi trách tôi đầu tiên”.

Bà hoan nghênh cách lắng nghe của Chính phủ, cơ quan nhà nước, QH, trong quá trình làm có cái sai thì ta chỉnh. “Tôi tha thiết kiến nghị nên sửa để người lao động có cơ hội lựa chọn, ai chẳng bảo gạo nếp đắt hơn, ngon hơn, bổ hơn gạo tẻ. Nhưng nếu không ăn gạo nếp thì người ta có lựa chọn, thậm chí khoai cũng được”, bà An ví von.

ĐB Võ Thị Dung (TP.HCM) cho hay: “Tâm trạng của tôi khi thấy công nhân phản ứng điều 60 là xấu hổ, thấy mình có lỗi với cử tri”.
Theo bà Dung, bên cạnh việc sửa điều 60 thì QH phải nhận lỗi với người lao động. “QH cần cầu thị trong sửa đổi điều này, trong đó có cá nhân tôi đã biểu quyết thông qua theo quy trình biểu quyết, giờ thấy không phù hợp thì phải sửa và nhận lỗi”, bà Dung nhấn mạnh.

Lương hưu chưa tới 1 triệu làm sao sống

Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Quyết Tâm cho rằng việc Chính phủ tiếp thu cầu thị để sửa điều 60 là rất đáng hoan nghênh, QH nên ủng hộ. Tuy nhiên bà cho rằng nhiều ý kiến cho rằng công nhân TP.HCM phản ứng là do khâu tuyên truyền thì không hoàn toàn như vậy.

Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Quyết Tâm: Tín hiệu vui là người lao động biết bảo vệ quyền lợi của mình

Làm sao tổ chức công đoàn tuyên truyền được khi người người lao động chứng minh một công nhân lành nghề làm 18 năm, đóng thêm 21 tháng bảo hiểm tự nguyện để lãnh lương hưu 943.000 đồng/tháng. Họ nói với tôi với số tiền này họ có sống nổi không? Vì vậy họ chọn phương án nhận một lần để có một khoản tiền làm kinh doanh, trang trải cho cuộc sống dù biết rằng sau này không có lương hưu”, bà dẫn chứng.

Bà Tâm cho rằng nếu đổ cho tuyên truyền không tốt thì công nhân nghe càng buồn hơn và họ nói mình không nắm sát thực tiễn. Còn phản ứng của công nhân trước một điều luật không đúng nguyện vọng của họ như vậy là tín hiệu vui, vì người lao động biết bảo vệ quyền lợi của mình.

Cũng ở tổ TP.HCM, tán thành với việc sửa điều 60 cho công nhân được tự chọn nhận BHXH một lần hoặc để tích lũy nhận lương hưu, Phó chủ tịch thường trực Tổng LĐLĐ VN Trần Thanh Hải phân tích thêm lí do tại sao TP.HCM có phản ứng quyết liệt như vậy.

Phó chủ tịch thường trực Tổng LĐLĐ VN Trần Thanh Hải: Lương hưu chưa thành động lực

Ông cho biết nhiều DN rất khắc nghiệt với người lao động, 3 năm sa thải 1 lần, khiến một bộ phận người lao động phải dịch chuyển công việc. Vì vậy trong số 80% người lao động hưởng BHXH có đến 72% hưởng trợ cấp một lần. Thực tế người lao động muốn làm việc ổn định lâu dài nhưng không phải muốn là được.

Thêm vào đó, tình hình DN thành lập mới và khôi phục gần đây có nhiều nhưng số DN giải thể không phải là ít. Người lao động bị mất việc không dễ tìm được việc mới.

“Lương hưu chỉ được 943.000 đồng/tháng rõ ràng chưa thành động lực”, ông Hải nhấn mạnh.
Vì vậy theo ông, nếu điều 60 tốt đẹp cho người lao động thì tốt đẹp hơn nữa khi cho họ được linh động lựa chọn theo hoàn cảnh của mình.

Làm luật phải có tranh luận

Từ câu chuyện điều 60, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm đề nghị xem lại cách làm luật hiện nay.
“Cần xem lại cách lấy ý kiến trong xây dựng luật xem tính phổ quát và thực chất của việc lắng nghe dân đã tốt chưa? Cách lấy ý kiến, đưa ra để lắng nghe người bị tác động có sâu sát, có thực sự muốn nghe hay không? Nghe rồi, ghi nhận ý kiến nhưng tiếp thu cầu thị đã tốt chưa?”.

Bà cũng cho biết điều 60 trong quá trình lấy ý kiến không phải không có ý kiến phản ứng nhưng việc nghe rồi tiếp thu, điều chỉnh, sửa đổi đưa vào luật thì cần xem lại.

Ngoài ra, Chủ tịch HĐND TP.HCM cũng góp ý nên đặt ra việc tranh luận trong thảo luận. Thực tế không phải ĐB nào cũng am hiểu thực tiễn nên chính tranh luận trong thảo luận những vấn đề còn ý kiến khác nhau sẽ giúp ĐB có điều kiện lắng nghe giải thích của người khác.

“Đề nghị UBTVQH nên suy nghĩ và đổi mới mạnh hơn nữa cách thảo luận ở hội trường, mở không gian tranh luận nhiều hơn, tránh tình trạng viết một bài bắt đầu từ sự cần thiết sửa đổi… Nên đặt ra một vài nội dung để tranh luận rồi hãy biểu quyết. Chứ hiện nay có khi có điều luật còn tranh luận không đi biểu quyết lại đi biểu quyết điều khác là không nên”, bà Tâm lưu ý.

ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) cũng lưu ý kỹ thuật làm luật, có những vấn đề nên mở cho đối tượng chịu tác động chọn lựa chứ không nên áp đặt cứng nhắc.

Viện trưởng Viện nghiên cứu lập pháp Đinh Xuân Thảo (ĐB Hà Nội) cho rằng điều 60 cho QH nhiều bài học.
“Việc QH xem xét thông qua luật BHXH là đúng theo thủ tục, mục đích, không có gì sai cả, nhưng cần rút kinh nghiệm khâu lấy ý kiến của nhân dân, lấy ý kiến của các đối tượng chịu tác động. Bây giờ chưa làm tốt điều đó thì tốt nhất không sửa điều này, QH nên có nghị quyết vì luật này chưa có hiệu lực, có thể ra nghị quyết về lộ trình thực hiện”, ông Thảo nói.
‘Do tuyên truyền’
Trong khi đó, tại tổ Vĩnh Phúc, ĐB Hồ Thị Thủy cho rằng: “Hiếm có luật nào được tổ chức nhiều hội thảo, hội nghị, với sự tham gia của nhiều nhà khoa học như luật BHXH. Điều 60 đi đúng lòng dân, phù hợp với chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước. Vậy tại sao lại phải sửa?”.

ĐB tỉnh Nghệ An Phan Đình Trạc, Phó trưởng Ban Nội chính TƯ cũng phân tích: Điều 60 rất nhân văn, có tính nhân đạo cao. Phản ứng của một số người lao động vừa qua, chúng ta phải xem xét số lượng có đông không, ở ngành nghề nào, có phải là đa số lao động không?

Người lao động chưa hiểu là do chúng ta tuyên truyền chậm, chưa tốt. Có thể có kẻ xấu đứng sau kích động, cộng thêm tâm lý đám đông. Trong thời đại thông tin hiện nay, tâm lý đám đông cực kỳ nguy hiểm”- ông Trạc nêu.

Phó trưởng Ban Nội chính TƯ Phan Đình Trạc: Tâm lý đám đông cực kỳ nguy hiểm

Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Đặng Ngọc Tùng thì khẳng định: “Nên để cho anh em công nhân có sự lựa chọn. Cho họ tiếp tục giữ bảo lưu thời gian tham gia BHXH, có thể tiếp tục tham gia BHXH tự nguyện để về hưu, còn nếu sau 1-2 năm mà họ xin được công việc ở đơn vị khác, tiếp tục tham gia BHXH là điều tốt. Nếu họ có nhu cầu nhận BHXH một lần thì nên đáp ứng nguyện vọng của họ”.

Kết!

– Dạ cụ Tổng, hôm nay đã phát hiện các ĐBQH: Trần Hoàng Ngân, Bùi Thị An, Võ Thị Dung, Nguyễn Thị Quyết Tâm, Trần Thanh Hải, Trương Trọng Nghĩa có biểu hiện suy thoái. Các ĐB Hồ Thị Thủy, Phan Đình Trạc vẫn rất kiên định lập trường, chưa phai nhạt lý tưởng. Đại biểu Đinh Xuân Thảo, Đặng Ngọc Tùng có biểu hiện giao động, phải theo dõi thêm.

– Mặt trận làm ăn cẩu thả quá. Hết Đặng Thị Hoàng Yến, Châu Thị Thu Nga, bây giờ lại có hoàng loạt … thế này.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét