Thứ Sáu, 28 tháng 9, 2012
Đã khốn lại càng thêm khó, chỉ có những người khoác áo chính quyền là sướng!: Cuộc sống công nhân trong cơn bão giá:
"Trong chiến tranh CS luôn tuyên truyền công nhân , nông dân là giai cấp lãnh đạo để kêu gọi hy sinh xương máu nhiều nhất. Còn trong hòa bình thì chúng cướp đất ruộng, đẩy nông dân trôi vạt đến những thành phố lớn bán sức lao động rẻ mạt để kiếm cái ăn.
Ngày nào cộng sản còn cầm quyền, thì ngày đó quyền lợi của người lao động còn bị bốc lột, nông dân còn bị mất đất, và người dân sẽ không có tự do" ( THÀNH ĐÔ)
Đồng lương ít ỏi, cuộc sống của công nhân vốn dĩ đã khó khăn, thiếu thốn thì giờ lại thêm phần khó khăn, thiếu thốn bởi một loạt các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, rồi tiền nhà cứ thế theo giá gas, giá xăng dầu tăng theo, anh Phan Đức Kiên – công nhân một hiện đang làm việc ở Khu công nghiệp Khai Quang, Vĩnh Phúc nói.
Có lẽ chưa bao giờ khoản thu nhập ít ỏi của những người công nhân tại các Khu công nghiệp, Khu chế xuất lại phải chịu một áp lực ghê gớm như hiện nay.
Trong khi thu nhập chẳng tăng thì các khoản chi phí thường xuyên lại tăng. Hết giá gas lại đến giá xăng, rồi giá của một loạt mặt hàng tiêu dung thiết yếu cũng nối gót tăng theo, đấy là chưa kể đến giá phòng trọ và giá điện được dự báo sẽ tăng trong thời gian tới.
Công nhân chật vật với mối lo cơm – áo – gạo – tiền.
Vốn là chị lớn trong nhà nên ngay sau khi học xong cấp 3, Hằng đã phải xin vào làm việc tại một công ty may ở Khu công nghiệp Khai Quang. Đồng lương công nhân ít ỏi nhưng hàng tháng, Hằng vẫn phải chắt bóp, tiết kiệm hết sức có thể để có thể gửi về cho bố mẹ 1 triệu đồng để nuôi 2 đứa em trai ăn học.
Nhiều đồng nghiệp biết chuyện đều tỏ ra khá bất ngờ vì chẳng biết với khoản tiền lương chưa đầy 2 triệu đồng thì Hằng xoay sở thế nào để sống. Tiền nhà, tiền điện, tiền nước… ít nhất cũng mất tới 400 ngàn đồng.
Hằng cho biết, vì đồng lương hàng tháng vẫn thế mà giá nhiều mặt hàng tiêu dùng thiết yếu lại tăng nên để có thể duy trì khoản tiền gửi về phụ giúp bố mẹ, Hằng phải tìm mọi cách tiết kiệm các khoản chi phí hàng ngày.
Hằng bảo, trước kia, thi thoảng mấy chị em còn rủ nhau đi chợ mua cái này, mua cái kia, vui vui thì góp tiền lại mua cái gì đó ngon ngon một chút về liên hoan nhưng giờ thì chẳng ai nghĩ tới chuyện đó nữa. Thậm chí, trước kia, mấy chị em làm cùng thuê 3 phòng trọ để ở thì giờ mọi người bảo nhau, gom lại, chỉ thuê 2 phòng cho tiết kiệm.
“Mớ rau, miếng thịt giờ cũng tăng theo giá xăng dầu nên đi chợ cũng chỉ gọi là đi thôi chứ mua bán sơ sài lắm. Chỉ mớ rau, miếng đậu cho xong bữa thôi cũng mất tới 10 ngàn đồng rồi. Tính sơ sơ, 1 tháng cũng mất tới 300 ngàn đồng rồi nên đến chuyện dùng bếp gas để nấu nướng, bọn em cũng chẳng dám nghĩ tới nữa”, Hằng tâm sự.
Bên cạnh việc tìm mọi cách để tiết kiệm các khoản chi phí hàng ngày, Hằng và các bạn cùng phòng còn tranh thủ tìm việc làm thêm hoặc xin làm tăng ca. Nhiều khi làm việc về muộn quá nên chỉ kịp ăn gói mỳ tôm cho xong bữa rồi đi ngủ. Sáng hôm sau, vẫn chỉ gói mỳ tôm rồi đi làm.
Thanh, bạn cùng phòng của Hằng cho biết thêm, nhiều khi đi làm về muộn, sau hai ca làm việc mệt mỏi vô cùng, có khi chẳng muốn ăn gì, đành ôm cái bụng đói mà đi ngủ để sáng hôm sau còn dậy đi làm.
“Nhiều khi mệt mỏi vô cùng nhưng vẫn phải cố gắng. Số phận của mình nó đã khắc nghiệt thế rồi. Đã vậy, vừa hôm qua, bà chủ nhà cũng vừa thông báo, từ tháng sau, giá phòng trọ sẽ tăng thêm 100 ngàn đồng/tháng nữa. 100 ngàn với nhiều người có thể chẳng là gì nhưng với chúng tôi thì nó đồng nghĩa với việc sẽ phải cắt giảm chi phí thêm nữa, tiết kiệm hơn nữa”, Thanh buồn rầu chia sẻ.
Theo một khảo sát mới đây của Bộ Khoa học và Công nghệ, lao động trong các khu công nghiệp, khu kinh tế hiện đang gặp quá nhiều thiệt thòi, đặc biệt là về tiền lương, nhà ở, đời sống tinh thần. Trong khi đồng lương thì ít ỏi nhưng họ đã phải chi tới 55 – 62% thu nhập cho tiền ăn.
Còn theo ông Lê Tuyến Cử, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý các Khu kinh tế (Bộ Khoa học và Công nghệ) thì, thu nhập thực tế của đa số công nhân chưa đủ chi tiêu cho các nhu cầu cơ bản.
Giá cả hàng hóa thiết yếu tăng cao thì đời sống công nhân càng giảm sút. Trong khi doanh nghiệp luôn lấy mức lương tối thiểu Nhà nước quy định (chỉ bằng 60 – 70% nhu cầu sinh hoạt tối thiểu của người lao động) làm gốc tham chiếu trả lương công nhân. Thậm chí, một số doanh nghiệp còn xây dựng bảng lương cho công nhân đến 30 – 35 bậc, nhằm mỗi lần phải tăng lương chỉ mất thêm 10.000 – 20.000 đồng một bậc.
Cuộc sống của người công nhân là vậy, khó khăn chồng chất khó khăn. Và rồi không biết sắp tới giá phòng trọ cũng tăng thì họ sẽ sống thế nào. Lương không tăng nhưng giờ cái gì cũng “tát nước theo mưa” theo giá xăng dầu, giá gas mà đòi tăng giá. Cái gì tiết kiệm được thì họ đã tiết kiệm rồi, dân nghèo chỉ có nước là may miệng lại, khỏi ăn mới vừa lòng những người điều hành kinh tế hiện nay.
Thanh Ngọc
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét