Thứ Tư, 30 tháng 11, 2011

Câu chuyện Xô Viết phần 1

X-cafe 

 Ngày 25 tháng 1 năm 2006, Hội đồng châu Âu đã thông qua Nghị quyết 1481 lên án chủ nghĩa cộng sản và coi những tội ác của chế độ cộng sản là tội ác chống lại loài người. Bản Nghị quyết đã tuyên bố rõ ràng rằng những tội ác của chế độ Cộng sản phải được mang ra xét xử như những tội ác khủng khiếp của Đức Quốc xã trước đây. Một trong những nỗ lực nhằm đưa ra ánh sáng những tội ác khủng khiếp của chủ nghĩa Cộng sản là bộ phim Câu chuyện Xô Viết (The Soviet Story) của đạo diễn Edvin Snore được công chiếu năm 2008.




Bộ phim Câu chuyện Xô Viết nhấn mạnh đến những mối liên hệ mật thiết của chủ nghĩa Cộng sản và chủ nghĩa Phát xít trong lịch sử bằng những bằng chứng khó chối cãi được. Giới phê bình tán dương công lao của đạo diễn người Latvia Edvin Snore, người đã bỏ ra 10 năm để xây dựng lên Câu chuyện Xô Viết. Những nạn nhân và nhân chứng Xô Viết đã tích cực tham gia trong bộ phim này để nói lên sự thật, những sự thật khủng khiếp mà họ đã từng trải qua cũng như chứng kiến dưới chế độ cộng sản. Và những di chứng do nó gây ra vẫn còn nhức nhối, âm ỉ tới hiện tại.

Qua việc khai thác những tài liệu mật quí giá trong các văn khố, những cuộc phỏng vấn các học giả, chính khách, nạn nhân và những người trong cuộc, đạo diễn Snore đã đem đến cho người xem một câu chuyện mà cho đến nay, lịch sử không biết hoặc không muốn nói đến: giết người hàng loạt đã là một phương cách quản lý xã hội trong chế độ Xô viết ở Nga. Bộ phim đã chỉ ra mối tương đồng của sự diệt chủng giữa học thuyết phát xít và cộng sản, một dựa trên cơ sở sinh học và một dựa trên xã hội học. Dù với học thuyết nào đi nữa, người xem cũng thấy tội ác của chủ nghĩa Marxist ở Nga đã không kém gì của Đức Quốc xã. Bộ phim đưa chúng ta qua các vụ thảm sát dưới chính quyền Liên Xô do Stalin cầm đầu đã xảy ra trước, trong và sau Chiến tranh Thế giới Thứ II: nạn đói ở Ukraine, vụ thảm sát ở Katyn, sự hợp tác chặt chẽ giữa lực lượng Phát xít SS và Cộng sản KGB, việc đày ải đại trà và những thí nghiệm y học ghê tởm trên các tù nhân còn sống ở các trại Gulag. Không chỉ dừng lại ở quá khứ, đạo diễn Snore còn cảnh báo cho khán giả hệ quả của học thuyết giết người hàng loạt đã và đang ảnh hưởng đến xã hội Nga hiện tại. Di sản Stalin đang thổi bùng ngọn lửa dân tộc cực đoan với nạn kỳ thị chủng tộc đang lan rộng không những trong xã hội mà còn trong cả giới cầm quyền Nga hiện nay.

Tuy nhiên cũng đã có không ít những chỉ trích gay gắt nhằm vào bộ phim trước khi nó ra mắt công chúng. Một chiến dịch tuyên truyền bôi nhọ bản thân đạo diễn cũng như bộ phim đã được tiến hành bởi giới báo chí truyền thông quốc doanh Nga. Đáng chú ý nhất là lời tuyên bố của nhà sử học Alexander Dyukov rằng ông muốn giết chết đạo diễn và thiêu rụi tòa đại sứ Latvia sau khi xem xong hai phần ba bộ phim. Những người theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan Nga đã tổ chức biểu tình ngoài tòa đại sứ Latvia ở Moscow và đốt hình nộm đạo diễn Edvin Snore để phản đối bộ phim này. Nhưng ngay cả người đứng đầu đám đông đó cũng không biết được mình đang chống lại cái gì, một bộ phim hay một quyển sách lên án chủ nghĩa cộng sản.

Chủ nghĩa cộng sản và tội ác của nó vẫn còn hiện diện trên thế giới này. Liều thuốc giải độc duy nhất cho nó chính là sự thật, những sự thật kinh hoàng mà không ít người cộng sản muốn né tránh, phủ nhận bằng mọi cách. Là một người trẻ Việt Nam, tôi chỉ có mong muốn rằng những người cộng sản Việt Nam đang lãnh đạo đất nước hiện nay hãy can đảm và đối diện với sự thật lịch sử của chủ nghĩa cộng sản một cách công minh và chính trực. Đồng thời tôi cũng hy vọng các bạn trẻ Việt Nam sẽ có một cái nhìn đúng đắn hơn về chủ nghĩa Cộng sản thông qua bộ phim này. Thông điệp của Câu chuyện Xô Viết không có gì khác ngoài việc đòi lại sự thật lịch sử và công lý cho những nạn nhân của chủ nghĩa cộng sản. 



____________________

Câu chuyện Xô Viết phần 1


 

Câu chuyện Xô Viết phần 8

Câu chuyện Xô Viết phần 7

Câu chuyện Xô Viết phần 6

Câu chuyện Xô Viết phần 5

Câu chuyện Xô Viết phần 4

Câu chuyện Xô Viết phần 3

Câu chuyện Xô Viết phần 2

Câu chuyện Xô Viết phần 1

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét