Thứ Năm, 19 tháng 9, 2013

“Tre” chống cộng đã già, nhưng “măng” chống cộng đã mọc chưa

   Người Việt Thầm Lặng          


                                       


“Sinh, lão, bệnh, tử”, đó là quy luật sự sống. Trên đời, cái gì có sinh đều có tử, đã sống thì sẽ tới lúc phải chết. Nhưng chết không luôn luôn là hết, vì “tre già, măng mọc”. Sự sống có già nua và chết đi thì trước đó đã có nhiều mầm sống mới phát sinh để kế tục nó. Dòng sự sống nhờ thế mà liên tục tồn tại và phát triển cả về lượng lẫn về phẩm, không bị đứt đoạn hay ngừng lại.

Nơi thực vật và động vật, sự sống ở những thế hệ sau chỉ phát triển chủ yếu về số lượng, ít phát triển về phẩm chất, nếu có thì hết sức chậm như thuyết tiến hóa của Darwin chủ trương. Nhưng nơi con người, sự sống trong các thế hệ sau thường tiến bộ tương đối rất rõ rệt và nhanh chóng, ít khi bị thoái hóa. Chẳng hạn về văn minh, khoa học, kỹ thuật, về sự sung túc vật chất... mức độ của con người hiện nay cao hơn rất nhiều so với 50 năm về trước. Nhưng về tâm linh đạo đức thì nói chung, các thế hệ trước thường than phiền các thế hệ sau không được như mình.

Việc thế hệ sau có kế tục được thế hệ trước cách tốt đẹp không phần rất lớn là do thế hệ trước có chuẩn bị tốt đẹp cho thế hệ sau hay không. Nếu cha mẹ không đào tạo, giáo dục hay để lại cho con cái mình một gia sản nào, dù là tinh thần hay vật chất, thì thế hệ sau khó mà vượt cao hơn thế hệ trước. Thế hệ sau mà tốt đẹp hơn thế hệ trước thì đó là dấu hiệu tốt, giòng giống ấy có sự tiến hóa. Cổ nhân ta nói: “Con hơn cha, nhà có phúc”.



Khi chế độ cộng sản nhuộm đỏ toàn miền Bắc vào năm 1954, và toàn quốc năm 1975, biết bao người dân, kể cả những người đã liều chết bỏ nước ra đi tìm tự do, đã chống lại và quyết tâm lật đổ chế độ độc tài tàn ác này. Nhưng cho tới nay, sau 60 năm tại miền Bắc và gần 40 năm tại Miền Nam, chế độ phi nhân ấy vẫn tồn tại. Những người từng sống dưới những chế độ tự do trước đó và quyết tâm chống lại chế độ thì hầu hết đã vượt qua tuổi 50, đa số đã trên 60, và có thể khoảng một nửa đã trên 70. Nhiều người đã về bên kia thế giới. Những người dưới 50 mà chống lại chế độ cộng sản thường là do kế thừa tinh thần chống cộng của cha anh mình, hoặc do nhận ra bộ mặt thật gian trá, tham lam và tàn ác của chế độ mà trở nên người chống cộng. 
Vấn đề đặt ra hiện nay là những người chống cộng và quyết tâm lật đổ chế độ cộng sản có người kế thừa chưa? Tre đã già và dần dần mất đi nhưng măng có mọc để thay thế kịp thời không? Số lượng và phẩm chất của thế hệ chống cộng sau có bằng những thế hệ trước không? Hiện nay, số người Việt dưới 50 tuổi, dù ở trong hay ngoài nước, chiếm tuyệt đại đa số trên tổng số người Việt. Những người trẻ tuổi này có nối tiếp tinh thần đấu tranh chống độc tài của thế hệ trước mình hay không?
Ở trong nước, thập niên đầu sau khi cộng sản chiếm Miền Bắc (năm 1954) và Miền Nam (năm 1975) đều có những cuộc nổi dậy như tại Quỳnh Lưu với 20.000 nông dân ở Nghệ An (năm 1956), hay như các lực lượng Phục Quốc tại Miền Nam (sau 1975)… Tất cả những cuộc nổi dậy vào thập niên đầu ấy đều bị dập tắt một cách tàn bạo, có khi từ trong trứng nước. Sau đó là cả một thời gian dài, người dân dường như bị khuất phục bởi sự khủng bố tàn bạo của bộ máy toàn trị. Nhưng đến thập niên 1990, trong nước đã có hàng chục người dám lên tiếng công khai tố cáo những sai trái của chế độ như Hà Sỹ Phu, Hoàng Tiến, Lữ Phương, Phạm Thái Thụy, Nguyễn Ngọc Tần, Chân Tín, Nguyễn Ngọc Lan, v.v... Vào thập niên 2000, với sự ra đời của Khối 8406, số người đấu tranh công khai với những hoạt động tích cực lên đến 70-80 người. Và đến nay, thập niên 2010, số người đấu tranh công khai, gồm các blogger, các nhà trí thức, giới sinh viên học sinh, các đảng viên cộng sản đã bỏ đảng… lên đến hàng mấy trăm người.

Trong nước, những hạt giống đấu tranh vào thập niên 1990 đã sinh hoa kết trái, nẩy sinh lên hàng ngàn người kế tục. Những nhà đấu tranh thế hệ trước hiện đã già yếu, thời đấu tranh mạnh mẽ sẵn sàng ra tù vào khám của họ đã qua rồi, không còn nữa. Nhưng chắc chắn họ sẽ rất thỏa lòng khi nhìn thấy việc đấu tranh của họ, tuy chưa lật đổ được chế độ cộng sản, nhưng đã có những thế hệ nối tiếp họ thực hiện đại cuộc ấy. Như chúng ta đã thấy, cuộc đấu tranh của những thế hệ sau rất khởi sắc với những cuộc biểu tình rầm rộ tại Hà Nội, Sàigòn, Huế, những thông tin về đấu tranh hay về những tội ác cộng sản được loan đi hết sức nhanh chóng với những video clip trên các website hay những bài trả lời phỏng vấn trên các đài truyền thanh truyền hình hải ngoại… Dân tộc Việt còn nở mày nở mặt với thế giới nhờ những phụ nữ hết sức dũng cảm như Phương Uyên, Đỗ Thị Minh Hạnh, Huỳnh Thục Vy, Nguyễn Hoàng Vi, Bùi Thị Minh Hằng, Phạm Thanh Nghiên, Lê Thị Công Nhân, v.v... trong đó có những thanh thiếu nữ rất trẻ tuổi... Câu “Tre già măng mọc” đang hiện thực trong hàng ngũ đấu tranh dân chủ trong nước.

Còn cuộc đấu tranh của đồng bào ngoài nước, dường như “tre” đã già mà “măng” chưa mọc hay mọc còn quá ít. Cuộc đấu tranh chống cộng những thập niên đầu sau 1975 tại hải ngoại nổi lên rất mạnh mẽ. Nhiều nhà đấu tranh rất can đảm đã về tận trong nước để hoạt động. Nhiều người đã bị kết án tử hình như Trần Văn Bá, Mai Văn Hạnh, Lê Quốc Quân, Huỳnh Vĩnh Sanh, Hồ Thái Bạch… 

Nhiều người đã bị tù, nếu không nhờ sự can thiệp của quốc tế thì có thể đã bị tù mọt gông hàng chục năm. Có những tổ chức đã lập chiến khu ở Thái Lan, Lào, Căm-Bốt để chuẩn bị xâm nhập tấn công chế độ độc tài. Điều đó cho thấy đồng bào bên ngoài không thiếu những anh hùng dân tộc, cũng rất can đảm và bất khuất.

Cái khí thế đấu tranh ban đầu ấy theo thời gian dường như giảm dần, số người tham gia đấu tranh ngày càng ít đi. Một số người bỏ cuộc vì nản lòng khi thấy tình trạng chia rẽ và đánh phá lẫn nhau cứ tiếp tục tái diễn và gia tăng. Không ít người bỏ cuộc vì chính họ là nạn nhân của những đánh phá ấy. Một số khác bỏ cuộc vì không đủ kiên nhẫn do tâm lý “quỳ lâu, chầu mỏi”, tranh đấu mãi mà chưa thấy được “ánh sáng cuối đường hầm”. Khá nhiều người bỏ cuộc vì già yếu, bệnh tật, hoặc vì phải về xum họp với tổ tiên ông bà trên thiên giới.

“Tre già” mà “măng chưa mọc”. Nhiều bạn trẻ ban đầu tham gia đấu tranh rất hăng hái với tất cả nhiệt tình và lòng yêu nước. Nhưng khi cùng làm việc với những thế hệ trước thì họ cảm thấy không phù hợp, không thoải mái. Họ cảm thấy vô cùng nản chí khi tận mắt thấy những bậc cha anh đánh phá lẫn nhau chỉ vì quan điểm hay ý kiến khác biệt, không có khả năng giải quyết những mâu thuẫn, xung đột cách ôn hòa và tốt đẹp. Ý kiến của giới trẻ thường không được tôn trọng, bản thân họ nhiều lúc bị coi như “con nít”, bị cho rằng “không hiểu gì về cộng sản cả”… thậm chí còn bị chụp mũ là cộng sản, hay thân cộng. Sự khác biệt về tâm thức giữa hai thế hệ già và trẻ tạo nên những xung đột mà phần thua thiệt luôn luôn nghiêng về phía thế hệ trẻ. 

Những thế hệ trước dường như không dám trao quyền cho các thế hệ trẻ, không tạo điều kiện cho giới trẻ thi thố tài năng và sáng kiến trong công cuộc đấu tranh. Thế hệ trước thường coi những tư tưởng hay sáng kiến nào của thế hệ sau khác với ý của mình thì đều là dở, là dại dột. Cuối cùng thì những người trẻ không còn hứng thú, ngay cả không còn chỗ đứng trong cuộc đấu tranh chống cộng nữa… và họ đành buồn bã “rút lui có trật tự”. Đó là cách hành xử khiến “măng” mọc không nổi.

Muốn thế hệ sau tiếp nối lý tưởng và công cuộc đấu tranh của mình, thiết tưởng chúng ta nên bắt chước các vua đời Lý, Trần… Vào khoảng 40 tuổi, nhà vua bắt đầu nhường ngôi cho thái tử để tạo điều kiện cho con mình tập làm vua dưới sự chỉ bảo của mình khi mình còn thời gian, còn sức khỏe và còn đủ minh mẫn sáng suốt để hướng dẫn cho tốt. Trong nước, cùng lúc có hai vua: vua cha (hay “thái thượng hoàng”) và vua con (vua đương quyền). Nhờ vậy mà các vua hai đời Lý, Trần đa số là những vị minh quân, đem lại sự cường thịnh và hạnh phúc cho toàn dân.

Muốn thế hệ sau tiếp nối được tinh thần và khả năng đấu tranh chống độc tài cộng sản của thế hệ trước, thì thế hệ trước phải tạo điều kiện cho thế hệ sau tiếp nối ngay khi mình còn đủ sức khỏe và trí óc còn minh mẫn. Nghĩa là phải trao quyền lãnh đạo cho giới trẻ để họ có thể lãnh đạo dưới sự hướng dẫn, chỉ bảo, truyền thụ kinh nghiệm lãnh đạo của mình. Khi có người trẻ đứng ra lãnh đạo thì cuộc đấu tranh mới hấp dẫn hay lôi cuốn được giới trẻ tham gia. Nếu thế hệ trước cứ nắm quyền cho tới lúc không còn khả năng nắm quyền được nữa mới chịu nhường quyền cho thế hệ sau, thì thế hệ sau sẽ từ chối vì sợ không đảm trách được do không hề được chuẩn bị trước. 

Gương đời Lý Trần đã có kết quả rất tốt, tại sao chúng ta không noi theo? Lý do gì khiến chúng ta không noi gương ấy được? 

Nếu chúng ta nói quyết tâm chống cộng, tuyên bố đòi lật đổ chế độ cộng sản với bất cứ giá nào, nhưng trong thực tế nếu chúng ta không sẵn sàng trả giá cho những điều kiện để thành công như đoàn kết để có sức mạnh, hay hòa hợp với giới trẻ để có những thế hệ nối tiếp đấu tranh, v.v... thì sự quyết tâm hay những tuyên bố ấy chỉ là những lời nói xuông, không có hành động bảo chứng.

Hiện nay, cuộc đấu tranh ở bên ngoài dường như chỉ dừng lại ở một số những hoạt động như biểu tình, vận động chính giới một cách rời rạc, làm những thỉnh nguyện thư để mời thật nhiều người ký… Những hoạt động ấy đã có những kết quả tốt đẹp như ngăn chặn những biểu hiện bên ngoài của CSVN tại hải ngoại, cờ máu của CSVN không được công khai xuất hiện trong các nước tự do, các quan chức CSVN ra hải ngoại phải nhục nhã đi cửa hậu mà vào các cơ quan công quyền, ngăn chặn được khá hữu hiệu sự xâm nhập của cộng sản vào các cộng đồng người Việt hải ngoại… Nhưng để lật đổ được chế độ thì những hoạt động ấy… phải nói rằng không mấy tác dụng.

Về lực lượng thì những người tham gia đấu tranh hầu hết và chủ yếu là những người trên 50 tuổi… Các đảng phái hay các tổ chức đấu tranh bên ngoài không lôi cuốn được giới trẻ tham gia. Nhiều vị lãnh tụ dù rất lớn tuổi nhưng vẫn không kiếm được người trẻ tuổi nào có thể kế nhiệm mình, nên lại nhường quyền cho một người lớn tuổi khác. Đây quả là một điều rất đáng lo ngại cho tương lai cuộc đấu tranh tại hải ngoại.

Rất nhiều người chống cộng ở hải ngoại tuyên bố quyết liệt là phải lật đổ chế độ cộng sản, ai không tuyên bố như thế thì dễ bị chụp mũ là thiên cộng, là chống cộng cuội, là tay sai cộng sản... Nhưng câu hỏi cần phải đặt ra là: Phải lật đổ cộng sản bằng phương cách nào đây? Lấy gì để mà lật đổ chúng đây? Làm sao lật đổ chế độ ấy khi những việc tối cần phải làm để có thể thực hiện điều ấy thì chẳng mấy ai màng tới, như phải làm sao để khi mình già yếu hay qua đi thì phải có thế hệ sau nối tiếp cuộc đấu tranh này, hay phải liên kết những người cùng chống cộng lại với nhau để có sức mạnh, hay phải ngừng lại tất cả những cuộc đánh phá lẫn nhau để tránh chia rẽ, v.v... 

Việc tố cáo tội ác cộng sản, chửi cộng sản trên các phương tiện truyền thông, biểu tình rầm rộ trước các đại sứ quán hay lãnh sự quán của cộng sản, vận động để các thỉnh nguyện thư có hàng ngàn người ký, vận động chính giới quốc tế áp lực cộng sản, v.v... là những hoạt động đấu tranh rất cần thiết. Nhưng việc đầu tư tinh thần và khả năng chống cộng cho thế hệ kế tiếp là điều rất thực tế và cần thiết hơn rất nhiều. Không có những thế hệ sau tiếp tục cuộc đấu tranh này thì những hoạt động đấu tranh cần thiết trên sẽ không còn người thực hiện. Không quan tâm tới sự kế tục này thì không phải là người chống cộng có tầm nhìn về tương lai!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét