Thứ Sáu, 14 tháng 10, 2011

Về miền cao su

ĐÌNH THẮNG

Cập nhật ngày: 20/09/2011 08:43:10

Kỳ 1: Phận đời thợ cạo

Nhiều công ty, nhiều đại gia giàu lên nhờ cao su và cũng từ đó mà thu nhập của cánh “thợ cạo” có khá hơn ngày trước, nhưng phận đời những thợ cạo đêm vẫn vậy: Rủi ro, hiểm nguy ẩn hiện cùng ánh đèn trong màn đêm tĩnh mịch.


Theo chân thợ cạo...

Nửa đêm, khi mọi người đã đi sâu vào giấc ngủ, anh Lê Đắc Thành, ấp Bàu Càm, An Long (Phú Giáo) khẽ gọi tôi dậy. Cuộc hành trình cạo mủ đêm của chúng tôi bắt đầu. Lúc này, kim đồng hồ đã điểm 12 giờ đêm.

Trời lạnh, con đường nhỏ chạy dọc sông Co (địa danh thường gọi của ấp Bàu Càm) cứ nhấp nhô liên hồi. Ngồi phía sau, tay cầm 2 con dao cạo, 4 cây nhang muỗi mà răng tôi cứ đánh trống liên hồi, phần vì lạnh, phần vì bị xốc lên xốc xuống. Chạy được hơn 2km đường đất đỏ, chúng tôi đến lô cạo. Anh Thành nhanh chóng gắn đèn pin lên trán, đốt nhang muỗi gắn vào đỉnh nón... Chưa đầy một phút là mọi việc đã đâu vào đấy, một ngày làm việc của anh thợ cạo bắt đầu.




Cô công nhân Đỗ Thị Thúy Ngọc đang cạo mủ cho nhà bà Liễu tại phiên cạo đêm 29-7-2011. “Mỗi đêm đi cạo là một lần mang nỗi sợ” - lời của Ngọc

Giữa ánh đèn pin lúc tỏ, lúc mờ, anh Thành kéo từng đường sát ngay dưới chân miệng cạo cũ. Những nhát dao chẳng ước lượng, chẳng tính toán mà chính xác như được đo bằng máy. Cứ thế, chúng tôi đi hết cây nọ đến cây kia, hàng này qua hàng khác.

Giữa màn đêm tĩnh mịch của bầu trời An Long, có hai kẻ đang lặng lẽ trong cánh rừng bạt ngàn cao su. Anh Thành bắt đầu kể về những câu chuyện - những đêm đáng nhớ của một anh thợ cạo có tuổi nghề chưa đầy 3 năm: Một đêm cuối tháng 9 năm trước, khi đang say sưa cạo mủ giữa tiếng gió vi vu, tiếng lá bay xào xạc. Anh Thành chợt nhận ra tiếng động kỳ lạ, phì... phì... liếc mắt nhìn qua hướng có tiếng động kỳ lạ thì đó là một con rắn hổ mang “to đùng”, nó đang ngẩng cao đầu. Anh Thành kể: “Lúc đó toàn thân toát cả mồ hôi hột, người cứ cứng đơ như tượng. Cũng may, con rắn chỉ dữ dằn hù dọa một lúc rồi bỏ đi”.

Vừa theo chân anh thợ cạo, vừa nghe kể chuyện, tôi vấp phải gốc cây và ngã lăn quay ra lúc nào chẳng hay. Nhìn chàng phóng viên ngã chúi đầu, anh Thành cười: “Đó là chuyện như cơm bữa của dân cạo mủ”.

Những câu chuyện lại được tiếp tục, tuy không được tận mắt chứng kiến, nhưng qua lời kể chân chất của anh Thành, tôi hình dung được muôn vàn sự nguy hiểm đã và đang rập rình những người thợ cạo. Loài rắn, rết, bọ cạp... luôn nấp sẵn trong lô, chỉ cần công nhân không để ý là chúng “bụp” ngay.

Gần 3 giờ sáng, các đám lô kế bên bắt đầu le lói ánh đèn pin. Gần đám lô anh Thành đang cạo, có cô thợ cạo Đỗ Thị Thúy Ngọc, tuy mới chỉ 18 tuổi, nhưng đã có hơn 2 năm tuổi nghề. Nhỏ tuổi là vậy, nhưng hỏi khắp sông Co, ai cũng nói Ngọc là người cạo nhanh và đẹp nhất trong vùng. Theo chân cô công nhân có vóc người nhỏ bé này hơn 1 tiếng, mới biết lời đồn không sai. Những đường dao của Ngọc nhanh, chính xác và đẹp rõ thấy.

Khoảng 6 giờ sáng, khi hừng đông đã mấp mé cũng là lúc những miệng cạo cuối cùng được hoàn tất. Những người thợ cạo mang nắm cơm để sẵn trong cặp lồng ra ăn ngấu nghiến rồi giăng võng ra nằm chờ mủ chảy. Những dòng mủ trắng tinh khôi bắt đầu tuôn ra, chảy thành dòng xuống chén; phía bên kia, giấc ngủ muộn của người thợ cạo cũng bắt đầu.

Những câu chuyện về đêm...

Giữa màn đêm, dưới những cánh rừng cao su trải dài như bất tận ấy, rủi ro cuộc sống vẫn luôn rập rình những người thợ cạo. Để kiếm lấy đồng tiền từ những phiên cạo mướn, đã không ít người phải mang nỗi khiếp sợ suốt đời. Làm đời thợ cạo nghĩa là phải chịu thức đêm ngủ ngày, chấp nhận rủi ro và tai nạn nghề nghiệp. Dẫu biết rằng, giữa những đám lô ấy chẳng hề thiếu những hiểm nguy nhưng họ vẫn luôn gồng mình đi trong nỗi sợ hãi của màn đêm.

Tối 17-7-2011, anh thợ cạo Nguyễn Thanh Tâm, ở khu phố 3, thị trấn Phước Vĩnh (Phú Giáo) đang cạo trong đám rẫy Dù Long (Tân Lập, Phú Giáo) bị rắn Chàm Quạp lao đến cắn. Những tưởng, bị rắn cắn một lần là anh Tâm đã “tởn” đến già, nhưng vừa xuất viện là anh lại tiếp tục công việc của một anh thợ cạo. Giải thích cho cái lỳ của người hàng xóm, ông Huỳnh Văn Nam nói: “Trong năm 2011 này, nó bị rắn cắn đến 3 lần rồi, nhưng cứ hễ xuất viện về là nó lại bang vào lô cạo tiếp”. Biết là nguy hiểm, nhưng mỗi đêm, cứ độ 1 giờ sáng, anh Tâm vẫn phải một thân một mình chạy vào tận Dù Long cạo mủ mướn để lấy tiền về mua sữa cho con. Anh Tâm đùa: “Khó khăn quá nhưng phải liều mạng thôi”.

Nhẹ hơn anh Tâm một chút, nhưng cũng phải nhập viện điều trị. Đêm 27-7- 2011 vừa qua, trong lúc đang cạo mủ, ông Nguyễn Minh Trí, công nhân đội 1, Nông trường Cao su Lai Uyên, thuộc Công ty Cổ phần Cao su Phước Hòa bị một con bọ cạp cắn vào gáy cổ. Nằm tại Bệnh viện tỉnh Bình Dương đã 3 ngày, mặc dù sức khỏe chưa hồi phục hoàn toàn, nhưng ông Trí vẫn cố gắng xin bác sĩ điều trị ra về. Khi được hỏi lý do, ông Trí giải thích: “Phải về cạo chứ nghỉ cạo là mất điểm thi đua chú ạ”.

Đối với thợ cạo nữ mối đe dọa không chỉ đến từ những con côn trùng, bò sát. Đôi khi, tiếng cành cây rơi cũng đủ làm cho họ mất hết hồn vía. Đang đi cùng anh Thành, tôi tạt qua đám lô của cô thợ cạo nhỏ tuổi. Mặc dù đã chào hỏi từ xa, nhưng Ngọc vẫn rất sợ; phải giải thích một hồi, Ngọc mới cho tôi đến gần để nói chuyện. Nghe cô thợ cạo kể về những đêm đi cạo mủ mướn mà tôi không khỏi rùng mình: Một ngày cuối tháng 4-2010, Ngọc đang cạo mủ cho bà Năm Liễu, thì có 2 thanh niên say xỉn chạy xe đến gần chọc ghẹo, lúc này đã hơn 3 giờ sáng. Thấy lô kế bên có mấy người đang cạo, Ngọc tri hô lên vậy là hai tên “sở khanh” phóng xe chạy đi. Ngọc kể: “Lúc đó, người em cứ run lên bần bật, cũng may có mấy anh cạo ở gần đó nên tụi nó đã bỏ đi”.

Không bị rắn cắn thì bị trộm xe, cướp tài sản... Kể từ 5 năm trở lại đây, các nông trường nằm trên địa bàn Phú Giáo thường xuyên xảy ra tình trạng mất xe. Nhiều công nhân lúc đi cạo để xe ở giữa đám lô, đến khi cạo xong quay lại thì thấy xe đã không cánh mà bay mất. Một công nhân Nông trường Lai Uyên cho biết: “Ở nông trường chúng tôi, cứ mỗi tháng là có vài ba vụ mất trộm xe máy trong lô cạo”. 12 giờ đêm 28-12-2010, chị C.T.T, công nhân thuộc Nông trường Tân Hưng đang cạo mủ tại lô 18 thì có 2 thanh niên chạy xe máy đến gần, ngờ ngợ là kẻ cướp, nhưng lúc đó chẳng có ai ở gần để tri hô cả, chị T. đành phải tắt đèn pin, nằm rạp xuống đất để trốn. Chưa đầy 30 giây, 2 người thanh niên đó đã bẻ khóa và xách chiếc Wave Anpha của chị chạy mất tiêu. Chị T. kể: “Cũng may là nó chỉ lấy xe thôi”.

Giữa cánh rừng bạt ngàn cao su, ánh đèn pin chợt sáng, chợt tắt bao nhiêu lần thì phận người công nhân cạo mủ rập rình bấy nhiêu. Để mưu sinh, con người ta có không ít cách, nhưng họ vẫn chọn cái nghề thợ cạo. Bởi đó không chỉ là nghề, qua đó “chúng tôi được lớn lên từng ngày và nỗi sợ lại bé dần theo năm tháng”, anh Thành nói.

Tính trong năm 2011, trên toàn địa bàn tỉnh Bình Dương có hơn 50 vụ tai nạn liên quan đến cao su. Hầu hết các vụ tai nạn diễn ra trong lúc công nhân đang cạo, trút mủ trong lô. Các tai nạn thường gặp là: rắn, rết, bò cạp cắn; dao cạo đâm phải người, vấp ngã... Các vụ tai nạn thường xảy ra đối với thợ cạo mủ cho tư nhân nhiều hơn do thiếu trang bị bảo hộ lao động.

 Nguồn: Báo Bình Dương

1 nhận xét: